“Vì sao Bắc Kinh luôn hiểu sai Hong Kong”

Cac Bai Khac

No sub-categories

“Vì sao Bắc Kinh luôn hiểu sai Hong Kong”
Minh Hoạ: Brian Wang
Khải Đơn (Danlambao) – Bài viết “Vì sao Bắc Kinh luôn hiểu sai Hong Kong” của South China Morning Post rất thú vị. Nếu bạn đã theo dõi vụ việc này từ lâu, thì rất nên đọc bài này. Bài viết mô tả cách thức Bắc Kinh thu thập thông tin tình báo, thông tin công chúng, cảm xúc của cư dân, cũng như những suy nghĩ của nhóm cư dân trẻ trong thành phố này. Thành phố có khoảng 7,3 triệu dân.
Hai quan chức từ Đại lục qua đi khảo sát ý kiến của giới doanh nhân, đầu tư, sinh viên, trí thức về cuộc biểu tình. Một doanh nhân mô tả: “Họ muốn biết tại sao dân Hong Kong giận dữ đến vậy. Tại sao chúng tôi ghét bà Carrie Lam và cảnh sát quá như thế?”
Bộ máy thu thập thông tin đó trong nhiều năm thường gửi báo cáo về đại lục để phân tích tâm lý chung của dân Hong Kong và dự đoán những nguy cơ có thể xảy ra. Trước khi vụ biểu tình năm nay diễn ra, phó thủ tưởng Hàn Chính phụ trách Hong Kong còn tự tin nói: “Không khí chính trị ở Hong Kong đang diễn biến theo hướng tốt lên” và “Hong Kong đã chọn con đường đúng hướng về phát triển”.
Diễn biến sau phát biểu đó là Bắc Kinh sau đó rơi vào bối rối thực sự với 11 tuần dân Hong Kong không ngừng xuống đường biểu tình.
Từ năm 2003, Bắc Kinh đã gửi hàng loạt người sang Hong Kong để phân tích về cư dân ở đây, từ chính khách, học giả, mạng lưới thông tin nội bộ của các tập đoàn kinh tế, văn phòng nghiên cứu liên tục khảo sát tâm lý chính trị của người dân.
Hóa ra tất cả các báo cáo đó đều sai.
Không ai dự đoán được dân Hong Kong sẽ làm gì. Không ai hiểu nổi vì sao họ hành động như vậy. Không ai đoán được sau khi đã nhượng bộ dự luật dẫn độ người Hong Kong vẫn tiếp tục biểu tình.
Sáng nay nghiệp đoàn giáo viên đã xuống đường biểu tình, và nói sinh viên của họ có quyền biểu tình nếu muốn.
Tôi thường có thói quen đọc CCTV để xem Trung Quốc nhìn Hong Kong thế nào. Trò này khá thú vị. Và đúng là sau khi xem content của CCTV chạy vài tuần qua, tôi thực sự thấy những gì trong bài báo của South China Morning Post phân tích là hoàn toàn đúng: Trung Quốc bỏ ra rất nhiều nỗ lực thu thập thông tin để hiểu người dân Hong Kong nghĩ gì. Nhưng họ không mở lỗ tai ra để nghe những người Hong Kong đang thực sự nói gì. Thay vào đó, họ chọn những kênh họ thích, ví dụ gặp gỡ những nhóm người thân Bắc Kinh ở Hong Kong, phỏng vấn chính trị gia thân Bắc Kinh… và cuối cùng thứ báo cáo họ tổng hợp được để báo cáo về đại lục chẳng thể hiện được bất cứ dự báo gì.
Một bức tranh chuệch choạc, méo mó và không thể đưa ra dự đoán chính xác về bầu không khí chính trị.
Sự méo mó này thể hiện rất rõ trên content CCTV chạy. Có một post viết thế này: “He is going to Yale and you are going to jail. You fight for his degree” – (Anh ta sẽ đi du học Yale, còn bạn sẽ vô tù. Bạn chiến đấu cho bằng cấp của anh ta). Cái post này hàm ý tấn công cá nhân và nhắm vào sự ích kỷ của người trẻ (muốn có được học vị cao, sự nghiệp ở nước ngoài, và thấy cay đắng vì mình chẳng thể bằng thằng đó). (1)
“Thằng đó” trong ảnh là Nathan Law – một trong những lãnh tụ biểu tình của phong trào dù vàng vài năm trước. (1)
Nhưng người viết content này cho CCTV có lẽ đã không biết đợt biểu tình năm nay họ chẳng còn ai là lãnh tụ. Chẳng có những buổi diễn thuyết hùng hồn có leader như Joshua Wong hay Nathan Law hò hét tứ phương. Những anh hùng dạo nọ giờ chỉ là người biểu tình y hệt đám thanh niên trẻ khác. Họ đâu còn là lãnh tụ. Họ cũng chẳng thể mưu cầu gì từ cuộc biểu tình đó để viết đầy CV nộp hồ sơ du học. Phương Tây đã biết đến những tay trẻ này từ vài năm trước. Muốn hồ sơ đình đám du học thì các cậu cũng có đủ từ lâu rồi.
Và với giới trẻ Hong Kong (giỏi ngoại ngữ, khả năng lao động hàng đầu Châu Á, học vị cao), thì chuyện “tới Yale” hay tới Mỹ có hấp dẫn nhưng không phải kiểu “một mất một còn” đoạt được bằng xương máu như con nhà nghèo Đông Nam Á.
Trò tấn công cá nhân rẻ tiền này có lẽ cũng chỉ hiệu quả ở mấy nước cộng sản, nơi sự đói khát được đi nước ngoài khiến người ta quay trở mặt dè bỉu những người giỏi giang, làm nhà hoạt động xã hội có cơ hội đi học xa hơn hay thành đạt hơn ở quốc gia khác.
Ngoài cái post trên CCTV còn bỏ công sản xuất một mớ video khác, tấn công tỷ phú Jimmy Lai (tỷ phú Hong Kong ủng hộ biểu tình), video ca ngợi ẩm thực đường phố Hong Kong và sự thú vị văn hóa kiểu con nhà nghèo an phận thủ thường. (2) Hài nhất là trong cái clip an phận thủ thường này còn có anh diễn viên nói: “Nếu bạn hạnh phúc với những gì bạn đang làm, hãy nỗ lực 200%”. Khúc này thì chắc dân Hong Kong tin, bởi họ biểu tình dữ hơn 200% ròi đó.
Loại content này cũng biểu lộ một Bắc Kinh hoàn toàn xa lạ và chẳng hiểu gì Hong Kong, dù tốn rất nhiều tiền chạy ad trên Facebook (chú ý nha, FB thì bị cấm ở TQ nhưng CCTV thì có Facebook channel để mời nhân dân quốc tế dzô đọc để tin).
Nhưng ai rảnh mà tin chớ.
Mấy bạn tự ngồi làm thông tin còn không tin được chính mình cơ mà.
(1) Post về Nathan Law:
(2) Video về tỷ phú Jimmy Lai ủng hộ biểu tình:
(3)Video Hong Kong nghèo mà an toàn còn hơn giàu mà đi biểu tình:
18.08.2019