Vì sao TBT Trọng quyết liệt săn Thanh bằng mọi giá?
07/08/2017
Với tầm mức và trình độ của Thanh chắc chắn thừa hiểu và chắc chắn niềm tin ấy chỉ có thể có từ quan hệ với một thế lực lớn hơn nhiều nếu không nói là rất lớn, lớn tới mức Thanh ung dung để lộ ảnh ngồi thảnh thơi ở một công viên giữa trung tâm Beclin mà bất cứ ai quan tâm tìm hiểu nhìn qua cũng biết. Đây mới là lý do khiến Tổng bí thư Trọng và ê kíp của ông quyết liệt săn Thanh bằng mọi giá.
Vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh từ Đức đưa về Việt Nam “quy án” đang làm nóng dư luận, dấy lên những tranh cãi không chỉ vì thông tin giữa “bắt cóc” mà Đức đưa ra và “tự thú” từ chính quyền Việt Nam. Cuộc tranh cãi và những ý kiến phản pháo lẫn nhau trong cộng đồng người Việt cũng bùng phát một cách dữ dội với đủ các loại suy đoán, viện dẫn, phân tích…
Hãy tạm gác cái lý giữa hai quốc gia Việt-Đức khi đưa ra thông tin trái ngược nhau. Cũng hãy tạm gác những viện dẫn về pháp lý để xem xét việc có hay không câu chuyện “tự thú” của Trịnh Xuân Thanh.v.v. Tạm đánh giá một chút về toàn cảnh con đường khởi đầu và kết thúc vụ án Trịnh Xuân Thanh – mà nói chính xác hơn phải là vụ án liên quan Tổng công ty cổ phần xây lắp Dầu khí PVC.
Từ một kỹ sư đô thị, Thanh được Bộ Công thương điều về làm người đúng đầu PVC sau một vài vị trí công tác khác mà chặng đường thăng tiến có thể nói thuộc loại khá nhanh. Sau mấy năm làm ở PVC ( 2007-2013), ông Thanh được điều chuyển về vị trí Phó chủ tịch UBND Tỉnh Hậu Giang, điểm dừng kết thúc sự nghiệp khi nhà nước Việt Nam hồi tô vụ án gây thất thoát hơn 3.000 tỷ đồng trong thời kỳ Thanh còn làm ở PVC và năm 2016. Khoảng tháng 3 đến tháng 6 năm 2016, Trịnh Xuân Thanh trốn ra nước ngoài. Từng xuất hiện một số tin tức manh nha về việc ông Thanh phanh phui các thông tin về quyền lực chóp bu tại Việt Nam, một vài hình ảnh chứng minh Thanh đang ở một nước châu Âu.. mở màn cho cái dại dột thật sự dẫn đến bị bắt giữ vừa qua.
Trong vụ án này, sau việc ông Thanh bỏ trốn ra nước ngoài thì hình thành hai hướng: Một là tiếp tục “trảm” những nhân vật liên quan hiện trong nước trong vụ án ở PVC và hai là cá nhân Trịnh Xuân Thanh bị phát lệnh truy nã và tạm kết thúc ở màn “tự thú” trên VTV tại Việt Nam sau hơn 1 năm trốn ra nước ngoài.
Nói qua về vụ án của PVC. Nếu chỉ nhìn trên con số thất thoát hơn ba ngàn tỷ đồng, vụ án ở PVC thuộc loại top trong số những đại án bị phanh phui trong những năm gần đây nhưng thực tế vẫn thua xa một số vụ án khác sau khi đã được “xử lý” nên có vụ teo lại thành nhỏ hơn hoặc giảm đi nhưng vẫn lớn hơn vụ PVC. Điều cần chú ý là vụ án PVC thuộc danh sách các vụ án trong chiến dịch chống tham nhũng. Còn một số vụ án khác đình đám hơn nhiều, nổi rõ bàn tay lợi ích nhóm nhưng bị chìm xuồng vì nhiều lý do khác nhau mà vụ án Formosa là một ví dụ.
