Ước lượng rủi ro ngoài Đông Hải

Cac Bai Khac

No sub-categories

Ước lượng rủi ro ngoài Đông Hải

Hải quân TC thao diễn trên biển Đông – Photo courtesy/chinanews

Theo RFA – Nguyên Lam & Nguyễn Xuân Nghĩa, RFA – 2015-06-03

Những biến cố dồn dập từ nhiều tháng qua trên vùng Thái Bình Dương đã khiến dư luận thế giới e ngại rủi ro đụng độ hoặc thậm chí xung đột trong khu vực. Nhìn từ giác độ kinh tế thì rủi ro ấy là những gì? Diễn đàn Kinh tế nêu câu hỏi với chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa về vấn đề này qua phần trao đổi sau đây của Nguyên Lam.

Nguyên Lam: Xin kính chào ông Nghĩa. Thưa ông, tình trạng căng thẳng tại khu vực Đông Hải của Việt Nam đã gây quan tâm cho nhiều quốc gia vì nơi đây là tuyến hải lưu cho phân nửa lượng hàng hóa giao dịch trên toàn cầu. Khi Trung Quốc ráo riết cải tạo các cụm đá ngầm thành đảo với trang bị quân sự và tuần qua công bố Sách Trắng về Quốc Phòng, nhiều người lo rằng xứ này đang bành trướng ảnh hưởng từ vùng biển cận duyên ra tới các đại dương, đã đe dọa chủ quyền trên lãnh thổ và lãnh hải của các lân bang và có thể cản trở quyền tự do lưu thông của các nước. Nhìn từ giác độ kinh tế, ông đánh giá thế nào về các rủi ro đó trong khu vực?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: – Tôi xin đề nghị là ta nên lùi lại mà nhìn vấn đề trên toàn cảnh và trong viễn ảnh nhiều năm, may ra thì thấy được những rủi ro cho các nước, và trước nhất là rủi ro cho nước tác quái là Trung Quốc.

– Việc Bắc Kinh bành trướng ảnh hưởng qua nhiều hành động cụ thể mà bất chấp dư luận quốc tế không chỉ xảy ra từ 18 tháng nay, khi họ đòi kiểm soát một khu vực còn rộng lớn hơn biển Địa Trung Hải và trùm lên lãnh hải của nhiều lân bang. Việc họ xác nhận tư thế đại cường hải dương qua tài liệu quốc phòng vừa công bố cũng không có gì là ngạc nhiên. Bắc Kinh chuẩn bị điều ấy từ lâu và nay mới công khai hóa. Nhưng cũng vì vậy mà họ lấy nhiều rủi ro chúng ta cần thấy.

Nguyên Lam: Thưa ông, vì sao ông lại khởi sự với rủi ro của Trung Quốc do động thái vừa qua?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: – Vì nếu Trung Quốc tính ra rủi ro cho mình thì họ sẽ thận trọng hơn và bớt gây rủi ro cho các các khác.

– Nói chung, lịch sử nhân loại cho thấy rằng khi một cường quốc bành trướng ảnh hưởng và trở thành một đế quốc thì họ cũng mất một thời gian dài. Trung Quốc thật ra mới chỉ là một đại cường cấp vùng đang ngoi lên trình độ ấy và cố vươn từ vị trí cường quốc lục địa ngày xưa lên vị trí cường quốc hải dương sau này. Lý do bành trướng là chưa khi nào kinh tế Trung Quốc lệ thuộc vào thế giới như vậy và ngày nay họ muốn dùng sức mạnh bảo vệ quyền lợi mà họ mơ ước sẽ là toàn cầu.

Vì dầu khí, Bắc Kinh đã can thiệp vào Nam Sudan tại Châu Phi khi cung cấp võ khí cho chính quyền sở tại chống các nhóm phiến loạn. Hôm 22 vừa qua, họ phải di tản 400 nhân viên tại các giếng dầu của Nam Sudan. Nếu muốn bảo vệ quyền lợi tại đây, Bắc Kinh có thể gặp cảnh “khi vào húng hắng khi ra vội vàng- Nguyễn-Xuân Nghĩa

– Vì vậy, rủi ro đầu tiên là phải can thiệp vào thiên hạ sự chứ không thể duy trì chính sách “không xen lấn vào nội tình của xứ khác” như trước. Khi can thiệp như vậy thì Bắc Kinh phải chọn bạn mà cũng vì thế lại dễ gây thù, chứ không thể ung dung mua chuộc mọi xứ bằng tấm chi phiếu. Trung Quốc lấy rủi ro lớn khi xỏ chân vào đôi giày quá rộng của một siêu cường toàn cầu như Hoa Kỳ. Tức là sẽ liên can vào nhiều chuyện bất ngờ không thể tính trước, kể cả nạn kiều dân bị bắt làm con tin hay bị khủng bố chặt đầu như Hoa Kỳ hay Nhật Bản đã từng bị.

