Vai trò lãnh đạo ASEAN của Nam Dương
Ba Sàm
LS Nguyễn Văn Thân
16-3-2017
Cuối tháng hai vừa qua, Tổng Thống Nam Dương Joko Widodo đã tiến hành viếng thăm Úc trong hai ngày và hội kiến với Thủ Tướng Malcolm Turnbull. Chuyến đi này trùng với chuyến công du của Thủ Tướng Do Thái Benjamin Netanyahu. Netanyahu là thủ tướng Do Thái tại chức đầu tiên đến thăm Úc Châu. Nam Dương là một quốc gia không công nhận Do Thái.
Hồi cuối năm ngoái, Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc đã thông qua Nghị Quyết 2334 lên án những hoạt động xây cất và định cư của Do Thái trong khu vực chiếm đóng là vi phạm luật quốc tế và bất hợp pháp. Trái với thường lệ, lần này Hoa Kỳ dưới quyền lãnh đạo của Tổng Thống Obama từ chối phủ quyết làm chính quyền Do Thái tức giận và cảm thấy bị phản bội. Chỉ có Úc là lên tiếng chỉ trích Nghị Quyết của Liên Hiệp Quốc. Có lẽ vì vậy mà Netanyahu đã quyết định đến Úc để đáp ơn “đồng minh” hiếm hoi trong cơn hoạn nạn.
Đáng lẽ Widodo đã đến Úc vào tháng 11 năm ngoái nhưng ông phải hủy chuyến đi đó vì các cuộc biểu tình tại Jakarta phản đối Thống Đốc Ahok. Ahok là một nguời gốc Hoa theo Thiên Chúa Giáo và là đồng minh của Widodo. Ông bị cáo buộc phạm tội phỉ báng Hồi Giáo và kinh Koran. Tuy đang bị xét xử nhưng trong cuộc bầu cử thống đốc Jakarta vào tháng hai vừa qua, Ahok đã chiếm gần 43% số phiếu dẫn đầu đối thủ gần nhất là cựu Bộ Trưởng Giáo Dục Anis Baswedan với 40% số phiếu. Dự kiến là vòng cuối sẽ được tổ chức vào tháng 4 này để quyết định kết quả.
Nam Dương là một quốc gia quần đảo lớn nhất và có tới hơn 17.000 hòn đảo. Với dân số khoảng 260 triệu, Nam Dương là quốc gia có dân số đứng thứ tư trên thế giới và một quốc gia dân chủ lớn thứ ba (sau Ấn Độ và Hoa Kỳ) có dân số Hồi Giáo lớn nhất thế giới. GDP của Nam Dương vào năm 2016 lên khoảng 900 tỷ Mỹ kim tức xấp xỉ 3,900 Mỹ kim mỗi đầu người. Là một thành viên sáng lập ASEAN, GDP của Nam Dương chiếm gần 40% tổng GDP của 10 quốc gia ASEAN. Trụ sở cũng như văn phòng thư ký ASEAN được đặt ở Thủ đô Jakarta.
Chỉ hai ngày sau khi Nhật tuyên bố đầu hàng chấm dứt Chiến Tranh Thế Giới thứ Hai, Sukarno tuyên bố độc lập và được bổ nhiệm làm tổng thống đầu tiên của Nam Dương. Hòa Lan tìm cách trở lại đô hộ dẫn đến xung đột ngoại giao và quân sự. Dưới áp lực quốc tế, Hòa Lan công nhận Nam Dương là một quốc gia độc lập vào tháng 12 năm 1949. Trong giai đoạn ban đầu bất ổn với nhiều phe phái tôn giáo và chính trị tranh giành quyền lực, Sukarno dựa vào 3 thế lực để cai trị là lực lượng Hồi Giáo, Đảng Cộng Sản Nam Dương và quân đội. Thế nhưng sau một thời gian ngắn, Sukarno trở thành độc đoán và có ý đồ thâu tóm mọi quyền lực. Một cuộc đảo chánh xảy ra vào ngày 3/9/1965 khi nhóm cầm đầu giết chết 6 tướng lãnh rồi vứt xác họ xuống giếng. Tướng Suharto đứng lên thống lĩnh quân đội và dập tắt cuộc đảo chánh. Sau đó là một cuộc thanh trừng đẫm máu với hơn nửa triệu đảng viên cộng sản thật sự hoặc bị tình nghi bị giết chết. Đảng Cộng Sản Nam Dương bị xóa sổ và và đặt ngoài vòng pháp luật. Vào ngày 12/3/1967, Sukarno bị tước quyền tổng thống và giam lỏng tại nhà cho tới khi ông qua đời vào ngày 21/6/1970.
