Vì sao Hà Nội rất cần nâng cấp quan hệ với Mỹ?

Cac Bai Khac

No sub-categories

Vì sao Hà Nội rất cần nâng cấp quan hệ với Mỹ?

 Nhận xét :

Rất nhiều giải thích lý do tại sao ông Nguyễn Phú Trọng và đảng csVN rất chủ động muốn nâng cấp quan hệ lên cấp cao nhứt với Mỹ vào lúc này mà theo giới truyền thông đưa tin sẽ là “quan hệ đối tác chiến lược toàn diện” bởi vì nhu cầu kinh tế, ngoại giao, quân sự, hay chính trị hoặc lý do nào khác nữa ?

Có thể phải chờ xem thực chất của quan hệ đối tác đó, toàn diện đến đâu, mang tính chiến lược sâu rộng đến mức độ nào và bao trùm lên các lĩnh vực nào nhưng mặt khác cũng cần chú ý đến các điều kiện mà Mỹ sẽ đưa ra khi nâng cấp quan hệ với VN

1/- Ông Nguyễn Phú Trọng [NPT] Tổng bí thư của đảng Cộng Sản, chức vụ do đảng cs bầu, dân không bầu, không có chức vụ gì trong nhà nước lại mặc nhiên được coi như là “Tổng Thống” khi đứng ra mời Tổng Thống Mỹ, người đứng đầu Nhà nước Hoa Kỳ để cùng với Chủ tịch nước, Thủ tướng VN… sẽ chính thức đón Tổng Thống Biden rất trọng thị qua nghi lễ cấp nhà nước giữa Tổng Thống Mỹ và Tổng bí thư đcs “kiêm Tổng Thống VN”. Nghi thức ngoại giao đó đưa ông Nguyễn Phú Trọng lên hàng lãnh đạo tối cao, đứng đầu Nhà nước, củng cố vai trò độc tôn cai trị của đcsVN, nâng quyền lực phe nhóm của ông  trong cuộc tranh giành quyền hành nội bộ sắp tớị

2/- Hà Nội muốn nâng cấp quan hệ với Mỹ nhưng có phần chắc sẽ không chịu nhượng bộ một cách có thực chất các điều kiện của Mỹ về nhân quyền và các vấn đề khác vì trong suốt mấy năm qua tình trạng nhân quyền tại VN xuống cấp nghiêm trọng làm cho thế giới phải lên án trong khi đó Hoa Kỳ vẫn không có hành động trừng phạt nào cụ thể mà ngược lại còn vuốt ve, đáp ứng sốt sắng mong muốn của VN muốn nâng cấp quan hệ song phương vì họ biết Washington đặt nhẹ nhân quyền hơn quyền lợi chiến lược.

3/- Giới quan sát chú ý dụng ý của ông Biden khi nói tại một buổi gây quỹ [bầu cử Tổng Thống năm 2024] ở Maine rằng ông đã nhận được một cuộc gọi từ “người đứng đầu Việt Nam”, “rất muốn gặp tôi khi tôi tới G20” vì Hà Nội muốn nâng cao mối quan hệ với Washington và ông đã đáp lễ rất đặc biệt khi không đến dự Hội Nghị thượng đỉnh ASEAN tại Jakarta – khu vực kinh tế rất năng động đang tranh chấp gay gắt với TC, một địa chiến lược quan yếu của trục chiến lược Ấn độ Thái Bình Dương – để đến VN nhằm đạt được một quan hệ “ấn tượng” với cựu thù Mỹ, tạo nên một “cú hích” cho cuộc bầu cử TT Mỹ sắp tới mà tờ Wall Street Journal đã cảnh báo rằng ông Trump rất có thể sẽ trở lại Nhà Trắng điều mà cả TC và csVN coi đó là cơn ác mộng. Cho nên không lấy làm lạ là nội dung của quan hệ “đối tác chiến lược toàn diện” đó sẽ không quá nhạy cảm đối với cả TC lẫn VN là điều mà NPT rất hài lòng và vị thế đu dây của VN lại được nâng caọ.

