Tuyệt chiêu trút giận chốn văn phòng
BBC
Đồng nghiệp khiến bạn phát điên và bạn chỉ mong được mắng xối xả vào mặt người đó.
Hẳn bạn sẽ cảm thấy dễ chịu hơn rất nhiều nếu trút được cơn giận, nhưng công khai thể hiện sự giận dữ vẫn còn là điều cấm kỵ nơi công sở.
Trong một số trường hợp, nổi cáu tại nơi làm việc có thể khiến bạn bị sa thải. Hầu hết chúng ta đều cố gắng che đậy cơn giận dữ của mình.
Tuy thế, “cơn nóng giận tại văn phòng” là có thật và là một vấn đề đang ngày càng gây lo ngại, theo các chuyên gia.
“Nghe như chuyện đùa, nhưng…. mọi người đều biết bạn đang đề cập đến vấn đề gì,” Lucy Beresford, nhà tâm lý học và chuyên gia về các mối quan hệ, người từng nghiên cứu về hiện tượng này trong một báo cáo năm 2007 cho hãng Canon ở Châu u, cho biết.
Đời sống trong văn phòng ngày càng trở nên khó chịu và nhiều người cảm thấy bất lực, khó kiềm chế, nghiên cứu của bà cho thấy.
83% trong chúng ta từng chứng kiến một đồng nghiệp mất bình tĩnh trong công việc và 63% trong chúng ta cũng từng mất bình tĩnh, theo nghiên cứu này. Các nghiên cứu khác cho thấy tỷ lệ tương tự.
Trong số các nguyên nhân gây giận dữ tại văn phòng, có thể kể tên như: máy tính hỏng, máy in không hoạt động, đồng nghiệp gây khó chịu, lười biếng, sếp thiếu suy nghĩ.
Không ngạc nhiên gì, việc phải nhận email công việc sau giờ làm việc cũng tạo ra hệ quả tương tự, theo một nghiên cứu năm 2015 từ Đại học Texas ở Arlington.
Nhưng có lẽ là có một giải pháp tốt hơn để kiềm chế cơn nóng giận, một cách có thể giải toả sự bực bội mà vẫn giữ được việc làm.
Hãy bước vào những căn phòng trút giận, một xu hướng tạo ra không gian an toàn nơi bạn có thể giải phóng toàn bộ sự phẫn nộ ra ngoài – đôi khi bạn còn có thể dùng đến chả vợt bóng chày. Ở đây, người giận dữ trả phí để có thể đập phá đồ đạc gì đó mà họ chọn, và sau đó sẽ có người dọn dẹp mảnh vỡ.
“Chúng tôi cho phép mọi người được quyền giận dữ trong môi trường an toàn,” Ed Hunter, người sáng lập của “Phòng đập phá” được mở cửa ở Melbourne, Úc vào tháng Ba, nói. “Công bằng mà nói thì đó là sự nổi loạn tự nhiên.”
Áp lực công việc là mối quan ngại của cả những nhà tuyển dụng Úc và nhân viên, theo một báo cáo của công ty bảo hiểm sức khoẻ Medibank Private. Căng thẳng vì công việc tiêu tốn của các doanh nghiệp Úc khoảng 10 tỷ đô la Úc mỗi năm, theo một báo cáo của cơ quan độc lập Công việc An toàn Úc.
“Chúng ta luôn được yêu cầu không làm hỏng đồ đạc, kiểm soát cơn giận dữ, và cư xử chỉn chu,” Stephen Shew, đồng sáng lập Công ty Battle Sports ở Toronto, Canada, cung cấp Phòng Trút Giận bên cạnh những sản phẩm khác và vừa mở cửa tháng 7/2015, nói. “Hoặc, nếu bạn đập vỡ thứ gì đó bạn phải trả tiền món đó. Nhưng trong phòng trút giận, người ta có thể đập phá mà không gặp rắc rối gì.”
Ngoài ra, làm vậy cũng khá vui.
Đập phá máy móc
Công ty Battle Sports nhận ra rằng nhiều khi thiết bị văn phòng cũng gây ra sự giận dữ. Đập phá dụng cụ văn phòng là một phần của gói sản phẩm “Không gian Văn phòng”, có phí khoảng 44,99 đôla Canada (khoảng 35 đô la Mỹ), khá phổ biến.
