Vây Qatar, Saudi dính cú phản đòn choáng váng
Dân trí › Thế giới ›
Chủ Nhật, 11/06/2017 – 14:00
Việc Saudi Arabia dẫn đầu khối Ả rập phong tỏa Qatar có thể khiến nước này ngả hẳn sang phía Iran và Thổ Nhĩ Kỳ.
>> Các nước vùng Vịnh phớt lờ kêu gọi của Mỹ về nới lỏng phong tỏa Qatar
>> Thổ tăng mạnh quân cho Qatar: Nguy cơ lò lửa vùng Vịnh
Iran hỗ trợ hết mức cho
Sự căng thẳng giữa Qatar và Saudia bắt đầu vào năm 2016, khi Qatar là quốc gia Ả rập vùng Vịnh cuối cùng lên án chính phủ Iran về vụ những người biểu tình nước này tấn công vào sứ quán Saudi Arabia ở Tehran, diễn ra sau khi Saudi Arabia đã hành quyết giáo sĩ Nimr al-Nimr – một thủ lĩnh tôn giáo uy tín trong cộng đồng Hồi giáo dòng Shia, không chỉ của Saudi Arabia mà của cả cộng đồng Hồi giáo thế giới.
Bắt đầu từ đó, Saudi Arabia, Các tiểu Vương quốc Ả rập Thống nhất (UAE) và Ai Cập đã phát động nhiều hoạt động để ngăn chặn sự hợp tác của Qatar với Iran.
Vào ngày 4/6/2017, khi những nỗ lực đơn lẻ thất bại, Saudi Arabia, Ai Cập và Bahrin đã đồng loạt tuyên bố cắt đứt mọi quan hệ ngoại giao với Qatar, với cáo buộc nước này “ủng hộ khủng bố” – một tội danh mà chính họ cũng đang bị rất nhiều nước và tổ chức khác gắn cho.
Các nước này đã cắt đứt hoàn toàn quan hệ ngoại giao, áp dụng các biện pháp chế tài cứng rắn đối với chính quyền Doha để cấm máy bay, tàu thủy Qatar vào không phận hoặc các cảng của Saudi Arabia và các đồng minh, đồng thời cũng phong tỏa biên giới trên bộ.
Hơn nữa, Saudi Arabia nói rằng Qatar phải cắt đứt quan hệ ngoại giao với Iran – đối thủ lớn nhất của các quốc gia Ả rập Sunni; chấm dứt hỗ trợ tổ chức Anh em Hồi giáo – bị Ai Cập coi là khủng bố; phong trào Hamas và Hezbollah – những địch thủ đáng gờm nhất của Israel.
Qatar đã từ chối thực hiện yêu cầu. Bộ trưởng Ngoại giao Qatari Mohamad Bin Abdu Allah Al-Thani tuyên bố rằng Doha phản đối bất kỳ sự can thiệp nào vào các hoạt động ngoại giao của mình và bảo đảm rằng Qatar có thể kiên trì đối phó với các biện pháp trừng phạt.
Ông Mohamad Al-Thani cũng nói rằng “Không nước nào có quyền định hướng nền chính trị của nước khác, không ai có quyền can thiệp vào công việc nội bộ của Qatar”.
Đứng trước tình cảnh “đồng minh” đang bị các nước Ả rập bao vây, phong tỏa, Iran đã lớn tiếng lên án các hành động của khối “NATO Sunni” (hay còn gọi là NATO Ả rập) do Saudi Arabia dẫn đầu.
Qatar bị Saudi Arabia trừng phạt vì dám bắt tay Iran
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran, ông Bahram Qassemi, nói: “Giải pháp cho những khác biệt quan điểm giữa các nước trong khu vực, kể cả tranh chấp hiện tại giữa Qatar và ba nước láng giềng chỉ có thể thông qua các biện pháp chính trị và hòa bình, cũng như sự đối thoại rõ ràng giữa các bên liên quan”.
