Việt Nam cần thích nghi thế nào trong thập niên thứ nhì của Thế Kỷ Châu Á?

Cac Bai Khac

No sub-categories

Việt Nam cần thích nghi thế nào trong thập niên thứ nhì của Thế Kỷ Châu Á?

Liên minh Mỹ-Úc-Nhật trong bối cảnh mới tại Châu Á-Ấn Độ-Thái Bình Dương: Tổng thống Obama, Thủ tướng Tony Abbott và Thủ tướng Shinzo Abe bên lề Hội Nghị G 20, Brisbane, ngày 15-16.11.2014

Ls Lưu Tường Quang, AO – Sydney, Australia 

Quan hệ song hành giữa chính phủ với chính phủ và đảng với đảng là tàn dư của một thời đã qua. Trong những năm trước và sau Thế Chiến thứ Hai, quan hệ giữa đảng với đảng có thể hữu ích, khi một đảng cùng ý thức hệ chưa nắm được chính quyền. Trong thời kỳ chiến tranh lạnh, quan hệ giữa đảng với đảng trong khối cộng sản là keo sơn để Liên Xô củng cố quyền lãnh đạo, và để Trung Quốc tìm hậu thuẫn thách đố quyền lãnh đạo ấy khi có xung đột giữa Bắc Kinh và Moscow.

Kể từ khi Bức Tường Bá Linh sụp đổ cách đây 25 năm, số nước cộng sản còn tồn tại chỉ như bàn tay năm ngón. Đấy là chưa kể chế độ cộng sản hình thức mà trong bản chất chỉ là chế độ độc tài độc đảng như Trung Quốc tư bản đỏ và Việt Nam với nền “kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa”. Cả thế giới còn lại, hầu hết chỉ có quan hệ giữa chính phủ với chính phủ trong bang giao quốc tế.

Trong vấn đề Giàn khoan HD 981 hồi giữa năm 2014, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu tiếp xúc nhưng Tổng bí thư Tập Cận Bình làm ngơ. Các chuyến đi qua lại của sứ giả Dương Khiết Trì và Lê Hồng Anh sau đó chỉ nhằm áp đặt và chấp nhận việc “khôi phục” một quan hệ được coi là bất bình đẳng. Vậy thì quan hệ song hành giữa hai Đảng Cộng Sản Trung Quốc và Việt Nam phục vụ quyền lợi của ai?

Trong thế giới đa cực ngày nay, một nước nhỏ trung thành với một nước lớn để “bảo vệ xã hội chủ nghĩa”, trói buộc mình vào một quan hệ đặc biệt 16 chữ vàng và tự cô lập về mặt an ninh quốc phòng, thì chính sách “Ba Không” phục vụ quyền lợi của ai?

Từ hai câu hỏi trên, chúng ta có thể đặt vấn đề: Khi tầm nhìn chiến lược mới đang thành hình trong khu vực vì yếu tố Trung Quốc, Việt Nam cần thích nghi thế nào trong thập niên thứ nhì của Thế Kỷ Châu Á? 

Bước vào ngưỡng cửa năm 2015 với những chỉ dấu đang phát hiện, chúng ta thử hình dung một thế giới đa cực mà vùng Châu Á-Ấn Độ-Thái Bình Dương nói chung và Biển Đông nói riêng, sẽ nhìn thấy sự thách đố, cạnh tranh và hợp tác giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc trở nên quyết liệt hơn,  phức tạp hơn, và bàn cờ chiến lược có thêm hai tác nhân mới: Liên Bang Nga trở lại khu vực với hi vọng khôi phục thời kỳ huy hoàng cũ, và Ấn Độ đẩy mạnh hơn chính sách Hướng Đông trong nỗ lực mới nhằm cải thiện tư thế cường quốc toàn vùng, chớ không chỉ là một cường quốc Ấn Độ Dương.

