Tướng TC về tuần tra Biển Đông: Mỹ thì được, Nhật thì không
Đá Vành Khăn mà TC đang bồi đắp. Ảnh chụp từ một phi cơ quân sự của Philippines ngày 11/05/2015. – Reuters
Theo RFI – 30-06-2015 – Trọng Nghĩa
TC không che giấu phản ứng cay cú sau khi Tokyo không ngần ngại tham gia tập trận cùng với Philippines tại Biển Đông, ngay gần khu vực mà Bắc Kinh đòi chủ quyền. Theo hãng truyền hình Mỹ NBC ngày 29/06/2015, một viên tướng TC nổi tiếng là diều hâu vừa nhấn mạnh: không thể chấp nhận việc Nhật Bản tuần tra trên Biển Đông, cho dù có thể chấp nhận Mỹ.
Theo đài NBC, Tướng Chu Thành Hổ, Giáo sư về chiến lược tại Đại học Quốc phòng TC, đã giải thích thái độ bên trọng bên khinh bằng sự kiện Mỹ đã hiện diện từ lâu đời về mặt quân sự ở Đông Nam Á:
«Hoa Kỳ đã từng có căn cứ quân sự ở Đông Nam Á, như ở Philippines và cả tại Việt Nam, đồng thời cũng có hợp tác quân sự với Singapore. Sự hiện diện quân sự của Mỹ ở Biển Đông do đó là điều có thể chấp nhận được đối với Trung Quốc.”
Còn về Nhật Bản, viên tướng TC cho rằng «Nhân dân và chính phủ Trung Quốc rất khó mà chấp nhận được sự hiện diện quân sự của Nhật Bản» tại Biển Đông.
Tokyo có tranh chấp chủ quyền với Bắc Kinh ở Biển Hoa Đông, nhưng không hề có tranh chấp nào ở Biển Đông. Thế nhưng chính quyền Nhật Bản rất quan ngại trước sự hiện diện, cũng như ảnh hưởng càng lúc càng đáng kể của Hải quân TC trong khu vực. Thái độ quan ngại lại càng tăng vào lúc Bắc Kinh tăng cường năng lực không chế Biển Đông bằng việc bối đắp đảo nhân tạo ở Trường Sa, mà theo phía Mỹ, đã có thể dùng làm tiền đồn quân sự với vũ khí hạng nặng.
Theo các nhà quan sát, tuyên bố không chống Mỹ của tướng Chu Thành Hổ đã gây ngạc nhiên vì cho đến nay, nhân vật này nổi tiếng với những lời lẽ dao to búa lớn nhắm vào Hoa Kỳ.
Tuy nhiên thái độ gay gắt của nhân vật diều hâu này đối với Nhật Bản nằm trong một loạt những phản ứng dữ dội của Bắc Kinh đối với Tokyo trong những ngày gần đây, sau khi quân đội Nhật Bản tập trận chung với Philippines đã không ngần ngại cho trinh sát cơ bay lượn trên khu vực Bãi Cỏ Rong (Reed Bank) nằm trong thềm lục địa của Philippines những bị Bắc Kinh đòi chủ quyền.