Văn học Việt Nam Cộng Hòa: 20 năm “chói sáng” và “huy hoàng”
Quốc Phương, cộng tác viên RFA Tiếng Việt từ Londo
2023.04.2
Nhà thơ Hoàng Hưng trong một sự kiện hồi tháng 01/2023 tại đường sách TPHCM, phát biểu về cuốn sách “Chỉ tại con chích chòe” và tác giả sách Dương Tường
họa sỹ Trần Nguyệt Lâm
Nền văn học của Việt Nam Cộng Hòa trải dài hai
thập kỷ ở miền Nam Việt Nam trước đây xứng đáng được đánh giá là một
chương sử “chói sáng” và là một thành tựu “rất huy hoàng” trong toàn
lịch sử văn học Việt Nam và thời kỳ hiện đại, một ý kiến từ trong giới
văn học, nghệ thuật và báo chí độc lập tại Việt Nam nêu quan điểm với
Đài Á Châu Tự Do hôm 26/4/2023.
“Cũng như tất cả những người yêu văn học mà không có
định kiến gì về chính trị, tôi nghĩ rằng mấy mươi năm của nền văn học
của Việt Nam Cộng Hòa phải nói là một chương sử quá chói sáng trong lịch
sử của nền văn học Việt Nam nói chung và văn học hiện đại Việt Nam nói
riêng,” từ Sài Gòn, nhà thơ, dịch giả, nhà báo Hoàng Hưng chia sẻ
nhận định trên quan điểm riêng với RFA Tiếng Việt, trong dịp 48 năm biến
cố 30/4/1975 của Việt Nam đang được đánh dấu.
Theo nhà thơ Hoàng Hưng, nền văn học Việt Nam Cộng Hòa vốn
trải dài trong giai đoạn từ 1954-1975 có kích thước, tầm vóc “rất lớn”
với ít nhất năm đặc điểm mà theo ông là nổi bật.
“Thứ nhất, đó là một thời kỳ mà văn học phát triển rất
mạnh mẽ và so sánh kể cả với văn học thời kỳ tiền chiến, nền văn học này
cũng vượt trội hẳn, có thể thấy ngay qua số lượng tác giả được ghi nhận
có tên tuổi cũng tới vài trăm, hay là về số lượng các tạp chí chuyên về
văn học, cũng có hàng chục tạp chí trong số đó có nhiều tờ rất nổi
tiếng. Cũng từ đó, có thể thấy tính chuyên nghiệp của nền văn học trong
thời kỳ này rất cao. Chuyên nghiệp ở chỗ nào, tôi chỉ lấy một ví dụ nhỏ
là số lượng tác phẩm của từng tác giả rất lớn…
Đặc điểm thứ hai là sự phong phú, đa dạng, rất nhiều
giọng, nhiều chiều, nhiều tư tưởng, nhiều quan điểm, mà có cái hay là
đều chung sống hòa bình với nhau, không hề có sự đố kị hay là đàn áp
nhau. Một thí dụ quan trọng nhất là ở tư tưởng chính trị chẳng hạn, có
thể thấy trong hàng ngũ nhà văn miền Nam cũng đa dạng…
Về phương pháp, sáng tác và phong cách cũng thấy rất đa
dạng, phong phú, vẫn còn sót lại của chủ nghĩa lãng mạn, rồi dân dã, sự
trở lại của cổ phong, rồi tả thực, siêu thực v.v…, tức là có đủ các
phương pháp và phong cách. Chỉ cần nói về thơ chẳng hạn và nêu vài cái
tên đã thấy sự khác nhau ghê gớm thế nào, ví dụ Thanh Tâm Tuyền, đến Tô
Thùy Yên, Nguyễn Đức Sơn, đến Bùi Giáng, đến Nguyên Sa, rồi Phạm Thiên
Thư. Có thể thấy sự khác nhau là ghê gớm, từ thơ tự do, thơ cổ phong,
thơ lục bát, thơ văn xuôi, chung sống thoải mái.
