Vì sao Bỉ dễ trở thành mục tiêu của những kẻ khủng bố

Cac Bai Khac

No sub-categories

Vì sao Bỉ dễ trở thành mục tiêu của những kẻ khủng bố
Cảnh sát Bỉ đứng gác ở một nhà ga tại Brussels hôm 23/3. Ảnh: Reuters

 

 Cộng đồng Hồi giáo khó hòa nhập, nhân viên an ninh bị quá tải là hai trong số các vấn đề cho thấy việc Bỉ bị tấn công khủng bố là điều không quá ngạc nhiên.
Bỉ, trái tim của châu Âu, tưởng như khó có thể là tâm điểm của bạo lực cực đoan, nhưng lại có nhiều vấn đề khiến quốc gia nhỏ bé này trở thành điểm nóng cực đoan và dễ bị tấn công. Và thủ đô nước này hôm 22/3 đã hứng chịu một loạt vụ đánh bom tại sân bay và nhà ga tàu điện ngầm, khiến ít nhất 34 người chết và hơn 100 người bị thương.
Theo Jason Burke, nhà bình luận của Guardian, giống các nước khác, Bỉ cũng chứng kiến tình trạng lây lan rõ ràng hệ tư tưởng bạo lực qua mạng xã hội. Dù chúng không trực tiếp kích động bạo lực, nhưng chắc chắn sẽ xúi giục một thế giới quan đầy rẫy những căm ghét, vô tâm và bảo thủ.
Nguồn gốc của các vấn đề hiện nay có lịch sử lâu dài. Giống những nơi khác ở châu Âu, Bỉ cũng là nạn nhân của làn sóng chủ nghĩa khủng bố trong thập niên 1980 và 1990 gắn liền với tình hình bất ổn ở Trung Đông. “Bỉ và Pháp từ lâu đã có nguy cơ bị khủng bố”, Rik Coolsaet, chuyên gia khủng bố ở Đại học Ghent, nói.
Trong thập niên 1990, các chiến binh ở miền bắc nước Pháp từng tham gia cuộc nội chiến Algeria đã tràn qua biên giới sang Bỉ. Ít nhất một nhà truyền giáo bị trục xuất khỏi Pháp đã đến Brussels. Khi người dân địa phương bày tỏ lo ngại, các quan chức đã nói với họ rằng vị giáo sĩ này là “ngoại lệ”, Johan Leman, từng là nhà hoạt động chống phân biệt chủng tộc ở Molenbeek nói hồi tháng 11 năm ngoái.
Trong nửa đầu thập niên trước, khi các cơ quan an ninh châu Âu cố gắng tìm hiểu về mối đe dọa khủng bố mới mà họ phải đối mặt, và các quả bom phát nổ ở Madrid và London, thì Bỉ gần như đứng ngoài cuộc, dù ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy các mạng lưới cực đoan đã bám rễ ở quốc gia này.
Dù chỉ có một số ít công dân Bỉ đến tham chiến ở Iraq, đây vẫn là một nhóm khá lớn nếu so với các nước khác. Một người cải đạo từ thành phố Charleroi, tây nam Bỉ, chết hồi năm 2005 khi đánh bom một đoàn xe của Mỹ ở Iraq, trở thành người phụ nữ châu Âu đầu tiên thực hiện một cuộc tấn công tự sát.
Nhiều người khác đến Afghanistan. Năm 2008, giới chức phá vỡ một mạng lưới chuyên cử các thanh niên Hồi giáo Bỉ tới trại huấn luyện của al-Qaeda. Nhiều người có vẻ thất vọng với những gì họ chứng kiến tại vùng chiến sự, nhưng điều này dường như không ngăn nổi dòng người tiếp tục đổ xô tới đó. Một vài người trở về quê nhà với ý định thực hiện các vụ tấn công, theo các công tố viên Bỉ.
Tại các thành phố Bỉ, các mạng lưới cực đoan có vỏ bọc phi bạo lực phát triển mạnh mẽ. Một nhóm hoạt động năng nổ nhất đã bị cơ quan chức năng Bỉ giám sát và sau đó bị đem ra xét xử.
Tuy nhiên, giống các quốc gia khác ở châu Âu, chính cuộc chiến ở Syria đã trầm trọng hóa vấn đề hiện nay. Một số ước tính cho thấy Bỉ là nước có tỷ lệ công dân đến Syria tham chiến cao nhất trong số các nước châu Âu. Theo các chuyên gia, khoảng 450 trong tống số 11 triệu dân Bỉ, trong đó có khoảng nửa triệu người Hồi giáo, đã vượt biên sang Syria. Đa phần họ gia nhập nhóm Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), trong khi một số khác tham gia vào nhóm Jabhat al-Nursra thân al-Qaeda. Hơn 80 người đã thiệt mạng trong khi rất nhiều người vẫn đang chiến đấu ở miền đông Syria.
