“Vành đai, con đường” của Trung Quốc “biến tướng” thành tham vọng quân sự ở Pakistan
Khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố ngừng hàng tỷ USD hỗ trợ an ninh cho Pakistan hồi đầu năm, một giả thuyết đã được đưa ra là quân đội Pakistan sẽ trở nên quan ngại khi hợp tác với các đồng minh khác của Mỹ. Trên thực tế, Pakistan dường như đã có nhà tài trợ thay thế.
Chỉ 2 tuần sau tuyên bố của ông Trump, không quân Pakistan và các quan chức Trung Quốc dường như đã thảo luận những đề nghị cuối cùng trong bản kế hoạch bí mật nhằm mở rộng kho máy bay, vũ khí và các thiết bị khác của Pakistan. Theo New York Times, kế hoạch này cũng giúp cho quan hệ giữa Trung Quốc và Pakistan bền chặt hơn trong lĩnh vực không gian, khu vực mà Lầu Năm Góc gần đây cảnh báo rằng Trung Quốc đang cố gắng quân sự hóa.
Các dự án quân sự trên được cho là đều nằm trong khuôn khổ sáng kiến “Vành đai, con đường”, kế hoạch phát triển cơ sở hạ tầng trị giá 1.000 tỷ USD của Trung Quốc tới hơn 70 quốc gia trên thế giới. New York Times cho biết Bộ Kế hoạch và Phát triển Pakistan đã xác nhận thông tin trên.
Giới chức Trung Quốc từ lâu nay luôn khẳng định “Vành đai, con đường” đơn thuần chỉ là một sáng kiến về kinh tế và thương mại với mục đích hòa bình. Tuy nhiên, sau khi thông tin về kế hoạch ở Pakistan được công bố, có thể thấy Trung Quốc dường như đang sử dụng các dự án kinh tế nhằm phục vụ cho tham vọng quân sự của họ, theo New York Times.
Kể từ khi sáng kiến của Trung Quốc bắt đầu được thực hiện vào năm 2013, Pakistan đã là quốc gia có sự ủng hộ to lớn với người láng giềng. Họ ký với Bắc Kinh dự án Hành lang Kinh tế Trung Quốc-Pakistan (CPEC) với kế hoạch xây dựng các công trình trị giá lên tới 62 tỷ USD. Trong bối cảnh Pakistan đang rơi vào khủng hoảng kinh tế, Trung Quốc liên tục hào phóng đổ tiền, động thái giúp 2 quốc gia xích lại gần nhau hơn.
Ngay trước khi dự án tỷ USD được giới thiệu, Trung Quốc dường như đã xây những công trình ở Pakistan nhằm phục vụ mục đích riêng của họ. Đơn cử như cảng biến Bắc Kinh xây dựng tại thị trấn Gwadar. Đây là dự án giúp cho Trung Quốc rút ngắn quãng đường giao thương với tàu bè từ biển Ả rập. Mặt khác, cảng này cũng được coi là “lá bài” địa chiến lược mà Bắc Kinh có thể dùng để kiềm chế Ấn Độ và Mỹ trong trường hợp căng thẳng leo thang.
Trên thực tế, trong những năm qua, Bắc Kinh đã đẩy mạnh việc xây dựng các cảng biển ở khu vực xung quanh Ấn Độ Dương như Sri Lanka, Bangladesh và Malaysia. Trung Quốc từng khẳng định những cảng này thuần túy là để phục vụ mục đích thương mại và sẽ không bị quân sự hóa.
Sau đó, vì nợ nần chồng chất, Sri Lanka buộc phải cho Trung Quốc thuê cảng chiến lược Hambantota với thời hạn 99 năm để đổi lấy tiền trả nợ. Ấn Độ và Mỹ đã không ít lần quan ngại về việc Trung Quốc có thể âm thầm quân sự hóa cảng này.
Hồi tháng 10, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence cảnh báo Sri Lanka đang là nạn nhân của “ngoại giao bẫy nợ” với Trung Quốc, ám chỉ rằng Bắc Kinh dùng tiền để mua tầm ảnh hưởng tại quốc gia này. Ông Pence nói rằng Trung Quốc thường đầu tư vào những dự án xây cảng mà không rõ ràng về lợi ích thương mại thu được là vì họ có mục tiêu khác lớn hơn.
Thời điểm Trung Quốc bắt đầu dự án “Vành đai, con đường”, Pakistan đang trong tình trạng khó khăn. Họ không thu hút được nhiều đầu tư nước ngoài do các cuộc tấn công khủng bố và nạn tham nhũng. Trong khi đó, họ lại đang rất cần tiền để xây mạng lưới điện và các công trình khác.
Thông qua dự án CPEC, Trung Quốc đồng ý với các đề xuất mà Pakistan đưa ra một cách hào phóng. Tuy nhiên, sau một vài năm, Pakistan đã nợ Trung Quốc khoản tiền hàng chục tỷ USD và họ dường như khó có thể Bắc Kinh khi thời hạn cho khoản thanh toán đầu tiên đang tới gần. Giới quan sát lo ngại kịch bản Sri Lanka có thể sẽ lại lặp lại thêm một lần nữa với Pakistan.
Dù quan hệ giữa Trung Quốc và Pakistan vẫn đang khá tốt tuy nhiên các chuyên gia cảnh báo rằng CPEC vẫn có thể bị gián đoạn khi có sự thay đổi chính trị ở Pakistan. Sự việc tương tự đã xảy ra ở Malaysia khi tân Thủ tướng Mahathir Mohamad lên nắm quyền. Ông Mahathir đã cho dừng các dự án hàng chục tỷ USD do quan ngại rằng các dự án này có thể gây thiệt hại nghiêm trọng cho Kualar Lumpur.
Sau chiến thắng của Thủ tướng Imran Khan hồi giữa năm, Pakistan cũng thông báo họ sẽ dừng các dự án CPEC để đánh giá lại hiệu quả và lợi ích mang lại cho Pakistan. Động thái này đã khiến Trung Quốc phật lòng.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, quan hệ giữa Trung Quốc và quân đội Pakistan khá tốt. Sau khi Pakistan thông báo dừng các dự án thuộc CPEC, Tổng tư lệnh Quân đội Pakistan Qamar Javed Bajwa được cho là đã tức tốc tới Bắc Kinh để gặp kín Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Chuyến thăm của vị tướng này được cho là còn diễn ra trước cả chuyến công du nước ngoài đầu tiên của ông Khan sau khi nhậm chức.
Đức Hoàng Theo New York Times