Vì sao Đảng phải xử lý cựu Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng tới cùng?
Sử Tàu có chép tích Dự Nhượng, vì muốn báo thù rửa nhục cho tri kỷ là Trí Bá, mà dăm lần bảy lượt tìm cách hành thích một người rất có thế lực là Triệu Vô Tuất. Âm mưu bại lộ, Dự Nhượng bị đem đi hành quyết. Được ban ân huệ cuối cùng, Nhượng chỉ xin Triệu Vô Tuất cởi áo khoác, cho Nhượng đâm vào đó, coi như thỏa phần nào nỗi thống hận. Tích này về sau được soạn giả Viễn Châu đưa vào cải lương, với tên gọi là “Dự Nhượng đả long bào”, là một trong những tích tuồng nổi tiếng và được hâm mộ nhất. |
Hôm nay Ban Bí thư TƯ Đảng công bố quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức cách chức Bí thư Ban cán sự đảng Bộ Công Thương trong thời gian 2011 – 2016 đối với ông Vũ Huy Hoàng. Ông Hoàng nguyên là Uỷ viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Ban cán sự Đảng, nguyên Bộ trưởng Bộ Công Thương. Ban Bí thư cũng đề nghị thực hiện quy trình xử lý kỷ luật về hành chính đối với ông Hoàng.
Nhưng từ 8/4 năm nay, ông Vũ Huy Hoàng đã về hưu rồi, xử lý một cán bộ đã về hưu bằng hình thức cách chức – than ôi, chẳng phải cũng như “Dự Nhượng đả long bào” hay sao?
Cũng ngày hôm nay, đương kim Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh có phần giải trình trước Quốc hội. Nội dung đầu tiên được người đứng đầu ngành công thương tập trung giải trình là về các dự án “đắp chiếu”, hoạt động kém hiệu quả. Theo báo cáo của Chính phủ hiện có 5 dự án tồn đọng có số vốn đầu tư lên đến hàng nghìn tỉ đồng là: Xơ sợi polyester Đình Vũ, lọc dầu Dung Quất, bột giấy Phương Nam, đạm Ninh Bình, gang thép Thái Nguyên và nhiên liệu sinh học ethanol Phú Thọ.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh thẳng thắn nhìn nhận: các dự án này đã bộc lộ những khiếm khuyết, lỗ hổng trong quản lý Nhà nước, đặc biệt là khung pháp lý. Đặc biệt, trong trách nhiệm của bộ chủ quản cũng như bộ chuyên ngành cần phải xem xét lại việc chấp hành pháp luật và tổ chức thực hiện pháp luật, nhất là trong chất lượng các dự án đầu tư, khâu chiến lược, quy hoạch, chủ trương đầu tư, …. Không loại trừ những tồn tại, những hành động có sự cố ý vi phạm pháp luật Nhà nước trong quản trị, điều hành các hoạt động đầu tư tại DNNN.
Phần giải trình này của ông Trần Tuấn Anh được nhiều đại biểu ủng hộ.
Bởi vì nhiều người hẳn còn nhớ rằng, đúng 1 năm trước, cũng trong 1 phiên họp Quốc hội, với chính chất vấn về những dự án nghìn tỷ đang thua lỗ vạn tỷ, ông Vũ Huy Hoàng – tiền nhiệm của ông Trần Tuấn Anh – đã phủi sạch trách nhiệm quản lý của mình và thuộc cấp. Những lý do ông Hoàng đưa ra lúc đó, nào là “Dự án có công nghệ rất hiện đại, lần đầu tiên được đầu tư ở Việt Nam nên năng lực vận hành của đội ngũ cán bộ quản lý cũng như công nhân còn hạn chế…” (Dự án xơ sợi ở Đình Vũ – Hải Phòng). Nào là, “…do giai đoạn 2007 đến 2011 chi phí xây lắp tăng cao, do giá vật tư, nguyên liệu tăng, bình quân vật liệu xây dựng trong giai đoạn này tăng…” (Dự án gang thép Thái Nguyên).
Kiểu như vậy, không có một câu một từ nào nhận trách nhiệm về phía mình – dù ông Hoàng chính là “tư lệnh ngành” tới 2 nhiệm kỳ liên tiếp.
Chỉ mới tiếp nhiệm ít tháng, nhưng ông Trần Tuấn Anh đang được kỳ vọng như một mẫu hình chính khách hành động. Việc ông bãi bỏ Thông tư 37, “cởi trói” cho doanh nghiệp dệt may, được cho là làm lợi hàng nghìn tỷ đồng, vốn tiêu phí cho các thủ tục hành chính hoặc nhũng nhiễu. Nhưng di sản mà ông Tuấn Anh tiếp nhiệm quá…hoang mang, và chỉ qua 2 phiên giải trình trước Quốc hội về cùng 1 chủ đề cách nhau đúng 1 năm, đã cho thấy những gì tân Bộ trưởng Công thương sẽ phải làm. Không thể có chuyện nhân nhượng hay đổ tại cho…lịch sử. Sẽ phải quy trách nhiệm, và xử lý dứt khoát, thậm chí là mạnh tay.
Ngắn gọn thôi, cựu Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng không thể cứ cởi cái long bào treo lên cây cho người ta đánh vài cái là xong!