Vận Hội Mới Cho Toàn Cầu
Lời nói đầu:
· Tại sao chủ nghĩa Tư bàn – kinh tế thị trường thất bại? Tạo ra khoảng cách giàu nghèo ngày càng cách xa ra…
· Tại sao chủ nghĩa Xã hội – kinh tế chỉ huy thất bại? Thành hình do bốc lột, độc quyền, chiếm đoạt nhằm đào tạo một lớp tư bản mới. Người dân ngày càng bị đè nén vì áp lực kinh tế tài chánh, tình thần, và nghèo hơn nữa với gần 600 triệu dân sống từ mức dưới 1,25US$ – 5:00US$/ngày.
· Một Chủ nghĩa dung hòa trong tương lai, một trật tự chính trị – kinh tế – văn hóa mới nhằm ổn định trật tự xã hội rất cần thiết cho tương lai toàn cầu.
· Việt Nam hiện đang nằm trong thế chiến lược của tòan cầu hóa và nằm trong gọng kềm Tư bản – Xã hội cần phải vượt thoát, cần chuyển hóa chủ nghĩa xã hội theo định hướng kinh tế thị trường thành một chủ nghĩa dân tộc qua những nét văn hoá đặc thù của dân tộc.
Phần I – Hoa Kỳ Trước Sự Thất Bại Của Tiến trình Toàn Cầu Hóa
1- Mục tiêu căn bản của chủ nghĩa tư bản là gì?
Chủ nghĩa tư bản thường được coi là một hệ thống kinh tế trong đó các chủ thể tư nhân sở hữu và kiểm soát tài sản theo lợi ích của họ, và cung cầu tự do định giá trên thị trường theo cách có thể phục vụ lợi ích tốt nhất của xã hội. Sản xuất hàng hóa và dịch vụ dựa trên cung và cầu trên thị trường chung – được gọi là nền kinh tế thị trường – chứ không phải thông qua kế hoạch hóa tập trung – được gọi là nền kinh tế kế hoạch hoặc nền kinh tế chỉ huy. Đặc điểm cơ bản của chủ nghĩa tư bản là động cơ tạo ra lợi nhuận.
Từ định nghĩa trên, thử xét xem, Hoa Kỳ có phải là nước tư bản không?
Hoa Kỳ là một nền kinh tế hỗn hợp, thể hiện các đặc điểm của cả chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa xã hội. Một nền kinh tế hỗn hợp như vậy bao hàm quyền tự do kinh tế khi xử dụng vốn, nhưng nó cũng cho phép chính phủ can thiệp vì lợi ích công cộng, hay ảnh hưởng đấn an ninh quốc gia. Đây là một hình thức của chủ nghĩa xã hội.
2- Các vấn đề của chủ nghĩa tư bản qua kinh tế thị trường
Sự hiện diện của chủ nghĩa tư bản đã kéo dài hàng thế kỷ qua, từ đó, chúng ta có thể đánh giá và hình dung ra được những vấn đề trong việc thực thi chính sách kinh tế thị trường ở nhiều quốc gia khác nhau và điển hình nhứt có thể nói là Hoa Kỳ, một quốc gia thể hiện rõ rệt chính sách trên.
Tuy nhiên, nhiều nhà kinh tế học chỉ trích các khía cạnh của chủ nghĩa tư bản và chỉ ra nhiều vấn đề sai sót trong việc áp dụng chính sách kinh tế thị trường. Tóm lại, chủ nghĩa tư bản có thể gây ra: – Bất bình đẳng, – Kinh tế không ổn định, – Quyền lực độc quyền, – Chủ nghĩa ngắn hạn, – Thiệt hại môi trường, – Tính bất động, – Tính độc quyền thị trường trong đó chỉ có một người mua.
2a. Bất bình đẳng
Lợi ích của chủ nghĩa tư bản hiếm khi được phân phối một cách công bằng. Sự giàu có có xu hướng tích lũy vào một phần nhỏ dân số. Điều này có nghĩa là nhu cầu đối với hàng hóa xa xỉ thường bị giới hạn ở một phần nhỏ lực lượng lao động. Bản chất của chủ nghĩa tư bản có thể khiến sự bất bình đẳng giàu/nghèo này tiếp tục gia tăng. Điều này xảy ra vì một vài lý do.
