Vì sao Steve Bannon ra khỏi Hội Đồng An Ninh Quốc Gia?
Hà Tường Cát/Người Việt (tổng hợp)
April 8, 2017
Hôm Thứ Tư, Tổng Thống Donald Trump cho chuyển ông Steve Bannon, trưởng cố vấn chiến lược, ra khỏi Hội Đồng An Ninh Quốc Gia (NSC).
Một số dư luận thắc mắc không biết quyết định ấy có liên quan gì với thời điểm Tổng Thống Donald Trump sắp gặp Chủ Tịch Tập Cận Bình tại Florida hay không, bởi vì ông Bannon là người từng nhiều lần tỏ thái độ chống Trung Quốc.
Tuy nhiên, đó chỉ là suy đoán, không có bằng chứng rõ ràng nào để biện minh cho luận cứ ấy. Cụ thể hơn, đây chỉ là sửa đổi đầu tiên trong hệ thống hoạt động của chính quyền Trump, tương tự như những điều chỉnh mà tất cà các tổng thống mới nhậm chức đều làm.
Tổng Thống Trump bị nhiều chỉ trích về đường lối khác thông lệ là để cho cố vấn thân cận nhất của mình tham gia tất cả các buổi họp của NSC, một cơ chế quyết định về những vấn đề quân sự và tình báo chứ không phải chỗ của các nhân vật chính trị. Tổng Thống George W. Bush không cho cố vấn Carl Rove dự họp trong NSC.
Điều chỉnh vừa được thi hành là sự củng cố quyền lực cho Tướng H.R. McMaster, cố vấn an ninh quốc gia, đồng thời cũng tái xác định ông Dan Coats, giám đốc tình báo quốc gia, và Tướng Joseph Dunford, tổng tham mưu trưởng quân đội, là hai thành viên thường trực của NSC. Vị trí thường trực của hai thành viên này bị bãi bỏ hồi Tháng Giêng sau khi Tổng Thống Trump nhậm chức. Thành viên NSC còn bao gồm một số giới chức hội đồng nội các cấp bộ trưởng, như ngoại trưởng và bộ trưởng quốc phòng.
Phó Tổng Thống Mike Pence nói rằng không có sự bãi chức ông Bannon mà chỉ là sự thay đổi nhiệm vụ. Một giới chức Tòa Bạch Ốc cho biết quyết định rút cố vấn Bannon ra khỏi NSC đã được trù tính từ đầu nhiệm kỳ của Tổng Thống Trump, nhưng chậm thi hành vì vụ Tướng Mike Flynn, cố vấn an ninh quốc gia đầu tiên, nay đã từ nhiệm sau nhiều quan hệ rắc rối. Cố vấn Bannon khi ấy phụ trách việc giám sát và tạm thời đảm nhận thay thế tướng Flynn trong một số trách nhiệm trước khi có cố vấn an ninh quốc gia mới, Tướng McMaster. Theo lời giới chức này, ông Bannon chưa bao giờ tham dự một buổi họp của NSC.
Ông Steve Bannon, 64 tuồi, sinh quán Virginia, trong một gia đình Mỹ Công Giáo Ireland, sĩ quan Hải Quân Mỹ phục vụ trong Hạm Đội Thái Bình Dương cuối thập niên 1970 và đầu thập niên 1980. Sau khi giải ngũ, ông hoạt động kinh doanh, làm việc trong ngân hàng Goldman Sachs. Tới những năm 1990, ông chuyển qua ngành kỹ nghệ giải trí và trở thành một nhà sản xuất phim ảnh Hollywood.
Ông Bannon là đồng sáng lập Breibart News, hệ thống truyền thông trên mạng có quan điểm bảo thủ cực hữu, và ông là người theo chủ trương da trắng thượng đẳng, có quan hệ thân hữu với KKK và các nhóm dân tộc cực đoan. Ông thường lên tiếng cảnh cáo rằng Thiên Chúa Giáo trên toàn thế giới đang bị những thế lực quốc tế cực đoan đe dọa. Chính những điều này làm cho nhiều giới và tổ chức không chấp nhận.
Ông Steve Bannon được ông Donald Trump chọn thay thế giám đốc tranh cử Paul Manafort làm chiến lược gia tranh cử và đã góp công lớn đưa tới chiến thắng. Bằng thành quả ấy, ông được tổng thống tin tưởng và cử làm cố vấn trưởng về chiến lược. Nhưng nhiều dư luận phê bình chỉ trích nói rằng ông Bannon là đạo diễn trong tất cả mọi vấn đề và kịch bản để cho ông Trump thủ vai diễn viên.
Trong suốt thời gian tranh cử, ông Trump luôn luôn tố cáo Trung Quốc giữ giá đồng nhân dân tệ thấp so với đồng đô la để cho hàng xuất cảng giá rẻ, thao túng mậu dịch, chiếm việc làm của công nhân Mỹ, và hứa hẹn ngay từ ngày đầu vào Tòa Bạch Ốc sẽ có biện pháp đối phó trừng phạt. Những quan niệm ấy được xem là do ảnh hưởng một phần từ ông Bannon. Mặc dầu cho đến nay Mỹ chưa có hành động gì, nhưng trong một cuộc phỏng vấn của hãng tin Reuters ngày 23 Tháng Hai, Tổng Thống Trump vẫn còn công khai tố cáo “Trung Quốc là nước vô địch về làm giá đồng tiền” và ông khẳng định sẽ không rút lại lời tuyên bố này.
