Vì sao Trung Quốc không thực sự trấn áp Bắc Triều Tiên?
12/09/2017
Về vấn đề Triều Tiên liên tục gây sự chú ý trên trường quốc tế, Trung Quốc đang trở thành nghi vấn lớn nhất. Không ít người tự hỏi vì sao Trung Quốc không làm nhiều hơn để trấn áp và ngăn cản Bắc Triều Tiên.
ĐCSTQ lo ngại chế độ Kim Jong-un sụp đổ sẽ làm phát sinh cuộc nổi dậy và Bắc Triều Tiên trở thành một quốc gia dân chủ. |
Cựu phóng viên John Pomfret thường trú tại Bắc Kinh của Washington Post đã đưa ra đáp án: Chính sách đối ngoại của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) rốt cuộc cũng chỉ là để phục vụ cho chính sách quốc nội của họ. Chính sách quốc nội của ĐCSTQ, theo như giáo sư Tằng Duệ Sinh tại Đại học Nottingham đã từng chỉ ra thì hoàn toàn là để tập trung tăng cường sự khống chế của Đảng.
Vào những năm 1950, ĐCSTQ đã tham gia chiến tranh Bắc Triều Tiên như một cái cớ để phát động phong trào chống Mỹ. Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai khi chiến tranh sắp kết thúc đã phát biểu: “Kết quả của cuộc chiến tranh kháng Mỹ viện Triều hết sức tốt đẹp. Nếu không có kẻ địch như vậy, thì chúng ta cũng không thể huy động một lực lượng lớn mạnh đến thế.”
Đến năm 2003, ĐCSTQ đã tham gia vào cuộc đàm phán sáu bên do Mỹ chủ trì. Đàm phán sáu bên về vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên nhằm tìm ra một giải pháp hòa bình và an ninh trước việc Bắc Triều Tiên tuyên bố phát triển vũ khí hạt nhân và rút khỏi Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT). Tham gia hội nghị này mục đích chính là để mọi người thấy được tầm quan trọng của Trung Quốc trên trường quốc tế. Như nhà báo lưu vong Trường Bình từng nói rằng việc Trung Quốc tham gia hội đàm này thực tế không phải để giải quyết vấn đề Bắc Triều Tiên, mà nhằm duy trì cục diện: Một bên bí mật giúp đỡ “kẻ bắt cóc”, một bên lại đóng vai trò làm trung gian, giúp “kẻ bắt cóc” đòi tiền chuộc.
Tại sao ĐCSTQ lại không ngừng giúp đỡ “kẻ bắt cóc”? Trước hết, ĐCSTQ tin rằng ủng hộ Bắc Triều Tiên có thể làm suy yếu sức mạnh và uy tín của Mỹ. Phá hoại Mỹ trước nay vẫn luôn là mục tiêu chủ đạo của Trung Quốc. Lúc nào ĐCSTQ cũng tâm niệm chống lại “thế lực thù địch Tây phương” chủ yếu chính là nói đến Mỹ.
Điều quan trọng hơn là việc ĐCSTQ lo ngại nếu như chế độ Kim Jong-un sụp đổ, Bắc Triều Tiên phát sinh khởi nghĩa trong nước và sau đó tiến tới quốc gia dân chủ thì Trung Quốc sẽ bị ảnh hưởng ra sao.
Giới quan chức ĐCSTQ luôn lo lắng cách mạng ở Bắc Triều Tiên hay sự sụp đổ của chính quyền Kim Jong-un sẽ tạo thành hiệu ứng domino ở Trung Quốc, gây ảnh hưởng đến sự thống trị của ĐCSTQ. Khi nhìn lại sự sụp đổ hàng loạt chế độ cộng sản tại Hungary, Ba Lan, các nước Đông Âu và Liên bang Xô viết vào năm 1989, ĐCSTQ không khỏi lo ngại về tình hình hiện tại. ĐCSTQ đã nhìn thấy bài học lớn từ chính Liên Xô và vẫn đang tìm cách duy trì sự tồn tại của chế độ này tại Trung Quốc và một số quốc gia ít ỏi khác.
Minh Ngọc
(Trí Thức)