Vấn Đề Hạnh Phúc – Cố Gs. Nguyễn Ngọc Huy
Trong sự hoạt-động sinh-tồn của mình, con người lại còn bị sự hấp-dẫn của một lý-tưởng rất mạnh mẽ là ý-tưởng hạnh-phúc. Hoặc mơ màng đến hạnh-phúc một cách có ý thức, hoặc xây dựng đời mình theo quan-niệm hạnh-phúc của riêng mình một cách vô-ý-thức, người ở mọi địa-phương và mọi thời-đại đều theo đuổi một bóng hạnh-phúc không lúc nào ngừng.
Ta có thể cho rằng xu-hướng tìm hạnh-phúc của người là một xu-hướng tự-nhiên. Từ trước đến giờ, nó vẫn là một động-lực mạnh mẽ chi-phối sự tiến-triển của xã-hội loài người. Vì đó, nó đã đóng một vai tuồng quan-trọng trong sự hoạt-động chánh-trị. Những nhà chánh-trị cổ kim muốn lôi kéo quần-chúng theo mình đều phải lấy chủ-trương mưu-đồ hạnh-phúc cho dân làm đề-mục tuyên-truyền chánh-yếu của mình. Những danh-từ được đem ra dùng và những hình-thức hạnh-phúc được đem ra trình-bày tuy có tùy địa-phương và thời-đại mà khác nhau, nhưng căn-bản của vấn-đề bao giờ cũng có một. Khi lấy hai chữ hạnh-phúc làm đề-mục trong tiêu-ngữ chánh-trị của mình, những chánh-khách hiện-đại chỉ noi theo một nguyên-tắc cổ-truyền trong sự thâu-phục quần-chúng mà thôi.
Vấn-đề hạnh-phúc vốn có dính dáng chặt chẽ đến vấn-đề sinh-tồn. Do đó, muốn thấu-triệt được vấn-đề hoạt-động sinh-tồn, chúng ta cần phải xét qua vấn-đề hạnh-phúc.
I.- SỰ PHỨC-TẠP CỦA VẤN-ĐỀ HẠNH-PHÚC.
Vấn-đề hạnh-phúc thật là một vấn-đề hết sức phức-tạp. Mọi người đều giống nhau ở chỗ cùng hướng đến hạnh-phúc như nhau và với một sự ham muốn mạnh mẽ gần như nhau. Nhưng xét nguyện-vọng từng người một, ta có thể nhận thấy rằng quan-niệm hạnh-phúc của họ rất khác nhau. Quan-niệm này tùy tâm-tánh, tùy hoàn-cảnh, tùy trình-độ trí-thức, tùy nhơn-sanh-quan của mỗi người, mỗi dân- tộc, mà thay đổi vô-cùng vô-tận.
Nếu có những người mơ ước được sống trong một cuộc đời ngăn nắp yên-ổn, thì cũng có những kẻ chỉ thấy sung sướng khi được vẫy vùng ngang dọc giữa những sự nguy-hiểm khó khăn. Giữa những đêm hè nóng bức, một trận mưa to làm cho những người giàu có ưa thích, nhưng một bầu trời quang- đãng lại hợp-ý những kẻ không cửa không nhà. Một bức tranh đẹp làm cho một nghệ sĩ rung động cả tâm-hồn, hoặc một quyển sách hay làm cho văn-nhơn hưởng được những lúc thoát-trần lại không có ảnh-hưởng gì đến một bác nông-phu chất-phác, chỉ thấy sung sướng khi ngồi trước một mâm cơm thịnh-soạn.
Chung quanh ta, có bao nhiêu người chú-trọng đến đời sống vật-chất của mình: những người ấy ham muốn sự ăn ngon, mặc đẹp, ở nơi lầu cao cửa rộng, ngồi những chiếc xe bóng nhoáng, sang trọng; nhưng cũng có những người mê say những thú vui trí-tuệ, suốt đời cặm cụi trong sự học hỏi, tìm tòi.
