Vì sao TQ, Ấn Độ bất ngờ xuống nước, vội vã rút quân?

Cac Bai Khac

No sub-categories

Vì sao TQ, Ấn Độ bất ngờ xuống nước, vội vã rút quân?

Ngày đăng 02-09-2017

BDN

 

Ấn Độ và Trung Quốc đã nhất trí với nhau về việc nhanh chóng rút quân và vũ khí ra khỏi khu vực tranh chấp ở Doklam, Bộ Ngoại giao Ấn Độ cho biết trong một tuyên bố được phát đi ngày hôm nay (28/8).
Bộ Ngoại giao Ấn Độ cho hay, Bắc Kinh và New Delhi đã nhất trí với nhau về việc nhanh chóng rút quân ra khỏi khu vực cao nguyên Doklam, chấm dứt cuộc đối đầu quân sự căng thẳng giữa hai nước kéo dài suốt gần 3 tháng qua.
“Trong những tuần gần đây, Trung Quốc và Ấn Độ đã duy trì mối liên lạc và tiếp tục ngoại giao nhằm tháo gỡ vụ việc liên quan đến khu vực tranh chấp Doklam. Trong những cuộc tiếp xúc đó, chúng tôi đã có thể trao đổi quan điểm và bày tỏ sự quan ngại cũng như những quan tâm và lợi ích của chúng tôi. Dựa trên cơ sở này, chúng tôi đã đạt được thỏa thuận về việc nhanh chóng rút quân của hai bên ra khỏi khu vực biên giới ở Doklam và mọi việc đang diễn ra đúng như vậy”, tuyên bố của Bộ Ngoại giao Ấn Độ cho biết.
Bước đột phá trên đạt được trước thềm chuyến thăm của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đến Trung Quốc để tham dự hội nghị thượng đỉnh BRICS ở Xiamen. BRICS gồm các nước thành viên Brazil, Nga, Trung Quốc, Ấn Độ và Nam Phi.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hua Chunying đã lên tiếng xác nhận thông tin trên, khẳng định hai nước Trung Quốc và Ấn Độ đã đạt được sự hiểu biết về vấn đề. “Tất cả các binh sĩ và thiết bị quân sự của Ấn Độ vi phạm bất hợp pháp đường biên giới đã được rút trở về sau đường biên giới”, bà Hua đã nói như vậy tại cuộc họp báo.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc nhấn mạnh, nước này sẽ tiếp tục áp dụng mọi biện pháp cần thiết để bảo vệ chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ.
Trung Quốc và Ấn Độ đã mắc kẹt trong một cuộc đối đầu căng thẳng ở khu vực tranh chấp nằm tiếp giáp với biên giới ba nước gồm Trung Quốc, Ấn Độ và Bhutan từ hồi giữa tháng Sáu. Cuộc tranh chấp ở khu vực này đã kéo dài nhiều thập kỷ nhưng nó bắt đầu leo thang lần mới nhất là kể từ ngày 16/6 sau khi các lực lượng Trung Quốc bắt đầu tiến hành xây dựng một con đường ở Cao nguyên tranh chấp Doklam – một khu vực mà Ấn Độ khẳng định là thuộc lãnh thổ của Bhutan. Phản ứng trước bước đi mới nhất của Trung Quốc ở khu vực Doklam, Bhutan đã kêu gọi sự giúp đỡ của Ấn Độ và New Delhi đã ngay lập tức phái quân đến khu vực biên giới. Kết quả là lực lượng hai nước Trung, Ấn đã đối đầu nảy lửa với nhau ở khu vực biên giới tranh chấp trong nhiều tuần trở lại đây.
New Delhi lo ngại con đường mà Trung Quốc đang xây dựng ở Cao nguyên Doklam sẽ gây ra mối đe dọa nghiêm trọng đối với an ninh của Ấn Độ bởi con đường đó sẽ giúp Trung Quốc dễ dàng tiếp cận với “Cổ Gà” – một dải đất hẹp chiến lược nối 7 bang đông bắc của Ấn Độ với phần còn lại của nước này.
Cuộc đối đầu giữa lực lượng hai nước Trung Quốc và Ấn Độ gây lo ngại bởi đã có không ít động thái quân sự được tung ra. Quân đội Trung Quốc từng tiến hành một cuộc tập trận bắn đạn thật kéo dài suốt 11 giờ đồng hồ, mô phỏng theo những điều kiện chiến đấu thực sự, ở khu vực Tây Tạng. Cuộc tập trận này được cho là nhằm để răn đe New Delhi.
Cùng với đó, cả Trung Quốc và Ấn Độ đều đã tăng cường lực lượng quân sự đến khu vực tranh chấp.
Căng thẳng Trung-Ấn ở khu vực biên giới đã có thời điểm leo lên mức cao độ, đẩy tình hình tiến ngày một sát đến bờ vực của một cuộc xung đột quân sự. Tuy nhiên, rất may là “ngòi nổ” này đã được “tháo gỡ” kịp thời bằng thỏa thuận rút quân của cả hai bên.
Vì sao Bắc Kinh và New Delhi lại có thể rút quân một cách nhanh chóng như vậy trong bối cảnh cuộc đối đầu của họ đang căng thẳng như vậy và trước đó hai bên còn kiên quyết không chịu nhượng bộ? Điều này chỉ có thể lý giải là cả Trung Quốc và Ấn Độ đều hiểu rõ hậu quả khủng khiếp nếu họ lao vào một cuộc đối đầu quân sự. Hơn nữa, lực lượng hai bên ở khu vực tranh chấp đã bắt đầu có những cuộc xô xát với nhau. Nếu để tình hình tiếp tục diễn ra như vậy, sẽ khó tránh viễn cảnh mọi việc vượt quá tầm kiểm soát và leo thang thành chiến tranh.