Venezuela xóa tan huyền thoại về nguyên tắc không can thiệp
Nguồn: Andrés Velasco, “Venezuela Shatters the Myth of Non-Intervention”, Project Syndicate, 04/02/2019, Biên dịch: Phan Nguyên
Nhiệm kỳ tổng thống Venezuela của Nicolás Maduro đã kết thúc vào ngày 10/01/2019. Theo quy định của hiến pháp Venezuela, Juan Guaidó, người đứng đầu Quốc hội được bầu một cách dân chủ, đã tuyên bố mình là tổng thống lâm thời. Hoa Kỳ, Canada và phần lớn Nam Mỹ ngay lập tức công nhận Guaidó là nhà lãnh đạo hợp pháp của Venezuela. Một số nước thuộc Liên minh châu Âu đã làm điều tương tự.
Nhưng Tổng thống Mexico Andrés Manuel López Obrador tuyên bố ông sẽ tuân thủ nguyên tắc không can thiệp. Uruguay cũng từ chối công nhận Guaidó, và Bộ Ngoại giao nước này nói rằng vấn đề của Venezuela phải được giải quyết một cách hòa bình bởi người Venezuela. Thật tình cờ khi cả hai nước đã tuyên bố rằng họ sẽ tổ chức một hội nghị quốc tế mà qua đó họ muốn đóng vai trò người trung gian trong cuộc đối đầu ở Venezuela.
Hai lập luận trên là những lập luận thường được lặp lại bởi những người ủng hộ chế độ độc tài của Venezuela. Thoạt nghe có vẻ hợp lý, nhưng sau một lúc suy nghĩ, chúng ta sẽ thấy chúng đáng ngờ, vô nghĩa, hoặc cả hai.
Hãy bắt đầu với lập luận thứ hai. Người Venezuela dĩ nhiên nên giải quyết khủng hoảng của chính họ. Nhưng có một khó khăn nho nhỏ: Maduro sẽ không cho phép họ làm như vậy.
Từ khi Guaidó tuyên thệ nhậm chức tổng thống, ít nhất 40 người đã thiệt mạng và 800 người đã bị lực lượng an ninh bắt giữ. Kể từ cuộc tổng tuyển cử năm 2015, khi phe đối lập giành đa số trong Quốc hội, Maduro đã tước bỏ gần như toàn bộ quyền lực của cơ quan này, đồng thời đưa vào Tòa án tối cao và Hội đồng bầu cử quốc gia những tay chân thân cận của mình. Hầu hết các lãnh đạo phe đối lập đều bị cho vào tù hoặc sống lưu vong, và có đến bốn triệu người Venezuela (tức một phần bảy dân số) đã bị buộc rời khỏi đất nước. Tổ chức Theo dõi Nhân quyền và các tổ chức phi chính phủ uy tín khác đã nhiều lần nhấn mạnh sự vi phạm nhân quyền một cách có hệ thống ở Venezuela.
Trong những trường hợp này, việc nhắc lại rằng người Venezuela phải tự giải quyết vấn đề của mình trong khi không làm gì chính là giúp đảm bảo rằng sẽ không có chuyện gì xảy ra – ngoại trừ việc quyền của người dân Venezuela tiếp tục bị vi phạm. Tê liệt đã trở thành một mẫu hình thường xuyên. Trong những năm gần đây, những nỗ lực rụt rè nhằm hòa giải hai bên của Vatican, Tây Ban Nha và những nước khác đã không đi đến đâu vì Maduro, người không muốn từ bỏ quyền lực độc tài của mình, không muốn nỗ lực của họ thành công.
Đó là những tin xấu. Còn tin tốt là phần lớn thế giới đã bị cuốn vào hành động bởi bước đi táo bạo của Guaidó. Tiến trình đó giờ đây không nên bị đảo ngược bởi những tuyên bố giả dối rằng không được can thiệp vào Venezuela.
Những kẻ độc tài luôn tìm tới cái gọi là nguyên tắc này khi nó phù hợp với lợi ích của họ. Điều đó đã đúng với trường hợp của Augusto Pinochet ở Chile cũng như đối với Fidel Castro ở Cuba. Nhưng trong trường hợp này, câu thần chú về sự không can thiệp mâu thuẫn với thực tế là các cường quốc nước ngoài đã can thiệp vào Venezuela. Các sĩ quan tình báo Cuba giúp điều hành bộ máy đàn áp của Maduro, trong khi Trung Quốc và Nga đã cho Venezuela vay hàng chục tỷ đô la với những điều khoản kế toán mờ ám đến nỗi không ai biết chắc chắn tiền đã chảy vào đâu.