Về mặt nhân sự lãnh đạo trong bối cảnh phức tạp này, chúng ta có một vài ẩn số bất định và một vài tác nhân không thay đổi.

Vài Ẩn Số và Tác Nhân Tại Vị

Trừ phi có những biến đổi bất thường, Ông Tập Cận Bình sẽ tiếp tục cầm quyền tại Trung Quốc, đại cường độc tài cộng sản đang trỗi dậy kinh tế và quân sự, và Ông Vladimir Putin, tại Liên Bang Nga, một siêu cường độc tài cộng sản trong thời kỳ chiến tranh lạnh đang được khôi phục vị thế như là một cường quốc độc tài.

Ông Tập Cận Bình / Xi Jinping (sinh năm 1953) được bầu làm Tổng Bí Thư trong Đại hội 18 của Đảng Cộng sản Trung Quốc hồi tháng 12 năm 2012. Ông trở thành Chủ tịch Nhà nước hồi tháng 3 năm 2013 và nắm giữ chức vụ then chốt Chủ tịch Quân ủy Trung ương. Nhân vật thứ nhì tại Bắc Kinh là Thủ tướng Lý Khắc Cường / Li keqiang (sinh năm 1955). Tập Cận Bình và Lý Khắc Cường hầu như sẽ được bầu lại vào chức vụ đương nhiệm trong Đại hội Đảng thứ 19 dự trù được tổ chức vào năm 2017. Trọn thời gian 2 nhiệm kỳ, họ sẽ lãnh đạo Trung Quốc trong 10 năm cho đến 2022.

Tổng thống Vladimir Putin (sinh năm 1952) bắt đầu nhiệm kỳ 6 năm kể từ 2012. Trước đó, ông đã từng làm tổng thống 2 nhiệm kỳ từ 2000 đến 2008. Do giới hạn của hiến pháp lúc bấy giờ, ông đã không thể tiếp tục nhiệm kỳ thứ 3, nên tạm thời làm thủ tướng, để tái tranh cử tổng thống với nhiệm kỳ 6 năm, sau khi ông đã thay đổi được hiến pháp. Nếu phục vụ 2 nhiệm kỳ lần này, Putin sẽ cai trị Liên Bang Nga cho đến năm 2024.

Yếu tố bất định là các cường quốc dân chủ như Hoa Kỳ, Ấn Độ và Nhật Bản, tuy rằng Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam cũng chia sẻ ẩn số nầy.

Khác với Trung Quốc, Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam ít khi chuẩn bị công khai người kế nhiệm. Tại Bắc Kinh, Phó Chủ tịch Tập Cận Bình đã được coi là người kế nhiệm Chủ tịch kiêm Tổng Bí thư Hồ Cẩm Đào, lúc ông được bổ nhiệm làm Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương khoảng 2 năm tiền đại hội.

Trái lại ở Việt Nam, chỉ còn 2 năm nữa là Đại hội Đảng kỳ thứ 12 dự trù được tổ chức vào năm 2016 mà không ai trong nhóm quyền lực Bộ Chính Trị 16 người được coi là kế nhiệm Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (sinh năm 1944), Chủ tịch nước Trương Tấn Sang (sinh năm1949), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (sinh năm 1949), và Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng (sinh năm 1946). Đảng có điều lệ qui định thành viên nghỉ hưu ở tuổi 65, nhưng không phải lúc nào cũng áp dụng. Hồi năm 2011, ông Nguyễn Phú Trọng đắc cử Tổng bí thư và Ông Nguyễn Sinh Hùng, Chủ tịch Quốc hội, lúc đã ngoài tuổi 65.

Không kể bốn nhân vật chóp bu mà một hoặc hai có thể được lưu nhiệm hoặc được cử chức vụ khác trong Bộ Chính Trị, những thành viên sau đây sẽ ngoài 65 tuổi vào năm 2016: Tô Huy Rứa (1947), Ngô Văn Dụ (1947), Lê Hồng Anh (1949), Phùng Quang Thanh (1949), Phạm Quang Nghị (1949) và Lê Thanh Hải (1950). Những người trẻ hơn gồm: Nguyễn Thiện Nhân (1953), Đinh Thế Huynh (1953), Nguyễn Thị Kim Ngân (1954), Tòng Thị Phóng (1954), Nguyễn Xuân Phúc (1954) và Trần Đại Quang (1956).