Đặc điểm thứ ba, đây là một nền văn học thấm đẫm tinh
thần tự do và nhân bản, không mang một ý đồ phục vụ chính trị nào, có
thể nói nhiều lúc tạo cảm tưởng là “phi chính trị” … Tinh thần phi chính
trị như thế đương nhiên có nhiều yếu tố có lợi cho đối thủ. Trong khi
ngược lại, ở miền Bắc là một nền văn học hoàn toàn tuyên truyền, tuyên
truyền cho chiến tranh, chiến đấu mà có người còn dùng từ thậm xưng lên
là một nền “văn học trại lính”. Tinh thần của văn chương Việt Nam Cộng
Hòa ở miền Nam Việt Nam trong thời kỳ này là như thế, không có chính
trị, nhưng tất cả những gì thuộc về con người thì đều được tự do bộc lộ,
không có một ngăn cản, hạn chế gì.”
Một nền văn học tự do, nhân bản đúng nghĩa
Tới đây, trên tư cách tự nhận là một người có điều kiện
đọc khá nhiều về văn học Việt Nam Cộng Hòa giai đoạn 1954-1975 mà không
phải là một nhà lý luận, hay phê bình, nhà thơ Hoàng Hưng mở một dấu
ngoặc về vấn đề kiểm duyệt, ông so sánh điều này giữa hai nền văn học ở
hai miền với hai chế độ chính trị – xã hội đối nghịch nhau trên mảnh đất
Việt Nam thời kỳ đó, ông nói:
“Trong ý này, có một điều liên quan sự kiểm duyệt, ở
miền Nam, Việt Nam Cộng Hòa có một hệ thống kiểm duyệt công khai, nhưng
nhiều nhà văn thuật lại nói hệ thống này chỉ kiểm duyệt những gì quá bất
lợi cho chính quyền, mà người ta cũng chỉ “bỏ đi một số dòng, câu chữ”,
hay một hai tác phẩm không được cho xuất bản, nhưng làm rất công khai
và người ta có quyền khiếu nại về chuyện đó, chứ không như là ở văn học
miền Bắc thời đó nói rằng không có kiểm duyệt.
Nhưng thực ra hệ thống kiểm duyệt vô cùng chặt chẽ với
sự kiểm duyệt bằng cả một hệ thống con người, từ Ban Tuyên giáo cho đến
công an, cho đến Bộ Văn hóa, và quan trọng hơn, điều này làm cho các nhà
văn lâm vào một tình trạng gọi là phải tự kiểm duyệt, nếu không sẽ
không an toàn trong đời sống, nên khi từ ngòi bút họ viết ra, họ đã phải
tự kiểm duyệt rồi, không thể làm điều gì mà trái với tư tưởng, đường
lối của đảng Cộng sản cả. Cho nên khó có một nền văn học tự do và nhân
bản đúng nghĩa.”
Nói tiếp về các đặc điểm mà cũng có thể được coi là những
giá trị, là di sản nổi bật của nền văn học Việt Nam Cộng Hòa trong hai
thập niên từ 1954-1975, nhà thơ, dịch giả Hoàng Hưng, nhận định:
“Đặc điểm thứ tư của nền văn học thời kỳ này là có một
sự ảnh hưởng rất mạnh mẽ về triết học, về triết lý, đó là điều mà ngay ở
thời kỳ văn học gọi là tiền chiến cũng chưa rõ… Những ảnh hưởng của
triết học phương Tây quá rõ, như là hiện sinh, rồi đến hiện tượng luận,
cho đến phân tâm học, có ảnh hưởng đến các nhà văn rất là lớn, hay chưa
hẳn là triết học, nhưng những tư tưởng triết lý sống của phương Tây lúc
ấy cũng du nhập rất mạnh, như tư tưởng nữ quyền, giải phóng phụ nữ…
Điều đó có tác động rất rõ đối với văn học Việt Nam
Cộng Hòa, với sự hình thành mạnh mẽ một lớp nhà văn nữ rất là nổi, từ
Túy Hồng, rồi Nguyễn Thị Hoàng, Thụy Vũ v.v… Đấy là đặc điểm khác với
văn học miền Bắc và đương nhiên nó khác cả với thời kỳ tiền chiến nữa,
văn học thời tiền chiến chưa có những hiện tượng như thế.”
