Vì sao chóp bu Việt Nam dồn dập công du các nước ASEAN?

Cac Bai Khac

No sub-categories

Vì sao chóp bu Việt Nam dồn dập công du các nước ASEAN?

20/08/2017


Nguyễn Xuân Phúc thăm Thái Lan. Ảnh: VOV

Thiền Lâm
Việt Nam – Cali Today News – Hiện tượng đối ngoại đáng chú ý là cùng thời điểm Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm Thái Lan ba ngày từ 17/8/2017, Ban Đối ngoại Trung ương đảng CSVN cũng ra thông báo về việc nhân vật đứng đầu đảng là Nguyễn Phú Trọng sẽ đi thăm cấp nhà nước ở Indonesia và Myanmar từ ngày 22/8 đến 26/8.
Không có tên Chủ tịch nước Trần Đại Quang trong các chuyến công du trên. Có lẽ ông Quang đang “bị bệnh”.
Vì sao lại có những chuyến đối ngoại dồn dập như thế?
Báo The Nation của Thái Lan cho hay ông Phúc và Thủ tướng Thái Chan-o-cha sẽ “nếu quan ngại nghiêm trọng của Việt Nam về tranh chấp tại Biển Đông” và “Cả hai sẽ khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, an ninh và ổn định cũng như tự do hàng hải. Hai thủ tướng cũng sẽ tập trung vào việc thực thi đầy đủ Tuyên bố về ứng xử các bên ở Biển Đông 2002.”
Ẩn ý của những chuyến đi có lẽ nằm ở đây.
Ngay trước những chuyến đi trên, Asean vừa hoàn thành dự thảo khung Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông. Theo nhiều nguồn tin quốc tế, Việt Nam đã thất bại trong việc lồng ghép các từ ngữ trực diện và gay gắt nhắm đến Trung Quốc.
Cần nhắc lại, tại Diễn đàn an ninh khu vực 10 nước Đông Nam Á ở Manila, Philipppines vào ngày 5/8/2017, một hiện tượng hơi “lạ” là Việt Nam đã cố gắng thúc giục các nước Đông Nam Á có lập trường mạnh mẽ hơn đối với việc Trung Quốc bành trướng ở Biển Đông. Việt Nam cũng tìm cách đưa những từ ngữ cứng rắn chống Trung Quốc vào tuyên bố của ASEAN, chẳng hạn vận động ASEAN bày tỏ quan ngại về “việc xây dựng” ở ngoài biển, ý nói đến sự bùng nổ các hoạt động xây đảo nhân tạo của Trung Quốc ở vùng biển có tranh chấp trong những năm gần đây.
Nguyễn Xuân Phúc thăm Thái Lan. Ảnh: VOV
Việt Nam cũng muốn ASEAN nhấn mạnh trong tuyên bố chung là bộ quy tắc ứng xử (COC) với Trung Quốc ở Biển Đông, hiện đã được lên kế hoạch, sẽ có tính ràng buộc về mặt pháp lý – một điều bị Trung Quốc chống lại.
Thế nhưng theo đài VOA, một nhà ngoại giao tham gia cuộc họp cho biết rằng “Việt Nam đơn thương độc mã đòi có những từ ngữ mạnh mẽ về Biển Đông” trong khi “Campuchia và Phippines không mặn mà thể hiện điều đó”. Một số nhà ngoại giao nói còn có phần chắc Việt Nam sẽ thua trong nỗ lực đòi đưa các từ ngữ cứng rắn chống Trung Quốc vào tuyên bố, khi mà Philippines với tư cách chủ nhà hội nghị có nhiều ảnh hưởng hơn…
Trước đó, Bắc Kinh đe dọa sẽ tấn công một số căn cứ quân sự của Việt Nam ở quần đảo Trường Sa nếu Việt Nam cho phép Repsol – một công ty Tây Ban Nha liên doanh với Việt Nam – tiếp tục khoan thăm dò dầu khí ngay tại Bãi Tư Chính luôn được xem là “thuộc vùng chủ quyền không tranh cãi của Việt Nam”. Vào ngày 24/7/2017, chính quyền Việt Nam đã phải yêu cầu ngừng hoạt động thăm dò khí đốt của Repsol.
Chỉ ít ngày sau đó, Bộ trưởng quốc phòng Việt Nam là Ngô Xuân Lịch đã “bất ngờ” thăm Hoa Kỳ từ ngày 7 – 10/8/2017. Kết quả cuộc gặp với Bộ trưởng quốc phòng Mỹ James Mattis chỉ là “một tàu sân bay Mỹ sẽ thăm Việt Nam vào năm sau”.
Chưa có gì chắc chắn là giới quân sự Hoa Kỳ sẽ “cần Việt Nam hơn là Việt Nam cần Mỹ”, trong khi Mỹ còn phải lo nhiều vấn đề ở nhiều khu vực khác trên thế giới. Vì thế, khả năng Mỹ có can dự vào Biển Đông hay không, và nếu có thì can dự tới mức độ nào, Việt Nam với Mỹ có thể thỏa thuận như thế nào để Việt Nam có thể tăng khả năng quốc phòng của mình để chống lại những bất trắc có thể xảy ra… vẫn là những đáp án mù mờ.
Quả thật, giới chóp bu Việt Nam chưa bao giờ cô đơn đến thế trên trường quốc tế, dù Việt Nam đã thủ đến chẵn một chục “đối tác chiến lược” trong túi. Nhưng quá cay đắng là “đối tác chiến lược toàn diện” lớn nhất của Việt Nam lại là “bạn vàng” Trung Quốc.
Vào những ngày này, Trung Quốc lại tái diễn hoạt động bảo kê cho hàng trăm tàu cá xâm phạm vùng lãnh hải Việt Nam. Liên tiếp xảy ra những vụ ngư dân Việt bị tấn công và bị bắn. Lại những cái chết không thể nhắm mắt của ngư dân trong lúc hải quân Việt Nam vẫn “kiên định bám bờ”…
Trong cơn khốn khó về tâm trạng cô đơn đối ngoại, hẳn Nguyễn Phú Trọng “thăm cấp nhà nước ở Indonesia và Myanmar” là nhằm tìm kiếm một sự đồng thuận mỏng manh, dù chỉ trên phương diện “võ miệng”, để đối phó với Trung Quốc.