Ông Bahram Qassemi nhấn mạnh, Cộng hòa Hồi giáo Iran kêu gọi tất cả các nước láng giềng đang tham gia vào các tranh chấp ở phía nam Vịnh Ba Tư nhớ lại những kinh nghiệm cay đắng trong quá khứ, kiềm chế và tiến tới giảm căng thẳng, khôi phục hoà bình trong khu vực.
Nhiều chuyên gia Iran đã liên kết các hoạt động ngăn chặn Qatar của Saudi với cuộc họp của các nước Ả rập với Mỹ tại Saudi Arabia vào cuối tháng trước. Nhiều chuyên gia tin rằng, hành động của Riyadh đã được sự phê chuẩn trước của Washington.
Tehran và Doha bắt đầu làm việc để chống lại các biện pháp trừng phạt của Saudi. Iran đã lập tức cho phép Qatar Air sử dụng không phận của mình và hơn 150 máy bay Qatar đã vượt qua bầu trời Iran mỗi ngày. Hơn nữa, Iran tuyên bố sẽ giành ba cảng biển để xuất khẩu hàng hoá cho Qatar.
Ngoài ra, có thông tin cho rằng, cùng với việc chính quyền Ankara có thể triển khai tới 3.000 quân tới căn cứ quân sự ở Qatar, Tehran đã điều lực lượng đặc nhiệm của Vệ binh Cộng hòa Iran sang Doha bảo vệ Quốc vương Qatar al-Thani và một số cơ sở trọng yếu của nước này.
Iran-Qatar: Con đường từ địch thủ đến bạn bè
Quan hệ ngoại giao giữa Iran và Qatar trong khu vực được được thiết lập bởi Vua Iran là Mohammad Reda Pahlawi, khi ông đã đạt được thỏa thuận về việc phân chia ranh giới giữa hai nước vào năm 1969.
Sau cuộc cách mạng Hồi giáo ở Iran với việc ông Ayatollah Ruhollah Khomeini lên làm Lãnh đạo Tối cao, khai sinh một chính thể nhà nước Cộng hòa Hồi giáo Iran, Qatar bắt đầu hỗ trợ tài chính cho cựu Tổng thống Iraq Saddam Hussein trong cuộc chiến chống lại Iran từ năm 1980 đến năm 1988.
Tuy nhiên, ngay sau chiến tranh Doha đã ngay lập tức phục hồi một phần quan trọng quan hệ với Tehran, bắt đầu bằng việc Iran và Qatar đồng ý cùng nhau vận hành khu mỏ khí đốt phía Bắc Qatar vào năm 1989, vì 1/3 khu vực mỏ khí này nằm trong lãnh hải Iran.
Năm 1991, Qatar tái lập mối quan hệ ngoại giao hoàn toàn với Iran, nhưng mối quan hệ giữa Iran và Qatar đã không có bước phát triển đáng kể, do sức ép nội tại trong đất nước Iran chống lại các nước vùng Vịnh và áp lực của Saudi Arabia đối với Qatar.
Chính những áp lực chính trị rất lớn này đã dẫn đến sự thất bại của một kế hoạch điều chỉnh cơ cấu an ninh ở các nước Ả Rập vùng Vịnh với sự tham gia của Iran. Nó cũng làm Qatar buộc phải cắn răng hủy bỏ một dự án xây dựng tuyến đường ống dẫn nước ngọt từ Iran sang nước này.
Năm 2006, mối quan hệ giữa Iran và Qatar đã có bước phát triển đáng kể, với việc Doha đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ lực lượng vũ trang người Shiite Hezbollah trong cuộc chiến Lebanon năm 2006, nơi Qatar là quốc gia đầu tiên gửi viện trợ nhân đạo đến Lebanon.
Hơn nữa, Qatar được cho là đã đóng một vai trò quan trọng trong các cuộc đàm phán kết thúc chiến tranh Lebanon năm 2006, nhờ việc sử dụng mối quan hệ với Israel để thúc đẩy một lệnh ngừng bắn.