Nếu áp dụng đúng điều lệ về tuổi tác, Bộ Chính trị sẽ phải có 9 hoặc 10 thành viên mới, nhưng biết đâu điều bất ngờ lại xảy ra trong hậu trường chinh trị Việt Nam trong năm 2016. Người ta chú ý đến một cuộc bỏ phiếu tín nhiệm tại Quốc hội ngày 15.11.2014 mà kết quả cho thấy ông Nguyễn Tấn Dũng đã gia tăng số phiếu đáng kể (320/480 tức là gần 65% tín nhiệm), so với số phiếu tín nhiệm rất thấp hồi năm trước.

Trong số các nước lớn dân chủ, Nhật Bản là quốc gia khó dự đoán hơn cả, vì chính phủ tại Tokyo ít khi tồn tại hơn 5 năm, ngay cả khi Đảng Tự do Dân chủ (Liberal Democratic Party – LDP) tiếp tục cầm quyền. LDP là thế lực chính trị bảo thủ, cầm quyền gần như liên tục tại Nhật Bản trên 5 thập niên kể từ khi được thành lập hồi năm 1955. Thủ tướng Shinzo Abe (sinh năm 1954) là lãnh tụ thiên hữu của đảng chính trị bảo thủ này từ cuối năm 2012. Ông đã từng làm thủ tướng trong một thời gian ngắn hồi năm 2006-07.

Cũng là một chính trị gia thiên hữu và có tầm nhìn địa lý chính trị khu vực không khác nhiều với Ông Shinzo Abe là Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi (sinh năm 1950) của Đảng BJP (Bharatiya Janata Party). Đảng BJP, cũng là một thế lực chính trị bảo thủ mà Ông Modi là lãnh tụ, đã đánh bại Đảng Quốc đại (Congress Party có khuynh hướng trung-tả) với một đa số rõ rệt trong cuộc bầu cử quốc hội tháng 5 năm 2014.  Nếu Ông Modi phục vụ hai nhiệm kỳ quốc hội tối đa 10 năm, thì ông sẽ là đối tác trên chính trường quốc tế với Ông Tập Cận Bình và Ông Putin cho đến đầu thập niên 2020.

Tại Mỹ, Tổng thống Barack Obama đang bước vào 2 năm cuối của nhiệm kỳ thứ nhì. Vì không thể tranh cử vào năm 2016, nên chẳng mấy chốc Ông Obama sẽ bị coi là “lame duck” trên chính trường quốc nội và quốc tế. Kiểm soát được cả Hạ Viện và Thượng Viện Mỹ sau cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ hồi đầu tháng 11 năm 2014, Đảng Cộng hòa sẽ tạo thêm nhiều khó khăn cho Tổng thống Obama thuộc Đảng Dân chủ.

Tiến trình bầu cử tổng thống Mỹ kéo dài khá lâu và người ta không thể biết được trong năm 2015 ai sẽ làm ứng cử viên Đảng Cộng hòa và Đảng Dân chủ vào tháng 11 năm 2016 để tranh nhau quyền kế vị Ông Obama. Nhìn từ động thái của chính phủ Tony Abbott tại Australia, ứng cử viên có thể là cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton (sinh năm 1947) đại diện Đảng Dân chủ và Ông Jeb Bush (sinh năm 1953), cựu Thống đốc Đảng Cộng hòa tại Tiểu Bang Florida. Ông Jeb Bush là em của cựu Tổng thống George W Bush và con của cựu Tổng thống George H Bush.

