Victor Hugo đã từng miêu tả cảnh lửa cháy tại nhà thờ Đức Bà Paris như thế nào?

Cac Bai Khac

No sub-categories

Victor Hugo đã từng miêu tả cảnh lửa cháy tại nhà thờ Đức Bà Paris như thế nào?

Trong cuốn tiểu thuyết “Thằng gù nhà thờ Đức Bà” ra mắt hồi năm 1831, Victor Hugo đã từng miêu tả một cảnh lửa cháy tại công trình biểu tượng này. 

Một vụ hỏa hoạn vừa xảy ra tại nhà thờ Đức Bà Paris 

Vụ hỏa hoạn làm sập tháp giữa của nhà thờ là một sự việc gây chấn động đối với Paris và nước Pháp, đồng thời khiến truyền thông và công chúng thế giới sửng sốt. Một trong những công trình nổi tiếng nhất của thế giới đã vừa trải qua một biến cố nguy hiểm.

Bối cảnh nhà thờ Đức Bà Paris đã từng được khai thác rất triệt để trong cuốn tiểu thuyết nổi tiếng “Thằng gù nhà thờ Đức Bà” của đại văn hào người Pháp Victor Hugo. Cuốn tiểu thuyết ra mắt hồi năm 1831, trong đó, Hugo, một trong những nhà văn nổi tiếng nhất của văn học Pháp, đã từng có một chương miêu tả về cuộc bạo động xảy ra ở nhà thờ và khiến nơi này rơi vào cảnh lửa cháy.

Cảnh tượng được miêu tả ở chương IV có tên “Người bạn vụng về” thuộc quyển 10. Nội dung chương này miêu tả cảnh tấn công vào nhà thờ nhằm cướp đi Esmeralda tội nghiệp đang nương náu tại đây.

Khi phát hiện ra âm mưu xảy ra vào lúc đêm tối với mưu đồ tấn công vào trong nhà thờ, anh gù Quasimodo đã một mình bằng tất cả sức lực và những phương tiện sẵn có chống lại âm mưu cướp đi Esmeralda khỏi nơi nương náu.

Một vụ hỏa hoạn vừa xảy ra tại nhà thờ Đức Bà Paris 

Dưới đây là đoạn miêu tả cảnh lửa cháy tại nhà thờ Đức Bà Paris nằm ở chương IV – “Người bạn vụng về” – thuộc quyển 10 của cuốn tiểu thuyết “Thằng gù nhà thờ Đức Bà”:

Mọi cặp mắt đều ngước nhìn phía trên cao tòa nhà thờ. Điều họ trông thấy thật kỳ lạ. Trên nóc hành lang cao nhất, cao hơn cả cửa sổ họa thị chính giữa, có ngọn lửa lớn đang bốc lên giữa hai tháp chuông với tia lửa cuồn cuộn, một ngọn lửa lớn cháy phần phật và ngùn ngụt, gió thỉnh thoảng lại tạt đi một mảng lửa cùng đám khói.

Phía dưới ngọn lửa, phía dưới dãy lan can tối đen trổ lá tam điệp đỏ rực, hai ống máng há mõm quái vật không ngớt khạc nhổ trận mưa chì lỏng bỏng cháy, với hai dòng sáng bạc nổi bật trên bóng tối của mặt tiền phía dưới. Càng tới gần mặt đất, hai dòng chỉ lỏng càng bắn tung tóe, như nước phun từ trăm ngàn lỗ hoa sen thùng tưới.

Bên trên ngọn lửa, các tòa tháp đồ sộ, mỗi tháp bày ra hai bộ mặt, một bộ mặt đen ngòm vì bóng tối, một bộ mặt đỏ rực vì ánh lửa, chúng như càng to lớn hơn với cái bóng vĩ đại hất trên nền trời. Vô vàn điêu khắc hình quỷ sứ và rồng càng có vẻ rùng rợn. Ánh lửa bập bùng khiến chúng ngọ nguậy ngay trước mắt.

Có mãng xà như đang cười, ống máng tựa hồ văng vẳng tiếng sủa, con kỳ nhông đang thổi lửa, quái vật hắt hơi trong đám khói. Và giữa đám quái vật được ngọn lửa cùng tiếng ồn đánh thức khỏi giấc ngủ của đá, còn một quái vật khác đang đi đi lại lại và thỉnh thoảng thấy nó lướt ngang qua nền đỏ rực của đống lửa như con dơi bay qua ngọn đèn.