Ngoài ra, còn có những người luôn luôn theo đuổi một sự thỏa-mãn về đạo-đức hay tinh-thần: đó là những bậc chơn-tu khép mình trong bốn bức tường của tịnh-thất, hay những người hoạt-động xã-hội, đem hết tài-trí năng-lực của mình để hàn gắn vết thương của hạng người xấu số. Đối với người Hồi, được trông thấy thánh-địa La Mecque trước khi nhắm mắt là điều mơ ước tối-cao. Trong khi đó, người Việt cho rằng có một ngôi sanh-phần đắc-địa và một cỗ áo quan gỗ tốt trong nhà, là một trong những giấc mộng đẹp nhất của những người có tuổi.
Như thế, cái bóng hạnh-phúc mà mỗi người vô-tình hay hữu-ý phác-họa trong tâm-trí mình có rất nhiều hình-trạng. Không những cái bóng hạnh-phúc của người này khác với cái bóng hạnh-phúc của người kia, mà đối với mỗi người, cái bóng ấy cũng tùy lúc mà thay đổi.
Sau một thời-kỳ tìm thấy sự sung sướng trong đời sống giang-hồ phiêu-bạt, người ta có thể quay về tìm sự yên-tĩnh trong một đời sống bình-dị hơn. Ngoài ra, vì lẽ nhơn-dục vô-nhai, người ta rất ít khi thõa-mãn với những món mình có. Thâu-hoạch được những điều-kiện mà mình cho là cần-thiết và đầy đủ cho hạnh-phúc của mình, con người chỉ sung sướng một cách hoàn-toàn trong một thời-gian ngắn. Kế đó, họ thấy chán với những điều-kiện ấy và đòi hỏi, thèm muốn những điều-kiện khác nữa. Khi ở một túp nhà tranh xiêu vẹo, người ta ước mơ ở một căn phố gạch có đèn nước, và lúc mới dọn về ở một căn phố gạch như thế, người ta thích-chí lắm. Nhưng chỉ ít lâu sau đó, người ta lại thấy căn phố gạch đó xoàng xĩnh và muốn được ở một tòa nhà lầu cao rộng hơn.
Vì hạnh-phúc luôn luôn thay đổi như thế nên người ta có cảm-tưởng rằng nó rất mong manh, hệt như cái bọt xà-phòng, ánh muôn màu sắc rực rỡ, nhưng động đến là tan vỡ ngay.
Con người thường đứng núi này trông núi nọ, và hay mong ước ở vào địa-vị một kẻ khác mà họ cho là có hạnh-phúc, trong khi chính kẻ khác đó rất muốn ở vào địa-vị của họ. Một nhà nghiệp-chủ có thể thèm muốn có cái được ưu-thế của một viên quan-lại không biết rằng lúc ông ta thèm muốn như thế, viên quan-lại kia đương thiết-tha mong mỏi sống một cuộc đời nhàn-hạ của ông ta.
Chúng ta lại còn có thể nhận thấy rằng những người chăm chăm vào việc đi tìm hạnh-phúc không mấy khi đạt được hạnh-phúc. Và lắm lúc, chính những điều mà người ta tưởng là có thể mang đến hạnh-phúc cho mình lại gây cho người ta bao nhiêu sự khốn khổ khi người ta đã thâu-hoạch được nó. Biết bao nhiêu kẻ si-tình lấy việc cưới được người họ yêu mến làm cái tuyệt-đích hạnh-phúc cho họ, về sau đã xem người bạn trăm năm của họ như là một gánh nặng mà họ muốn vứt đi.
Trái lại, cũng có lắm người không nghĩ nhiều đến hạnh-phúc của mình, nhưng xét đời sống họ, ta có thể cho rằng họ đã đạt được hạnh-phúc một phần nào. Đó là những người nhiều năng-lực hoạt-động, mê say công việc mình làm, lại có mục-đích vừa tầm tài-trí mình, nên không phải bị những sự thất-bại ê chề, những sự tuyệt-vọng đau đớn.