Ông Jeb Bush chưa trình bày rõ quan điểm về Châu Á-Ấn Độ-Thái Bình Dương, nhưng Bà Hillary Clinton là chính trị gia Mỹ có quan tâm nhiều về khu vực này và ủng hộ mạnh mẽ chiến lược tái định vị (pivot or rebalance) và Hiệp định Hợp tác xuyên Thái Bình Dương (Trans Pacific Partnership – TPP) của Tổng Thống Obama. Nếu được chọn làm ứng cử viên và chiến thắng 2 nhiệm kỳ tổng thống, một trong hai chính trị gia này sẽ đương đầu với ông Tập Cận Bình và ông Putin trong 8 năm cho đến 2024. 

Chiến Lược và Chính sách: Thông Điệp mâu thuẫn của Bắc Kinh 

Nhìn chung, yếu tố Trung Quốc là điểm nổi bật chi phối hầu hết các sinh hoạt an ninh quốc phòng và kinh tế thương mại khu vực trên căn bản song phương và đa phương, kể cả trong vấn đề tranh chấp tại Biển Hoa Đông (East China Sea) giữa Tokyo và Bắc Kinh, và Biển Đông còn được gọi là Biển Hoa Nam (South China Sea) giữa Trung Quốc, Đài Loan, Việt Nam, Philippines, Brunei, Malaysia và một phần nào đó, Indonesia.

Tuy đây là vấn đề tồn đọng từ cả mấy chục năm nay, chính sách căn bản của các nước lớn, nhỏ trực tiếp hoặc gián tiếp có tranh chấp được xác nhận lại, hoặc được công bố, hay thảo luận tại ba hội nghị thượng đỉnh quan trọng trong tháng 11 năm 2014: Đó là Diễn đàn Kinh tế Châu Á Thái Bình Dương (APEC) tại Bắc Kinh, Đông Á tại Nay Pyi Taw, Miến Điện / Myanmar và G 20 tại Brisbane, Australia.

Tất cả tác nhân chính yếu đều có mặt tại ba diễn đàn này, ngoại trừ Thủ tướng Modi không tham dự APEC, một phần vì Ấn Độ chưa phải là thành viên. Ông Trương Tấn Sang có mặt tại Hội nghị APEC (và TPP bên lề Hội nghị APEC) và ông Nguyễn Tấn Dũng, Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á. Việt Nam không phải là thành viên và không được mời tham dự Hội nghị G 20.

Với tư cách chủ nhà, ông Tập Cận Bình đã tận dụng mọi cơ hội trước và trong Hội nghị APEC để cải thiện vai trò lãnh đạo của Trung Quốc, bằng cách công bố, phát động sáng kiến mới như Ngân hàng Đầu tư Hạ tầng Châu Á (AIIB) và khởi động nghiên cứu Vùng Tự do mậu dịch toàn châu Á Thái Bình Dương (FTAAP). Nếu thành công, đây có thể là hai cấu trúc mới hữu ích, nhưng Trung Quốc đâu phải là công dân thế giới vô vị lợi.

Tất nhiên Châu Á cần đầu tư để phát triển hạ tầng cơ sở, nhưng Ngân hàng AIIB tại Thượng Hải sẽ cạnh tranh với Ngân hàng Thế giới (The World Bank) tại Washington DC do Mỹ lãnh đạo và Ngân hàng Phát triển Á châu (ADB) tại Manila do Nhật Bản điều hành. Vùng tự do mậu dịch FTAAP được 21 nền kinh tế thành viên APEC ủng hộ nhưng người ta chưa biết rõ cấu trúc mới này, nếu được thành lập, sẽ vận hành như thế nào bên cạnh TPP do Mỹ lãnh đạo và Đối tác Toàn diện Kinh tế Khu vực (Regional Comprehensive Economic Partnership – RCEP) do chính Trung Quốc triệu tập tại Hội nghi thượng đỉnh Đông Á ở Phnom Penh, Cambodia, hồi cuối năm 2012.

