Vì sao Đảng cứ im lặng mãi, không dám lên tiếng?

Cac Bai Khac

No sub-categories

Vì sao Đảng cứ im lặng mãi, không dám lên tiếng?

Nguyễn Đăng Quang

 
Tác giả – cựu Đại tá CA Nguyễn Đăng Quang – nêu lên một câu hỏi, cũng là một vấn đề có ý nghĩa then chốt, trong việc nhìn nhận thực chất giá trị và quyền lực của đảng cầm quyền đến nay còn hay mất trong con mắt và nỗi lòng đang cuộn sóng của dân chúng, nhằm chất chính những người có quyền thế và trách nhiệm trong bộ máy Đảng. Nếu cảm nhận được tình thế cực kỳ tế nhị nói trên đã trở thành bầu không khí ngờ vực lan rộng trong tâm thức mấy mươi triệu người Việt Nam, cũng như thực sự còn chút tỉnh táo, hẳn các vị không thể từ chối, tránh né một câu trả lời thật khách quan, dẫu rằng trên trang mạng RFA gần đây, một cây bút có tên Kami có hé lộ cho biết chính mình có liên quan đến việc truyền lan câu chuyện “Mật ước Thành Đô” này (http://www.rfavietnam.com/node/4590) – tuy nhiên bản thân lời nói của một người cầm bút không ai biết là người thế nào chưa có chút gì thuyết phục, vì sự kiện Thành Đô vốn là một cái mốc hiện thực đã xẩy ra năm 1990 để sau đó có câu nói nổi tiếng của ông Nguyễn Cơ Thạch: Một thời kỳ Bắc thuộc mới đã bắt đầu.
Không biết các vị có hiểu được ý nghĩa sấm sét tích tụ trong mấy câu thơ của nhà thơ Thái Bá Tân:
Không thể nào tin nổi.
Nhưng nếu đúng, thì đây
Là tội ác cực lớn,
Loại ngựa xéo, voi dày!
Câu hỏi của ông Nguyễn Đăng Quang lần này, theo ý chúng tôi, cũng là một hình thức thông báo trực diện, không còn tính cách xã giao úp mở, rằng: đường lùi của các vị đã không còn nữa.
Bauxite Việt Nam
Hội nghị Thành Đô (3-4/9/1990) và các thỏa thuận ký kết giữa lãnh đạo 2 Đảng và Nhà nước Việt Nam – Trung Quốc đến nay đã đúng 38 năm, song vẫn là một bí mật lạnh lùng! Không chỉ nhân dân thế giới mà ngay cả người dân Việt Nam cũng như người dân Trung Quốc đều bị lãnh đạo của họ giấu biệt, không hé lộ một lời về những gì họ đã thỏa thuận với nhau tại Hội nghị này cách đây 28 năm về trước!
TĐ1.png
(Giang Trạch Dân và Lý Bằng hồ hởi chào đón các lãnh đạo ĐCSVN chiều 3/9/1990. Nguồn: Internet)
Cách đây hơn 4 năm, ngày 28/7/2014, 61 đảng viên tâm huyết của ĐCSVN đã ký “Thư ngỏ gửi BCH Trung ương và toàn thể đảng viên ĐCSVN” (gọi tắt là “Thư ngỏ 61”). Mời đọc tại đây: https://anhbasam.wordpress.com/2014/07/29/thu-ngo-gui-bch-trung-uong-va-toan-the-dang-vien-dang-csvn/. “Thư ngỏ 61” kiến nghị ĐCSVN thực hiện 2 yêu cầu cấp thiết và trọng yếu của đất nước:
Một: “ĐCSVN cần thay đổi cương lĩnh, từ bỏ đường lối sai lầm về xây dựng CNXH, chuyển hẳn sang đường lối dân tộc và dân chủ, trọng tâm là chuyển đổi thể chế chính trị từ toàn trị sang dân chủ một cách kiên quyết nhưng ôn hòa”.
Hai: “Là người chủ đất nước, nhân dân có quyền được biết và phải được biết sự thật về quan hệ Việt Nam-Trung Quốc và những điều quan trọng đã ký kết với Trung Quốc như Thỏa thuận Thành Đô 1990, các thỏa thuận về hoạch định biên giới trên đất liền và trên Vịnh Bắc bộ, những thỏa thuận về kinh tế v.v”…
Trong 61 đảng viên ký Thư ngỏ này có 1 quân nhân kỳ cựu, 1 “anh bộ đội cụ Hồ” đích thực, đó là Thiếu tướng Lê Duy Mật (1927-2015), cựu Phó Tư lệnh kiêm Tham mưu trưởng Quân khu II, cựu Chỉ huy trưởng Mặt trận Vị Xuyên, Hà Giang (1979-1984). Tướng Lê Duy Mật là người rất cương trực, tính khí khẳng khái, là một vị tướng can trường trận mạc, trải khắp các chiến trường A, B, C, K qua 3 cuộc kháng chiến chống Pháp, Mỹ và Tàu xâm lược! Một chi tiết không phải ai cũng biết, một tuần trước khi đấy, ngày 20/7/2014, ông đã gửi TBT Nguyễn Phú Trọng, BCT và BBT một Tâm thư với nội dung rất mạnh mẽ và quyết liệt, đó là yêu cầu Đảng phải công khai hóa Thỏa hiệp Thành Đô, đồng thời phải cho Tổng kết cuộc chiến chống Trung Quốc xâm lược (Xem tại đây).