Của cải được thừa kế. Các nhà tư bản có thể truyền tài sản của họ cho con cái của họ. Do đó, chủ nghĩa tư bản không gây ra bình đẳng về cơ hội, nhưng những người sinh ra trong đặc quyền có nhiều khả năng làm ăn tốt hơn vì được giáo dục tốt hơn, được nuôi dạy và thừa hưởng của cải.
Lãi từ tài sản. Nếu các nhà tư bản có thể mua tài sản – trái phiếu, giá nhà, cổ phiếu, họ thu được tiền lãi, tiền thuê và cổ tức. Họ có thể xử dụng số tiền thu được để mua thêm tài sản và của cải – tạo ra hiệu ứng số nhân của cải. Những người không có của cải bị bỏ lại phía sau và có thể thấy giá nhà tăng nhanh hơn lạm phát.
Nhà kinh tế học Thomas Piketty đã viết một cuốn sách có ảnh hưởng “Capital in the Twenty First Century” – Tư bản trong thế kỷ XXI, trong đó nhấn mạnh yếu tố này của chủ nghĩa tư bản làm gia tăng bất bình đẳng. Theo nguyên tắc chung, Picketty cho rằng sự giàu có tăng nhanh hơn sản lượng kinh tế.
2b. Kinh tế không ổn định
Chủ nghĩa tư bản dựa vào thị trường tài chính – cổ phiếu, trái phiếu và thị trường tiền tệ nhưng thị trường tài chính có xu hướng bùng nổ và phá sản. Trong thời kỳ bùng nổ, cho vay và niềm tin tăng lên, nhưng thị trường thường bị cuốn theo bởi ‘sự phóng đại bất hợp lý’ (irrational exuberance) khiến tài sản tăng đột biến về giá trị. Tuy nhiên, sự bùng nổ này có thể nhanh chóng chuyển sang sụp đổ khi tâm lý thị trường thay đổi. Những sự sụp đổ thị trường này có thể gây ra suy thoái kinh tế, suy thoái và thất nghiệp. Ở nhiều thời điểm khác nhau, chủ nghĩa tư bản đã phải trải qua những cuộc suy thoái kéo dài (những năm 1930), thời kỳ thất nghiệp hàng loạt và mức sống giảm sút.
2c. Quyền lực độc quyền
Trong thị trường tự do, các công ty thành công có thể đạt được quyền lực độc quyền. Điều này cho phép họ tính giá cao hơn cho người tiêu dùng. Những người ủng hộ chủ nghĩa tư bản cho rằng chỉ có chủ nghĩa tư bản mới cho phép tự do kinh tế. Tuy nhiên, quyền tự do của một công ty độc quyền có thể bị lạm dụng và người tiêu dùng bị mất vì họ không có sự lựa chọn. Ví dụ, trong các ngành như nước sinh hoạt hàng, hoặc ngành cung cấp điện, vốn là độc quyền tự nhiên, người tiêu dùng không có lựa chọn nào khác ngoài việc trả giá cả do công ty cung cấp chỉ định. Ở Mỹ, vào thế kỷ 19, các công ty độc quyền như Standard Oil đã mua lại các đối thủ của ngành dầu hỏa nhỏ hơn và sau đó biến thành độc quyền (monopoly).
2d. Chủ nghĩa ngắn hạn
Bản chất của chủ nghĩa tư bản là thưởng lợi nhuận. Hệ thống tư bản có thể tạo ra động lực cho các nhà quản lý theo đuổi lợi nhuận hơn các quyết định có thể tối đa hóa phúc lợi xã hội. Ví dụ, các công ty đang xử dụng lý thuyết về sự phân biệt giá cả để tính giá cao hơn cho những người tiêu dùng có tiền. Điều này có ý nghĩa từ quan điểm tối đa hóa lợi nhuận. Việc theo đuổi động cơ lợi nhuận đã khuyến khích một số công ty luật quyết liệt theo đuổi các yêu cầu kiện tụng. Điều này đã tạo ra một xã hội nơi chúng ta dành nguồn lực để bảo vệ bản thân khỏi bị kiện.