Mặt khác cũng với đặc quyền của nước chủ nhà, ông Tập Cận Bình loại bỏ ra khỏi nghị trình vấn đề tranh chấp tại Biển Hoa Đông và Biển Đông. Những năm trước đây, hai vấn đề này thường được thảo luận tại Hội nghị APEC, mặc dầu có sự chống đối của ông Hồ Cẩm Đào, hoặc Thủ tướng Ôn Gia Bảo.

Quan sát các động thái của Trung Quốc tại ba hội nghị thượng đỉnh, người ta không thể không thấy sự xoay chiều chiến lược khá rõ rệt. Ông Tập Cận Bình tại APEC và  G 20 – và Ông Lý Khắc Cường tại Miến Điện – đều đóng vai chính khách hoà bình, cổ xúy một nước Trung Hoa trỗi dậy hoà bình đem lại phúc lợi cho dân tộc Trung Hoa yêu chuộng hoà bình, như được thể hiện trong “Giấc Mơ Trung Quốc” mà ông Tập Cận Bình đã nhiều lần nhắc nhở. Trong chuyến công du cấp nhà nước tại Australia sau Hội nghị G 20, ông Tập Cậ́n Bình còn xác quyết rằng “Trung Quốc sẽ không sử dụng võ lực để giải quyết tranh chấp”. Tại Hội nghị Đông Á, Ông Lý Khắc Cường cũng nói rằng Trung Quốc sẵn sàng ký kết một hiệp ước thân hữu với mười thành viên Asean.

Thế nhưng trong thực tế, Bắc Kinh đã đơn phương áp đặt vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) tại Biển Hoa Đông hồi tháng 11 năm 2013 và sẵn sàng sử dụng không quân và hải quân để xác quyết chủ quyền Đảo Điếu Ngư mà Nhật Bản quản trị với tên gọi là Đảo Senkaku. Tại Biển Đông, Trung Quốc chưa hề tuyên bố từ bỏ ý định thiết lập một vùng nhận dạng phòng không tương tự.

Tại Biển Đông, Bắc Kinh cũng không hoặc chưa cần sử dụng võ lực, sau khi đã quân sự hóa đội tàu hải giám, kiểm ngư và hải cảnh theo phương thức “chiến hạm vỏ trắng”.

Điều này đã hiển nhiên khi Bắc Kinh phô trương lực lượng để uy hiếp Việt Nam và bảo vệ Giàn khoan HD 981 được hạ đặt phi pháp trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) Việt Nam từ đầu tháng 5 đến giữa tháng 7 năm 2014.

Bắc Kinh còn sử dụng sức mạnh kỹ thuật và nguồn tài nguyên lớn lao tạo lập nhiều đảo nhân tạo, chẳng hạn như tại Đá Gạc Ma (Johnson South Reef) , Đá Chữ Thập (Fiery Cross Reef), Đá Châu Viên (Cuateron Reef), ̣Đá Ga Ven và Đá Lạc (Gaven Reefs) thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Tại Đảo Phú Lâm (Woody Island) thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam và tại Đá Gạc Ma và Đá Chữ Thập, Bắc Kinh còn xây dựng sân bay mà Không quân Trung Quốc có thể sử dụng trong tương lai. Đây là mối đe dọa quân sự không những đối với Việt Nam, Philippines mà còn đối với nền an ninh của Australia và các nước khác chung quanh Biển Đông.

Một khái niệm an ninh được manh nha khi ông Tập Cận Bình bắt đầu nhiệm kỳ lãnh đạo và được ông diễn đạt nhiều lần và mỗi lần một rõ hơn bên lề Hội nghị APEC. Đó là “người Á Châu phải trách nhiệm cho nền an ninh Châu Á”. Thật ra, đây là mật khẩu cho một sách lược có lẽ đã được Trung Quốc chuẩn bị từ lâu và thực hiện khi thời cơ thuận lợi. Chiêu bài này biểu lộ tham vọng bá quyền của Bắc Kinh. Ông Đặng Tiểu Bình bắt đầu kế hoạch canh tân Trung Quốc hồi năm 1978 với một cung cách thích hợp khi chưa đủ mạnh là Trung Quốc phải che đậy “hào quang”. Ngày nay, Trung Quốc là cường quốc kinh tế thứ nhì thế giới và có thể qua mặt nước Mỹ trong thập niên tới, thì Bắc Kinh không cần che đậy hào quang nữa.