Đặc biệt, trong Tâm thư trên, tướng Lê Duy Mật đã trích dẫn nguyên văn một Điều khoản trong Thỏa hiệp Thành Đô do Tân Hoa xã và Hoàn Cầu Thời báo của Trung Quốc tiết lộ: “Vì sự tồn tại của sự nghiệp xây dựng CNCS, Đảng Cộng sản và Nhà nước Việt Nam đề nghị phía Trung Quốc giải quyết các mối bất đồng giữa 2 nước. Phía Việt Nam sẽ cố gắng hết sức mình để vun đắp tình hữu nghị lâu đời vốn có giữa 2 Đảng và nhân dân 2 nước do Chủ tịch Mao Trạch Đông và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dày công vun đắp trong quá khứ. Việt Nam bày tỏ mong muốn sẵn sàng chấp nhận làm một khu tự trị thuộc chính quyền Trung ương tại Bắc Kinh như Trung Quốc đã dành cho Nội Mông, Tây Tạng, Quảng Tây… Phía Trung Quốc đồng ý chấp nhận đề nghị nói trên, và cho Việt Nam 30 năm (1990-2020) để ĐCSVN giải quyết các bước tiến hành cần thiết cho việc gia nhập đại gia đình các dân tộc Trung Hoa” (hết trích).