2e. Thiệt hại môi trường
Trong các nền kinh tế tư bản, có sự can thiệp hạn chế của chính phủ và sự phụ thuộc vào thị trường tự do. Công ty có thể sản xuất quá mức và tiêu thụ quá mức những nguyên liệu dành cho sản xuất và năng lượng xử dụng bừa bãi. Từ đó, có thể gây ra các tác động có hại cho môi trường. Điều này có thể dẫn đến chi phí kinh tế nghiêm trọng do ô nhiễm, trái đất nóng lên, mưa axit, mất các loài quý hiếm. Thế hệ tương lai phải gánh chịu.
2f. Tính bất động
Trong thị trường tự do, các yếu tố sản xuất được cho là có thể dễ dàng chuyển từ lĩnh vực không có lãi sang một ngành mới có lợi nhuận. Tuy nhiên, trong thực tế, điều này khó hơn nhiều. Ví dụ. một người nông dân thất nghiệp không thể bay đến một thành phố lớn và tìm một công việc mới. Anh ta có liên quan địa lý với nơi sinh ra mình; anh ta có thể không có kỷ năng phù hợp cho công việc. Vì vậy, trong các xã hội tư bản, chúng ta thường thấy những thời kỳ thất nghiệp thường kéo dài ra.
2g. Tính độc quyền thị trường trong đó chỉ có một người mua – Monopsony
Độc quyền là sức mạnh thị trường trong việc xử dụng các yếu tố sản xuất. Ví dụ, các công ty có thể có quyền lực độc quyền trong việc sử dụng lao động và trả lương thấp hơn. Điều này cho phép các công ty có lợi nhuận cao hơn nhưng có thể có nghĩa là người lao động không được chia xẻ cùng mức tiền thu được với chủ sở hữu vốn. Điều nầy giải thích tại sao với quyền lực độc quyền ngày càng tăng, chúng ta đã thấy những giai đoạn tăng trưởng lương thực tế trì trệ trong khi lợi nhuận của các công ty tăng lên (2007-17 ở Anh và Mỹ).
3. Chính sách KInh tế Trung Cộng hiện tại.
Trung Cộng đang đóng một vai trò ngày càng lớn trong nền kinh tế thế giới. Đây là một trong những quốc gia phát triển nhanh nhất thế giới và là nước xuất cảng lớn nhứt hiện nay. TC cũng là nước nhận viện trợ và đầu tư nước ngoài đáng kể và là nước đi vay lớn trên thị trường vốn quốc tế.
Sự hội nhập của TC vào trật tự kinh tế quốc tế hiện tại đặt ra những khó khăn lớn cho phần còn lại của thế giới. Những vấn đề này bao gồm việc đưa thị trường hỗn hợp vào nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung của TC vào Hiệp định chung về Thuế quan và Thương mại – General Agreement on Tariffs and Trade – GATT, thích ứng với sự cạnh tranh từ mặt hàng xuất cảng lao động của họ, khuyến khích cải cách theo hướng thị trường hơn nữa và đáp ứng nhu cầu vốn quốc tế của nước này. Nhưng sự tham gia của TC vào nền kinh tế toàn cầu cũng mang lại một phần nào nhiều cơ hội quan trọng cho thương mại, đầu tư và hợp tác quốc tế nhằm thúc đẩy sự thịnh vượng và ổn định của thế giới.
Từ đó TC đã tiếp tục trên con đường tăng trưởng nhanh chóng, do đó mở rộng các thách thức về chính sách và cơ hội cho các đối tác thương mại khác. Và cho đến nay, TC ngang nhiên trở thành một mối nguy cho nền kinh tế tòan cầu bằng nhiều phương pháp lũng đoạn trong đó chính sách “Một vòng đai, Một con đường” hiên đang là một thách đố cho toàn cầu nhứt là Hoa Kỳ.
4. Suy thoái 2020 sẽ thay đổi luật chơi của chủ nghĩa tư bản toàn cầu?
Qua cơn đại dịch Covid Wuhan, hầu hết các quốc gia trên thế giới đếu đang lâm vào tình trạng suy thoái. Và tình trạng nầy sẽ càng thấy rõ ràng hơn qua năm 2021, nhiều công ty lớn nhỏ sẽ lần lược đóng cửa hay sa thải bớt công nhân vì tình trạng sản xuất chậm lại.