Trái với những phát biểu đậm đà mỹ từ ngoại giao, mục tiêu tối hậu của Bắc Kinh vẫn là đẩy lùi ảnh hưởng của Hoa Kỳ ra khỏi vùng Châu Á Thái Bình Dương, hay ít ra là giảm dần tầm ảnh hưởng của Mỹ và đồng thời tăng dần ảnh hưởng của Trung Quốc, bằng cả quyền lực cứng (sức mạnh quân sự) cũng như quyền lực mềm (sức mạnh kinh tế, chính trị, ngoại giao).

Thông điệp của Trung Quốc đầy mâu thuẩn, vì lời nói và hành động tương phản. 

Lựa chọn nào cho Việt Nam trong bối cảnh mới?

Trong mấy năm gần đây, yếu tố Trung Quốc đã dẫn đến chiến lược xoay trục mà Tổng thống Obama trình bày tại Lưỡng Viện Quốc Hội Australia ngày 17.11.2011 và chính thức công bố tại Washington hồi đầu tháng 1 năm 2012 để tái cân bằng sự hiện diện và củng cố ảnh hưởng của Mỹ trong khu vực.

Yếu tố Trung Quốc cũng đang tạo ra ba động thái mới tại khu vực: (a) hợp tác Nga-Trung và sự hiện diện gia tăng của hải quân Nga tại Biển Đông; (b) Ấn Độ tích cực theo đuổi chiến lược Hướng Đông, và (c) hợp tác an ninh giữa các quốc gia dân chủ khu vực như Mỹ-Nhật-Úc và Ấn Độ.

(a) Nhiều năm trước đây, Liên Bang Nga có vẻ chú tâm nhiều đến việc bán vũ khí cho các nước châu Á có tranh chấp, như Ấn Độ, Trung Quốc và Việt Nam, hơn là theo đuổi một chính sách rõ rệt đối với các cuộc tranh chấp chủ quyền biển đảo, mặc dầu Moscow cũng có tranh chấp với Tokyo về chủ quyền quần đảo Kurils mà Moscow đã chiếm giữ sau Thế chiến thứ Hai.

Nhưng ngày nay đối với ông Putin – phần nào bị cô lập tại châu Âu vì vấn đề Ukraine và Cremia- yếu tố Trung Quốc cũng là lý do để Moscow “xoay trục” trở lại châu Á, không phải để đương đầu mà để hợp tác chặt chẽ hơn với Trung Quốc. Ông Tập Cận Bình đã chọn Moscow làm điểm đến đầu tiên khi công du nước ngoài, và kể từ đó, hai lãnh tụ đã gặp nhau hàng chục lần. Trong quan hệ gần gũi lần này, vai trò có vẻ đảo ngược so với mấy thập niên trước khi Liên Xô là siêu cường lãnh đạo toàn thế giới cộng sản.

Tất nhiên, ngoài hợp tác kinh tế, hai nước còn đẩy mạnh hợp tác an ninh quốc phòng, như đã được loan báo sau cuộc hội kiến giữa Thủ tướng Lý Khắc Cường và Bộ trưởng Quốc Phòng Nga Sergei Shoigu tại Bắc Kinh hồi giữa tháng 11 năm 2014. Hai nước chuẩn bị thao diễn hải quân tại Châu Á-Thái Bình Dương và tại Địa Trung Hải.