Vì vấn-đề hạnh-phúc quá ư phức-tạp và biến-hóa không cùng, người ta rất khó qui-định hạnh-phúc cho người khác. Hạnh-phúc không phải là một món hàng người có thể chế-tạo ra rồi muốn phát cho ai thì phát. Bởi vậy, trên đời có bao nhiêu kẻ làm khổ cho người khác chỉ vì muốn gây hạnh-phúc cho họ.
Nhiều người cha mẹ đã lầm tưởng làm cho con mình hạnh-phúc, trong khi thật-sự, họ đã dồn ép chúng vào những hoàn-cảnh làm cho chúng đau khổ vô-cùng. Nhiều nhà chánh-trị cũng đã cố-gắng tranh-đấu để xây dựng những chế-độ xã-hội lý-tưởng mà họ cho là có thể mang hạnh-phúc đến cho toàn dân. Họ đã phải chịu nhiều sự hy-sinh bao nhiêu mạng người khác để thực-hiện chương-trình của họ. Nhưng nếu trong đầu óc họ, chế-độ họ xây dựng lên làm cho con người họ tưởng-tượng được sung sướng, hạnh-phúc thì trong xã-hội thực-tế, nó làm cho những con người bằng xương bằng thịt khổ-sở vô-ngần.
Như vậy, vấn-đề hạnh-phúc không phải đơn-giản như các nhà chánh-khách từ trước đến giờ đã chủ-trương. Tuy thế, nếu đem đối-chiếu nó với sự hoạt-động sinh-tồn, chúng ta có thể nhận-thức chơn- tướng của nó một cách rõ ràng.
2.- VẤN-ĐỀ HẠNH-PHÚC ĐỐI-CHIẾU VỚI SỰ HOẠT-ĐỘNG SINH-TỒN.
Chúng ta đã thấy rằng sự hoạt-động của người bị rất nhiều bản-năng phức-tạp chi-phối. Tất cả các bản-năng này đều nhắm vào mục-đích mưu-đồ sự sinh-tồn cho người, sinh-tồn vật-chất hay sinh-tồn tinh-thần, sinh-tồn của cá-nhơn hay sinh-tồn của chủng-loại.
Khi một bản-năng của người không thỏa-mãn được, người thấy mình khổ-sở, và tất cả những sự mong ước của người đều hướng đến chỗ thỏa-mãn cho được bản-năng ấy. Đối-tượng có thể thỏa-mãn cái bản-năng đương dày vò con người là cái bóng hạnh-phúc mà người đeo đuổi. Lúc người đạt được đối-tượng trên đây, nghĩa là lúc người thỏa-mãn được bản-năng thúc đẩy mình, người thấy mình có hạnh-phúc.
Vì lẽ người có rất nhiều bản-năng cùng hướng về sự sinh-tồn, mà không bản-năng nào đủ sức chi-phối hết cả đời sống của người, cho nên hạnh-phúc của người có rất nhiều mặt và thay đổi không ngừng. Khi bản-năng này đã thỏa-mãn, bản-năng khác lại đòi hỏi người hoạt-động cho nó, và bóng hạnh-phúc của người là thỏa-mãn cái bản-năng khác ấy.
Sự sung sưóng mà người cảm thấy khi thỏa-mãn được một bản-năng sau một thời-kỳ thèm khát lâu dài, có thể rất mạnh mẽ, khiến cho người tạm quên một số bản-năng khác chưa thỏa-mãn. Nhưng sự quên lãng này không phải kéo dài ra mãi, và sau cùng rồi, hạnh-phúc của người cũng phải phai mờ đi, nhường chỗ cho sự ước mơ khác.
Người cũng có thể nhờ tư-tưởng, nhờ sự tự-kỷ ám-thị mà chế-ngự một bản-năng không được thỏa-mãn, và lấy sự thỏa-mãn những bản-năng khác làm hạnh-phúc cho mình. Nhưng phương-pháp này ít khi đưa đến một kết-quả hoàn-toàn. Những sự phản-kháng của bản-năng bị chế-ngự có thể làm cho người mất sự quân-bình tâm-lý của mình, và đưa đến những chứng bịnh thần-kinh lắm khi rất nặng.