Sau cuộc chiến tranh năm 2006, mối quan hệ giữa Qatar và Hezbollah đã được tăng cường đáng kể. Qatar đã hợp tác với Iran để tái thiết Lebanon, đặc biệt là khu ngoại ô phía nam của thủ đô Beirut và các làng mạc ở phía nam nước này, trở thành “ân nhân” của chính quyền Beirut.
Qatar duy trì sự độc lập trong chính sách và luôn “làm trái ý” của Saudi Arabia
Iran đã nỗ lực làm việc để phát triển quan hệ Syria-Qatar và sau đó, Qatar đã tiếp tục bắc cầu để phát triển quan hệ Syria-Thổ Nhĩ Kỳ.
Cuối cùng, một trong những liên minh mạnh nhất và kỳ lạ nhất (theo một số chuyên gia) trong khu vực đã được sinh ra bao gồm: Syria, Iran, Qatar, Hamas và Hezbollah. Hơn nữa, Syria và Qatar đã thúc đẩy Thổ Nhĩ Kỳ đóng góp công lớn vào cuộc đàm phán Iran-Mỹ về chương trình hạt nhân của Iran.
Trong tháng 2/2010, Thủ tướng kiêm Ngoại trưởng Qatar, Sheikh Hamad bin Jassim bin Jabor al-Thani nói rằng, việc bao vây Iran sẽ dẫn tới “cuộc chạy đua hạt nhân” trong khu vực, đồng thời ông Sheikh Jaber cũng kêu gọi một cuộc “đối thoại trực tiếp giữa Iran và Hoa Kỳ”.
Tháng 5/2010, Vua Qatar Sheikh Hamad bin Khalifa al-Thani và Tổng thống Syria Bashar al-Assad đã đồng loạt bày tỏ sự ủng hộ của họ đối với những nỗ lực của Thổ Nhĩ Kỳ nhằm tìm ra một giải pháp ngoại giao cho chương trình hạt nhân của Iran.
Trong năm 2011, bất chấp sự sụp đổ của liên minh do Iran và Qatar tạo ra do cuộc khủng hoảng Syria và sự ủng hộ của Qatar cùng với Thổ Nhĩ Kỳ cho các nhóm đối lập và các nhóm khủng bố, mối quan hệ giữa Iran và Qatar đã không hề bị ảnh hưởng.
Cũng như vậy, Qatar đã không chỉ trích Iran vì những cuộc biểu tình dữ dội ở Bahrain, miễn cưỡng trong việc lên án vụ tấn công Đại sứ quán Saudi Arabia ở thủ đô Tehran của Iran – hành động được coi là đối lập hoàn toàn với các quốc gia Ả Rập vùng Vịnh khác.
Saudi Arabia đang đẩy Qatar vào tay Iran
Trừng phạt phản tác dụng: Saudi đẩy Qatar vào vòng tay Tehran
Như vậy, “đầu tư chung về khí đốt” có thể là một trong những yếu tố quyết định mối quan hệ Qatar-Iran, bởi đây là nguồn thu nhập quốc gia quan trọng nhất ở Qatar. Hơn nữa, sự hỗ trợ của Doha cho tổ chức “Anh em Hồi giáo” và Hezbollah đã làm cho họ gần gũi hơn với Tehran – nước cũng đã ủng hộ Hamas trong một thời gian rất dài.
Tuy nhiên, mặc dù trước đây Iran đã đẩy mạnh các nỗ lực nhằm thu hút Qatar vào phạm vi ảnh hưởng của mình ở Trung Đông nhưng vẫn chưa đạt được một mối quan hệ đồng minh bền vững.
Tuy nhiên, giới phân tích nhận định rằng, chính những hoạt động bao vây, trừng phạt Qatar của khối “NATO Sunni” do Saudi dẫn đầu trong tình hình hiện nay sẽ phản tác dụng đối với chính quyền Riyadh, góp phần tích cực mang lại những thành công trong chiến lược mà Tehran đang thúc đẩy.
Theo Thiên Nam
Đất Việt