Vì sao hai miền Triều Tiên nhất định không kí Hiệp ước Hòa bình sau 64 năm chiến tranh?
Ngày đăng 26-07-2017
- BĐN
Hiệp ước Hòa bình liên Triều có thể còn dẫn đến những hệ quả nghiêm trọng hơn cho tình hình chính trị trong khu vực và trên thế giới.
(Xử lý ảnh: Thi Anh)
Hiệp ước Hòa bình hay Hiệp ước “Chiến tranh”
Thế giới vẫn luôn trông chờ vào hòa bình thực sự giữa hai miền Triều Tiên. Đây cũng là điều dễ hiểu, bởi mỗi cuộc chiến đều nên kết thúc chính thức trên danh nghĩa, và bằng văn bản.
Việc kí kết rất đơn giản: Chỉ cần chữ kí của đại diện từ hai quốc gia tham chiến, một Hiệp ước Hòa bình sẽ được chính thức thiết lập.
Nhưng sau hàng loạt những bất đồng lịch sử, dường như Triều Tiên và Hàn Quốc đã không còn mặn mà gì với việc kết thúc cuộc chiến kéo dài hơn nửa thế kỉ nữa.
Giới chuyên gia nhận định, trên thực tế, Hiệp ước Hòa bình có khi còn đem lại những hậu quả nghiêm trọng hơn cho tình hình chính trị trong khu vực và trên thế giới.
Triều Tiên đã có đôi lần đề cập đến Hiệp ước này, nhưng với tham vọng sâu xa hơn. Nếu hòa bình được chính thức thiết lập, Bình Nhưỡng có thể vận động quốc tế ép quân Mỹ rút quân khỏi Hàn Quốc khi hai miền không còn trong tình trạng chiến tranh.
Tiến sĩ James Hoare tại Đại học Queen Mary ở London, Anh, lo ngại rằng Hiệp ước Hòa bình có thể kích động một cuộc chạy đua vũ trang trong khu vực.
Ông đánh giá: “Hiệp ước Hòa bình sẽ khiến Hàn Quốc và Nhật Bản lo ngại vì không biết liệu Mỹ có còn sẵn sàng trợ giúp về mặt quân sự không.
Trong tình huống xấu nhất, các quốc gia này sẽ tăng cường trang bị các loại vũ khí thông thường, và không loại trừ khả năng phát triển vũ khí hạt nhân để đối trọng với Triều Tiên.”
Kevin Gray, Tiến sĩ chuyên ngành Kinh tế Chính trị từ Đại học Sussex, nhận định rằng căng thẳng địa chính trị trong khu vực Đông Á đang có chiều hướng gia tăng hơn là biến mất.
Theo ông, sự can thiệp của Trung Quốc tuy chưa bộc lộ rõ ràng ở khu vực này, nhưng nếu Mỹ giảm hiện diện, không ai biết chuyện gì sẽ xảy ra bởi Bắc Kinh chưa bao giờ coi Triều Tiên là mối đe dọa tiềm tàng, nếu không muốn nói là đồng minh vững chắc.
Hai chính phủ một quốc gia
Mâu thuẫn gay gắt nhất ở bán đảo Triều Tiên là tình trạng pháp lý ở đây.
Bắt đầu từ năm 1948, khi Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên được thành lập ở Bình Nhưỡng và Đại Hàn Dân Quốc ra đời ở Seoul, mỗi chính phủ đều tự tuyên bố mình là chính phủ hợp pháp duy nhất trên bán đảo Triều Tiên.
Do nhiều lí do chính trị, chưa bao giờ những tuyên bố đó được rút lại.
Đã có một thời, hai miền Triều Tiên tìm mọi cách để khẳng định chủ quyền của mình trên toàn bán đảo. Tới trước năm 1972, Triều Tiên vẫn cho rằng Hán Thành (Seoul) mới là thủ đô thực sự của nước này, còn Bình Nhưỡng chỉ là trung tâm đầu não tạm thời để chờ ngày giải phóng Seoul.
Hiện tại, trong các nội dung trên báo chí do truyền thông nhà nước Triều Tiên phát hành,chức danh chính phủ và các cơ quan Hàn Quốc luôn đặt trong dấu ngoặc kép.
Trên các ấn phẩm của Triều Tiên, Tổng thống Hàn quốc sẽ được in là “Tổng thống”, Quốc hội Hàn quốc là “Quốc hội”… Những dấu ngoặc kép này nhằm nhấn mạnh việc Bình Nhưỡng coi những chức danh của Hàn Quốc là “bất hợp pháp”.