Suharto kế nhiệm Sukarno và chính thức trở thành tổng thống thứ hai vào ngày 27/3/1968. Ông cai trị Nam Dương trên 30 năm cho tới khi ông bị buộc từ chức vào ngày 21/5/1998 sau cuộc khủng hoảng kinh tế Châu Á tác động mạnh tới nền kinh tế và chính trị của Nam Dương. B J Habibie lên thay thế trong giai đoạn chuyển tiếp và tiến hành tổ chức bầu cử dân chủ. Abdulrrahman Wahid đắc cử và trở thành tổng thống thứ tư vào tháng 10 năm 1999. Megawati Sukarnoputri, con gái của tổng thống thứ nhất Sukarno làm phó tổng thống.
Nhiệm kỳ của Wahid kéo dài chưa đầy hai năm khi ông bị truất phế vào tháng 7 năm 2001. Phó Tổng thống Sukarnoputri lên đảm nhiệm chức vụ tổng thống cho tới tháng 10 năm 2004 khi bà thất bại trong cuộc tranh cử tổng thống với Susilo Bambang Yudhoyono. Yudhoyono là một tướng lãnh về hưu. Ngay sau khi thắng cử vào năm 2004, ông công bố danh sách 36 bộ trưởng là thành viên của gần 10 đảng phái chính trị khác nhau. Yudhoyono tái tranh cử vào năm 2009 và một lần nữa đánh bại đối thủ Sukarnoputri để làm tổng thống hai nhiệm kỳ.
Joko Widodo là tổng thống thứ bảy. Khác với các vị tổng thống tiền nhiệm, ông không xuất thân từ một gia đình chính trị hoặc có chức vụ cao trong quân đội. Bố ông là một người thợ mộc. Bản thân ông là một thương gia chuyên xuất cảng bàn ghế. Ông gia nhập Đảng Tranh đấu cho Dân Chủ Nam Dương (Indonesian Democratic Party of Struggle) và trở thành thị trưởng của Surakarta từ 2005 tới 2012 khi ông đắc cử làm Thống Đốc Jakarta.
Từ khi giành độc lập từ thực dân Hòa Lan vào năm 1949, Nam Dương đã theo đuổi một chính sách ngoại giao độc lập và chủ động thể hiện qua việc đứng ra tổ chức Hội Nghị Bandung vào năm 1955 quy tụ 29 quốc gia châu Á và châu Phi dẫn đến phong trào không liên kết. Nhưng cuộc khủng hoảng tài chánh Châu Á năm 1997 và sự sụp đổ của chế độ Suharto làm cho Nam Dương xét lại và thu hẹp tầm nhìn vì lo ngại quốc gia bị phân chia vì xung độ giữa nhiều nhóm sắc tộc khác nhau. Sau một thời gian bấp bênh với nhiều tổng thống có nhiệm kỳ ngắn hạn lần lượt ra đi, Yudhoyono nắm quyền lãnh đạo trong một thập niên là cơ hội để củng cố vị thế ngoại giao của Nam Dương trên trường quốc tế. Trong khoảng thời gian này, kinh tế phát triển ổn định giúp Nam Dương lấy lại vai trò lãnh đạo trong khối ASEAN và góp phần đáng kể trong nhóm G20. Nam Dương dần dần được ví như là một trung cường có khả năng và thiện chí. Trong một bài diễn văn vào năm 2005, Yudhoyono phát biểu rằng Nam Dương cần phải vượt qua đường lối ngoại giao truyền thống và đi xa hơn nữa và tích cực đóng vai trò làm trung gian hòa giải xung đột, hàn gắn tranh tranh chấp và xây dựng lòng tin giữa các quốc gia. Yudhoyono cũng triển khai khái niệm ”cân bằng năng động” (dynamic equilibrium) thay thế cho ý tưởng ”cán cân quyền lực” (balance of power) thể hiện qua Hội Nghị Thượng Đỉnh Đông Á khi mà tất cả mọi siêu cường đều hiện diện, tiếp xúc và đối thoại dù cho lợi ích an ninh và chiến lược của họ có nhiều khác biệt.
