Vấn nạn cơ bản của quan hệ Mỹ-Trung (Phần 3) – Nguỵ Kinh Sinh – Lê Minh Nguyên dịch
Trên thế giới, thuờng có câu nói phổ biến là: hệ thống Đảng CSTQ rất hiệu quả. Cho nên, khi người phương Tây nghĩ về các vấn nạn ở Trung Quốc, họ luôn nghĩ rằng đó là do các giao dịch mà ra, nhưng nó hoàn toàn ngược lại: chính quyền TQ không bao giờ có uy tín, và lời nói của họ không thể tin được do thiếu uy tín. Điều này tại sao?
Lớp vỏ đầu tiên của vấn nạn là lời nói của chính quyền (công cụ của Đảng) trung ương không thể tin được. Bởi vì theo lý thuyết của Đảng Cộng sản, chỉ có họ mới là đại diện thực sự, những người khác không là gì. Theo lý thuyết cuồng tín cơ bản (standard cult theory), bất cứ ai không hội đủ các tiêu chuẩn của giáo phái cuồng tín thì không được coi là con người và không có được các quyền (rights); do đó, nó không phải là một sự vi phạm đạo đức để không thực hiện lời hứa, hay để áp dụng bất cứ phương tiện (ác độc) nào. Phát biểu thẳng thừng và tiêu chuẩn nhất của nó là qua lời Đặng Tiểu Bình: “bất kể đó là mèo đen hay mèo trắng, con mèo nào bắt được chuột đều là con mèo tốt.”
Một lớp vỏ khác của vấn nạn là hệ thống Đảng Cộng sản không chỉ có một hoặc vài hoàng đế, mà là hàng ngàn hoàng đế. Cụm từ “các chiếu chỉ (decrees) không thể thoát ra ngoài Trung Nam Hải (Zhongnanhai – nơi cư ngụ của các lãnh tụ CS), diễn tả chính xác về hệ thống này. Lệnh từ trung ương không nhất thiết phải được các tỉnh phê duyệt; lệnh từ cấp tỉnh không nhất thiết phải được các thành phố và các quận chấp thuận. Do đó, các rào cản thương mại và các hàng rào phi thuế quan không thể được giải quyết bởi chính quyền trung ương. Đây là lý do quan trọng thứ hai tại sao TQ không có uy tín.
Ngoài hai việc TQ không phải là một hệ thống dân chủ và không cần phải chịu trách nhiệm với nhân dân, chế độ độc tài độc đảng còn là một nguyên nhân lớn khác để cho các chiếu chỉ “không thể thoát ra khỏi Trung Nam Hải”. Các chiếu chỉ được các cơ quan nhà nuớc đưa ra, trong khi đó các ủy ban của Đảng Cộng sản cũng đưa ra các chiếu chỉ của họ, nhưng các cơ quan nhà nước phải tuân theo các ủy ban của đảng, mà các ủy ban của đảng thì không phải chịu trách nhiệm. Các ủy ban cấp dưới của đảng không cần phải tuân theo cơ quan cấp cao hơn của nhà nước, họ có thể ra các lệnh riêng của họ. Hệ thống hỗn loạn này, hệ thống chế độ độc tài độc đảng, là nguyên nhân gốc rễ của sự hỗn loạn và nguyên nhân gốc rễ của việc tạo ra hoàng đế. Đây cũng là một vấn nạn phổ biến trong tất cả các hệ thống độc tài.
Ví dụ như, Bắc Kinh đã chặn bột ở Hà Bắc, vì vậy Hà Bắc quay trở lại để chặn rau. Quảng Đông nhập khẩu gạo và thịt lợn để ổn định giá cả, rồi Hồ Nam trả đũa chặn gạo và thịt lợn. Thanh Hải chặn len từ Cam Túc, rồi Cam Túc trả đũa bằng cách chặn ngũ cốc và than đá. Các cuộc chiến và rào cản thương mại nội địa tương tự như vậy sẽ không xuất hiện trên báo chí, nhưng chúng là những thực tại ở Trung Quốc. Duới hệ thống độc tài địa phương này, các quan chức quận không thể vượt qua những quan chức đảng nắm quyền quyết định ở cấp dưới, và các cuộc chiến cùng các rào cản thương mại không chỉ dành cho nước ngoài. Những lời hứa của chính quyền trung ương không thể thực hiện được – người nước ngoài không thể đạt được chúng cũng giống như chính người TQ không thể.
Hệ thống hiện tại ở TQ thì tương tự nhưng không giống hệt với hệ thống TQ trong thời cổ đại. Mặc dù trong cả hai, chính trị độc đoán luôn được sử dụng để quản lý nền kinh tế thị trường, nhưng hệ thống luật pháp cổ đại có hiệu quả hơn, vì không có các trung tâm quyền lực khác can thiệp vào hệ thống pháp luật. Hệ thống ở TQ hiện nay là sự can thiệp phi luật pháp lớn hơn hệ thống pháp luật, thường được gọi là “Đảng Cộng sản lớn hơn pháp luật”. Trong thực tế, nó là vô luật pháp. Trong thời cổ đại, chỉ khi ở trong giai đoạn cuối cùng khi triều đại sắp sụp đổ, tình trạng hư hỏng của pháp luật mới xuất hiện. Bây giờ với Đảng Cộng sản đang ở trên luật pháp, sẽ không có một hệ thống luật pháp thuần nhất từ gốc rễ. Đây là vấn nạn cơ bản của quan hệ Mỹ-Trung và xung đột cơ bản giữa xã hội TQ và Đảng Cộng sản TQ.
Dĩ nhiên, chiến lược nền tảng của Đảng CSTQ là khai thác người Mỹ và người dân TQ với thương mại không lành mạnh. Cho dù ngay cả khi chính quyền trung ương có thỏa hiệp được với Hoa Kỳ, thì hàng ngàn hoàng đế địa phương sẽ không từ bỏ cái quyền của họ để khai thác người dân TQ và HK. Họ đã quá quen thuộc với việc chống lại các chính sách và các chiếu chỉ của chính quyền trung ương. Cho nên, vấn nạn cơ bản giữa TQ và HK là sự thiếu uy tín, do sự thiếu hiệu lực của hệ thống pháp luật TQ.
Chìa khóa để thay đổi cuộc chiến thương mại giữa TQ và HK theo hướng thương mại công bằng là TQ phải thay đổi hệ thống Đảng Cộng sản hoàng đế đứng trên luật pháp. Cho đến khi nào đã thiết lập được một hệ thống tư pháp độc lập không có bất kỳ sự can thiệp nào vào, thì một thỏa thuận thương mại giữa TQ và HK mới có thể có hiệu quả. Nếu không, ngay cả khi Tập Cận Bình và Lý Khắc Cường có chân thành, thì họ cũng sẽ không thể tuân theo thỏa thuận được.
Dưới tiền đề là không thể thay đổi ngay lập tức hệ thống độc tài độc đảng, các cuộc đàm phán Mỹ-Trung phải kèm theo các yêu cầu thiết lập một hệ thống tư pháp độc lập và hiệu quả, được giám sát bởi các cơ quan giám sát quốc tế. Sự giám sát này cần phải cung cấp các biện pháp trừng phạt hữu hiệu, thay vì một định chế gian dối không răng. Bằng cách này, thì thỏa thuận mới có thể được đảm bảo sẽ được đúng đắn thực hiện, điều này sẽ mang lại lợi ích cho cả người Hoa và người Mỹ, thay vì chỉ mang lại lợi ích cho các nhà tư bản ở TQ và HK trong khi người dân ở cả hai nước phải chịu đựng thiệt hại.