Ông nêu nghi vấn việc này có hay không, thực hư ra sao, Đảng phải làm rõ! Và rồi ông yêu cầu BCT và BBT phải công bố các văn bản đã thỏa thuận ký kết giữa 2 Đảng trong Hội nghị Thành Đô cho toàn Đảng, toàn dân biết để chứng minh hư thực. Nếu Thỏa hiệp Thành Đô là đúng như Tân Hoa xã và Hoàn cầu Thời báo của Trung Quốc đưa tin, thì rõ ràng đấy là bản thỏa hiệp rất nguy hiểm cho đất nước, chẳng khác nào là phản bội Tổ quốc! Tiếp ngay sau đấy, ông kiến nghị Trung ương xem xét ra tuyên bố phản bác bản Thỏa hiệp đó, chấn chỉnh lại tổ chức, kỷ luật những người đã ký và cả những người thực hiện sau này!
Tôi quen biết Tướng Lê Duy Mật trong những dịp bàn thảo và ký “Thư ngỏ 61”. Tất cả 61 đảng viên ký tên đều nhất trí cao về nội dung, câu chữ và đặc biệt là về 2 vấn đề trọng yếu và cấp thiết của đất nước. Riêng tướng Lê Duy Mật và một vài anh muốn “Thư ngỏ 61” đề cập thêm Điều khoản mà Tân Hoa xãHoàn cầu Thời báo đã tiết lộ, nhưng khi cân nhắc, ý kiến trên không được chấp thuận, đa số cho rằng cần phải rất thận trọng, để theo dõi thêm, chưa khẳng định vội. Sau này mỗi khi gặp nhau, tướng Mật nói vui, bảo tôi là “Ồ đây rồi, ông bạn hăng hái nhất chặn tớ đây rồi!”.
Khi gửi Tâm thư và ký vào “Thư ngỏ 61”, tướng Mật ở tuổi 87, sức khỏe đã yếu. Không lâu sau ông phải vào Quân y viện 108 điều trị bệnh hiểm nghèo. Mỗi lần vào thăm ông, tôi nhận thấy, dù đang nằm trên giường bệnh, nhưng ông luôn đau đáu, trăn trở với hiện tình đất nước, nhất là về mối nghi ngờ của ông đối với Hội nghị Thành Đô. Ông hỏi tôi lý do vì sao không đồng tình với ông về Điều khoản mà ông gọi là “bán nước”, tôi đáp: “Thưa anh, tất cả bọn họ đều u mê về ý thức hệ, họ sẵn sàng đặt quyền lợi của họ lên trên lợi ích quốc gia. Song có lẽ họ chưa ngu muội đến mức có thể bán rẻ Tổ quốc!”. Tôi phân tích thêm: “Vả lại, kẻ thù của ta, chắc anh không xa lạ và còn biết rõ hơn em, chúng là bậc thầy trong các quỷ kế gây chia rẽ, ly gián và phân hóa nội bộ ta! Do vậy chúng ta cần hết sức tỉnh táo, thận trọng và cảnh giác để khỏi sa vào mưu đồ xấu xa, hiểm độc của chúng!”. Ông im lặng, tay vỗ nhẹ vào vai tôi, không rõ ông đồng tình hay phản đối? Thế rồi hơn một tháng sau, ngày 20/10/2015, tôi lặng người khi nghe tin ông mất, mang sang thế giới bên kia mối nghi ngờ rất lớn mà ông chưa được Đảng giải đáp!
LDM2.JPG
(Nỗi u buồn và vẻ mặt trầm tư của tướng Lê Duy Mật trước ngày ra đi. Ảnh: PVĐ)
“Tâm thư” của tướng Mật và “Thư ngỏ 61” của các đảng viên gửi ĐCSVN đã hơn 4 năm rồi mà chẳng có ai hồi âm. Tính đến nay, ngoài tướng Lê Duy Mật, có 4 người khác ký “Thư ngỏ 61” đã ra đi mãi mãi cùng ông! Không rõ Đảng muốn đợi những đảng viên ký “Thư ngỏ 61” ra đi bớt rồi mới trả lời hay là Đảng đợi 2 năm nữa, đúng ngày 4/9/2020, mới chính thức công bố cho toàn dân biết? Những điều họ kiến nghị, hoặc những vấn đề họ yêu cầu làm rõ đều nằm trong quy định những quyền đảng viên được biết và bổn phận Đảng phải làm (Điều 3 Điều lệ Đảng và Điều 4 Hiến pháp). Hơn nữa, câu hỏi mà tướng Mật yêu cầu Đảng làm rõ đâu có phải là của “thế lực thù địch” bịa đặt ra, mà đây là sự tiết lộ của “các đồng chí 4 tốt” của Đảng! Sự việc ở đây thật đơn giản: Nếu CÓ thì bảo là CÓ. Nếu KHÔNG thì bảo là KHÔNG, uẩn khúc ghê gớm gì đâu mà Đảng không dám trả lời?
Trong bài viết ngày 3/8/2014 với nhan đề: “Phải công bố các thỏa thuận ở Thành Đô cho nhân dân biết” (mht!http://boxitvn.blogspot.com/2014/08/phai-cong bo cac thoa thuan o thanh do cho nhan dan biet), người viết bài này kiến nghị: “Xung quanh Hội nghị thượng đỉnh và các thỏa thuận mà Việt Nam đã ký với Trung Quốc ở Thành Đô, có nhiều phân tích, đánh giá, nhận định và thông tin trái chiều, thậm chí cả những đồn thổi nguy hiểm, bất lợi về mặt dư luận… làm người dân hoang mang, bán tín bán nghi, không biết đâu là hư, đâu là thực! Mọi hiện tượng trên sẽ chấm dứt một khi Đảng và Nhà nước báo cáo cho toàn dân biết sự thật về mối quan hệ VN – TQ, đặc biệt là các thỏa thuận mà lãnh đạo ta đã ký với Trung Quốc ở Thành Đô”.
Nhà thơ thế sự nổi tiếng Thái Bá Tân mới đây post lên FB của mình bài thơ “Đề nghị Đảng giải thích” (xem tại đây), nói về việc tướng Lê Duy Mật gửi Tâm thư chất vẩn Đảng mà không được trả lời. Xin mạn phép trích dẫn 4 khổ trong bài thơ nói trên để chia sẻ cùng bạn đọc:
“Thiếu tướng Lê Duy Mật,
Không phải người hồ đồ,
Vừa tiết lộ một ý
Trong Thỏa hiệp Thành Đô.
“Rằng vì lợi ích Đảng,
Đảng ta đã tự mình
Xin làm Khu tự trị
Của chính quyền Bắc Kinh.
“Không thể nào tin nổi.
Nhưng nếu đúng, thì đây
Là tội ác cực lớn,
Loại ngựa xéo, voi dày!
“Tôi là con dân Việt,
Có quyền biết thật hư.
Yêu cầu Đảng giải thích,
Không một phút chần chừ!”
Vâng, thưa nhà thơ Thái Bá Tân, nói rõ thật hư, công khai, minh bạch, không chỉ là trách nhiệm mà còn là nghĩa vụ của đảng cầm quyền đối với 4 triệu đảng viên của mình và 90 triệu con dân đất Việt! Nếu cứ lặng thinh, từ chối trách nhiệm thì Đảng không xứng đáng là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội như đã ghi trong Điều 4 Hiến pháp 2013!
__________
Hà Nội, ngày 19/8/2018.
N.Đ.Q.
__________