Trong bối cảnh toàn cầu hóa trì trệ vì đại dịch, nhiều công ty đa quốc gia sẽ phải hoạt động thu hẹp lại ở tầm mức quốc gia, không thể thu được lợi thế như trước kia qua mô hình kinh tế toàn cầu. Và cuộc suy thoái toàn cầu làn nầy sẽ thay đổi tất cả luật chơi của tư bản chủ nghĩa qua thị trường kinh tế biến động.
Thử hỏi xem Ai đúng? Ai sai?
· Thế giới tư bản bảo rằng Trung Cộng sai lầm khi áp đặt chủ nghĩa xã hội qua kinh tế tập trung làm cho xã hội Trung Hoa xáo trộn;
· Thế giới Cộng sản cho rằng chủ nghĩa tư bản du nhập vào qua chủ thuyết lợi nhuận làm mất cân bằng chính trị – king tế của Trung Cộng.
· Các nước Cộng sản lại cho rằng Trung Cộng SAI là do Chủ nghĩa Tư bản (tất cả chỉ vì lợi nhuận, nhưng thủ lĩnh đã núp dưới chiêu bài tự do, dân chủ để dễ thống trị).
Nhưng chúng ta không quên cái gốc chánh yếu của TC là tư tưởng và bản chất Đại Hán, Thiên tử của loài người. Chính vì vậy mà hiện nay đã xuất hiện rất nhiều “con đường tơ lụa” đang được khai triển toàn cầu nhằm thống trị thế giới! Sự suy suy thái toàn cầu hiện nay do đại dịch Covid Wuhan sẽ là chất xúc tác ảnh hưởng mạnh mẽ lên bước đường thống trị của TC.
Vì vậy, các quốc gia trên thế giới cần tạm dừng các tranh chấp cục bộ, và phải hợp lực để triệt tiêu ý chí thống trị của TC và kéo con Rồng hoang tưởng trở về gia nhập vào cộng đồng chung trong tương lai không xa.
Nguyên giám đốc Bảo tàng Quốc gia về Lịch sử Tự nhiên Pháp nhấn mạnh là: “Loài người không thể phá hủy được sự sống, bởi các biểu hiện của sự sống sẽ vẫn tồn tại, cho dù loài người có không còn nữa. Biến đổi khí hậu khiến tình hình càng trở nên khó khăn hơn. Và «Giải pháp duy nhất» là: ‘tái hòa giải nền kinh tế mới, được cân nhắc một cách kỹ lưỡng, với thiên nhiên’.
Vì vậy, luật chơi toàn cầu phải thay đổi:
· Thay đổi để không tạo ra những xung đột quân sự xuyên quốc gia chẳng đặng đừng;
· Thay đổi để không tạo ra những cuộc khủng hoảng kinh tế vùng có thể gây xáo trộn lên toàn cầu.
Nếu làm được hai điều trên, thiết nghĩ chủ nghĩa tư bản sẽ lần lần điều chỉnh mức lợi nhuận tối đa, mang lại cân bằng cho nhiều tầng lớp dân chúng trong quốc gia và đưa đến sự ổn định xã hội.
Và, Hoa kỳ là một Hợp chủng quốc, không có nguồn gốc của một dân tộc nào cả, do đó có thể làm đại diện để điều chỉnh cuộc chơi trên hướng đến vận hội mới cho toàn cầu.
5. Kết luận
Hiện tại, nền kinh tế Trung Cộng có lớn hơn Mỹ không?
Qua sự đo lường bằng những tính toán kinh tế phức tạp, Quỹ Tiền tệ Thế giới – IMF ngày 15/10/2020 đã đánh giá cho thấy nền kinh tế Trung Cộng lớn hơn 1/6 so với Mỹ (24,2 nghìn tỷ US$ so với 20,8 nghìn tỷ US$ của Mỹ).
Như vậy, liệu Trung Cộng có vượt Mỹ trở thành siêu cường hay không?
Dựa trên sự khác biệt về tốc độ tăng trưởng của hai nước trong hai thập kỷ qua, một số nhà kinh tế dự báo GDP của TC sẽ vượt Mỹ vào khoảng năm 2030. Nhưng thực tế không thể thể hiện qua những con số vô tình, mà cần phản cứu xét vào nhiếu yếu tố của xã hội Trung Hoa. Câu trả lời là…không bao giờ, ít nhứt trong vài thập kỷ nữa.