Một nỗ lực khác của Nam Dương là thành lập Diễn Dàn Dân Chủ Bali vào năm 2008. Đây là một diễn đàn thường niên quy tụ nhiều quốc gia tham gia thảo luận và cổ xúy cho dân chủ qua hình thức đối thoại ôn hòa. Một sự kiện đáng ghi nhớ là vào năm 2012, Ngoại Trưởng Marty Natalegawa đã bay đi 6 nước ASEAN để hàn gắn bất đồng khi lần đầu tiên trong lịch sử ASEAN không ra được tuyên bố chung sau Hội Nghị tại Phnom Penh.
Chủ trương độc lập và chủ động đồng nghĩa với việc Nam Dương sẽ không chính thức tham gia hoặc có quan hệ liên minh quân sự với bất cứ quốc gia nào. Mặt trái của chính sách này là mức độ ảnh hưởng ngoại giao sẽ có giới hạn và thiếu sự nhất quán. Một ví dụ cụ thể là về quốc phòng. Tuy ngân sách quốc phòng tăng gấp ba lần trong một thập niên qua nhưng vẫn chưa đạt đến 1% GDP. Có nghĩa là Nam Dương không đủ khả năng thi hành nhiệm vụ căn bản nhất là bảo vệ lãnh hải. Hiện nay Nam Dương chỉ có 25 chiến tàu không bị hư hại có thể sử dụng để tuần tra biên giới duyên hải dài nhất thứ hai trên thế giới. Quân đội Nam Dương mua 173 loại vũ khí từ 17 quốc gia khác nhau. Khả năng tương tác hầu như không có.
Thách thức lớn nhất vẫn là chính sách quân sự hóa Biển Đông của Trung Quốc. Nam Dương không phải là một bên có tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông nhưng thỉnh thoảng phải đối đầu với tàu đánh cá Trung Quốc vi phạm vùng đặc quyền kinh tế của Nam Dương trong khu vực chung quanh quần đảo Natuna. Là quốc gia có tầm vóc lãnh đạo trong khối ASEAN, liệu Nam Dương có thể huy động một lập trường chung và đoàn kết của các thành viên ASEAN để đối phó với chiến thuật cắt lát salami từng bước lấn chiếm của Trung Quốc được hay không, nhất là khi có một vài nước như Cam Bốt hoặc một phần nào đó là Lào hầu như đã bị Trung Quốc mua đứt?
Sau một thập niên thực thi thể chế dân chủ dưới quyền lãnh đạo của Yudhiyono, Nam Dương đã có những bước tiến đáng kể về mặt phát triển kinh tế và thế đứng ngoại giao. Theo một cuộc nghiên cứu vào năm 2015 (Democracy does cause growth – Darren Acemoglu/MIT, Suresh Nedu/Columbia, Pascual Restropo/MIT & James A Robinson/Harvard), thay đổi thể chế từ độc tài hoặc độc đảng sang dân chủ sẽ giúp tăng GDP mỗi đầu người trên đường dài ít nhất là 20%.
Tương tự như vậy, viện nghiên cứu kinh tế McKinsey ước lượng là với những cải cách dân chủ, GDP của Miến Điện có thể tăng gấp 4 lần trong 20 năm từ 2010 tới 2030. Hãy thử tưởng tượng Việt Nam thay đổi từ độc đảng đến dân chủ đa đảng và tam quyền phân lập, sẽ có hơn 5 triệu người Việt cùng với hàng trăm ngàn chuyên gia, trí thức đổ xô tiền tài và kiến thức khoa học, chuyên môn về nước. GDP mỗi đầu người của Việt Nam trong một thập niên tăng gấp 5 lần từ 2,000 đến 10,000 Mỹ kim. Không bao lâu Việt Nam có thể theo kịp Hàn Quốc và Nhật Bản.
Dân giàu nước mạnh có thể ngẩng đầu trước năm châu và tự tin đối diện với Trung Quốc trong công cuộc bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và lãnh hải. Chắc chắn là Đảng CSVN không có đầu óc tưởng tượng và cũng không muốn như vậy vì họ đâu ngu dại từ bỏ độc quyền chính trị để bản thân và gia đình họ có cơ hội đục khoét và vơ vét tài nguyên của quốc gia. Vấn đề còn lại là hơn 90 triệu người dân không phải là đảng viên cộng sản có muốn như vậy hay không và muốn đến mức độ nào?