vi-sao-bi-de-tro-thanh-muc-tieu-cua-nhung-ke-khung-bo-1
Tỷ lệ phần tử jihad trên số dân tại Bỉ cao hơn nhiều so với các nước châu Âu khác. Đồ họa: CNN
Molenbeek, khu có dân số 90.000 người, có rất đông người Hồi giáo sinh sống và được nhiều người xem là nơi có vấn đề nghiêm trọng. Một số nhà bình luận đã gọi Molenbeek là một khu vực gần như “bất khả xâm phạm”, nơi cảnh sát có rất ít quyền lực.
Leman, một nhà hoạt động tại đây, cho biết những kẻ tuyển mộ thường nói với các thanh thiếu niên Bỉ rằng cha mẹ chúng không hiểu được “Hồi giáo thực thụ'”. “Chúng nhắm đến quá trình nổi loạn điển hình ở thanh thiếu niên”, Leman nói.
Nghiên cứu của Đại học Oxford đã xác nhận tầm quan trọng của mạng xã hội, khi cho thấy bạn bè và đồng nghiệp đóng vai trò chính trong việc tuyển mộ 3/4 chiến binh nước ngoài cho IS. Các thành viên trong gia đình chiếm 1/5 số vụ tuyển mộ trong khi các nhà thờ Hồi giáo chỉ chiếm 1/20.
Montasser AlDe’emeh, chuyên gia nghiên cứu ở Molenbeek, nói rằng ông biết một trong hai người từng tham chiến ở Syria, đã thiệt mạng hồi tháng một, trong vụ đấu súng với cảnh sát Bỉ ở thị trấn Verviers.
“Anh ấy thường đến quán cà phê nơi tôi thi thoảng ghé qua. Ở đó, mọi người đều biết nhau. Họ nói chuyện, chia sẻ các video và lập các kế hoạch. Và đây là cách hoạt động tuyển mộ diễn ra”, Alde’emeh nói.
Vai trò của nhà thờ Hồi giáo trong việc truyền bá tư tưởng cực đoan vẫn còn gây tranh cãi. AlDe’emeh nói ông biết một số giáo sĩ giảng đạo tại các nhà thờ từng đến Syria vào năm ngoái. “Tưởng tượng xem họ sẽ nói gì với những người nghe họ giảng đạo”, ông nói.
Quá tải
AlDe’emeh tin rằng có hai kiểu chiến binh: những người duy tâm ngây thơ là những người lần đầu tới Syria, và loại thứ hai là những kẻ cực đoan bạo lực hơn sẵn sàng tấn công ở quê hương mình. Loại sau thường có thời gian dài tham gia vào một số tội phạm nghiêm trọng.
Abdelilla, một nhân viên xã hội có 20 năm kinh nghiệm ở Molenbeek, cho rằng các nhà thờ Hồi giáo không phải là vấn đề chính. Một bà mẹ có con trai bị thiệt mạng khi chiến đấu cho IS ở Syria năm ngoái nói rằng con bà chưa bao giờ đến nhà thờ, nhưng bị những thanh niên “trên đường phố” lôi kéo.
Nghèo đói cũng không hẳn là lý do giải thích vấn đề này. Trong số những kẻ tấn công khủng bố Paris hồi tháng 11, nhiều kẻ tương đối khá giả.
Tuy nhiên, rất ít người cảm thấy an tâm khi Bỉ, nước luôn gặp khó khăn trong việc hòa giải cộng đồng nói tiếng Pháp và tiếng Hà Lan, đưa ra một loạt tuyên bố có vẻ mâu thuẫn về tình hình an ninh.
Các cơ quan an ninh Bỉ bị quá tải, dù có nhiều quan chức giàu kinh nghiệm. Theo tiết lộ, chỉ vài trăm nhân viên được cho là giám sát hàng nghìn người có thể là chiến binh cực đoan. “Chúng tôi đơn giản là bị quá tải”, một quan chức an ninh cấp cao nói. Bỉ hồi tháng trước phát động chiến dịch chống khủng bố với nguồn kinh phí hơn 230 triệu USD nhưng đã quá muộn, Guardian nhận xét.
Kẻ đã trốn thoát chính là kẻ có thể khiến nhiều người thiệt mạng hơn. Salah Abdeslam, người quốc tịch Pháp lớn lên ở Molenbeek, nghi phạm chính trong vụ khủng bố Paris, đã chạy trốn sang Bỉ và bị bắt hôm 18/3. Các quan chức địa phương hôm 22/3 thừa nhận họ đã lường trước những kẻ đồng lõa có thể trả đũa cho vụ bắt giữ đó.
Họ sẽ phải lý giải vì sao không thể ngăn chặn nổi một vụ tấn công dù họ biết nó sẽ xảy ra, Burke nhấn mạnh.
Duy Sơn