Nguyên Lam: Ông có thể nào nêu thí dụ cụ thể về rủi ro can dự mà Trung Quốc sẽ gặp hay chăng?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: – Ta cứ chú ý vào tình hình Đông Hải nên quên là vì dầu khí, Bắc Kinh đã can thiệp vào Nam Sudan tại Châu Phi khi cung cấp võ khí cho chính quyền sở tại chống các nhóm phiến loạn. Hôm 22 vừa qua, họ phải di tản 400 nhân viên tại các giếng dầu của Nam Sudan. Nếu muốn bảo vệ quyền lợi tại đây, Bắc Kinh có thể gặp cảnh “khi vào húng hắng khi ra vội vàng”!

Hàng không mẫu hạm USS George Washington hoạt đông trên Thái Bình Dương

Hàng không mẫu hạm USS George Washington hoạt đông trên Thái Bình Dương

– Một thí dụ khác là tình hình vùng Vịnh Ba Tư với nội chiến tại Yemen, tranh chấp giữa hai nước có dầu là Iran với Á Rập Saudi, hoặc sự tung hoành của lực lượng khủng bố xưng danh Nhà nước Hồi giáo. Ngay hiện tại, Trung Quốc đã bị các tổ chức khủng bố Hồi giáo, từ al-Qaeda tới ISIL, quậy phá đất Tân Cương. Nếu can dự vào Trung Đông để bảo vệ nguồn năng lượng, Trung Quốc càng là đối tượng được các nhóm khủng bố tấn công trong lãnh thổ tại miền Tây và trên Con Đường Tơ Lụa mà họ đang muốn thực hiện. Vài năm nữa thôi, người ta sẽ thấy ra chuyện đó.

Nguyên Lam: Quả thật là ông nêu ra vài chuyện bất ngờ, nhưng ngay tại khu vực Thái Bình Dương, Trung Quốc còn gặp rủi ro nào khác chăng?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: – Mọi cường quốc muốn thành Đế quốc, là giấc mơ ngày nay của lãnh đạo Bắc Kinh, đều gặp bài toán tôi xin gọi tắt là “tiếp liệu” cho đơn giản. Từ Trung Nguyên tại miền Đông, các Hoàng đế Trung Hoa mà muốn kiểm soát Tây Vực và khống chế Trung Á đều căng mỏng phương tiện nên khó tiếp vận, rồi trung ương còn bị nạn cát cứ ở vùng biên trấn. Mà thôn tính được vùng nào thì cũng nuốt vào bụng sự chống đối của các sắc tộc đã bị họ khuất phục. Đó là hiện tượng từng thấy ở nhiều nơi, tại nhiều xứ, kể cả Liên bang Xô viết hay Liên bang Nga.

Hiện tại, Trung Quốc đã bị các tổ chức khủng bố Hồi giáo, từ al-Qaeda  tới ISIL, quậy phá đất Tân Cương. Nếu can dự vào Trung Đông để bảo vệ  nguồn năng lượng, Trung Quốc càng là đối tượng được các nhóm khủng bố  tấn công trong lãnh thổ tại miền Tây và trên Con Đường Tơ Lụa – Nguyễn-Xuân Nghĩa

– Trở về Thái Bình Dương thi càng vươn ra biển xanh dương, Bắc Kinh càng kéo dài đường tiếp vận từ bên trong cho các đơn vị Không quân và Hải quân ở ngoài khơi và sẽ bị tốn kém rất cao. Nếu lại muốn lập ra hệ thống nhận diện phòng không ADIZ trên các vùng họ vừ chiếm đóng thì đụng vào hệ thống phòng không của xứ khác, thí dụ như Nhật Bản. Xứ Nhật có hệ thống nhận diện phòng không rất gần với lãnh thổ và căn cứ Nhật, vả lại dân Nhật không có đất lùi như dân Tầu nên chắc chắn là họ sẽ quyết liệt bảo vệ. Đấy là một rủi ro nữa.