Xét về cá nhân, những tài sản của Trịnh Xuân Thanh – chỉ nói về những tài sản nổi đã được biết – thì vẫn thua rất xa một số quan chức khác kể cả quan chức có chức vụ thấp hơn Thanh. Hầu hết những tài sản đó có lai lịch và được mua ( cứ cho là bằng tiền tham nhũng ) một cách bình thường hơn rất nhiều những biệt phủ, những lâu đài cá nhân mà nhiều quan chức khác xây trái phép, thậm chí đè luôn cả luật, bị phanh phui và hiện hữu công khai hơn nhưng quá trình điều tra lại không bị nâng lên mức quan trọng như của Trịnh Xuân Thanh. Mặc dù các lý do biện hộ rất hài hước kiểu như “làm thối móng tay, bán chổi chít…” lại được cơ quan tố tụng xem như là “hợp lý”. Đương nhiên, phía chính quyền Đức thừa đủ kết luận Trịnh Xuân Thanh là tội phạm kinh tế. Việc chưa quyết định qui chế tự nạn, cũng không trục xuất Thanh là vì các yếu tố liên quan qui chế tị nạn khác. Vậy câu hỏi đặt ra là: Tại sao chính quyền Việt Nam phải “bắt bằng được Trịnh Xuân Thanh”, phải bất chấp cả thể diện và quan hệ quốc tế khi tiến hành việc bắt giữ gây tranh cãi như vậy ? Tại sao Đức lại có phản ứng như vậy ?
Có một sự thật ít người chú ý: Đức là một quốc gia có chính sách cứng rắn và đã ký nhiều thỏa thuận quốc tế về chống tham nhũng, chống tội phạm liên quốc gia. Đồng thời Đức cũng là một thành viên quan trọng trong Tổ chức cảnh sát quốc tế Interpol mà Việt Nam cũng có tham gia. Việc Trịnh Xuân Thanh chọn Đức làm nơi ẩn náu là từ lý do nào? Đơn giản rằng tại Đức Thanh có nhiều mối quan hệ do từng ở đây? Có ai đó đủ khả năng đỡ đầu cho Thanh để đo lường các rủi ro đến từ Việt Nam?
Nếu nói có lòng tin vào các mối quan hệ thông thường, các cơ sở từ cộng đồng người Việt tại Đức thì chắc chắn Trịnh Xuân Thanh không dại khờ đến vậy, với tầm mức và trình độ của Thanh chắc chắn thừa hiểu và chắc chắn niềm tin ấy chỉ có thể có từ quan hệ với một thế lực lớn hơn nhiều nếu không nói là rất lớn, lớn tới mức Thanh ung dung để lộ ảnh ngồi thảnh thơi ở một công viên giữa trung tâm Beclin mà bất cứ ai quan tâm tìm hiểu nhìn qua cũng biết. Đây mới là lý do khiến Tổng bí thư Trọng và ê kíp của ông quyết liệt săn Thanh bằng mọi giá. Vì một điều rất rõ ràng: Vụ án PVC nhìn bề ngoài, có bắt được Thanh hay không thì việc điều tra tham nhũng vẫn có thể tiến hành bình thường, bắt được Thanh sẽ chỉ thêm một cái án cho cá nhân Thanh. Vấn đề còn lại là cái giá của việc bắt giữ ra sao, kết quả sẽ như thế nào khi Thanh đã “về nước tự thú” ?
Sẽ không khó để suy đoán rằng trước khi vụ việc xảy ra. Bộ máy tham mưu của chính quyền Việt Nam và cả chính ông Trọng thừa biết và đoán định trước được một cuộc khủng khoảng ngoại giao sẽ phát sinh nếu bắt Thanh mà không báo trước cho Đức như vậy. Phản ứng của Đức trong vụ Trịnh Xuân Thanh là điều đương nhiên xảy ra vì trái với luật ngoại giao và cả luật của Đức. Điều lý giải hợp lý duy nhất để chính quyền Việt Nam phải ra tay chính là vì nếu để chậm, khi Thanh chính thức được cấp hộ chiếu Đức theo qui chế tị nạn thì không còn cách nào để xử Thanh được nữa. Đương nhiên, không bắt được Thanh thì không chỉ một mảng trong vụ án của PVC ít nhiều bị che khuất mà uy tín cá nhân lẫn sức thuyết phục của công cuộc chống tham nhũng mà ông Trọng khởi xướng bị bôi đen khó mà gột rửa.
Trong bối cảnh Việt Nam đã đàm phán về Hiệp định hỗ trợ tư pháp với Đức trước cả khi Thanh tới Đức, trong tình hình hiện tại thì nạn khủng bố và tội phạm xuyên quốc gia đang càng ngày càng phức tạp, nóng bỏng trên toàn cầu hiện nay thì chắc chắn thời hạn phê chuẩn một hiệp định về hỗ trợ tư pháp giữa hai quốc gia sẽ sớm diễn ra. Cũng trong khi đó thì thời hạn và sức ép phải xem xét qui chế tị nạn cho Trịnh Xuân Thanh cũng buộc chính quyền Đức phải lựa chọn chấp thuận hoặc từ chối rất khoát. Nó khiến nhân tố Trịnh Xuân Thanh vô hình chung là vật cản nằm giữa, gây khó xử cho cả hai phía Việt-Đức. Việc hai vợ chồng Trịnh Xuân Thanh cùng đệ đơn xin nhập quốc tịch nhưng chỉ vợ được cấp mà Thanh thì chưa vì Đức cần cơ sở để xác định chắc chắn việc xét qui chế tị nạn chính trị cho Thanh là đúng luật. Không làm tổn hại đến khả năng bị mang tiếng là bao che cho tội phạm kinh tế là điều nước Đức đã biết. Nói như vậy không đồng nghĩa với khẳng định rằng có khả năng về một thỏa thuận ngầm hay sự bật đèn nào đó từ Đức. Vấn đề này sẽ được chứng minh qua thái độ và phản ứng cụ thể sắp tới từ cấp cao hơn của Chính phủ Đức chứ không phải ở mức như hiện tại.
