“Vành đai, con đường” của Trung Quốc đẩy các nước Tây Balkan vào nợ nần?

Cac Bai Khac

No sub-categories

“Vành đai, con đường” của Trung Quốc đẩy các nước Tây Balkan vào nợ nần?

Tổ chức Tiền tệ Quốc tế (IMF) nhận định các khoản đầu tư của Trung Quốc trong khuôn khổ dự án “Vành đai, con đường” vào các quốc gia Tây Balkan có thể là một phần nguyên nhân gây nên những vấn đề về kinh tế và tài chính trong khu vực này.

Dự án đường cao tốc Bar-Boljare ở Montenegro (Ảnh: Alamy)Dự án đường cao tốc Bar-Boljare ở Montenegro (Ảnh: Alamy)Theo SCMP, IMF tuần này đã lên tiếng cảnh báo các quốc gia vùng Tây Balkan đang đối mặt với nguy cơ nợ nần ngày càng tăng cao và các dự án phát triển cơ sở hạ tầng của Trung Quốc trong dự án “Vành đai, con đường” được cho là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc này.

Một ví dụ điển hình trong báo cáo của IMF là Montenegro và dự án đường cao tốc Bar-Boljare do Trung Quốc rót vốn đầu tư. Dự án này dự kiến sẽ kết nối Montenegro với người “hàng xóm” Serbia sau khi hoàn thành. Dù có thể sẽ mang lại những lợi ích về mặt kinh tế, nhưng nó cũng khiến cho tổng nợ công của Montenegro tăng vọt.

Giai đoạn 1 của dự án sử dụng vốn vay của ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc từ năm 2015-2017 đã khiến tổng nợ của Montenegro tăng lên thêm 25% tổng sản phẩm quốc nội GDP.

Để chống chọi với cảnh nợ nần, chính phủ Montenegro năm ngoái buộc phải cắt giảm chi tiêu phúc lợi xã hội, giảm lương nhân viên chính phủ, và tăng thuế đối các mặt hàng thuốc lá, than và rượu. IMF cho biết nếu không có dự án Bar-Boljare thì nợ của Montenegro có thể sẽ giảm xuống 59% GDP vào năm 2019 thay vì tăng lên 78% như theo dự đoán. IMF đánh giá ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc đã trở thành “chủ nợ” quan trọng của Montenegro.

Dự án Bar-Boljare chỉ là một trong hàng loạt dự án khác trong tham vọng “Vành đai, con đường” của Trung Quốc nhằm thúc đẩy các liên kết cơ sở hạ tầng và thương mại liên lục địa. Kế hoạch này đã vấp phải sự hoài nghi từ giới chuyên gia, cho rằng Trung Quốc đang đẩy một số quốc gia châu Âu vào cảnh nợ nần và có thể dùng ảnh hưởng từ những khoản cho vay nhằm chia cắt khối Liên minh châu Âu EU.

Vào tháng 2, Thủ tướng Đức Angela Merkel từng cảnh báo ảnh hưởng của Trung Quốc ở khu vực Tây Balkan đang gia tăng và bà nghi ngờ động cơ chính trị đằng sau những khoản đầu tư khổng lồ và hấp dẫn của Bắc Kinh tới đây.

Trong báo cáo của của IMF, Albania lại là một trường hợp khác với Montenegro. Trung Quốc có rất ít liên quan tới nền tài chính công của Albania, nhưng các tập đoàn lớn của Bắc Kinh lại đang nắm quyền sở hữu sân bay quốc tế Tirana và nắm giữ cổ phần tại các mỏ dầu của Albania. Thêm vào đó, trong chuyến thăm hồi năm ngoái, Trung Quốc đã thúc giục Albania sớm ký biên bản ghi nhớ nhằm tham gia vào dự án “Vành đai, con đường”.

Theo SCMP