Vì sao Hà Nội bị chỉ trích là “kẻ lợi dụng tồi tệ nhất”?

Cac Bai Khac

No sub-categories

Vì sao Hà Nội bị chỉ trích là “kẻ lợi dụng tồi tệ nhất”?

Đã trên hai tuần từ khi Tổng thống Donald Trump nêu đích danh Hà Nội là kẻ lợi dụng Mỹ tồi tệ nhất và đe dọa trừng phạt, giới chức Hà Nội vẫn im hơi lặng tiếng.

Im lặng là đồng ý là chấp nhận. Nhưng vì sao ông Trump chỉ trích là điều rất cần được xem xét, phân tích và học hỏi.

Thao túng tiền tệ…

Đồng Việt là đồng tiền yếu nhất thế giới và liên tục bị mất giá. Tiền Việt yếu hơn cả tiền Lào, tiền Campuchia, chỉ mạnh hơn đồng tiền vài quốc gia đang bị Mỹ phong tỏa kinh tế như Iran và Venezuela, nhưng vẫn yếu hơn tiền Bắc Hàn.

Đồng Việt yếu đến độ ngay chính người Việt chỉ muốn giữ vàng và Mỹ kim. Hà Nội biết thế nên tìm mọi cách để kiểm soát nhưng thất bại.

Đồng tiền là thước đo chính xác nhất cho sức mạnh kinh tế, niềm tin và ổn định xã hội.

Giữ cho đồng Việt không bị phá giá là cả một nỗ lực vô cùng to lớn của Hà Nội, nói chi đến việc thao túng tiền tệ như Bộ Tài Chính Mỹ e dè.

Thương mãi mất cân đối…

Hà Nội từng tự hào là thị trường cởi mở nhất thế giới, tỷ lệ xuất nhập cảng trên GDP của Việt Nam năm 2018 đã lên tới 196%.

Ngoại trừ hai thương cảng Singapore và Hồng Kông, chưa quốc gia nào trên thế giới đạt được kỷ lục này, Thái Lan đứng sau Việt Nam tỷ lệ cũng chỉ lên tới 122%, Trung cộng 38%, Nhật 31%, còn Mỹ vỏn vẹn chỉ 27%.

Nếu xem Trung cộng là một trung tâm gia công lắp ráp, thì Việt Nam quả đúng là một kho giao chuyển hàng hóa (transshipment).

Hàng hóa do Trung cộng, Đại Hàn và Đài Loan sản xuất được chuyển đến Việt Nam, bao bì, đóng gói rồi xuất cảng sang Mỹ hay Âu châu để trốn và tránh thuế.

Mỹ vừa ra thông báo đánh 456% thuế chống bán phá giá lên thép nhập cảng từ Việt Nam có xuất xứ từ Đại Hàn và Đài Loan.

Cuối năm 2017, Bộ Thương mại Mỹ xác định có đến 90% thép từ Việt Nam nhập sang Mỹ có xuất xứ từ Trung cộng, nên đánh 531% thuế trừng phạt.

Thép là mặt hàng chiến lược. Thế chiến thứ 1 và 2 xảy ra cả guồng máy kỹ nghệ Mỹ đổ dồn phục vụ chiến tranh và Mỹ luôn sẵn sàng khai chiến để bảo vệ quyền lợi quốc gia.

Gian lận thương mãi thép vì thế là hành vi tồi tệ nhất, đáng tiếc Hà Nội chấp nhận lệnh trừng phạt nhưng không hề sửa đổi để tiến bộ.

Năm 2018, xuất cảng từ Việt Nam sang Mỹ là 49,2 tỷ Mỹ Kim. Ba tháng đầu năm 2019 con số tăng đến 40% so với cùng kỳ năm 2018, điều đáng nói là các mặt hàng tăng nhanh nhất lại là các mặt hàng Trung cộng bị Mỹ đánh 25% thuế.

Năm 2018, chỉ riêng Samsung đã xuất cảng trên 60 tỷ Mỹ kim và chiếm 25% kim ngạch xuất cảng của Việt Nam. Samsung chủ yếu nhập linh kiện, lắp ráp tại Việt Nam rồi xuất cảng ra thế giới.