– Cho nên, chẳng dàn ra thì thôi, nếu dàn trận tuyến mà không có khả năng bảo vệ thì lãnh đạo Bắc Kinh làm chính người dân của họ thất vọng vì dân Tầu cứ được tuyên truyền về sức mạnh của quốc gia. Thật ra, để bù vào khó khăn kinh tế, đảng Cộng sản khích động tinh thần dân tộc cho quần chúng thêm tự hào về chuyện ảo. Quần chúng và quân đội mà thất vọng vì khả năng chống trả có giới hạn thì đảng lâm nguy như nhà Mãn Thanh đã từng bị trước khi sụp đổ. Đây là ta chưa nói đến rủi ro ở nơi xa hơn, như tại Ấn Độ Dương, hay cả rủi ro với Hoa Kỳ.

Nguyên Lam: Hầu hết dư luận đều chú ý đến kịch bản đụng chạm về quyền lợi hay đụng độ võ trang vì tai nạn bất ngờ giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc. Ông nghĩ sao về loại rủi ro đó?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: – Vì tưởng Hoa Kỳ đang phân vân do dự giữa hai ngả công thủ sau khi quá mệt mỏi với chiến tranh và bất ổn ở ngoài, lãnh đạo Bắc Kinh mới thừa cơ bành trướng quân sự và cho rằng ít bị rủi ro lâm chiến với Mỹ. Tôi thiển nghĩ là lý luận ấy có vẻ có cơ sở vì vài lý do.

– Thứ nhất, sau khi Chính quyền Barack Obama nói đến việc chuyển trục về Đông Á từ năm 2011, với tiêu chí là sẽ đưa 60% các chiến hạm của mình qua Thái Bình Dương từ nay đến năm 2020, thì ngay năm sau là 2012, Mỹ phải cắt ngân sách quốc phòng, kể cả số chiến hạm. Ngược lại, trong hai năm qua, Bắc Kinh đã hạ thủy nhiều chiến hạm nhất thế giới, với kết quả là tới năm 2020 Hoa Kỳ sẽ có 64 chiến hạn lẫn tầu ngầm trên biển Thái Bình, đối diện với tổng số của Trung Quốc là 248 đơn vị. Với tương quan lực lượng đó và nếu áp dụng chiến pháp gọi là “bất cân xứng” mà Bắc Kinh chủ trương thì họ nghĩ rằng tình hình không đến nỗi tệ cho mình. Tuy nhiên, chính là vì cân nhắc như vậy, Bắc Kinh càng lấy thêm nhiều rủi ro trong những năm tới.

– Trong khi đó, thực tế không là hỏa lực, số chiến hạm hay phương tiện võ trang của hai nước. Thực tế là thực lực kinh tế của hai quốc gia, với Hoa Kỳ vẫn giàu mạnh gấp bảy Trung Quốc nếu tính theo lợi tức bình quân một đầu người. Ngoài ra, về trình độ công nghệ và kinh nghiệm chiến trường thì Trung Quốc chẳng thể sánh được. Thứ nữa, thái độ khiêu khích của Bắc Kinh sẽ làm dân Mỹ xoay chuyển và muốn tìm lại vai trò tích cực hơn trong vài năm tới. Khi ấy ta chẳng nên quên rằng Mỹ đã từng tham chiến vì tinh thần chống lại chủ nghĩa thực dân đế quốc, là điều ăn khớp với động thái ngày nay của Trung Quốc. Sau cùng, Hoa Kỳ hiện có nhiều đồng minh hơn Trung Quốc mà Bắc Kinh càng hung hăng thì số đồng minh với Mỹ lại càng tăng. Đấy là một rủi ro có cấp số nhân vì nếu một đồng minh mà bị Tầu tấn công thì nhiều xứ khác sẽ có phản ứng.

Nguyên Lam: Thưa ông, nói về các đồng minh của Hoa Kỳ trong khu vực rộng lớn mà Bắc Kinh muốn bung ra thì ta  thấy có Nhật với nền kinh tế lớn thứ ba, Ấn Độ với nền kinh tế đứng thứ chín, Úc đứng hạng 12, Nam Hàn hạng thứ 13, tức là một vòng đai các quốc gia bán đảo hay quần đảo thuộc loại khá vững mạnh của địa cầu. Đấy có phải là một rủi ro khác cho Trung Quốc không?