4/- ông Nguyễn Phú Trọng cũng không dại gì đi quá đà như Phi bất ngờ xoay trục qua Mỹ để cho TC ra tay hành động mang đến nhiều tai họa vì đồng minh XHCNVN không tiếp tục “duy trì tư tưởng và niềm tin của Đảng Cộng sản và các định hướng xã hội chủ nghĩa đồng thời bảo vệ an ninh của chế độ và thể chế XHCN” như Ông Vương Nghị đưa ra lời khuyến cáo với Phó Thủ tướng VN ông Trần Lưu Quang “đề nghị Việt Nam cùng duy trì lý tưởng cộng sản, bảo vệ chế độ”

5/- Người ta cũng không ngạc nhiên trong quan hệ mới, VN chỉ nhắm vào các lĩnh vực không nhạy cảm, các điều kiện để nâng cấp, thỏa thuận với Mỹ sẽ mang tính phô trương hình thức, thiếu thực chất, không vượt quá giới hạn có thể đưa đến mất đảng như chấp nhận các đòi hỏi về nhân quyền, tự do tôn giáo, tự do ngôn luận, đa nguyên, đa đảng … hoặc các quyết định làm cho TC có cớ dạy cho bài học mới, chẳng hạn cho Mỹ lập căn cứ quân sự như Phi luật Tân lại là điều rất khó xảy ra vì chủ trương 4 không của VN. Cho nên thuật ngữ trong các cam kết có phần lớn mang tính “nhận thức sâu sắc” hơn là cam kết thi hành nếu không sẽ có hậu quả.

6/- Hà Nội thấy cần phải đạt được những thỏa thuận cụ thể “trên cơ” với Mỹ trong lúc nầy qua một Tổng Thống từng là một Nghị sĩ cánh tả đã từng giúp Quốc Hội Mỹ cắt viện trợ cho VNCH, gián tiếp giúp cs miền bắc giành chiến thắng tại miền nam, một Tổng Thống Mỹ dễ thỏa hiệp và điều quan trọng khác là đcsVN mong muốn ông Biden chính thức tái khẳng định sự “tôn trọng hệ thống chính trị của VN ” như ông Obama đã từng tuyên bố như là biểu tượng của Mỹ công nhận vai trò cai trị độc tôn chính thức của đcsVN, tôn trọng Hiến pháp, Luật pháp của VN làm nền tảng chống lại các chỉ trích vi phạm nhân quyền, đòi tự do tôn giáo, tự do ngôn luận, đối lập chính trị, đa nguyên đa đảng và đặc biệt nhứt là mang lại cho VN ưu thế khi có tranh chấp với bên ngoài về luật pháp, kinh tế, thương mại, tài chính, đầu tư, bản quyền … trước khi Nhà Trắng có chủ mới vào năm sau chứa đựng nhiều bất định.

7/- Nhưng thực tế cho thấy bốn nước hiện đang có “quan hệ đối tác chiến lược toàn diện” với VN là 

– Nga nay chỉ còn là những quan hệ mang tính hoài niệm, chua chát

– Với Ấn thì VN vừa được hỗ trợ bán võ khí vừa nhận được đầu tư

– Đối với Hàn Quốc đang là đối tác tích cực tiềm năng mới

– Còn với TQ ngày càng cho thấy đó là quan hệ tiêu cực về ý thức hệ, vì là đồng minh XHCN chỉ còn vài nước trên quả địa cầu nhưng lại có vấn đề xâm phạm chủ quyền gay gắt, tranh chấp biển đảo triền miên, trong khi quan hệ kinh tế thì mang tính chèn ép, bất công hơn là đối tác bình đẳng, công bằng trong sáng và tai hại hơn hết là tiềm năng quan hệ đối tác cao nhứt với TQ đang đẩy VN rơi vào vòng xoáy bất ổn địa chính trị trước sự xâu xé giữa các đại cường.