Nhà thơ Hoàng Hưng tại chi nhánh báo Văn Nghệ ở TPHCM năm 2002. Nguồn: nhiếp ảnh gia Dương Minh Long
Thấm đẫm tính triết học và chất lượng rất cao
Theo nhà thơ Hoàng Hưng, yếu tố tư tưởng và triết học
phương Đông, trong đó có Phật giáo cũng có tác động và in dấu ấn đối với
văn học Việt Nam Cộng Hòa trong hai thập niên lịch sử trước 30/4/1975,
ông nói tiếp:
“Thế nhưng cũng không phải chỉ có triết học phương Tây,
mà một điều thứ hai không kém phần là triết lý Phật giáo, cũng trong
giai đoạn này, những sách về Phật giáo ra mắt rất nhiều, có thể nói là
một cuộc Phục hưng về Phật giáo trong lịch sử của Việt Nam. Tức là từ
các sách của những nhà xuất bản như Lá Bối của thày Thích Nhất Hạnh, rồi
rất nhiều những sách kinh, sách Phật giáo, tôn giáo được dịch thuật,
như là Krishnamurti, Osho, rồi Suzuki.
Cho nên những điều này tác động rất lớn đến đời sống
tinh thần của người miền Nam và đương nhiên tác động đến các nhà văn mà
chúng ta đã biết, có rất nhiều tác giả nổi tiếng ở miền Nam lúc bấy giờ
được ưa chuộng, mà đã chuyên chở được tinh thần và ý thức Phật giáo như
là Thích Nhất Hạnh, Tuệ Sĩ, Phạm Thiên Thư, và ngay cả lời bài hát của
Trịnh Công Sơn cũng là văn học, cũng là thơ mà thấm đẫm triết lý Phật
giáo.”
Về đặc điểm thứ năm của nền văn học Việt Nam Cộng Hòa, ông Hoàng Hưng nói tiếp:
“Đó là nó tiếp tục tiếp thu được những trào lưu nghệ
thuật phương Tây đương thời, điều này tôi cho là sự tiếp tục của nền văn
học giai đoạn thời kỳ tiền chiến… Đến thời kỳ sau năm 1954, các tác giả
mà phần lớn là những người có Tây học, đọc được sách ngoại ngữ, và dịch
thuật rất nhiều, đã có sự tiếp nhận được rất nhiều những phương pháp
nghệ thuật, các trào lưu nghệ thuật mới lúc đó của phương Tây như là
siêu thực, hiện sinh, phi lí, hay là dòng ý thức, điều này rất rõ trong
nhiều tác phẩm.
Đến đây, tôi muốn nói đến một bộ phận nữa đó là sách
dịch, bộ phận rất lớn, có thể nói đây là một thời kỳ dịch thuật rất quý
báu đối với đời sống tinh thần của người ở miền Nam nói chung, chứ không
chỉ nói riêng đối với văn học, tức là rất nhiều sách về triết học, xã
hội học, khoa học xã hội, nhân văn, tiểu thuyết của phương Tây được dịch
ra ồ ạt… Số có chất lượng rất là đông đảo và có thể nói đây là một kho
báu đối với chúng tôi, là những người gọi là nhà văn, nhà báo, người
viết lách ở miền Bắc mà sau 30/4/1975 vào Nam, mà ra các ‘chợ sách vỉa
hè’ thì có thể ôm không biết bao nhiêu sách dịch như vậy về, còn ở miền
Bắc, do hoàn cảnh chiến tranh, cũng chỉ dịch được một số tác phẩm, không
nhiều lắm, mà chủ yếu từ tiếng Nga là nhiều”.