Dù có một chủ trương “lý tài” là chỉ giao du vì quyền lợi, Trung Quốc vẫn có thể bị lôi  vào những tranh chấp hay chiến tranh của xứ khác, với hậu quả dây chuyền. Và nếu chiến tranh bùng nổ thì trận địa sẽ ở gần lãnh thổ Trung Quốc mà ở xa Hoa Kỳ – Nguyễn-Xuân Nghĩa

Nguyễn-Xuân Nghĩa: – Tôi nghĩ rằng rủi ro lớn nhất chính là sự phân vân chần chờ ngày nay của Hoa Kỳ khiến Trung Quốc càng dễ phiêu lưu và làm các quốc gia kể trên sớm liên kết với nhau.

– Họ liên kết với nhau trong tinh thần tương nhượng để chia sẻ gánh nặng kinh tế cho yêu cầu an ninh và sẽ nhìn vào kế hoạch “Con Đường Tơ Lụa” trên đất liền và trên biển của Bắc Kinh với cách lượng giá đầy tính nghi ngờ về an ninh hơn kinh tế. Rồi theo truyền thống cố hữu, Mỹ chần chờ và sẽ lại liên kết với các xứ đó, chưa kể một số nước trong Hiệp hội ASEAN. Sự thật thì chính là các quốc gia nói trên của Á Châu mới bị Trung Quốc hăm dọa nên sẵn sàng hợp tác với Mỹ.

– Cụ thể thì người ta đã thấy Nhật vừa ký kết hiệp ước phòng thủ mở rộng với Mỹ theo chủ ý tích cực với vai trò quân sự quan trọng hơn của Nhật vì lý do là bênh vực các đồng minh bị tấn công. Mới đây, Thủ tướng Shinzo Abe cũng hứa hẹn gia tăng đầu tư và viện trợ của Nhật cho các nước Đông Nam Á để tìm lại ảnh hưởng kinh tế năm xưa ở trong vùng. Cho nên, vấn đề không thu hẹp vào sự ganh đua hoặc tranh chấp giữa Mỹ và Tầu mà sẽ có sự tham dự của nhiều quốc gia khác. Tôi thiển nghĩ rằng hóa ra chính lãnh đạo Bắc Kinh mới lập ra vòng đai phòng thủ của cả chục quốc gia nằm trên con đường bành trướng của Trung Quốc.

Nguyên Lam: Tổng kết lại, thưa ông, có phải là Trung Quốc cứ khẳng định quyền bành trướng của họ mà lại gặp nhiều rủi ro chứ không dễ gì tác động như Bắc Kinh đã trù tính ban đầu?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: – Thật ra, Bắc Kinh có quyền lợi và tham vọng cao quá khả năng quân sự. Tại các vùng đất xa xôi mà họ muốn vươn tới cho mục tiêu kinh tế thì bộ máy quân sự chưa theo kịp các dự án kinh tế nên những chọn lựa bạn thù hoặc quyết định can thiệp vào xứ khác vì quyền lợi kinh tế sẽ khiến Trung Quốc dễ bị tấn công hơn xưa, chưa nói đến nạn hải tặc hay khủng bố.

– Thứ hai, dù có một chủ trương “lý tài” là chỉ giao du vì quyền lợi, Trung Quốc vẫn có thể bị lôi  vào những tranh chấp hay chiến tranh của xứ khác, với hậu quả dây chuyền. Và nếu chiến tranh bùng nổ thì trận địa sẽ ở gần lãnh thổ Trung Quốc mà ở xa Hoa Kỳ. Vì kinh tế Tầu bị lệ thuộc bên ngoài hơn là kinh tế Mỹ, tổn thất cho Trung Quốc sẽ rất cao và kết cuộc thì Hoa Kỳ còn mạnh hơn trước, như người ta đã thấy sau hai Thế chiến của thế kỷ 20. Nếu Trung Quốc lượng giá lại như vậy thì may ra họ sẽ bớt hung hăng và thế giới bớt gặp rủi ro. Nếu không, sau chiến tranh bất ngờ, thì khủng hoảng kinh tế và chính trị sẽ đẩy lui Trung Quốc vào sự tàn tạ của thế kỷ 19.

Nguyên Lam: Xin cảm tạ ông Nghĩa về phần nhận định khá độc đáo này.