Vì sao phải thoát Trung?

Cac Bai Khac

No sub-categories

Vì sao phải thoát Trung?

BBC Tiếng Việt mở tọa đàm xung quanh các thảo luận về ‘thoát Trung’  nhân những tranh luận gần đây về vấn đề này.

Tọa đàm được phát trực tiếp trên Google+ và kênh  YouTube của BBC từ 19:30 tới 20:00 giờ Việt Nam ngày 7/8/2014.

Tham gia có các nhà quan sát Việt Nam từ Hà Nội, Hong Kong, Geneva và  Berlin.

Cựu quan chức ngoại giao Đặng Xương Hùng, một trong các khách mời, bình luận  trên Facebook của ông sau khi Trung Quốc rút giàn khoan:

“Hầu hết đều mong mỏi, khi đã được bình tâm, giới lãnh đạo sẽ đánh giá lại  toàn bộ sự kiện, điều chỉnh chính sách để có được những quyết sách phù hợp, đưa  Việt Nam ra khỏi vòng luẩn quẩn 25 năm thời kỳ đô hộ kiểu mới của Trung quốc.  Đây là một cơ hội.

“25 năm sau lựa chọn ‘giải pháp đỏ’ Thành Đô, giàn khoan đã cho một cơ hội,  cơ hội cho những ai dù kém cỏi nhất cũng nhìn ra bộ mặt thật của mưu đồ Đại  Hán.

“Nói đúng ra, Trung Quốc đã không còn giấu tham vọng bành trướng của mình.  Quan sát cách mà lãnh đạo cấp cao Việt Nam đánh giá lại tác động của Thành Đô,  xem xét lại cách đối xử với Trung Quốc, chúng ta có thể phán đoán tương lai của  đất nước sẽ đi về đâu,” ông Hùng viết.

‘Canh bạc đã thua’

Nhiều người Việt đòi xem xét lại quan hệ với Trung Quốc

Vị cựu quan chức, nguyên phó vụ trưởng và cựu tham tán ở Geneva, bình luận  thêm:

“Chưa bao giờ lãnh đạo đảng và nhà nước Việt Nam đứng trước áp lực cần phải  thay đổi lớn như hiện nay.

“Mọi thay đổi phải bắt nguồn từ thay đổi tư tưởng, thay đổi cách suy nghĩ và  đánh giá sự việc. Liệu các nhà lãnh đạo hiện nay có đủ nghị lực để chiến thắng  được chính mình, chiến thắng được ràng buộc về lợi ích cá nhân, phe nhóm. Có đủ  can đảm để đưa ra công khai những thỏa thuận sai lầm trong quá khứ.

“Một khi đã nhận sai lầm, minh bạch hóa nó, không phải bỏ công để che dấu và  bao bọc nó.

“Chưa bao giờ lãnh đạo đảng và nhà nước Việt  Nam đứng trước áp lực cần phải thay đổi lớn như hiện nay. “

“Canh bạc đã thua, càng ham gỡ, càng thua. Hãy từ bỏ nó, chơi một cuộc chơi  mới. Một bài toán phải giải theo cách khác mới có một kết quả mới khác  trước.”

Bình về quan hệ với Bắc Kinh và Washington, ông Hùng viết:

“Hãy từ bỏ trò chơi cân bằng trong quan hệ với Mỹ và Trung Quốc. Ta chỉ đủ  khôn lỏi, chứ không đủ khôn ngoan và không đủ lực để tiếp tục đánh đu trong quan  hệ với hai nước lớn này.

“Không dễ gì đạt được TPP và không có cải thiện dân chủ và nhân quyền trong  nước. Không dễ gì lúc nào cũng muốn hưởng sự bao che của Trung Quốc mà không  phải trả giá của sự lệ thuộc nhẫn nhịn. Hãy chìa tay ra để dựa vào sự hỗ trợ rất  nhân bản của nước Mỹ đưa đất nước dần một đi lên và lúc đó câu chuyện quan hệ  với ông láng giềng bất hảo phương Bắc sẽ dễ đi rất nhiều.”

“Bài học Miến Điện là bài học dễ học nhất,” ông Hùng viết.