Văn hóa không từ chức ‘lên tầm cao mới’
Tác giả cho rằng Thủ tướng CSVN Dũng là người mở đầu thứ ‘văn hóa không từ chức’.
“Văn hóa từ chức” mà Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc nêu ra cuối cùng lại phản tác dụng, sau ngày 14/11/2012 ấy, có một văn hóa mới hình thành, đó là “Văn hóa không từ chức”. Trước đây dù các quan từ chức là một việc hiếm, nhưng ít nhất là cũng có xảy ra, đó là Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Huy Ngọ trong vụ việc cách đây tròn 10 năm (2004). Cái ngày ấy giờ đây đã xa lắm rồi. Chỉ có dân nhớ chứ quan chức thì không, các Bộ trưởng thích nhớ về “tuyên ngôn” của người trực tiếp lãnh đạo họ – Thủ tướng chính phủ hơn, đó là “Đảng còn tín nhiệm thì còn làm”. Và thế là sản sinh là một thế hệ chai lỳ hơn nữa, tiêu biểu là Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến – người mà có lẽ không cần nhắc đến tên thì độc giả cũng biết là ai rồi. Ngoài việc vô tư phát ngôn những câu không khác gì con trẻ như: “Lỗi của Vắc xin thì xử Vắc xin” (chắc là trừng phạt Vắc xin bằng cách không cho để trong chai lọ mà đem đun sôi hoặc đổ xuống cống?) hay “nên có tem cá sạch” (đóng dấu lên cá đang bơi?), thì việc tiền hậu bất nhất cũng làm người ta liên tưởng bà với vị thủ trưởng của mình. Một mặt Bộ trưởng Tiến nói: “Cấm cán bộ y tế nhận phong bì, quà cáp trước và trong quá trình điều trị nhưng không cấm bác sĩ nhận quà sau điều trị, vì đó là tấm lòng của người bệnh…”. Nhưng khi đại biểu Quốc hội chất vấn, bà trả lời: “”Tôi đâu có cho phép nhận phong bì sau điều trị”!
‘Trơ trẽn’
Một điểm không lẫn đi đâu được nếu so sánh với Thủ tướng Dũng là cách trả lời về việc từ chức. Khi bị chất vấn, Bộ trưởng Tiến nói bà trở thành Bộ Trưởng vì “qua quá trình quy hoạch và công tác của Đảng, Ban chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị và được Quốc hội phê chuẩn” và “nếu mình làm hết sức, với đam mê và trách nhiệm mà đến lúc nào đó cấp trên hay theo quy trình cán bộ không cho phép mình làm nữa thì tôi sẽ quay về công việc nào đó, miễn vẫn có ích cho đời”. Rõ ràng vẫn là bài “Đảng phân công” và “chừng nào còn tín nhiệm thì còn làm”. Nhưng Bộ trưởng Tiến có hơn Thủ tướng Dũng ở mức độ trơ trẽn. Sau khi dịch sởi cướp đi mạng sống của hơn 120 em nhỏ, bà Tiến nói: “Tôi không thể từ chức vào lúc này” vì “giờ là lúc ngành y tế tập trung cao nhất để giành giật sự sống cho các bé.” Nghe như thế người ta sẽ hiểu rằng khi dịch kết thúc, bà mới có thể từ chức. Nhưng mọi người chờ dài cổ mà không thấy bà Bộ trưởng nhắc lại chuyện này. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng có thể tự hào vì đã có một học trò xuất sắc. Nói đúng hơn, giờ đây các Bộ trưởng có thể vững tâm phát ngôn tùy ý và thản nhiên không từ chức vì đã có tiền lệ của thủ trưởng. “Văn hóa không từ chức” có thể nói đã được nâng lên một tầm cao mới. Chưa hoàn vốn?
Thật ra cũng phải thông cảm cho các quan chức. “Quan trường như chiến trường”, nơi đây không dành cho những người tự trọng. Tự trọng thì có lẽ nên đi làm những “nghề cao quý” như nhà giáo hay thầy thuốc theo đúng nghĩa. Chính trị gia thì phải trơ lỳ, mưu mô thủ đoạn. Đặc biệt trong môi trường Chính trị Việt Nam, người ta phải bỏ một số tiền lớn để “chạy chức”.
Đặc biệt trong môi trường Chính trị Việt Nam, người ta phải bỏ một số tiền lớn để “chạy chức”
Nếu từ chức sớm thì sẽ không thu hồi lại được “vốn”, đấy cũng là cái khó của họ. Nhưng có những vị đã lãi rồi mà vẫn cố bám trụ, vì tiền thì chẳng bao giờ là đủ cả. Tại sao phải từ chức khi chẳng có cơ chế nào ép mình phải như thế? “Kính thưa các vị chưa bị phát hiện”, các vị cũng như tôi mà thôi, nên các vị đừng tỏ ra ngạc nhiên khi tôi vẫn tại vị – đó là suy nghĩ của các quan bây giờ. Nói tóm lại, không thấy một lý do nào để có thể kéo các lãnh đạo ra khỏi vị trí béo bở đang nắm giữ. Nhưng người dân đừng lo, họ không ôm ghế cả đời được đâu, giỏi lắm là đến ngày kết thúc nhiệm kỳ là cùng.