Hải quân Trung Quốc đã biểu dương lực lượng tại Biển Đông, qua Eo Biển Malacca đến Ấn Độ Dương và nay có mặt tại “ao nhà” châu Âu là Địa Trung Hải.

Chiến hạm Nga đã trở lại Biển Đông thường xuyên hơn, và đã xuôi nam đến vùng biển quốc tế tiếp giáp phía bắc Australia, như để phô trương sức mạnh trong thời gian Hội nghị G 20 tại Brisbane.

Yếu tố mới này có thể là một thách đố cho chính sách của Mỹ trong khu vực. Vấn đề là điều này có lợi gì cho Việt Nam trong vấn đề tranh chấp với Trung Quốc? Nghi vấn này chưa có giải đáp. Hồi tháng 3 năm 2013, Bộ trưởng Sergei Shoigu đã thăm viếng Việt Nam và tuyên bố rằng Moscow coi trọng Việt Nam trong chính sách đối ngoại. Thế nhưng, người ta chưa quên là hồi năm 1979, khi Đặng Tiểu Bình xua quân tấn công vùng biên giới Bắc Việt, Moscow đã hoàn toàn bất động mặc dầu lúc ấy Liên Xô và Việt Nam có một hiệp ước hợp tác an ninh.

(b) Diễn tiến mới có thể thuận lợi hơn cho Việt Nam là vai trò của Ấn Độ. Thủ tướng Modi vẫn duy trì chính sách hợp tác với Trung Quốc như chính phủ Đảng Quốc Đại tiền nhiệm, nhưng ông có tầm nhìn rõ rệt hơn về an ninh khu vực và an ninh của chính Ấn Độ, đặc biệt là mối đe dọa của Trung Quốc tại vùng biên giới có tranh chấp.

Hồi giữa tháng 9 năm 2014, trong khi ông Tập Cận Bình công du thiện chí và hòa bình tại thủ đô New Delhi, vùng biên giới Ấn-Trung trở nên căng thẳng vì một toán quân Trung Quốc xâm nhập vào phần lãnh thổ mà Ấn Độ xác quyết chủ quyền.

Vì yếu tố Trung Quốc mà Thủ tướng Modi đã dành những tuần lễ đầu tiên thăm viếng các nước láng giềng nhỏ ở phía bắc Ấn Độ. Cũng vì yếu tố Trung Quốc mà chuyến công du bên ngoài Nam Á đầu tiên của Ông Modi là Nhật Bản. Thủ tướng Shinzo Abe và Thủ tướng Modi có vẻ thuận ý với nhau về mặt chiến lược an ninh.

Hồi năm 2007, Ông Abe đã từng lập luận trên căn bản “giao thoa giữa hai đại dương” là Nhật Bản góp phần bảo vệ hòa bình tại Thái Bình Dương, và Ấn Độ tại Ấn Độ Dương. Hai nước có thể hợp tác chặt chẽ để kiềm chế bành trướng của Trung Quốc.

Ngoài Ông Tập Cận Bình, các lãnh tụ nước ngoài đã đến Ấn Độ là Thủ tướng Úc Tony Abbott hồi đầu tháng 9 và Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng hồi cuối tháng 10 năm 2014. Hai chuyến công du nầy đều quan trọng cho cả ba nước, có lẽ vì mục đích không khác nhau nhằm cải thiện bang giao mậu dịch đầu tư và hợp tác an ninh quốc phòng giữa Ấn-Việt và Ấn-Úc. Trong chuyến công du đáp lễ tại Australia sau Hội nghị G 20, Ông Modi và Ông Abbott đã ký kết thỏa hiệp hợp tác an ninh hàng hải và cụ thể hóa với một cuộc tập trận hải quân trong năm 2015.

(c) Yếu tố thứ ba có tầm quan trọng đặc biệt song phương và đa phương. Đó là hợp tác Mỹ-Nhật-Úc. Phương thức này đã từng được Ông Shinzo Abe, Tổng thống George W Bush và Thủ tướng John Howard nêu lên như là một sáng kiến tứ cường giữa 4 nước dân chủ khu vực là Mỹ, Nhật, Úc và Ấn Độ.