Như vậy bản-chất của người làm cho cái bóng hạnh-phúc mà người đeo đuổi luôn luôn di-động.
Sau khi lang thang trong rừng để tìm mồi hay cặm cụi trong một công việc làm để nuôi thân, người tìm sự sung sướng trong bữa ăn. Ăn uống no đủ rồi, người lại thích tán chuyện với người dị-tính mà người ưa mến. Nhưng đến lúc mệt mỏi, không có gì làm cho người chuộng bằng một giấc ngủ ngon. Tỉnh giấc, người muốn tăng-cường oai-thế của mình bằng sự học hỏi, hoặc muốn thỏa-mãn bản-năng sáng-chế của mình bằng việc xây dựng sắp đặt những món bày biện trong nhà hay việc tạo ra một công-trình mỹ-thuật. Chán chê rồi, thích đi dạo, đi xem hát giải-trí. Nếu không người lại đi hội-họp, lên diễn-đàn để biểu-dương tài hùng-biện của mình cho công-chúng thấy.
Sự hoạt-động của người thật ra biền chuyển không cùng, ta không thể kể ra hết được. Nhưng đại-khái, ta có thể bảo rằng khi người nào không thực-hiện được ý muốn của mình – ý muốn này là một biểu-thị của bản-năng cần được thỏa-mãn, bằng sự thâu-hoạch những điều-kiện sinh-tồn mới, hay bằng sự thay đổi những điều-kiện sinh-tồn cũ – người thấy mình khổ-sở. Và những khi sự biểu-thị của bản-năng cần được thỏa-mãn không được rõ ràng, mạnh mẽ, thành ra người không hiểu mình phải muốn những gì, người cảm thấy buồn chán vẩn vơ.
Nói một cách khái-quát thì con người chỉ đạt được hạnh-phúc khi nào họ thỏa-mãn được những bản-năng của họ. Những bản-năng này đều qui vào mục-đích sinh-tồn. Bản-năng của người vốn có rất nhiều, mà sự đòi hỏi không thỏa-mãn của một cái một cũng đủ làm cho người khổ-sở. Bởi đó hạnh-phúc của người chỉ duy-trì được khi nào tất cả các bản-năng của người đều được thỏa-mãn một cách đồng đều nhau. Nói một cách khác, người chỉ có thể hạnh-phúc khi người sinh-tồn một cách đầy đủ. Sự đeo đuổi hạnh-phúc của người chung-qui chỉ là sự đeo đuổi theo những cái gì mà người thấy cần-thiết cho sự sinh-tồn của mình. Và cuộc đời mà họ cho là đầy hạnh-phúc thật ra chỉ là cái hình-thức sinh-tồn lý-tưởng của người mà thôi.
Như ta đã thấy, hình-thức sinh-tồn lý-tưởng của mỗi người không phải là ổn-định: nó chuyển-dịch luôn luôn, chuyển-dịch vì sự tiến-triển nội-tại của tâm-trí người cũng như vì sự biến-hóa của ngoại-giới.
Bên trong tâm-trí người, những bản-năng của người không ngớt thay thế nhau để đòi hỏi sự thỏa-mãn nơi người; mà đối với từng bản-năng một, sự cần dùng cũng mỗi lúc một khác, bởi lẽ ý-định khuếch-trương sức sống của người làm cho sự cần dùng của bản-năng càng ngày càng nhiều và càng cao-nhã hơn.
Về phía ngoại-giới, những điều-kiện của thiên-nhiên cũng như hoàn-cảnh xã-hội không phải đứng một chỗ;nó thay đổi mãi không ngừng.
