CSVN sẽ có phương án đối phó về việc Trung Cộng đưa giàn khoan vào EEZ của VN?
Giàn khoan 981 do Tổng công ty Dầu khí Hải dương Trung Quốc vận hành
Theo BBC – 08:15 GMT – thứ hai, 5 tháng 5, 2014
Trung Quốc vừa loan báo việc chuyển giàn khoan Hải Dương 981 tới vùng biển gần đảo Lý Sơn của Việt Nam.
Vị trí tác nghiệp của giàn khoan nước sâu khổng lồ này cách đảo Lý Sơn 119 hải lý, nằm hoàn toàn trong vùng kinh tế đặc quyền (EEZ) của Việt Nam.
Trước hành động này, nhà nghiên cứu chủ quyền Biển Đông Hoàng Việt nói với BBC, chính phủ Việt Nam ‘chắc chắn sẽ có các phương án’ để đối phó.
Nhà nghiên cứu Hoàng Việt: Thực ra việc Trung Quốc kéo giàn khoan tới đây là điều không chỉ tôi mà một số người khác cũng đã đề cập, chứ không phải là không nghĩ tới, cho dù không biết sẽ vào thời điểm nào. Thế nhưng thời điểm Trung Quốc chọn để làm công việc này, là khi Việt Nam đang say sưa nghỉ lễ và chào đón chiến thắng Điện Biên Phủ thì cũng hơi bất ngờ.
Năm 2011, Trung Quốc mới chỉ tuyên bố sẽ mang giàn khoan xuống Biển Đông và lúc đó mới chỉ tới gần Hong Kong. Nhưng lần này là vào tận trong vùng kinh tế đặc quyền của Việt Nam.
BBC: Thưa ông, liệu có phỏng đoán nào về lý do khiến Trung Quốc thực hiện việc đưa giàn khoan vào lúc này?
Nhà nghiên cứu Hoàng Việt: Có nhiều suy đoán, thí dụ như đây có thể là hành động đáp trả lại chuyến đi châu Á vừa rồi của ông [Tổng thống Hoa Kỳ] Obama, hay là tín hiệu phản ứng trước chính sách chuyển dịch sang châu Á của chính phủ Mỹ.
Hướng suy đoán thứ hai là bên trong nội bộ Trung Quốc đang có nhiều vấn đề, thí dụ như mới nhất là các cuộc ‘khủng bố’ Tân Cương, nên chính phủ nước này đang muốn hướng dư luận về phía khác.
‘Việt Nam chắc chắn sẽ phải có hành động’
Nhà nghiên cứu Hoàng Việt cho rằng Việt Nam sẽ nhanh chóng có hành động ngăn chặn giàn khoan của Trung Quốc.
Chúng ta cũng đừng quên rằng tham vọng của Trung Quốc tại các vùng biển rất là mạnh mẽ, họ không dễ từ bỏ chúng.
Về phía Việt Nam, thì cũng có thể gần đây do Việt Nam đã cho hợp đồng khai thác một số lô dầu, và tôi cũng nghe thông tin rằng Tổng công ty Dầu khí Hải dương Trung Quốc (CNOOC) cũng muốn nhảy vào nhưng không được Việt Nam cấp phép. Tất nhiên cần phải kiểm chứng thêm, nhưng có thể đây là một trong các nguyên nhân trực tiếp chăng?
BBC: Thưa ông từ 2013, căng thẳng chủ quyền Việt-Trung được cho là có dịu đi. Thế nhưng bây giờ với những diễn tiến mới này, ông có cho là sẽ có đợt căng thẳng mới giữa hai nước không ạ?
Nhà nghiên cứu Hoàng Việt: Tôi nghĩ chắc chắn là có. Trung Quốc sẽ không bao giờ ngơi nghỉ tham vọng của mình đối với các vùng biển của Việt Nam.
Dường như Trung Quốc có nhiều mặt trận và họ xoay chuyển các mặt trận khác nhau. Lúc thì hướng về Philippines, lúc thì Nhật Bản, và nay là hướng về Việt Nam. Nay thì giàn khoan của Trung Quốc đã có mặt hoàn toàn ở trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, cách đảo Lý Sơn có 120 hải lý.
Phía Việt Nam bằng mọi cách sẽ phải có phản ứng và ngăn chặn.
Giàn khoan của Trung Quốc hiện đang trôi lập lờ, và để cố định giàn khoan cho nó hoạt động trên vùng biển đó thì phải mất 5-7 ngày. Và trong giai đoạn đó Việt Nam sẽ phải bằng mọi cách ngăn không cho Trung Quốc đặt giàn khoan trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam vì nếu Trung Quốc đạt được thì điều này sẽ trở thành tiền lệ và Trung Quốc sẽ tiếp tục lấn tới.
Vấn đề là Trung Quốc sẽ phản ứng thế nào? Nếu Trung Quốc cứ kiên quyết đặt giàn khoan vào thì chắc chắn sẽ có xung đột.
BBC: Hiện ta mới thấy Bộ Ngoại giao và Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam lên tiếng phản đối. Nếu không có hiệu quả, thì bước tiếp theo sẽ là gì ạ?
Nhà nghiên cứu Hoàng Việt: Chắc chắn là Việt Nam sẽ phải phản ứng bằng nhiều phương án. Trước mắt thì là phản đối ngoại giao, kêu gọi tiếng nói của dư luận.
Tuy nhiên nếu Trung Quốc vẫn tiếp tục thì theo phỏng đoán của cá nhân tôi, Việt Nam sẽ phải có các phương án khác, trong đó có phương án như đã từng làm khi Trung Quốc ký hợp đồng với công ty Creston hoạt động ở bãi Tư Chính, các tàu hải quân của Việt Nam cũng đã ra bao vây và kêu gọi, mặc dù giữ hòa bình và không nổ súng.
Tôi nghĩ trong trường hợp này lực lượng hải quân của Việt Nam cũng cần sẵn sàng để làm nhiệm vụ tương tự như vậy.
BBC: Có ý kiến cho rằng những sự kiện như thế này sẽ khiến Việt Nam trở nên mạnh mẽ hơn trong ủng hộ vụ kiện của Philippines đối với Trung Quốc tại Tòa Trọng tài Quốc tế. Ông nghí thế nào về đánh giá này ạ?
Nhà nghiên cứu Hoàng Việt: Trong trường hợp này cần phải khẳng định rằng Trung Quốc đã vi phạm luật pháp quốc tế một cách rõ ràng. Họ cho rằng vị trí [giàn khoan] thuộc chủ quyền của Trung Quốc, nhưng là chủ quyền nào?
Thứ nhất, cấu trúc địa lý mà Việt Nam gọi là Tri Tôn không phải đảo mà chỉ là một bãi ngầm thôi và không có vùng đặc quyền kinh tế đi kèm.
Thứ hai, dù thế nào đi chăng nữa Việt Nam cũng khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa. Vì vậy Việt Nam có thể khẳng định chủ quyền đầy đủ và rõ ràng tại đây.
Nếu là vùng biển tranh chấp Trung Quốc cũng không thể có hành động đơn phương như kéo giàn khoan ra như vậy.
Nói về vụ kiện của Philippines thì chính phủ Việt Nam vẫn ủng hộ lập trường giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, có thể thông quan tòa án quốc tế. Còn có trực tiếp tham gia vụ kiện cùng Philippines hay không thì đây là vấn đề còn phải tranh luận.