Việt Nam xuất cảng nhiều nhưng chủ yếu là hàng chuyển giao, gia công và lắp ráp, có giá trị gia tăng thấp nên thặng dư thương mại (xuất siêu) rất thấp, thậm chí còn thiếu hụt mậu thương (nhập siêu).

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan trong năm 2018, mức thặng dư thương mại đạt kỷ lục gần 6,8 tỷ, nhưng 5 tháng đầu năm 2019 lại thâm hụt lên đến 548 triệu Mỹ kim.

Thâm hụt mậu dịch với Trung cộng theo thống kê năm 2018 là 24 tỷ Mỹ kim, riêng 5 tháng đầu năm 2019 con số đã lên tới 16 tỷ Mỹ kim.

Số thống kê năm 2014 cho biết có 20 tỷ Mỹ kim chênh lệch giữa số liệu nhập cảng của Việt Nam so với số liệu thống kê xuất cảng của Trung cộng sang Việt Nam.

Tổng cục Thống kê giải thích số chênh lệch là do buôn lậu và gian lận thương mại, mà Việt Nam không tính vào. Cách thống kê thiếu rõ ràng, minh bạch nên các phân tích, đánh giá và tường trình về kinh tế Việt Nam thường không đáng tin cậy.

Sau chiến tranh thương mãi Mỹ-Trung, hàng hóa Trung cộng ào ạt đổ vào Việt Nam nên con số buôn lậu và gian lận thương mại chắc chắn phải gia tăng, thâm hụt mậu dịch dễ dàng đạt 50 tỷ Mỹ kim cho năm 2019.

Nghĩa là cán cân thương mại Việt Nam thường xuyên bị thâm hụt, thiếu ngoại tệ Việt Nam phải vay nợ, có thể nói về thương mãi Việt Nam luôn bị Trung cộng lợi dụng và lấn áp.

Tài chánh thâm hụt…

Việt Nam có được ngoại tệ từ việc phục vụ du lịch, từ bán đất, bán tài nguyên cho ngoại bang, từ xuất cảng lao động và từ “khúc ruột ngàn dặm”, nhưng bù lại phải chi cho những khoản chuyển ngân lậu để đầu tư mua nhà, mua đất ở Mỹ, tẩu tán tài sản, cho con em sang Mỹ du học và di dân cũng chủ yếu là sang Mỹ.

Vì thế, cán cân tài chánh Việt Nam luôn thâm hụt, nợ công, nợ doanh nghiệp nhà nước ngày một gia tăng, thiếu ngoại tệ xây dựng cơ sở hạ tầng là thách thức cho nhà cầm quyền cả địa phương lẫn trung ương.

Việt Nam đã vượt qua giai đoạn được thế giới ưu đãi vay nhẹ lãi, đã bước sang giai đoạn vay nợ để trả nợ lời.

Hai sự kiện gần đây nhất là việc Asanzo nhập hàng Trung cộng xé tem dán nhãn hàng Việt Nam và việc Tập đoàn Big C ngưng nhận hàng may Việt Nam cho thấy hàng Việt Nam thua ngay trên thị trường Việt Nam.

Mây đen đang phủ kín bầu trời Việt Nam.

Tư bản thống lĩnh kinh tế…

Hà Nội từng một thời là tiền đồn chống lại chủ nghĩa tư bản nhưng nay tư bản được đối xử như phượng hoàng, được Hà Nội xây tổ mời vào đẻ trứng.

Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam phụ thuộc vào tư bản nước ngoài một cách nặng nề, sản xuất có vốn đầu tư nước ngoài chiếm hơn 25% GDP và 70% giá trị xuất khẩu.

Tính chính danh của đảng Cộng sản còn có được nhờ vào số liệu thống kê tăng trưởng kinh tế, nói cách khác dựa vào tư bản nước ngoài.

