Vài suy nghĩ về vụ án Trương Duy Nhất – Mục sư Hồng Trung
Ở Việt Nam ngày nay, chúng ta thường nghe thấy rất nhiều cái động từ “lợi dụng”. Ví dụ như: “lợi dụng chức vụ quyền hạn”, “lợi dụng tín nhiệm”, “lợi dụng tình cảm”, và “lợi dụng các quyền tự do dân chủ”… Phần lớn trường hợp “lợi dụng” vừa nêu trên là thực tế xã hội, ngoại trừ vấn đề “lợi dụng các quyền tự do dân chủ“. Bởi lẽ, muốn lợi dụng điều gì đó thì điều ấy phải có tồn tại trong sở hữu chủ thể; thí dụ: như có chức quyền thì mới lợi dụng chức quyền, hay có sở hữu tình cảm, có được tín nhiệm mới lợi dụng được những thứ ấy. Trong ý nghĩa này, những vụ án cáo buộc “lợi dụng các quyền tự do dân chủ” là hoàn toàn không hợp lý, vì muốn lợi dụng các quyền tự do dân chủ thì trước hết người ta phải có được thứ quyền ấy trong hiến định.
Hiến pháp năm 1992 có minh định quyền Tự Do Ngôn Luận của người dân (điều 69), trong đó có quyền bày tỏ hoặc nói lên quan điểm chính kiến riêng của mình trong mọi lĩnh vực chính trị, xã hội, kinh tế… Nhưng trong thục tế, các thứ quyền ấy đã bị tước đoạt bởi thể chế đảng trị từ lâu. Cụ thể là quyền Tự Do Ngôn Luận và Tự Do Báo Chí. Hai quyền này không thể xem là đang được thực thi khi Đảng CS không cho phép báo chí tư nhân hoạt động. Ngược lại, cái gọi là“Tự do Báo chí” hiện nay là tự do trong khuôn phép chỉ đạo của Ban Tuyên huấn Đảng, phục vụ cho quyền lợi của đảng cầm quyền.
Do vậy, nếu ai phê phán những tiêu cực hay chỉ trích chính sách sai lầm của đảng hay lãnh đạo đảng, hay đưa tin theo quan điểm riêng, không theo chỉ đạo của Tuyên huấn, thì sẽ bị qui kết, ghép tội hình sự: “lợi dụng các quyền tự do dân chủ” hay “tội tuyên truyền chống phá, âm mưu lật đổ chính quyền “ để bỏ tù. Nhà báo Trương Duy Nhất và nhiều Bloggers, nhà báo, nhà đấu tranh dân chủ… đã phải vào tù bởi các điều luật hình sự mơ hồ như điều 88, 79 hay điều 258 BLHS; trong khi họ tin rằng mình đang thực thi những thứ quyền mà HP năm 1992 qui định cho công dân VN.
Phát biểu ngày pháp luật đầu tiên 9-11-2013 của TT Nguyễn Tấn Dũng: ”Quyền tự do là quyền được làm mọi việc mà pháp luật không cấm“. Nhưng điều mâu thuẫn là Hiến pháp không ngăn cấm, nhưng nhà nước lại cấm bằng những thứ luật bất thành văn, và công dân chỉ được làm những việc mà nhà nước cho phép. Đơn cử là Điều 4 HP năm 1992 khẳng định: ”Đảng CS là lực lượng lãnh đạo nhà nước và xã hội“, nhưng toàn bộ bản HP cũng như trong mọi bộ luật của VN đều không hề có điều khoản nào cấm thành lập hội hoặc thành lập đảng. Nhưng trong thực tế, chỉ có đảng CS được quyền lập hội đoàn làm tổ chức ngoại vi, như Hội PNVN, Hội CCB, Hội NDT, v.v… Nếu có ai lập hội đoàn, đảng phái khác thì bị nhà nước của Đảng khép tội và xử tù.
Phiên tòa xét xử nhà báo Trương Duy Nhất ngày 4-3-2014 tại TP Đà Nẳng rõ ràng phi tự do, phi dân chủ, vì được thông báo đưa ra xét xử công khai tại Tòa án Nhân dân nhưng phiên tòa được nhà nước tổ chức như đặc biệt xử kín. Bên ngoài, lực lượng công an canh gác, tuần tra ngăn cấm không cho ai chụp hình, quay phim. Trước cổng thì canh giữ chặt chẽ không cho người thân gia đình “bị cáo“ vào tham dự, đồng thời hạn chế một số phóng viên tác nghiệp. Một tòa án nhân dân mà không cho người dân được vào tham dự, và một phiên tòa gọi là công khai xét xử mà lại xử kín, thì hỏi người dân lấy đâu ra chút quyền tự do dân chủ mà thực thi, chớ đừng nói dư cho nhiều để có mà “lợi dụng” thứ quyền ấy.
Nhà báo Trương Duy Nhất, không tham gia vào đảng phái, hội đoàn nào để hoạt động chính trị, và chỉ đơn thuần là nhà báo có lương tâm trách nhiệm với vận mệnh đất nước. Anh có thể cúi đầu làm cổ máy viết theo ý lịnh chỉ đạo của cấp trên như những tay bồi bút khác để được hưởng lợi và thăng tiến trên đường báo nghiệp. Nhưng không, anh đã khẳng khái, dũng cảm, hy sinh hạnh phúc riêng tư, dùng ngòi bút mình để viết cho ích lợi của đời, của người.
Nhà báo Trương Duy Nhất là một biểu tượng đẹp để các đồng nghiệp của anh noi theo. Theo qui định HP năm 1992, anh Trương Duy Nhất là vô tội và phiên tòa phúc thẩm sắp tới nên phóng thích anh ngay tại tòa.
Nếu xã hội nước ta vẫn đầy dẫy bất công, nhà nước vẫn tiếp tục phạm phải vô số sai lầm, và đảng cầm quyền vẫn không cho người dân được quyền Tự do Ngôn luận đúng nghĩa, vì chắc chắn là sau vụ án này phi lý này sẽ còn nhiều nhiều Trương Duy Nhất khác nữa đứng lên tranh đấu.
Nếu nhà nước VN tiếp tục đàn áp, cầm tù những người yêu công lý dám đứng lên cất cao tiếng nói cho nhân quyền, thì đó cũng sẽ là những yếu tố khẳng định thêm tình trạng vi phạm nhân quyền ở Việt Nam — một vấn đề nhức nhối mà đảng và nhà nước VN đang phải vất vả để biện luận trước công luận quốc tế và sự phán xét của nhân dân.
Viết từ Gia-Lai ngày 06-03-2014
Hồng Trung (thành viên ĐVDVN)
Nguồn: www.dangvidan.net