Úc và CSVN hình thành quan hệ đối tác chiến lược

Cac Bai Khac

No sub-categories

Úc và CSVN hình thành quan hệ  đối tác chiến lược

Tác giả: Carlyle A. Thayer – Người dịch: Trần Văn Minh – 18-03-2015 – Theo nguồn: VOA

Thủ tướng CSVN Nguyễn Tấn Dũng sẽ kết thúc chuyến viếng thăm Úc chính thức theo lời mời của Thủ tướng Tony Abbott vào buổi chiều hôm nay.

Theo tuyên bố chung chính thức được ban hành vào sáng nay sau cuộc thảo luận, hai nhà lãnh đạo đã chứng kiến việc ký kết Tuyên bố Tăng cường Quan hệ Đối tác Toàn diện Úc-Việt và đồng ý thiết lập Đối tác Chiến lược trong tương lai.

Năm 2009, Thủ tướng Úc Kevin Rudd đã bỏ qua quan hệ đối tác chiến lược với CSVN. Hai bên sau đó đã đồng ý về một quan hệ đối tác toàn diện và một năm sau đó thông qua Kế hoạch Hành động bốn năm (2010-13) để thúc đẩy mối quan hệ đối tác mới này.

Theo bản dự thảo chính thức của “Tuyên bố về Tăng cường Quan hệ Đối tác Toàn diện Úc-Việt”, “Đối tác Toàn diện Tăng cường… phản ánh sự năng động hiện tại của khu vực và mối quan hệ song phương trưởng thành hơn. Kế hoạch Hành động thứ hai sẽ đưa ra các lãnh vực hợp tác ưu tiên mới và quan trọng”.

Tuyên bố về Tăng cường Quan hệ Đối tác Toàn diện được chia làm năm phần ngoài lời mở đầu. Lời mở đầu tuyên bố: “Úc và Việt Nam có lợi ích chung trong vấn đề an ninh, ổn định khu vực và phát triển kinh tế. Cả hai nước đều được hưởng lợi từ một môi trường an ninh và ổn định khu vực, là môi trường tôn trọng chủ quyền và luật pháp quốc tế. Nhận thức của hai nước vẫn còn những thách thức đáng kể để đạt tới một khu vực ổn định, hòa bình và thịnh vượng”.

Lời mở đầu lưu ý rằng Úc và CSVN “sẽ tiếp tục làm việc trong quan hệ đối tác để định hình tương lai của khu vực và môi trường toàn cầu rộng lớn hơn” thông qua các tổ chức đa phương như Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương (APEC), và Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á (EAS).

Lời mở đầu cũng yêu cầu Úc và CSVN thực hiện Hiệp ước Thương mại Tự do giữa ASEAN-Úc-New Zealand và hoàn tất “Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP)”.

Chương 1 của tuyên bố chung là phần dài nhất trong bốn chương và chú trọng đặc biệt vào quan hệ song phương. Ví dụ, mục 1.2 yêu cầu hai bên gia tăng “trao đổi các chuyến thăm cấp cao và đối thoại cấp viên chức giữa Đảng Cộng sản, Chính phủ và Quốc hội Việt Nam với các đảng phái, Chính phủ và Quốc hội Úc”.

Mục 1.3 yêu cầu cả hai bên “tham gia vào các cuộc đối thoại và hợp tác quốc phòng và các vấn đề an ninh hàng hải và hàng không, an toàn trong khu vực, thực thi luật pháp và tội phạm xuyên quốc gia”.

Mục 1.4 đề cập vấn đề nhân quyền và cam kết tiếp tục hỗ trợ cho Đối thoại Úc-Việt về các Tổ chức Quốc tế và các Vấn đề Luật pháp, bao gồm Nhân quyền.

Mục 1.5 tới 1.9 đề cập sự liên hệ giữa người-với-người, cộng đồng người Việt ở Úc, hợp tác khoa học và công nghệ, hợp tác giáo dục, huấn luyện và pháp lý, theo thứ tự đó.