Ngọn hải đăng kỳ dị này chắc hẳn làm thức dậy từ xa gã tiều phu trên dãy đồi Bicêtre, y hoảng sợ nhìn cái bóng đen khổng lồ của các tháp nhà thờ Đức Bà lảo đảo trên đám thạch thảo”.

Theo Euronews   

 

Không ai yêu thương Quasimodo, nhưng với gã, tình yêu dành cho nhà thờ là quá đủ

Theo Washington Post/Quartzy

Victor Hugo viết cuốn tiểu thuyết “Thằng gù nhà thờ Đức Bà” để giải cứu nhà thờ khỏi tình trạng bị lãng quên, xuống cấp. Trong đó, tác giả đã để tình yêu đầu tiên của Quasimodo là dành cho nhà thờ. Trước tình yêu cô đơn tội nghiệp của anh gù, độc giả rất thương cảm. 

Victor Hugo viết “Thằng gù nhà thờ Đức Bà” là để giải cứu nhà thờ

Khoảng hai thế kỷ trước, nhà thờ Đức Bà Paris còn ở trong một tình trạng bị bỏ bê, không được tu sửa, xuống cấp trầm trọng và không được người dân Paris khi đó yêu mến, trân trọng bởi những quan niệm mới trong nghệ thuật kiến trúc khi ấy khiến người ta cho rằng công trình này đã quá xưa cũ, cổ lỗ.

Khi ấy, đại văn hào Victor Hugo cảm thấy thật cần thiết phải viết nên một tác phẩm nào đó để bảo vệ cho công trình kiến trúc tuyệt diệu này. Cuốn tiểu thuyết “Thằng gù nhà thờ Đức Bà” được xuất bản hồi năm 1831 tại Pháp ban đầu có tên “Nhà thờ Đức Bà Paris”, Hugo đã không hề lấp lửng mơ hồ về đối tượng thực sự mà tác phẩm muốn hướng độc giả tới.

Nhà thờ Đức Bà Paris

Thực tế, các nhà phê bình văn học từ lâu đã phân tích lượng thông tin đồ sộ về mặt nghệ thuật kiến trúc được nhà văn lồng ghép trong tác phẩm, khiến cuốn tiểu thuyết không chỉ kể về những nhân vật như anh gù Quasimodo, nàng Esmeralda hay phó chủ giáo Claude Frollo, mà bản thân công trình nhà thờ Đức Bà Paris cũng là một đối tượng quan trọng được dày công phản ánh trong tiểu thuyết.

Trong từng diễn biến của cốt truyện, nhà thờ Đức Bà Paris luôn nằm trong tâm điểm. Kiến trúc của nhà thờ trở thành bối cảnh của mọi diễn biến, là phông nền cho các nhân vật chính, và vĩnh viễn gắn chặt số phận họ lại với nhau. Nhân vật chính trong cuốn tiểu thuyết này kỳ thực không phải một con người, mà chính là nhà thờ, được Hugo miêu tả đầy sống động như thể có khả năng tri giác.

Hugo chính thức bắt đầu vai trò của một nhà vận động trong việc bảo tồn các công trình kiến trúc hồi năm 1825. Khi đó, ông cho xuất bản một cuốn sách mỏng có tiêu đề “Cuộc chiến trước sự phá hủy”. Ông đặt mục tiêu thu hút sự chú ý của nhà chức trách và công chúng tới các công trình kiến trúc Gothic mà ông coi là một phần quan trọng không thể thiếu của văn hóa – lịch sử nước Pháp.

Bên trong nhà thờ Đức Bà Paris

Với câu chuyện về anh gù Quasimodo, nhà thờ Đức Bà Paris vốn bị bỏ bê trong quên lãng và xuống cấp bỗng nhận được sự quan tâm lớn từ công chúng yêu thích cuốn tiểu thuyết. Quasimodo đã sống những năm tháng trong vai trò người kéo chuông của nhà thờ trong bối cảnh thời gian ở thế kỷ 15.

Đến năm 1844, hoạt động tu sửa nhà thờ bắt đầu. Cho tới hôm nay, trải qua nhiều biến cố thăng trầm, nhà thờ Đức Bà Paris vẫn là một công trình kiến trúc được công chúng thế giới biết đến và trân trọng.