Tuy nhiên, Hoa Kỳ cần phải thấy những vấn đề trên và đại dịch Covid Wuhan sẽ thay đổi tất cả chính sách kinh tế cổ điển nhằm thích ứng trước tình trạng hiện tại nếu không muốn mất đi vai trò lãnh đạo thế giới…
Chủ nghĩa tư bản qua chính sách kinh tế thị trường đã thất bại qua tiến trình toàn cầu hóa, đã đến lúc HK cần phải điều chỉnh chính sách kinh tế – chính trị như đã đề nghị trong bài viết trước đây “Trật tự thế giới sẽ đi về đâu?” như sau:
“Giải pháp Kinh tế: Giải pháp cho các chính sách kinh tế quốc gia tùy thuộc vào việc cải cách các định chế chính trị của từng nước và tạo ra một cung cách uyển chuyển thích hợp cho từng quốc gia và từng chủng tộc. Tôn trọng mỗi định hướng phát triển quốc gia nhằm ứng hợp với việc bảo vệ môi trường chung thế giới trong điều kiện cá biệt của từng nước một chính là giải pháp tối ưu cho toàn cầu, tránh được việc gây ảnh hưởng hay xâm nhập vào nội bộ của nước khác. Điều nầy là một điều kiện tiên quyết trong việc tôn trọng hỗ tương với nhau dù có là nước lớn hay nước nhỏ. Sống chung bình đẳng và an bình là một trật tự cần thiết cho toàn cầu.
Giải pháp Chính trị: Sau khi TC đàn áp bạo lực các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ trên Quảng trường Thiên An Môn vào tháng 6 năm 1989, TT Bush (cha) vừa mới nhậm chức (20/1/1989) đã ban hành ngay một số biện pháp chống lại sự vi phạm nhân quyền của TC. Mỹ đình chỉ trao đổi chính thức cấp quốc gia với CHND Trung Hoa, và áp đặt một số biện pháp trừng phạt kinh tế. Tuy nhiên, Bush đã phản ứng một cách ôn hòa khi cố gắng tránh một sự đổ vỡ lớn vì có ý định dùng TC làm nhân tố chủ chốt để chống lại Liên Sô. Do đó, một số trừng phạt kinh tế đã được hủy bỏ nhưng TC vẫn nằm trong chính sách cấm vận của Hoa kỳ. Sau đó Liên Sô sụp đổ năm 1991.
Nhưng khi sang đến thời TT Clinton, mọi sự đổi khác, và đã chấm dứt lịnh cấm vận vào tháng 1, 2001. Chỉ vài tháng sau đó chấp nhận cho TC gia nhập vào WTO với suy nghĩ là:”một khi TC tiếp cận kinh tế thị trường sẽ lần lần chuyển hóa và xóa bỏ kinh tế chỉ huy”. Đây chính là một sai lầm lớn của Hoa Kỳ và Tây phương, để rồi vô hình chung khi vừa thay thế một thế giới lưỡng cực với Liên Sô năm 1992, trở thành một thế giới lưỡng cực mới với TC, và người anh em thù hận (enemy brother) Nga!
Và chính sai lầm chính trị nầy làm cho thế giới đang đứng trước cơn xáo trộn trật tự toàn cầu tệ hại hơn, và đại dịch covid Wuhan hiện nay đã làm tăng sự xáo trộn lên đến cực điểm. Trách nhiệm của TT Clinton cùng với sự tiếp tay của TT Obama làm cho tình thế ngày càng trầm trọng thêm và có thể nói, TC đã áp đặt ảnh hưởng chính trị lên hầu hết các quốc gia đang phát triển qua sức mạnh kinh tế của họ là do chính sách ngoại giao-chính trị sai lầm của cả hai đời Tổng thống Hoa Kỳ, tức 16 năm dài, biến TC thành cường quốc kinh tế thứ hai sau Mỹ mà thôi.
Vì vậy, việc đánh gục kinh tế của TC, xé tan “lục địa Trung Hoa” để trở về các quốc gia ban đầu như Mông – Hồi – Mãn – Tạng – Hán sẽ là một việc tối cần thiết cho Hoa Kỳ và Tây phương vực dậy trật tự mới cho thế giới. Không còn giải pháp nào khác cả!”
Có được như trên, thế giới có thể sẽ bước vào một vận hội mới trong thập kỷ nầy.
Mong lắm thay!
Mai Thanh Truyết
Houston 10/1/2021