Mục 1.10 tới 1.12 xác định ba lãnh vực hợp tác mới: (1) tiêu chuẩn và an toàn thực phẩm, nghiên cứu kiểm dịch và nông nghiệp, (2) bảo vệ môi trường và biến đổi khí hậu, và (3) “tài chính, thông tin và truyền thông, tài nguyên thiên nhiên và môi trường và các vấn đề lãnh sự”.

Trong phần 2, hợp tác khu vực và quốc tế, Úc và Việt Nam cam kết sẽ cùng nhau làm việc để tạo dựng kiến trúc đa phương của khu vực Indo-Thái Bình Dương, bao gồm Hội nghị thượng đỉnh Đông Á “như một diễn đàn lãnh đạo để bàn thảo các vấn đề có chung lợi ích, bao gồm hợp tác an ninh, kinh tế và phát triển trong khu vực”.

Tuyên bố chung nói rằng hai nhà lãnh đạo chia sẻ quyết tâm tăng cường các nhiệm vụ chiến lược và an ninh của Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á.

Mục 2.4 trực tiếp đề cập đến mối quan tâm an ninh chung về các tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông. Cả hai bên đã đồng ý về “tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực và bảo đảm an ninh, an toàn và tự do hàng hải, hàng không, phù hợp với luật pháp quốc tế … không dựa vào sự đe dọa hoặc sử dụng vũ lực”. Điều này phản ánh mối quan tâm chính yếu của CSVN và vùng lợi ích chung giữa Hà Nội và Canberra.

Mục 2.4 cũng ghi nhận chính sách phổ quát của ASEAN về Biển Đông: Cả hai nước đều kêu gọi tất cả các bên kiềm chế và tránh các hành động có thể làm gia tăng căng thẳng trong khu vực. Cả hai nước đều đồng ý về nhu cầu cấp thiết để hoàn tất Quy tắc ứng xử ở Biển Đông”.

Tuyên bố chung lặp lại những tuyên bố chính sách này về Biển Đông.

Mục 2.6 yêu cầu Úc và CSVN thúc đẩy “sự phát triển bền vững ở tiểu vùng sông Mekong”.

Phần 3 “tăng trưởng kinh tế, phát triển thương mại và công nghiệp”, khuyến khích dành cho khu vực tư nhân một vai trò lớn hơn trong mười chín lãnh vực, cụ thể từ khai thác khoáng sản và năng lượng tới thiết bị điện tử và viễn thông. Hai bên cũng đồng ý trao đổi thông tin về các quy định nhập khẩu và xuất khẩu để giảm bớt sự kiểm soát trùng lặp không cần thiết.

Úc và CSVN cũng cùng ủng hộ việc mở rộng thương mại và đầu tư thông qua sự tham gia vào Tổ chức Thương mại Thế giới, APEC, Hội nghị Á-Âu và Nhóm Cairns.

Tuyên bố chung thông báo rằng Bộ trưởng Thương mại và Đầu tư Úc sẽ dẫn đầu một phái đoàn thương mại đến Việt Nam vào cuối năm nay để thúc đẩy thương mại và đầu tư hơn nữa.

Phần 4 tập trung vào việc hỗ trợ phát triển, bao gồm sự cam kết của Úc sẽ hỗ trợ CSVN trong “mục tiêu đã được loan báo để trở thành một nước cơ bản nghiêng về công nghiệp hiện đại vào năm 2020″ bằng cách hỗ trợ CSVN “thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của mình (2011-2020), bao gồm ba lĩnh vực đột phá trong việc thúc đẩy nguồn nhân lực và phát triển kỹ năng; hoàn thiện thể chế thị trường; và phát triển cơ sở hạ tầng”.

Mục 4.4 xác định một lãnh vực hợp tác mới – ngoại giao kinh tế. Cả hai bên đã đồng ý thực hiện chính sách ngoại giao kinh tế “thông qua chia sẻ kinh nghiệm và các hoạt động xây dựng năng lực”.