– Việc VN chủ động gấp rút nâng cấp nhanh hai bậc cùng một lúc với Mỹ lên ngang hàng với TQ có phần lớn phản ánh từ các hệ quả tiêu cực với TQ, mặt khác cũng có thể có sự thay đổi quan trọng trong tương quan quyền lực trong nội bộ đcsVN, kinh tế đang hụt hơi,

Trong khi muốn nâng cấp quan hệ lên cao nhứt với Mỹ mặt khác VN lại hành xử rất trái ngược với các giá trị truyền thống của Hoa Kỳ đối với người dân trong nước cho nên khi cần có quan hệ cao hơn với Mỹ thì không dễ gì VN chỉ muốn hưởng lợi mà không phải chịu nhiều nhượng bộ với Washington điều mà TT Biden đang nhận được nhiều khuyến cáo, phải áp lực VN về nhân quyền và tự do tôn giáo … nếu không ông Biden và đảng Dân chủ sẽ làm cho dân Mỹ thất vọng, điều mà không ứng cử viên nào muốn thấy trước thềm cuộc bầu cử cam go sắp tới.

Ban Biên Tập

Vì sao Hà Nội rất cần nâng cấp quan hệ với Mỹ?

07/09/2023


Ngoại trưởng Mỹ Anthony Blinken bày tỏ mong muốn nâng cấp quan hệ với Việt Nam trong chuyến thăm Hà Nội hồi tháng Tư
Ngoại trưởng Mỹ Anthony Blinken bày tỏ mong muốn nâng cấp quan hệ với Việt Nam trong chuyến thăm Hà Nội hồi tháng Tư

Có quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Mỹ phục vụ lợi ích quốc gia của Việt Nam trong bối cảnh tình hình quốc tế nhiều biến động, mối đe dọa chiến lược từ Trung Quốc và tình hình kinh tế hiện đang gặp nhiều khó khăn, các chuyên gia nhận định với VOA.

Vào ngày 10/9 sắp tới, ông Joe Biden sẽ là vị tổng thống Mỹ thứ năm đến thăm Việt Nam kể từ khi hai nước bình thường hóa quan hệ vào năm 1995. Mặc dù chỉ ở Hà Nội trong khoảng thời gian ngắn ngủi, ông Biden được cho là sẽ cùng các lãnh đạo Việt Nam nâng cấp quan hệ Việt-Mỹ từ mức đối tác toàn diện lên đối tác chiến lược toàn diện.

Đây là bước nhảy vọt hai cấp, đưa Mỹ vào nhóm nhỏ vài nước có khuôn khổ quan hệ ở mức độ cao nhất với đất nước từng là cựu thù của Washington – ngang bằng với mối quan hệ của Hà Nội với Bắc Kinh và Moscow.

Ngoài Nga và Trung Quốc, Việt Nam hiện chỉ có quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Ấn Độ, Hàn Quốc và sắp sửa có thêm Úc, Singapore và Indonesia gia nhập vào câu lạc bộ này.

‘Mong mỏi hết sức’

Việc nâng cấp quan hệ lên mức độ cao nhất với Mỹ là ‘diễn biến hệ trọng’, ông Greg Poling, giám đốc chương trình đông nam Á tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS), nói với VOA.

“Nó cho thấy hai nước ngày càng sát cánh chiến lược với nhau,” ông lưu ý.

Về lý do Hà Nội phải tiến gần hơn đến Mỹ, ông Poling giải thích rằng do Hà Nội ‘xem Trung Quốc là mối đe dọa chiến lược’ nên quan hệ gắn bó hơn với Mỹ và các nước cùng chí hướng ‘là cần thiết để giữ tự chủ chiến lược’.

Tại một sự kiện tranh cử ở Freeport, bang Maine, hồi cuối tháng 7, ông Biden tiết lộ ông ‘nhận được một cuộc gọi từ lãnh đạo Việt Nam nói rằng họ rất mong gặp ông và muốn đưa Mỹ lên thành một đối tác chủ chốt ngang hàng với Nga và Trung Quốc’. Nguyên văn chữ ông Biden dùng là ‘desperately’, dịch thoát là ‘mong mỏi đến tuyệt vọng’.