Với tất cả các quan-năng mà Tạo-hóa phú cho mình, người hoạt-động để sinh-tồn, nghĩa là để thỏa-mãn những bản-năng của mình. Sự thỏa-mãn những bản-năng này bắt buộc người phải điều-chỉnh sự sống nội-tại của tâm-trí mình với ngoại-giới. Nếu thành-công được trong sự hoạt-động của mình, người tạo được một quân-bình giữa những bản-năng của mình với hoàn-cảnh. Chính sự quân-bình này là cái căn-bản của cái mà người gọi là hạnh-phúc.
Như vậy hạnh-phúc không có gì khác hơn là một trạng-thái tâm-lý xuất-hiện những khi người gây được sự quân-bình giữa bản-năng sinh-tồn của mình và hoàn-cảnh bên ngoài. Sự sanh tồn của các sanh-vật đồng-loại tự-nhiên có những điểm đại-cương giống nhau. Bởi đó, đối với một người bình-thường, sự quân-bình nói trên đây càng thích-hợp với những điều-kiện sinh-tồn chung của loài người thì hạnh-phúc của người càng hoàn-toàn. Vì thế, ta có thể cho rằng xu-hướng tìm hạnh-phúc là xu-hướng gây sự quân-bình giữa bản-năng sinh-tồn của người và hoàn-cảnh. Nó cũng là một bản-năng cần-thiết cho sự sinh-tồn của chủng-loại và do sự tranh-đấu sinh-tồn của chủng-loại mà có.
Định-nghĩa hạnh-phúc trên đây đúng cho tất cả mọi người. Sự bất đồng về quan-niệm hạnh-phúc giữa loài người sở-dĩ có là vì sự phản-ứng của bản-năng sinh-tồn đối với hoàn-cảnh khác nhau từng người và từng dân-tộc.
Trước hết, chúng ta có thể nhận thấy rằng những bản-năng của người này và người nọ không phải nảy nở một cách y hệt như nhau. Đối với một số người, những bản-năng bảo-đảm sự sinh-tồn cá-nhơn về phương-diện vật-chất được mở mang hơn những bản-năng khác, và người chăm chú đến sự ăn ngon, mặc đẹp, ở lầu cao cửa rộng nhiều hơn cả. Đối với một số người khác, những bản-năng bảo-đảm sự sinh-tồn cá-nhơn về phương-diện tinh-thần lại mở mang hơn, và người thích sự tranh-đấu cho tư-tưởng, cho địa-vị nhiều hơn. Cũng có những người mà bản-năng xã-hội phát-triển hơn hết, khiến cho người để phần lớn sự hoạt-động của mình vào công việc giúp đỡ những người khác. Đó là chúng ta chỉ mới phác sơ qua những đại-cương, chớ những bản-năng thật nhiều vô-cùng mà sự phát-triển của nó cũng hết sức phức-tạp.
Ta thấy rằng không một bản-năng nào đủ sức chi-phối được hết cả đời sống của con người, và cái bản-năng được mở mang nhứt không làm cho người quên hẳn được những bản-năng khác. Sự chế-ngự một bản-năng thường chỉ đưa người đến những chứng bịnh thần-kinh. Bởi đó, đối với một người mạnh khỏe, bình-thường, những bản-năng ít mở mang vẫn còn tồn-tại. Những bản-năng này trộn lộn với những bản-năng mở mang nhứt, và tất cả đều ảnh-hưởng qua lại với nhau. Chính sự trộn lộn và sự ảnh-hưởng qua lại giữa các bản-năng có những mực phát-triển khác nhau đã tạo nên cá-tánh mỗi người. Và chính sự cạnh-tranh hay sự liên-hiệp giữa các bản-năng này giành lấy phiên được thỏa-mãn, đã qui-định sự phản-ứng của người đối với hoàn-cảnh. Mực phát-triển của các bản-năng đã không giống nhau giữa người này với người nọ, mà trong mỗi lúc, cơ-vận thủ-thắng của mỗi bản-năng trong sự tranh giành được thỏa-mãn cũng không giống nhau, tất-nhiên sự phản-ứng của người đối với hoàn-cảnh phải khác nhau, và bóng hạnh-phúc mà họ đeo đuổi cũng phải khác nhau.