Phần 5: Quốc phòng, Thực thi Pháp luật và các mối Liên hệ An ninh, bao gồm sáu đề mục. Mục 5.1 yêu cầu hai bên tiếp tục đối thoại và hợp tác về các vấn đề quốc phòng và an ninh, kể cả thông qua Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á, Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng Úc-Việt hàng năm, Đối thoại Chiến lược Úc-Việt, Đàm phán Hợp tác Quốc phòng Úc-Việt và Đối thoại Quốc phòng theo khuôn khổ 1.5 [là các cuộc đối thoại không chính thức giữa các quan chức quốc phòng và an ninh hai nước; khuôn khổ 1 là các cuộc đối thoại chính thức].

Mục 5.2 yêu cầu cả hai bên “thúc đẩy mở rộng và hợp tác hơn nữa … thông qua trao đổi nhân sự, huấn luyện sĩ quan, và các chuyến tàu thăm viếng … (và) trao đổi quan điểm về các vấn đề an ninh và khu vực có cùng quan tâm bằng cách duy trì một lịch trình tư vấn và thăm viếng thường xuyên với các cấp dân sự và quân sự”.

Theo mục 5.3 Úc và CSVN cam kết sẽ làm việc với nhau để thúc đẩy các mục tiêu an ninh quốc phòng chung, thông qua Hội nghị Mở rộng các Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN, Diễn đàn Hàng hải Mở rộng và Diễn đàn Khu vực ASEAN.

Mục 5.4 yêu cầu hai bên cùng làm việc với nhau về “an ninh hàng hải và hàng không, gìn giữ hòa bình, chống khủng bố, lực lượng đặc biệt và các vấn đề di sản chiến tranh”.

Trong chuyến thăm của Thủ tướng CSVN Nguyễn Tấn Dũng, một bản ghi nhớ về các vấn đề di sản chiến tranh và một bản ghi nhớ về hợp tác gìn giữ hòa bình đã được ký kết.

Mục 5.5 nói về sự hợp tác để giải quyết “các mối đe dọa đáng kể và ngày càng tăng của tội phạm xuyên quốc gia (nạn buôn người, buôn ma tuý, rửa tiền và tội phạm mạng)” thông qua việc tăng cường chia sẻ thông tin tình báo.

Mục 5.6 yêu cầu Úc và CSVN làm việc song phương và thông qua các diễn đàn quốc tế để giải quyết vấn đề “an ninh lương thực, quản lý tài nguyên thiên nhiên, và các nguy cơ bệnh tật, dịch bệnh và thiên tai”.

Theo Hiệp định Đối tác Toàn diện Úc-Việt năm 2009, quan hệ song phương đã trở nên sâu đậm và mở rộng hơn. Úc và Việt Nam chia sẻ một không gian chung nhất định về chính trị, ngoại giao, kinh tế, phát triển, lợi ích an ninh và quốc phòng và các quan ngại tại một thời điểm trong môi trường địa chiến lược thay đổi.

Chuyến viếng thăm Úc của Thủ tướng CSVN Dũng đưa tới một động lực mới cho hai nước để đồng ý về một Kế hoạch Hành động mới trong những năm tới. Quan hệ Đối tác Toàn diện Tăng cường này thể hiện sự khôn ngoan của chính sách lâu dài của Việt Nam về “đa phương và đa dạng hóa” các quan hệ đối ngoại và chủ động tìm kiếm sự hội nhập quốc tế. Quan hệ Đối tác Toàn diện Tăng cường cũng nhấn mạnh rằng Úc, là một cường quốc trung bình, là một nước đóng góp quý giá cho an ninh và ổn định khu vực, và tăng trưởng kinh tế, không chỉ trong khu vực Đông Nam Á, mà cả khu vực Indo-Thái Bình Dương.

Theo nguồn: Australia-Vietnam to Forge Strategic Partnership