Đối xử của chính quyền Việt Nam gần đây với dòng văn học này
Bình luận về đối xử của chính quyền của Đảng Cộng sản và
nhà nước Việt Nam đối với dòng văn học Việt Nam Cộng Hòa, trong dịp này
nhà thơ, dịch giả Hoàng Hưng đề cập một trong số nhiều tài liệu mà theo
ông thể hiện dường như bước đầu đã có sự dịch chuyển ít nhiều trong quan
điểm, chính sách và cách thức đối xử của nhà nước và chính quyền cộng
sản Việt Nam, ông cho hay:
“Nhận thức về nền văn học miền Nam Việt Nam trước đây
vẫn còn nhiều mơ hồ, thế nhưng dần dần qua mấy chục năm nay, đã có những
chuyển biến khá tốt, theo tôi, tuy vẫn còn nhiều e dè và lẻ tẻ. Gần đây
tôi tình cờ đọc được một bài báo cho thông tin rất thú vị ở trên báo
Nhân dân cuối tuần, số ngày 13/9/2016 viết về đề tài này, mà tôi xin
trích dẫn lại nguyên văn có đoạn viết như sau:
‘Nói chung trong khoảng 10 năm sau ngày giải phóng,
tinh thần cơ bản của các nghiên cứu phê bình văn học nghệ thuật là ngăn
chặn, chống, phê phán, đấu tranh, quét sạch văn hóa nô dịch, đồi trụy,
lai căng; xóa bỏ những xuất bản phẩm phản động, khiêu dâm; trừng trị
nghiêm khắc những ai cố ý vi phạm các quy định của Nhà nước…’
Kinh hoàng đến như thế, nhưng mà ở đoạn kết của bài báo
này, thì lại viết rằng: ‘…quan điểm chính thức được khẳng định hiện nay
là, ủng hộ việc đẩy mạnh nghiên cứu, chọn lọc phổ biến các giá trị đích
thực của văn học nghệ thuật miền nam trước 1975 trên tinh thần hòa hợp
dân tộc để hàn gắn vết thương, đoàn kết mọi người cùng nhìn về một phía,
thực hiện hòa hợp dân tộc bằng con đường văn hóa văn nghệ. Dĩ nhiên
trên thực tế, câu hỏi về cách ứng xử như thế nào đối với các tác phẩm
văn học, nghệ thuật của các tác giả miền nam trước 1975 là vấn đề khó có
được câu trả lời cụ thể và thấu đáo.’”
Đưa ra bình luận thêm về quan điểm này của chính quyền
Việt Nam thông qua bài báo nói trên của báo Nhân Dân, cơ quan ngôn luận,
truyền thông của Ban Chấp hành Trung ương đảng Cộng sản Việt Nam, nhà
thơ Hoàng Hưng nói:
“Tác giả bài báo này ký tên là Hạnh Nguyễn mà không
biết là ai, nhưng điểm thú vị là ở câu cuối này, tức là về nguyên tắc họ
nói như vậy, tất nhiên phải có chỉ đạo ở một cấp cao hơn là báo Nhân
Dân, báo này dẫu sao cũng là tiếng nói chính thức của Đảng Cộng sản,
nhưng nói như vậy, còn khi xử lý trên những trường hợp cụ thể, tác giả,
tác phẩm cụ thể, thì vẫn còn nhiều rắc rối.
Tôi đơn cử dẫn chứng vào năm 2007, công ty sách phương
Nam ra được bốn tập sách của Dương Nghiễm Mậu, là nhà văn được coi là
tiêu biểu về phương pháp sáng tác mới mẻ, lập tức bị nhà văn Vũ Hạnh,
cũng là nhà văn ở miền Nam Việt Nam ngày xưa, với lập trường cộng sản,
phê phán rất kịch liệt, sau đó thì im thít, không ai dám in tiếp nữa.
Hay sau đó cũng ra được tác phẩm của nhà văn Lê Xuyên, rồi cũng bị phê
phán ác liệt, dẫn đến cũng lại im thít, không ái dám xuất bản tiếp nữa.