Ghi chú của người viết:

Bài viết này chắc chắn sẽ không có nếu Đảng không giữ im lặng trong suốt 4 năm qua. Đúng ra, theo lẽ thường tình, khi nhận được “Tâm thư” của tướng Lê Duy Mật và “Thư ngỏ” của 61 đảng viên tâm huyết, Đảng nên có hồi âm hoặc đối thoại dưới hình thức nào đó. Nhưng rất tiếc những điều này không diễn ra, mà là những việc làm ngược lại!
Nếu vì lý do gì đó, Đảng không thể công khai cho nhân dân biết về mối quan hệ giữa 2 nước VN-TQ, đặc biệt là các thỏa thuận đã ký với TQ ở Hội nghị Thành Đô, thì ít ra, Đảng cũng nên lên tiếng phủ nhận và bác bỏ nguồn tin (Điều khoản) do Tân Hoa xã và Hoàn cầu Thời báo tiết lộ, đồng thời lệnh cho 700 báo đài ở Trung ương và địa phương phản bác, lên án và tố cáo nguồn tin xấu độc này! Và, cũng thật lạ, là tại sao Đảng không chỉ thị cho Ban Đối ngoại hay Người phát ngôn BNG hoặc TTXVN lên tiếng yêu cầu phía Trung Quốc có biện pháp chấm dứt, không để lặp lại những trường hợp tương tự!
Vậy, vì sao Đảng cứ im lặng mãi, không lên tiếng, và cũng chẳng giải thích để yên lòng dân, mà cứ để ai muốn hiểu sao thì hiểu, muốn nghĩ sao thì nghĩ? Đây chính là nguyên nhân gây nên sự nghi ngờ ngày một lớn trong dư luận người dân, kể cả trong nội bộ Đảng! Lỗi này không phải của ai mà chính là của Lãnh đạo và các cơ quan tham mưu của Đảng!
N.Đ.Q.
Tác giả gửi BVN.