Tờ The Guardian ở Anh cho biết thời còn làm việc với Breibart News, trong các chương trình hội thoại, ông Steve Bannon thường xuyên phê phán Trung Quốc và cho rằng hai hiểm họa lớn nhất của nước Mỹ là Trung Quốc và Hồi Giáo. Tháng Ba năm ngoái, nói chuyện trên đài truyền thanh của Breitbart, ông Bannon khẳng định: “Không nghi ngờ gì là chúng ta sẽ có chiến tranh (với Trung Quốc) ở Biển Đông trong vòng từ 5 đến 10 năm nữa.” Những phát biểu như thế của ông Bannon là sự đi ngược đường lối đối ngoại của nước Mỹ từ nhiều thập niên.
Bên cạnh các sự kiện vừa kể, có một yếu tố đáng chú ý khác, đó là sự va chạm về quan điểm và đường lối hành động trong ban tham mưu cao cấp của Tổng Thống Trump, một tập hợp nhiều thành phần hoàn toàn chưa từng có quá trình hợp tác làm việc chung.
Tờ báo The New Yorker nói rằng ông Steve Bannon không hòa hợp với cố vấn kinh tế Gary Cohn từ thời hai người cùng làm việc ở Goldman Sachs. Và ông Cohn thì thân cận với ông Jared Kushner, con rể Tổng Thống Trump, người từng tỏ ra lo ngại ông Bannon có thể thúc đẩy bố vợ mình đi vào con đường sai lầm.
Về mặt quan điểm, ông Bannon là người của chủ nghĩa dân tộc cực đoan trong khi ông Kushner hoàn toàn không chia sẻ tư tưởng ấy. Vì vậy, đây là sự va chạm giữa hai chủ trương cô lập hóa và toàn cầu hóa. Ông Bannon là tiêu biểu cho ý nguyện thay thế vai trò dẫn dắt trật tự thế giới của nước Mỹ từ sau Thế Chiến 2 bằng chính sách bảo hộ mậu dịch, đề cao chủng tộc và tôn giáo, chống Hồi Giáo, ngăn chặn hiểm họa vàng (Trung Quốc). Còn ông Kushner, cố vấn tin cậy nhất của ông Trump, từng học tiếng Quan Thoại (tiếng quốc ngữ Trung Quốc), có quan hệ thân thiết với ông Thôi Thiên Khải, đại sứ Trung Quốc ở Washington, và tán thành kinh tế toàn cầu hóa.
Theo tờ Wall Street Journal, phe cô lập hóa của ông Steve Bannon bị thất bại trong các chính sách về di dân và nhập cảnh, thay thế Obamacare, trong khi phe toàn cầu hóa bao gồm Kushner, Cohn và Bộ Trưởng Tài Chánh Steven Mnuchin hiện nay thắng thế. Những dấu hiệu mà người ta có thể ghi nhận là Tổng Thống Donald Trump đang có những thay đổi về đối ngoại không giống những gì ông tuyên bố trong thời gian trước và sau bầu cử.
Với Trung Quốc, ông không còn giữ lời lẽ cứng rắn như lúc điện đàm với bà tổng thống Đài Loan. Trong cuộc điện đàm đầu tiên với Chủ Tịch Tập Cận Bình ngày 9 Tháng Hai, ông xác định rằng Mỹ tôn trọng chính sách “Một nước Trung Hoa.” Về mậu dịch, ông Trump từng hăm dọa đánh thuế trừng phạt 45% vào hàng hóa nhập từ Trung Quốc và 35% vào hàng hóa Mexico. Một dự thảo do Văn Phòng Đại Diện Thương Mại Mỹ chuyển tới Quốc Hội tuần trước, mà tờ Wall Street Journal đọc được, nói là Mỹ sẽ duy trì một số điều khoản của Hiệp Định Tự Do Mậu Dịch Bắc Mỹ (NAFTA) chứ không hoàn toàn rút bỏ.
Sự kiện quan trọng nhất trong chiều hướng không thiên về cô lập là với trường hợp NATO. Ông Trump không mạnh mẽ chỉ trích NATO và đe dọa rút khỏi hiệp ước liên phòng này giống như ông tuyên bố trong thời gian chưa nhậm chức. Tòa Bạch Ốc mới đây xác nhận là Tổng Thống Donald Trump sẽ tham dự hội nghị thượng đỉnh NATO vào Tháng Năm cùng với bà Thủ Tướng Đức Angela Merkel và các nhà lãnh đạo Liên Âu.
Từ trước đến giờ, đường lối ngoại giao của Tổng Thống Donald Trump vẫn còn là một ẩn số. Sự kiện cố vấn Steve Bannon không còn là cản trở, có lẽ sẽ một phần mở ra cánh cửa này, nhưng bằng chứng rõ ràng hơn phải chờ sau cuộc hội đàm Donald Trump – Tập Cận Bình.