Bởi thế, Hà Nội buộc phải giữ giá đồng tiền, phải giữ lương công nhân thấp, phải liên tục ký các hợp đồng thương mãi, đặc biệt là CPTPP và EVFTA, để tư bản ngoại quốc tăng cơ hội xuất cảng, để tiếp tục thu hút đầu tư nước ngoài và như thế càng ngày lại càng phải lệ thuộc vào tư bản quốc tế.

Hà Nội mở đường cho các công ty Trung cộng tránh thuế, các tập đoàn đa quốc gia như Samsung, Coca Cola,… hưởng lợi nhưng đóng thuế thật ít, dân Việt bị ví như vịt, bị bịt mỏ, bị nhổ lông, nộp thuế không được thắc mắc, không được than van.

Điều đáng nói là Hà Nội đã mất khả năng để cân bằng cán cân thương mại với Mỹ do không thể giới hạn xuất cảng số hàng hóa do tư bản nước ngoài sản xuất tại Việt Nam và thiếu tiền Mỹ để mua hàng Mỹ.

Hà Nội còn dự định sẽ cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước với mục tiêu là thu hút tư bản nước ngoài, như thế kinh tế Việt Nam lại càng phụ thuộc vào tư bản nước ngoài.

Đau đớn thay! bao thế hệ đấu tranh giành độc lập, ngày nay người Việt trở thành người làm công cho chủ nhân ngoại quốc ngay trên đất nước mình, không khác gì thời Pháp thuộc.

Cải cách chính trị…

30 năm về trước, khi thể chế cộng sản ở Đông Âu và Liên Xô sụp đổ, người Việt ai cũng vui mừng, cũng mong Việt Nam thay đổi, được hưng thịnh, được hùng cường.

Tiếc thay đảng Cộng sản vẫn nắm giữ độc quyền chính trị, không báo chí tự do, không đối lập, không ai nói lên sự sai trái của mô hình phát triển và trình độ quản trị đất nước của cộng sản Việt Nam.

Rập khuôn Trung cộng, đảng Cộng sản chỉ thay đổi kinh tế đủ để quyến rũ tư bản nước ngoài, để Việt Nam thành quốc gia cởi mở thương mãi nhất hoàn cầu, với tốc độ tăng trưởng “bền vững” nhờ đầu tư nước ngoài và xuất cảng.

Nhưng cuối cùng thì nợ nần chồng chất, môi trường bị hủy hoại, tham nhũng tràn lan, xã hội bị phân hóa, công nhân, nông dân, tư bản dân tộc những thành phần trước đây được cho là ủng hộ đảng Cộng sản nay trở thành nạn nhân của “đổi mới”.

Người Việt một cổ hai tròng, tư bản nước ngoài chạy theo lợi nhuận, còn cộng sản thì mù quáng với con số tăng trưởng, với độc quyền chính trị.

Không chỉ công nhân Việt Nam bị chèn ép bóc lột, công nhân Mỹ bị mất việc, bị cắt lương, nước Mỹ bị thua thiệt do Bắc kinh và Hà Nội cấu kết gian lận thương mãi.

Tổng thống Trump thắng cử, gió đổi chiều, chiến tranh thương mãi Mỹ-Trung bùng phát, Hà Nội vẫn không nhìn ra, vẫn không tỏ dấu hiệu sửa đổi để thích nghi thời cuộc.

Việc Tổng thống Donald Trump nêu đích danh Hà Nội là kẻ lợi dụng, đe dọa trừng phạt, chẳng khác nào đe dọa tư bản Mỹ chớ dại mà dính vào Việt Nam, cũng là lời khuyến cáo Hà Nội nếu không thay đổi, Mỹ sẽ bị trừng phạt như trừng phạt Trung cộng.

Một thể chế chính trị tự do thực sự, dựa vào dân thay vì ngoại bang, là thể chế chính trị đúng đắn để Việt Nam thoát khỏi lệ thuộc nước ngoài, hòa giải dân tộc, tránh cho đất nước thành một tiền đồn trong cuộc chiến Mỹ-Trung.

Nguyễn Quang Duy

Melbourne, Úc Đại Lợi

11/7/2019