“Nó truyền đi thông điệp trong khắp bộ máy chính quyền Việt Nam rằng giới lãnh đạo cấp cao xem mối quan hệ kinh tế, quân sự và giữa người dân hai nước chặt chẽ hơn với Mỹ là ưu tiên hàng đầu,” ông Greg Poling nói.

Theo thông cáo báo chí phát đi từ Nhà Trắng, ông Biden và các lãnh đạo Việt Nam sẽ ‘tìm hiểu các cơ hội thúc đẩy tăng trưởng của nền kinh tế tập trung vào công nghệ lấy sáng tạo làm động lực và tăng cường hòa bình, ổn định và thịnh vượng trong khu vực.

“Làm sâu sắc hơn thương mại, đầu tư với Mỹ giúp Việt Nam vượt qua những khó khăn hiện nay,” Tiến sỹ Võ Trí Thành, cựu phó Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, nói với VOA.

Nền kinh tế dựa vào xuất khẩu của Việt Nam đã giảm tốc độ tăng trưởng còn 4.14% trong quý 2 năm nay, mức tăng trưởng quý 2 thấp nhất kể từ năm 2011 và thấp hơn nhiều so với mục tiêu chính thức là 6.5% do nhu cầu chậm lại trên thị trường Mỹ và châu Âu, khiến cho hàng trăm ngàn công nhân thất nghiệp.

Tiến sỹ Thành lưu ý Mỹ là ‘đối tác thương mại và đầu tư chủ chốt’ của Việt Nam. Mỹ hiện là đối tác thương mại lớn thứ hai, sau Trung Quốc, và nhà đầu tư lớn thứ tám của quốc gia đông nam Á này. Kim ngạch thương mại song phương đạt 139 tỷ đô la trong năm 2022, theo số liệu của Cục Thống kê Mỹ và Mỹ đã đăng ký số vốn đầu tư 405 triệu đô la trong sáu tháng đầu năm nay, theo số liệu của Bộ Kế hoạch Đầu tư Việt Nam.

“Thời điểm hiện nay Việt Nam đang trong giai đoạn bước ngoặt cải cách và phát triển. Nếu lúc trước Việt Nam dựa vào những nguồn lực sẵn có như lao động, tài nguyên, đất đai, thì trong những năm gần đây Việt Nam đã đặt ra vấn đề phát triển dựa vào năng suất, tập trung nhiều hơn vào đổi mới sáng tạo, vào công nghệ,” ông Thành nói.

Ông nói thêm là Việt Nam đang chuyển tiếp sang nền kinh tế số và kinh tế xanh cũng như muốn hội nhập sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Đây là những chỗ mà Washington có thể giúp Việt Nam.

Xây dựng chuỗi cung ứng có tính chống chịu cao, nhất là trong lĩnh vực sản xuất chất bán dẫn là những ưu tiên hàng đầu của chính quyền Biden. Trong chuyến thăm đến Việt Nam hồi cuối tháng 7, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen đã xem Việt Nam là đối tác quan trọng trong lĩnh vực này.

‘Điều phải làm’

Trao đổi với VOA, ông Nguyễn Hữu Vinh, nhà báo độc lập còn được biết đến là blogger Ba Sàm, nói rằng theo tin tức rò rỉ từ hậu trường thì để đi đến quyết định nâng cấp quan hệ với Mỹ, Bộ Chính trị của Đảng Cộng sản Việt Nam ‘đã tranh luận rất nhiều’.

“Bộ Chính trị có sự đồng thuận rất là chắc chắn về nâng cấp quan hệ với Mỹ, nhưng chỉ tranh cãi là nâng lên đến mức nào. Trong các cuộc họp, Bộ Chính trị đã nâng lên đặt xuống hai phương án là đối tác chiến lược và đối tác chiến lược toàn diện,” ông nói và cho biết tin này rò rỉ ra trước khi ông Biden xác nhận Việt Nam muốn nâng cấp quan hệ nên ‘khả tín’.

Thông tin ban đầu cho biết Việt Nam muốn nâng một cấp lên thành đối tác chiến lược nhưng gần đây Reuters cho biết Hà Nội sẽ nâng lên ‘đối tác chiến lược toàn diện’.