Không ai yêu thương Quasimodo, nhưng với gã, tình yêu dành cho nhà thờ Đức Bà là đủ

Những ngày này, tác phẩm tiểu thuyết “Thằng gù nhà thờ Đức Bà” của Victor Hugo được nhắc đến nhiều hơn bởi đó chính là tác phẩm đã từng giải cứu nhà thờ khỏi cảnh xuống cấp trầm trọng, đó là tác phẩm được một đại văn hào viết ra để thể hiện niềm ngưỡng mộ dành cho một tuyệt tác kiến trúc. Trong đó, Quasimodo là người yêu nhà thờ hơn cả, đó là tình yêu đầu tiên của gã.

Đối với hắn – một kẻ dị hình xấu xí không được ai yêu thương, nhà thờ Đức Bà là cả một thế giới an ủi. Tình yêu mà Quasimodo dành cho nhà thờ Đức Bà là một thứ tình yêu gắn bó sâu nặng đến sửng sốt, khiến độc giả cảm động và càng dành nhiều niềm thương cảm cho gã.

Tượng trang trí bên ngoài nhà thờ Đức Bà Paris

Hãy cùng đọc lại những đoạn văn đầy xúc động nói về tình yêu mà Quasimodo dành cho nhà thờ Đức Bà ở chương III – quyển 4 của tiểu thuyết “Thằng gù nhà thờ Đức Bà”…

Từ bước chân đầu tiên đi giữa mọi người, Quasimodo đã cảm thấy, rồi nhìn thấy mình bị chửi mắng, hành hạ, xua đuổi. Lời nói của người đời với nó bao giờ cũng chỉ là chế giễu hoặc nguyền rủa. Lớn lên, nó chỉ thấy toàn thù hằn vây bọc chung quanh. Nó chấp nhận, thu nhận sự độc ác của mọi người. Nó nhặt lấy thứ vũ khí mà họ đã dùng đả thương nó.

Tóm lại, nó chỉ miễn cưỡng quay mặt lại tiếp xúc với mọi người. Tòa nhà thờ là đủ với nó rồi. Nhà thờ đầy tượng đá, nào vua chúa, thần thánh, linh mục, ít nhất đã không cười vào mặt nó mà chỉ nhìn nó bằng cặp mắt bình thản và ân cần. Các tượng khác, tượng quái vật và quỷ sứ cũng chẳng thù hằn gì nó.

Thần thánh là bạn và ban phước lành cho nó; quái vật cũng là bạn và chở che nó. Cho nên, nó thường than thở rất lâu với các bạn đó. Cho nên, đôi khi nó ngồi xổm hàng giờ liền trước mặt pho tượng, một mình trò chuyện với tượng. Nếu có ai chợt đến, nó bỏ chạy như kẻ tình nhân bị bắt gặp đang dạo khúc tình ca.

Nó thấy nhà thờ không chỉ là xã hội, mà còn là vũ trụ, còn là toàn bộ thiên nhiên. Nó không mơ ước rặng cây bên đường nào khác ngoài các khung cửa kính vẽ hoa, không mơ bóng râm nào khác ngoài vòm lá bằng đá đầy chim chóc, xum xuê tỏa rộng trên đỉnh dãy cột kiểu Xắc-xông, không mơ núi non nào khác ngoài dãy tháp khổng lồ của nhà thờ, không mơ biển cả nào khác ngoài Paris đang rì rầm dưới chân tòa tháp.

Cái nó yêu thương nhất trong tòa nhà mẫu tử, cái làm thức tỉnh tâm hồn nó và mở rộng đôi cánh tội nghiệp mà tâm hồn vẫn giữ gìn khép nép khổ sở trong hang động, cái làm nó đôi khi sung sướng, đó là các quả chuông. Nó yêu mến, vuốt ve, trò chuyện, thông cảm với chúng. Nó yêu thương tất cả, từ chuông nhỏ trên tháp nhọn tới chuông lớn trên cổng chính.

Gác chuông nhỏ, cũng như hai tòa tháp, đối với nó là ba cái lồng lớn nhốt bầy chim do nó nuôi và chỉ hót cho nó nghe. Mặc dù chính các chuông đó đã làm nó điếc, nhưng như bà mẹ lại thường lại yêu đứa con nào làm mình đau khổ nhất.

Theo Washington Post/Quartzy