Mọi suy đoán đều chưa đủ cơ sở khẳng định, nhưng việc “tự thú” của Trịnh Xuân Thanh công khai trên truyền thông và đã được các quan chức hàng đầu của Bộ CA xác nhận, chắc chắn đã cho phép một kết luận là sẽ có một sự “khoan hồng” cho riêng cá nhân Trịnh Xuân Thanh ít nhất là về mặt diễn biến truyền thông tương lai. Bản chất vụ án lẫn cái giá cuối cùng mà Trịnh Xuân Thanh phải nhận thật sự sẽ chỉ tùy thuộc một phần rất nhỏ độ “thành khẩn” của Trịnh Xuân Thanh, phần quyết định lớn hơn chính là mối nguy hại của thế lực đã tạo nên niềm tin cho Thanh khi đến Đức như đã nói trên có được loại bỏ hay còn tồn tại đến mức nào. Nói cách khác, dù thật giả ra sao thì số phận Trịnh Xuân Thanh đã được định đoạt trước khi ra tòa.
Mối quan hệ liên quan vụ Trịnh Xuân Thanh giữa hai nước Việt-Đức tương lai ra sao ?
Trước mắt, Đức đã chính thức ra thông báo trục xuất đại sứ và một tùy viên đại diện tình báo Việt Nam tại Đức; đại diện ngân hàng phụ trách về chính sách hỗ trợ của Đức hủy chuyến đi tới Hà Nội. Một vài thông điệp sẽ xem xét các biện pháp tiếp theo kèm thông tin “cảnh sát Đức đang tiếp tục điều tra”… Nghĩa là sẽ còn một số biện pháp mang tính trừng phạt mà Đức sẽ dành cho Việt Nam ít nhất là về mặt quan hệ ngoại giao. Nếu chỉ qua các động thái trên có thể thấy phản ứng của chính quyền Đức có thể nói là khá nhẹ nhàng cho một tình huống “bắt cóc” mà chính quyền Đức đã xác nhận công khai như vậy.
Mời xem Video: CS Đức chính thức công bố danh tính người phụ nữ “chim mồi” bắt cóc Trịnh Xuân Thanh?
Theo đúng logic, nếu trục xuất vì vi phạm luật của Đức thì Đức sẽ trục xuất Đại sứ và một số người liên quan về các vấn đề về quan hệ đối ngoại, các nhân viên ngoại giao khác phụ trách về an ninh, tình báo của Việt Nam tại Đức chứ không phải là tùy viên tình báo Nguyễn Đức Thoa – người bị cho là có mặt trực tiếp khi một số người dùng vũ lực bắt Trịnh Xuân Thanh ở trước khách sạn Sheraton, bị camera ghi lại. Lý do đơn giản vì nếu có điều tra vụ bắt cóc thì ông Nguyễn Đức Thoa là nghi phạm, đối tượng bị điều tra đầu tiên.
Đã qua thời hạn 48 tiếng mà Đức đưa ra trong thông báo trục xuất kèm yêu cầu trả Trịnh Xuân Thanh về lại Đức. Hiện chưa có thông tin chính thức xác nhận những người bị trục xuất đã rời Đức chưa, nhưng Trịnh Xuân Thanh đương nhiên sẽ không bao giờ có chuyện quay lại Đức sau khi “tự thú”. Trừ trường hợp Trịnh Xuân Thanh đã để lại đâu đó tại Đức những thông tin, tài liệu đủ chứng minh là nạn nhân cần được hưởng qui chế tị nạn chính trị. Nước Đức sẽ buộc phải có những động thái mạnh mẽ hơn trong chính sách với Việt Nam. Nếu không, với thông tin “tự thú” và bằng chứng là sự nhận tội của Trịnh Xuân Thanh, cuộc khủng khoảng ngoại giao giữa Việt Nam và Đức sẽ dừng lại ở một mức độ không quá nghiêm trọng như nhiều người nghĩ.
Thiên Điểu
(VNTB)