“Người ta thích đập máy in. Chúng tôi mất khoảng 15 máy in mỗi tuần,” Shew nói.
Nhiều công ty khác bắt kịp trào lưu đập phá này, chẳng hạn như “Phòng trút giận” ở Budapest và nhiều công ty khác ở Hoa Kỳ như “Phòng giận dữ” ở Dallas, Texas; Tantrums LLC ở HOuston, Texas; và Lều Đập phá ở Jacksonville, Bắc Carolina.
Cơ bản là khách hàng phải ký một giấy miễn trừ trách nhiệm và phải đội thiết bị bảo hộ như mặt nạt, bảo hộ toàn thân và đeo găng tay khi đập phá.
Nhiều gói sản phẩm có giá từ 20 đô la Mỹ đến 100 đô la Mỹ cho một lần đập phá từ 10 đến 45 phút. Một số khách hàng đặt các gói dịch vụ lâu hơn để họ có thời gian chọn đồ đạc theo thứ tự nào đó, tự xếp chúng thành hình kim tự tháp hay tạm dừng để chụp ảnh selfie, Shew nói.
Châm dầu vào lửa
Vậy sự hung hăng này có thể là cách để giải toả sự căng thẳng?
Không, thực ra không phải.
Nổi điên lên không phải là cách tốt nhất xử lý sự giận dữ, giáo sư Brad J Bushman ở Đại học bang Ohio nói. Ông Bushman xuất bản một nghiên cứu năm 2002 cho thấy lý thuyết Catharsis – là hành động hung hãn hoặc sự hung hãn là cách hiệu quả để giải toả cơn giận – thực ra không hiệu quả. Thay vào đó, thà là không làm gì còn có tác dụng hơn.
“Việc này giống như châm dầu vào lửa. Nó chỉ làm đám cháy càng lớn hơn. Người đang giận thường bị kích động (nhịp tim, huyết áp), và xả cơn giận ra chỉ làm sự kích động tăng lên. Nó sẽ khiến các ý nghĩ hung hãn bị kích hoạt trong tâm trí và thậm chí làm chúng gia tăng nếu người đó suy nghĩ lại về thứ khiến họ giận dữ đó,” Bushman nói. “Nó cũng khiến cảm giác giận dữ vẫn tồn tại trong lúc người ta muốn xả cơn giận ra.”
Bushman đề nghị thay vì sử dụng chiến thuật trì hoãn để cơn giận tiêu tan, bạn có thể tự làm bản thân xao nhãng bằng cách làm việc gì đó khác chẳng liên quan gì tới sự giận dữ, như xem một bộ phim hài (không bạo lực) chẳng hạn.
Không có thuốc trị bá bệnh
Tất nhiên các khách hàng của phòng trút giận thích cách tiếp cận bằng cách đập phá gì đó để giải toả cơn phẫn nộ tại văn phòng, tâm trạng bị bỏ rơi khi yêu hay lúc đau khổ, buồn bã.
Shew nói đa phần khách hàng đến với Phòng Trút giận của Battle Sport là trong độ tuổi từ 19 đến ngoài 50 tuổi. Khoảng 60% khách hàng là phụ nữ.
Hơn nữa, ông nói, cơn giận giữ không chỉ xảy ra với cá nhân. Những công ty tham dự vào ngày nghỉ cũng khá phổ biến. Phòng đập phá có một nhóm đối tượng khách hàng chuyên môn, như luật sư và quan chức chính phủ, Hunter nói, và khoảng 70% khách hàng của họ là phụ nữ.
“Phòng trút giận không phải thuốc chữa bá bệnh cho cơn giận của bạn,” Shew cảnh báo. “Chúng tôi luôn nói với mọi người chúng tôi không phải chuyên gia trị liệu hay bác sĩ. Chúng tôi không nói chúng tôi sẽ kiểm soát được cơn giận của bạn. Chúng tôi cũng không nói đó là nơi thích hợp cho tất cả mọi người.”
Thay vào đó, ông nói, phòng trút giận chỉ đơn giản là một phương pháp thay thế để chống lại căng thẳng.
“Chúng ta ở đây để vui vẻ,” Hunter giải thích.