Vị thế quốc gia
Luật sư Luân Lê
Chỉ cần so sánh hai vấn đề đơn giản thế này là chúng ta sẽ thấy rõ chúng ta đang ở đâu so với thế giới về trình độ con người.
Chúng ta xuất khẩu một lượng lớn các lao động sang các quốc gia khác tìm kiếm việc làm chủ yếu là bằng công việc chân tay, rất ít có được công việc bằng học thuật hay làm quản lý cho nước ngoài như Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Malaysia, chứ chưa nói tới các quốc gia với trình độ phát triển cao ở châu Âu.
Nhưng ngược lại, những người nước ngoài đổ xô sang đất nước chúng ta làm ăn thì hoặc với cương vị đầu tư làm chủ, làm quản lý, hoặc với tư cách chuyên gia, lao động chất xám ở trình độ cao. Gần như chỉ có lực lượng lao động chân tay của Trung Quốc là đa số, nhưng họ đi theo diện đầu tư cùng các ông chủ của chính quốc gia này.
Hơn thế, chúng ta còn đang phải xuất khẩu lao động ngay sang nước Lào và Campuchia để làm thuê cho họ với mức lương khá cao, gấp đôi hoặc gấp ba mức lương trung bình trong nước đang trả với công việc tương ứng.
Và tình trạng thất nghiệp trong nước đối với lượng lớn cử nhân, thạc sỹ đang là gánh nặng đối với xã hội hiện thời.
Nhìn vào đó để biết trình độ con người, bao gồm cả trình độ nhận thức và năng lực chất xám, của lao động trên đất nước ta yếu kém đến mức nào so với thế giới.
Và đại đa số người dân kiếm đủ miếng ăn thì đã vỗ đùi mà ru nhau ngủ bằng một luận điệu nhỏ mọn rằng đất nước được như hôm nay là tốt rồi, ngày xưa còn không có cả củ sắn mà ăn. Tư duy như thế thì xứng đáng đi làm thuê và làm nô lệ cho các quốc gia khác đè đầu cưỡi cổ, hoặc mặc cả đủ các điều kiện trong làm ăn để bóc lột chúng ta chứ làm sao mà họ có thể làm chủ và phát triển được đất nước với tầm thức nô lệ như vậy.
Quốc gia nào cũng chỉ nghĩ chỉ cần đủ miếng ăn qua ngày là hạnh phúc thì lấy đâu ra những sản phẩm khoa học cho những quốc gia với tư duy nhỏ mọn và trì độn như thế hưởng thụ? Nếu chỉ nghĩ đến củ sắn, củ mài được thay thế bằng cơm trắng, từ nhà tranh vách nứa thay bằng nhà chung cư hay nhà tầng bê tông cốt thép, mà không suy xét xem chúng ta có làm ra cái gì cho xã hội sử dụng hay không thì con người chúng ta tồn tại chỉ có phá hoại thêm chứ không có đóng góp gì được cho sự phát triển của loài người cả. Khác gì loài vật chỉ cần trao đổi chất và thay lớp da bọc bên ngoài trong suốt vòng đời ngắn ngủi của mình đâu.
Muốn phát triển và xây dựng quốc gia phú cường, ít ra những người có nhận thức trong xã hội phải là những người biết tủi nhục đầu tiên trước sự tụt hậu, nghèo nàn và suy thoái của đất nước, từ đó tìm ra phương cách giải quyết cùng chính phủ và buộc chính phủ phải thực hiện, lúc đó dân tộc ta mới mong có cơ hội mà ngẩng đầu lên với thế giới bằng sự tôn trọng trong con mắt của bạn bè quốc tế trước trình độ của người dân chúng ta.
Chủ đề: Chính trị – xã hội