Tới cuối những năm 1980, chính phủ hai miền còn thực hiện chính sách có tên gọi là “Học thuyết Hallstein”. Theo đó, không quốc gia nào được thiết lập quan hệ ngoại giao đồng thời với cả hai miền bán đảo.
Tức là, khi một quốc gia ngoại quốc có đại sứ quán tại Seoul và muốn mở một đại sứ quán khác tại Bình Nhưỡng, Triều Tiên sẽ ngay lập tức từ chối. Hàn Quốc cũng hành động như vậy trong trường hợp tương tự.
Tới năm 1992, khi cả Triều Tiên và Hàn Quốc chính thức gia nhập Liên Hợp Quốc, vấn đề chủ quyền và Hiệp ước Hòa bình lại tiếp tục được đưa ra tranh cãi.
Không nước nào chịu thừa nhận chủ quyền của nước còn lại, và đều coi chính phủ của mình là duy nhất trên toàn bán đảo.
Hiệp ước Hòa bình có còn thực sự cần thiết?
Thỏa thuận ngừng bắn được kí ngày 27/7/1953, và chưa bao giờ được chính thức thay thế bằng Hiệp ước Hòa bình, tạo nên khu vực phi quân sự rộng 4km dọc vĩ tuyến 38. Thỏa hiệp này được kí bởi một bên gồm lãnh đạo Triều Tiên và Trung Quốc, và bên còn lại là quan chức cấp cao Liên Hợp Quốc, đại diện bởi Mỹ.
Có một thực tế là, không đại diện nào từ Hàn Quốc kí thỏa hiệp này. Hàn Quốc chưa bao giờ đồng ý ngừng bắn trong khi quốc gia này là một trong hai bên tham chiến từ đầu.
Một thực tế khác là, không miền nào của Triều Tiên tuyên bố chiến tranh với bên còn lại, vì không bên nào thừa nhận bên nào. Từ quan điểm của nhà nước Hàn Quốc năm 1948, Triều Tiên là một quốc gia tự xưng, không tồn tại về mặt pháp lý. Từ phía Triều Tiên, quân Hàn Quốc chỉ là “một nhóm phiến quân”, mà Hiệp ước Hòa bình chỉ được kí giữa những quốc gia có chủ quyền.
Quay trở lại thỏa thuận ngừng bắn năm 1953, ba bên tham gia kí kết gồm có: Quân đội Mỹ (dưới danh nghĩa LHQ), Chí nguyện quân Trung Quốc và Triều Tiên.
Hàn Quốc từ chối kí thỏa thuận này bởi hai lẽ. Thứ nhất, ngay từ đầu, Hàn Quốc muốn thống nhất và kiểm soát toàn bộ bán đảo Triều Tiên.
Thứ hai, từ góc nhìn của Seoul thì các bên tham gia kí kết chỉ là những tổ chức (Liên Hợp Quốc, Chí nguyện quân Trung Quốc), Triều Tiên thì bị coi như “phe nổi dậy”, không phải là quốc gia chính thức. Vậy nên, thỏa thuận không có đủ sức nặng để Hàn Quốc phải kí.
Tương tự, Triều Tiên cũng từ chối chấp nhận Hàn Quốc bình đẳng trên phương diện ngoại giao trong mọi diễn đàn đàm phán.
Giá trị thực tiễn của Hiệp ước
Nếu có một Hiệp ước Hòa bình được lập ra, thì khả năng cao sẽ là Hiệp ước giữa Mỹ và Triều Tiên để kết thúc thỏa thuận ngừng bắn 1953. Một khi Triều Tiên và Mỹ kí kết, vị thế của Triều Tiên sẽ được nâng cao trên trường quốc tế, trong khi mối quan hệ Mỹ-Hàn cũng như vai trò của Hàn Quốc không tránh khỏi bị ảnh hưởng.
Tuy nhiên, viễn cảnh ấy vẫn còn khá xa vời, đặt trong tình cảnh Mỹ-Triều đang liên tục xung đột về chương trình vũ khí hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên.
Các chuyên gia cũng khẳng định rằng, tới thời điểm này, Hiệp ước Hòa bình cũng không còn nhiều giá trị, bởi nó không thể làm dịu đi căng thẳng và những mâu thuẫn gay gắt vẫn đang xảy ra trên bán đảo Triều Tiên.
Nhưng nếu những quốc gia đối nghịch nhau như Mỹ, Hàn Quốc và Triều Tiên có thể kí kết và hòa giải, đây sẽ là bài học để các quốc gia khác trên thế giới noi theo.