Tuyên bố về phiên tòa phúc thẩm của nhà hoạt động Bùi Thị Minh Hằng và các cộng sự
Theo Con Đường Việt Nam – 10 tháng 12 năm 2014
Vào ngày 26 tháng 08 năm 2014, trong một phiên tòa diễn ra chỉ một ngày ở tỉnh Đồng Tháp, ba nhà hoạt động nhân quyền đã bị kết án theo Điều 245, Bộ luật Hình sự về “tội gây rối trật tự công cộng”. Bà Bùi Thị Minh Hằng, một nhà hoạt động bảo vệ nông dân mất đất và các nhóm tôn giáo, đã bị kết án ba năm tù. Hai cộng sự của bà là ông Nguyễn Văn Minh và bà Nguyễn Thị Thúy Quỳnh, vốn là các nhà hoạt động tôn giáo của Phật giáo Hòa Hảo miền Tây, một tổ chức độc lập nhưng không được nhà nước thừa nhận, lần lượt bị kết án hai năm sáu tháng và hai năm tù giam. Các bị cáo là ba trong số 21 người bị đánh đập và giam giữ khi đang trên đường đi thăm một nhà hoạt động khác, luật sư nhân quyền Nguyễn Bắc Truyển. Với phiên tòa phúc thẩm sắp tới vào ngày 12/12/2014, chúng tôi kêu gọi chính quyền Việt Nam đảm bảo các thủ tục phúc thẩm được thi hành phù hợp với pháp luật Việt Nam cũng như các tiêu chuẩn pháp luật quốc tế về xét xử công bằng. Phiên tòa sơ thẩm đã diễn ra không công khai và không công bằng. Mặc dù phiên tòa phải được tiến hành công khai theo pháp luật Việt Nam, trên thực tế công chúng không được phép tham dự phiên tòa này. Cảnh sát đã triển khai đội hình bên ngoài tòa án để ngăn chặn công chúng tham dự phiên tòa trong khi nhiều nhà hoạt động nhân quyền nổi bật khác bị các nhân viên an ninh ngăn chặn hoặc bắt giữ. Bên ngoài tòa án, có ít nhất 33 người đã bị bắt giữ và nhiều nhà hoạt động tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh đã bị chặn ngay tại nhà từ nhiều ngày trước khi phiên tòa diễn ra. Vào ngày diễn ra phiên tòa, các nhân chứng của bị cáo đã không được tham dự bất chấp việc họ đã nhận được giấy triệu tập của tòa án. Mặc dù vậy, các nhân chứng của phía chính quyền vẫn được tham dự phiên tòa và phát biểu chống lại các bị cáo mà không gặp bất cứ trở ngại nào. Hơn nữa, mặc dù Điều 162, Bộ luật Tố tụng Hình sự bắt buộc các kết luận điều tra phải được gửi cho cả Viện kiểm sát lẫn các luật sư của các bị cáo, nhưng các luật sư của các bị cáo chỉ nhận được thông tin liên quan đến cáo buộc và bản kết luận điều tra của cơ quan công an vài ngày trước phiên tòa. Việc không thông báo và sự vi phạm rõ ràng này đối với pháp luật của chính Việt Nam đã gây khó khăn cho các luật sư trong việc bảo vệ quyền của các bị cáo tại tòa án. Tòa án Nhân dân Tối cao của Việt Nam đã xác nhận ngày tiến hành phiên tòa phúc thẩm, sau ba lần thay đổi thời gian và địa điểm. Theo pháp luật Việt Nam, đây là phiên chung thẩm trừ khi có quyết định khác của tòa án. Vì vậy, chúng tôi thúc giục chính phủ Việt Nam và hệ thống tư pháp tôn trọng pháp luật và bằng mọi cách đảm bảo các tiêu chuẩn quốc tế về xét xử công bằng. Cụ thể, chúng tôi thúc giục nhà chức trách Việt Nam đảm bảo phiên tòa được diễn ra công khai và các thành viên gia đình cũng như những người quan sát phiên tòa có thể tiếp cận phòng xử án. Chúng tôi đồng thời yêu cầu tất cả các nhân chứng phải được triệu tập tới tòa án và các luật sư phải được trình bày lập luận một cách thỏa đáng mà không gặp bất cứ sự gián đoạn bất hợp lý nào. Chỉ có như vậy niềm tin vào hệ thống pháp luật Việt Nam mới được phục hồi. Cộng đồng quốc tế và nhiều tổ chức nhân quyền khác nhau sẽ theo dõi những diễn biến này.
ĐỒNG KÝ TÊN:
Tổ chức Ân xá Quốc tế (Amnesty International)
Hội Ái hữu Tù nhân Chính trị và Tôn giáo Việt Nam
Hội Anh em Dân chủ
Tổ chức Những người Bảo vệ Dân Quyền (Civil Rights Defenders)
Diễn đàn Xã hội Dân sự
Diễn đàn Châu Á vì Nhân quyền và Phát triển (FORUM-ASIA)
Tổ chức Ngôi nhà Tự do (Freedom House)
Nhóm Tín đồ Phật giáo Hòa Hảo miền Tây Nam Bộ
Tổ chức Báo động Những nhà hoạt động Nhân quyền – Ấn Độ (Human Rights Defenders Alert – India)
Tổ chức Niềm tin Pháp luật và Xã hội (Law & Society Trust)
Tổ chức OT Watch – Mông Cổ
Hiệp hội Đoàn kết Công Nông Việt Nam
Phong trào Con đường Việt Nam
Tổ chức Sáng kiến Thể hiện Lương tâm Người Việt Hải ngoại