Suốt đời sống của người, sự biến-chuyển trong mực phát-triển của những bản-năng kể trên này có thể làm thay đổi cá-tánh của người cũng như cơ-vận thủ-thắng của mỗi bản-năng. Do đó, quan-niệm hạnh-phúc của người có thể thay đổi cùng với tuổi tác họ.
Những dân-tộc từ trước đến giờ vẫn sống trong những hoàn-cảnh địa-dư, kinh-tế, khí hậu khác nhau. Và trong lịch-sử, họ đã trải qua những tình-thế rất khác nhau. Sự tranh-đấu sinh-tồn của các dân-tộc vì đó mà có những tánh-cách khác nhau, và bản-năng sinh-tồn của họ do cuộc tranh-đấu sinh-tồn này vun bồi và chi-phối tự ngàn xưa đến giờ cũng có những đặc-điểm khác nhau. Bởi thế, những điều-kiện thuận-lợi cho sự sinh-tồn của các dân-tộc hết sức khác nhau, và sự phản-ứng của các dân-tộc để đối-phó với hoàn-cảnh cũng khác nhau. Những điều này làm cho quan-niệm hạnh-phúc của các dân-tộc không thể giống nhau được.
3.- SỰ GIẢI-QUYẾT VẤN-ĐỀ HẠNH-PHÚC.
Sự nghiên-cứu vấn-đề hạnh-phúc đối chiếu với vấn-đề hoạt-động sinh-tồn đã cho chúng ta thấy rằng người chỉ hạnh-phúc khi nào người thực-hiện được sự quân-bình giữa bản-năng sinh-tồn của mình với hoàn-cảnh bên ngoài. Sự quân-bình này không thể ổn-định được vì nó luôn luôn bị sức tiến-triển của nội-tại và ngoại-giới, sức tiến-triển của tâm-trí người và của vật-chất bao bọc lấy người xô đẩy phá-hoại không ngừng. Và trong khi sự thỏa-mãn một bản-năng của người làm cho người sung sướng thì những bản-năng khác đưa ra những sự đòi hỏi khác, có khi mâu-thuẫn nhau, nhưng đều có xu-hướng làm mất thế quân-bình đạt được.
Tất cả vấn-đề tạo hạnh-phúc cho người chung-qui chỉ gom về việc giữ cho những sự đòi hỏi kế tiếp nhau của các bản-năng không làm ngã đổ sự quân-bình ấy, để cho tâm-trí người dao-động một cách nhẹ nhàng chung quanh cái trọng-tâm của sự «quân-bình hạnh-phúc», chớ không bị lung lay một cách đột- ngột và mãnh-liệt.
Vậy, việc gây hạnh-phúc cho người chỉ là việc thỏa-mãn các bản-năng của người. Mà sự thỏa-mãn những bản-năng này không phải chỉ có một phương-diện. Ngoài những bản-năng đòi hỏi một thỏa-mãn những vật-chất như ăn, uống, mặc v.v… người lại còn những bản-năng đòi hỏi một sự thỏa-mãn tinh-thần.
Những đòi hỏi vật-chất của bản-năng người thật ra rất khó qui-định, vì sự ham muốn của người có thể mở ra đến vô-cùng. Tuy nhiên, ta vẫn có thể biết được số nhu-cầu tối-thiểu của người, vì mỗi người chỉ cần một số lượng nhứt-định y-phục và lương-thực để được ấm cật no lòng, để được sung sướng về vật-chất. Về những đòi hỏi tinh-thần của người, ta không thể nào qui-định được, vì sự cần dùng tinh-thần của người biến-hóa vô-cùng về lượng cũng như về phẩm. Ta không thể làm cho người hạnh-phúc khi bắt họ đi hội-họp và thảo-luận chánh-trị với những người khác, nếu họ chỉ thích đi lang thang một mình ở những nơi hẻo lánh để ngắm phong-cảnh. Ta không thể làm cho người được sung sướng khi họ xem hát hoặc họ nghe nhạc nếu trong lúc đó họ muốn vào chùa để cầu-nguyện cho linh-hồn họ được thảnh thơi.