“Cái áp lực của tình hình bên ngoài, của Trung Quốc, rồi cuộc chiến Nga-Ukraine, tình hình kinh tế Việt Nam – có nhiều yếu bắt buộc người ta có thể thay đổi và cân nhắc,” ông Vinh nói.

Theo lời ông thì lâu nay giới lãnh đạo Việt Nam ‘cứ trù trừ việc mở rộng quan hệ với Mỹ’ vì sợ gây hấn với Trung Quốc ‘nhưng Trung Quốc có nới cái gì cho Việt Nam đâu mà còn liên tục gây sức ép’.

“Nếu các lãnh đạo Việt Nam nhìn nhận tình hình như thế và thấy lòng dân như thế thì cần phải có quyết định dứt khoát,” ông khẳng định.

“Từ phương diện người quan sát, người dân và lợi ích quốc gia thì tôi thấy việc nâng cấp quan hệ với Mỹ rất là cần, rất là đáng, không những nâng lên đối tác chiến lược mà còn là đối tác chiến lược toàn diện. Việt Nam có thể thuận lợi nhiều cái. Mỹ có thể giúp trong vấn đề vũ khí, vấn đề kinh tế, chuyển giao công nghệ… rất nhiều thứ,” ông Vinh nói thêm.

Nga hiện là nước cung cấp vũ khí nhiều nhất cho Việt Nam, nhưng với những khó khăn của Nga do cuộc chiến ở Ukraine, blogger này cho rằng Việt Nam nên dần giảm bớt sự lệ thuộc vào vũ khí của Nga để tìm đến vũ khí của Mỹ.

“Việt Nam cần sớm chuyển hướng trong mối quan hệ với Nga, nhất là về vũ khí, nếu chậm thay đổi thì sau này xảy ra chuyện thì sẽ rất khó,” ông lưu ý.

Nâng cấp quan hệ với Mỹ cũng như với các đồng minh của Mỹ như Úc, Hàn, Singapore là những tín hiệu cho thấy Việt Nam ‘có vẻ như đang xoay chiều về phía phương Tây’. Ông ca ngợi đây là ‘điều đáng mừng’ và là ‘điểm cộng cho các lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam’.

“Thay vì họ phải đối đầu trực diện, cứng rắn, lên gân với Trung Quốc thì giờ đây họ đi theo ngả khác,” ông giải thích.

Cũng theo lời nhà báo độc lập này thì Hà Nội ‘không sợ phản ứng từ Bắc Kinh’.

“Họ thấy trước vấn đề này và họ đã chuẩn bị trước tất cả cho những khả năng này từ lâu rồi. Có thể họ rất hiểu nội tình ban lãnh đạo Việt Nam và có thể họ không mấy lo lắng với một số động thái của Việt Nam vừa rồi,” ông giải thích.

Ông đưa ra dẫn chứng là gần đây không thấy Trung Quốc có ‘sức ép gì tương xứng với việc nâng cấp quan hệ với Mỹ ngoài việc gây sự trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam’.

“Bắc Kinh rất tự tin rằng Hà Nội sẽ không rời xa quỹ đạo của họ để đi về phía Washington,” ông khẳng định.

Chỉ vài ngày trước khi ông Biden đến Hà Nội, ông Lưu Kiến Siêu, trưởng Ban liên lạc đối ngoại trung ương của Đảng Cộng sản Trung Quốc, đã đến Hà Nội gặp Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng để khẳng định mối quan hệ chặt chẽ giữa hai đảng, hai nước. Reuters cũng đưa tin rằng có khả năng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hoặc Thủ tướng Lý Cường sẽ gặp các lãnh đạo Việt Nam sau khi ông Biden thăm Hà Nội.

“Đối với Washington, Việt Nam là một đối tác kinh tế năng động trong khu vực và là một nước không liên minh quan trọng ở bán cầu Nam – nơi diễn ra cuộc cạnh tranh chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc,” chuyên gia Greg Poling lưu ý.

VOAViet