Lý do chống lại luận điệu trống rỗng về không can thiệp không chỉ bắt nguồn từ thực tế. Đứng sang một bên và kêu gọi đối thoại trong khi như một tên côn đồ kề dao vào cổ bà ngoại và giật túi xách của bà có thể được mô tả chính là hành động không can thiệp, nhưng đó không phải là một hành động dũng cảm hay đạo đức.
Chúng ta có nghĩa vụ đạo đức phải bảo vệ cuộc sống và nhân phẩm của con người chống lại sự tàn bạo, bất kể sự tàn bạo đó diễn ra ở đâu. Đó là lý do tại sao hầu hết các quốc gia trên thế giới (trừ Hoa Kỳ, Nga hay Trung Quốc) đã công nhận quyền tài phán của Tòa án Hình sự Quốc tế. Không có tranh luận về việc không can thiệp khi một nhà độc tài hoặc một đầu sỏ chiến tranh phạm các tội ác chống lại loài người.
Lập luận dựa trên sự bảo vệ phổ quát đối với các quyền chính trị và dân sự cơ bản có thể ít rõ ràng hơn, nhưng đó cũng là một lập luận mạnh mẽ. Việc là một thành viên được kính trọng của cộng đồng quốc tế đi kèm với nghĩa vụ không bỏ tù các đối thủ chính trị hoặc gian lận bầu cử. Hiến chương Dân chủ Liên Mỹ của Tổ chức các Quốc gia châu Mỹ (OAS) quy định các nghĩa vụ như vậy đối với các bên tham gia ký kết và đề ra các biện pháp trừng phạt – bao gồm trục xuất khỏi OAS – đối với những quốc gia vi phạm nhiều lần. Thực tế đáng buồn rằng các điều khoản của Hiến chương không phải lúc nào cũng được thi hành (vì cần sự đồng ý của đa số tuyệt đối các thành viên) không làm cho sự tồn tại của các điều khoản này trở nên kém ý nghĩa hơn về mặt đạo đức.
Mặc dù Maduro không có cơ sở pháp lý khả dĩ nào cho việc tiếp tục nắm quyền tổng thống, ông ta vẫn khăng khăng bám víu lấy quyền lực. Câu hỏi không phải là liệu các nền dân chủ thế giới có nên can thiệp hay không, mà là nên can thiệp bằng cách nào. Vấn đề duy nhất mà các nhà lãnh đạo nước ngoài nên lưu ý xuất phát từ những gì mà Max Weber gọi là đạo đức của trách nhiệm: Hậu quả của hành động của tôi là gì? Hành động đó có làm cho tình hình tốt hơn không?
Can thiệp sai lầm có thể làm cho tình hình tồi tệ hơn. Ví dụ, luận điệu hiếu chiến của Tổng thống Mỹ Donald Trump có thể kích thích tình cảm dân tộc chủ nghĩa ở Venezuela. Nhưng sự can thiệp thông minh từ các nền dân chủ trên thế giới đã có những tác động có lợi. Áp lực chính trị và tài chính được duy trì liên tục, điều làm tăng chi phí đối với lực lượng vũ trang nước này nếu họ muốn chống đỡ cho Maduro – cùng với một lời đề nghị ân xá đúng lúc dành cho Maduro- có thể giúp quá trình chuyển giao chính trị trở nên không thể tránh khỏi.
Trong những năm gần đây, cộng đồng quốc tế biện minh cho sự thụ động của mình bằng cách tuyên bố rằng phe đối lập bị chia rẽ và không có hành động nào của nước ngoài có thể giúp lật đổ được Maduro. Giai đoạn đó đã qua rồi. Sau hai thập niên, trong đó các thể chế dân chủ của Venezuela và nền kinh tế của nước này bị phá hủy, cơn ác mộng khơi nguồn từ cố Tổng thống Hugo Chávez và trở nên trầm trọng hơn dưới tay người kế nhiệm Maduro cuối cùng cũng có thể đi đến hồi kết.
Như lịch sử đã chứng kiến nhiều lần, những kẻ bảo vệ chế độ độc tài sẽ cố gắng kìm hãm sự thay đổi bằng cách đưa ra những yêu cầu ngày càng khó nghe về chuyện không can thiệp. Thế giới không nên quan tâm đến những đòi hỏi đó của họ nữa.
Andres Velasco, cựu ứng viên tổng thống và Bộ trưởng Tài chính Chile, là Giáo sư ngành Thực hành Phát triển Quốc tế tại School of International and Public Affairs, Đại học Columbia, NYC.