Thiếu những món cần-thiết cho đời sống vật-chất của mình, hoặc bị bó buộc thái-quá, người nhứt-định phải khổ-sở. Khi có sự tự-do rộng-rãi về phương-diện tinh-thần, người mới có đủ điều-kiện để được hạnh-phúc. Hạnh-phúc này thật ra hãy còn tùy thái-độ người đối với hoàn-cảnh: một người bao giờ cũng muốn có những món mà sức mình không thể nào tìm được tất-nhiên không thể được thỏa-mãn và không thể được hạnh-phúc. Trái lại, những người «tri-túc» có thể thỏa-mãn với một số vật-dụng tầm-thường. Nhưng dầu sao, người ta không thể tự-mãn tự-túc với một cái bụng trống và hai bàn trắng.
Như thế, chế-độ xã-hội lý-tưởng là chế-độ tạo ra những điều-kiện cho người có thể hạnh-phúc được. Nó phải bảo-đảm sự sinh-tồn vật-chất tối-thiểu cho tất cả mọi người. Về phương-diện tinh-thần, nó chỉ có thể bảo-vệ những tập tục cổ truyền tốt đẹp của dân-tộc, tạo ra cho mọi người một bầu không khí tâm-lý thích-hợp với nguyện-vọng chung của nòi giống từ ngàn xưa để duy-trì sự thống-nhứt giữa mọi người. Ngoài ra, nó phải để cho mọi người được tự-do tìm kiếm những thỏa-mãn những nhu-cầu mình theo sở-thích, miễn là sự hoạt-động của người không phạm đến sự sinh-tồn chung. Xã-hội có thể giúp vào sự thỏa-mãn tinh-thần này một phần nào bằng cách nâng cao trình-độ sanh hoạt chung lên, bằng cách tổ-chức sự sản-xuất trong nước như thế nào cho các vật-liệu được dồi dào, để cho người dễ tìm những phương-tiện vật-chất cần-thiết cho sự thỏa-mãn những đòi hỏi tinh-thần của bản-năng mình.
Nói một cách khác, chế-độ xã-hội lý-tưởng là chế-độ giúp cho người có đủ điều-kiện cần-thiết để sinh-tồn về phương-diện vật-chất, và cho người được tự tổ-chức lấy sự sinh-tồn tinh-thần của mình theo hệ-thống tôn-giáo hay triết-lý nào tùy thích, miễn là điều đó không hại đến sự sinh-tồn chung của xã-hội. Nó chắc chắn có thể xây dựng được và rất thích-hợp với hạnh-phúc của người. Nó không như chế-độ cộng-sản, chủ-trương khép mọi người vào một đời sống tiêu- chuẩn mà Karl Marx và môn-đồ cho là một đời sống đầy hạnh-phúc, nhưng kỳ thật, chỉ là một đời sống nô-lệ, một đời sống thú-vật, một đời sống máy móc, trong đó xu-hướng tìm hạnh-phúc của người bị chế-ngự một cách bạo-tàn, thành ra không bao giờ thỏa-mãn được.
Nghiên-cứu kỹ càng về vấn-đề hạnh-phúc của người, ta thấy rằng nó tùy-thuộc sự sinh-tồn một cách chặt chẽ. Nói cho thật đúng, hạnh-phúc chỉ là một trạng-thái sinh-tồn. Và chung-qui cũng chỉ có sự sinh-tồn là mục-đích chánh-yếu duy-nhứt của người. Nó là cái định-luật thiên-nhiên làm trung-tâm điểm cho mọi sự hoạt-động của nhơn-loại ở mọi địa-phương và mọi thời-đại.
Trích từ Hùng Nguyên Nguyễn Ngọc Huy, “Chủ Nghĩa Dân Tộc Sinh Tồn”, Quyển 2, Tái Bản lần 1 – XB. Gió