Hay ngay trường hợp của tôi mới đây cũng khá thú vị để
hiểu vấn đề, tức là gần đây vì các websites (trang mạng) bị tường lửa
hết, ngay cả Văn Việt là website của chúng tôi cũng bị tường lửa, tất cả
các website nói chung mà không phải của nhà nước, đều bị tường lửa nên
rất khó vào. Cho nên tôi có một ý tưởng là đưa lại hồ sơ văn học miền
Nam thời Việt Nam Cộng Hòa lên lại trên Facebook, đưa lại trên một
chuyên trang về văn học nghệ thuật mà là Facebook cá nhân.
Lập tức trang bị đánh phá ngay, bị chặn, không làm sao
có thể đưa lên được gì cả, rồi bị cảnh cáo, bị khóa danh khoản tùm lum,
có những cảnh cáo, cảnh báo rất buồn cười, bởi vì khi chúng tôi đăng đầu
tiên mấy tác phẩm của Phạm Thiên Thư, tức là mấy tác phẩm đã được xuất
bản công khai ở Việt Nam bây giờ, không phải là chính trị hay gì, mà lập
tức tôi đã bị cảnh cáo rằng đã ‘vi phạm tiêu chuẩn cộng đồng’.
Tức là họ có một lực lượng nào đó, mà họ vẫn không muốn
cho sự xuất hiện của văn học miền Nam này một cách đàng hoàng; có thể
lẻ tẻ một hai cuốn thì được, còn khi đưa ra giới thiệu cả một kho về văn
học miền Nam là họ không cho!”
Tuy có những sự việc trên, trong dịp 48 năm đánh dấu biến
cố 30/4/1975 với Việt Nam, nhà thơ, dịch giả Hoàng Hưng vẫn đặt kỳ vọng ở
tương lai:
“Đến một lúc nào đấy mà tôi chưa biết, điều này sẽ do
những nhà chính trị cân nhắc, nhưng không thể không đặt nền văn học này
thành một mảng của văn học Việt Nam nói chung, mà không có phân biệt
bắc, nam, không phân biệt chính kiến, vì đó đúng là một thành tựu của
văn học Việt Nam, một thành tựu rất huy hoàng, cho nên nó sẽ được thành
một mục nghiên cứu đàng hoàng, khách quan và thấu đáo.
Tôi mong rằng một ngày nào đó gần đây sẽ như vậy và
trong giới nghiên cứu có rất nhiều người sẵn sàng làm việc đó, nhưng họ
cũng phải được tạo thuận lợi là sự bật đèn xanh của hệ thống chính trị
như một điều tất nhiên, còn nếu không họ sẽ không được cho phép xuất
bản, giảng dạy và sẽ rất hạn chế, không có ai bỏ công đi làm việc mà
không rõ rằng có được công bố hay không.
Nhưng tôi nghĩ rằng nếu mà người cầm quyền sáng suốt và
thực sự như là câu của báo Nhân Dân nêu lên rằng thực sự muốn một sự
hòa giải, hòa hợp, để toàn dân Việt Nam có thể chung sống với nhau, đoàn
kết với nhau vì những mục tiêu lớn, mà trước mắt của chúng ta là những
vấn đề phải đối phó như chủ quyền của đất nước, vấn đề phát triển về
kinh tế, văn hóa như thế nào;
Nhất là những nhà lãnh đạo của Đảng mấy năm gần đây
phát biểu ‘rất đề cao văn hóa’, coi văn hóa như ‘động lực phát triển’,
vấn đề là phải nhìn văn hóa một cách toàn diện, không định kiến, không
bị ý thức hệ dẫn dắt, rằng văn học miền Nam chính là thành tựu của văn
hóa dân tộc, phải xác định, khẳng định như thế để mà nghiên cứu các giá
trị của nó, để mà tiếp tục phát huy, phát triển nền văn hóa, văn học
nghệ thuật của Việt Nam,” nhà thơ, dịch giả, nhà báo Hoàng Hưng,
thành viên sáng lập Ban vận động thành lập Văn đoàn độc lập Việt Nam,
chia sẻ với RFA Tiếng Việt trên quan điểm riêng hôm 26/4/2023 từ Sài
Gòn.