Tuy nhiên, họp tác tứ cường đã trở thành tam cường, vì lúc bấy giờ Ấn Độ dè dặt với Trung Quốc và Thủ tướng Úc kế nhiệm Kevin Rudd không muốn làm phật lòng Bắc Kinh. Bên lề Hội nghị G 20, Tổng thống Obama, Thủ tướng Shinzo Abe và Thủ tướng Tony Abbott đã thảo luận tay ba về an ninh khu vực, kể cả tranh chấp tại Biển Hoa Đông và Biển Đông. Một nhóm tay ba khác giữa Mỹ-Nhật-Ấn Độ có được hình thành hay không, chỉ là vấn đề hình thức, vì trong thực tế, hợp tác thân hữu song phương về an ninh đang xảy ra giữa Washington, Tokyo, New Delhi và Canberra.

Kể từ Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam năm 2011, giới lãnh đạo Hà Nội đã có nỗ lực đa phương hóa quan hệ với các nước trong thế giới đa cực, đặc biệt là với Hoa Kỳ. Tuy một vài thành quả đã đạt được, nhưng tiến trình này hãy còn chậm chạp mà trở lực vẫn là mối quan hệ gọi là “đặc biệt” song hành giữa hai chính phủ và giữa hai đảng cộng sản Trung Quốc và Việt Nam.

Chúng ta chưa biết giới lãnh đạo tại Việt Nam sẽ gồm những ai sau đại hội đảng năm 2016. Nhưng nếu Việt Nam chưa được dân chủ hóa và Bộ Chính trị Đảng Cộng sản tiếp tục cầm quyền, thì ít nhất:

(1) Việt Nam chỉ duy trì bang giao thân hữu bình thường với Trung Quốc theo đúng Công pháp Quốc tế, tức là giữa chính phủ với chính phủ. Quan hệ song hành giữa đảng với đảng kiềm hãm Việt Nam trong quỹ đạo của Bắc Kinh; và

(2) Việt Nam từ bỏ chính sách gọi là “Ba Không” nhằm phục vụ quyền lợi chiến lược của Trung Quốc, để có thể theo đuổi chính sách độc lập và tự do trong hợp tác chiến lược toàn diện với các nước.

Tại Bắc Kinh và đôi khi tại Washington, giới lãnh đạo Việt Nam đã lải nhải chính sách này, theo đó Việt Nam “không tham gia các liên minh quân sự, không là đồng minh quân sự của bất kỳ nước nào, không cho bất cứ nước nào đặt căn cứ quân sự ở Việt Nam và không dựa vào nước này để chống nước kia”.

Một trường hợp mà Việt Nam có thể nghiên cứu: Australia là đồng minh thân cận của Mỹ theo Hiệp Ước ANZUS, nhưng vẫn thiết lập được đối tác chiến lược toàn diện với Trung Quốc. Từ năm 2009, Việt Nam đã có quan hệ hợp tác toàn diện với Australia và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dự trù công du Australia vào đầu năm 2015 thì quan hệ giữa hai nước có thể được cứu xét nâng cấp. Tại sao Việt Nam không có những cải cách chính trị quan trọng để bắt đầu tiến trình hợp tác an ninh quốc phòng chặt chẽ hơn với hai quốc gia dân chủ Ấn Độ và Australia – có thể trong một liên minh Ấn-Úc-Việt?

Thế giới đang kết hợp vì yếu tố Trung Quốc và đây là cơ hội tốt cho Việt Nam để bắt đầu tiến trình thoát khỏi quỹ đạo bá quyền Trung Quốc mà không nhất thiết phải đối đầu chống Bắc Kinh. 

Sydney, Ngày Quốc Tế Nhân Quyền 2014

L.T.Q

Tác giả gửi BVN