Tưởng Niệm Trần Văn Bá – 08/01/1985 – 08/01/2021
Bài viết trên FB của TS Mai Thanh Truyết: https://www.facebook.com/MaiThanhTruyetUSA
Thưa Bà Con, Your Story kỳ nầy xin dành cho Anh hùng Trần Văn Bá.
Xin có vài hàng về Ngày Anh hùng Trần Văn Bá bị VC xử tử tại Saigon ngày 8 tháng Giêng năm 1985.
Đúng 45 năm về trước 27/4/1975, tại Paris đã diễn ra một cuộc biểu tình tự phát (không có dự định tổ chức trước) chỉ tập hợp tại một trụ sở sinh viên Việt ở số 2 Rue Berthollet Quận 5ème, Paris.
Vì không kịp xin phép cành sát Pháp, tuy nhiên, có lẽ vì thông cảm hoàn cảnh của Miền Nam VNCH lúc đó, cảnh sát đã cử một trung đội đi theo đoàn biểu tình để giữ gìn trật tự, không cho sinh viên xuống lề đường. Cuộc tuần hành diễn ra trong im lặng, chỉ có vài tiếng nhắc nhở anh chị em sinh viên đi trật tự và hoàn toàn không có tiếng hô to. Đoàn biểu tình khoảng độ 400 anh chị em sinh viên đi lần đến Tòa Đại sứ Trung Cộng. Nhưng được cảnh sát nhã nhặn nói với anh Trần Văn Bá là: ”Chúng tôi không thể để các anh vào sát cửa Tòa Đại sứ được vì quy cách ngoại giao không cho phép”. Vì vậy, ACE sinh viên lùi lại khoảng hơn 20 thước.
Người điều khiển cuộc biểu tình là anh Trần Văn Bá (14/5/1945 – 8/1/1985), Chủ tịch Tổng hội Sinh viên Việt Nam tại Paris lúc bấy giờ.
Trần Văn Bá là người đã cùng Lê Quốc Túy và Mai Văn Hạnh tổ chức đưa biệt kích cùng khối lượng lớn vũ khí vào Việt Nam với kế hoạch lật đổ Cộng sản Bắc Việt. Trần Văn Bá bị lực lượng công an bắt giữ trong Kế hoạch CM-12 do Nguyễn Tấn Dũng điều hành (lúc đó là Trưởng Công An Cà Mau) ở Cà Mau trên đường xâm nhập vào Việt Nam bằng đường biển và bị tòa án Việt Nam kết án tử hình năm 1985 vì tội phản quốc. Ông được Sáng hội Tượng đài Nạn nhân Chủ nghĩa Cộng sản tại Mỹ truy tặng Huy chương Tự Do Truman.
Trước vấn nạn mất nước do CSBV, Anh Trần Văn Bá đã ý thức rằng:
* Với dã tâm man rợ lăng nhục con người của CS vô thần, dã man và khát máu, chuyên dùng vũ lực để trị dân, nếu đối phó lại chỉ bằng “ƯỚC VỌNG và TINH THẦN” mà thôi thì hoàn toàn vô hiệu lực!
* Muốn bảo vệ hữu hiệu cuộc sống và tự do con người, ta phải chấp nhận đi vào chiến tranh. Vâng, phải đi vào chiến tranh để chống lại nguồn gốc của chiến tranh:
(1). Độc tài thống trị của CS ở Việt Nam là nguồn gốc chiến tranh!
(2). Sự trả thù và lòng thâm hận của CS Hànội đối với nhân dân miền Nam là nguồn gốc chiến tranh!
(3). Sách lược bành trướng quân sự điên rồ sang Cambodia và Lào là nguồn gốc chiến tranh!Vì những lý do nêu trên, anh Trần Văn Bá và bạn bè đã quyết định cầm súng!Vì anh tin tưởng rằng:
(a). Vấn đề Việt Nam phải được giải quyết tại Việt Nam!
(b). Kháng chiến phải bắt nguồn từ lòng đất Mẹ!
(c). Dù bị Đồng Minh phản bội hay bức tử, người Việt Nam cũng phải nhận trách nhiệm đã để mất miền Nam.
(d). Sự can thiệp trực tiếp của ngoại bang luôn luôn là một hiểm họa cho đất nước và dân tộc.
(e). Diệt thù trong (CSBV) rồi mới đánh giặc ngoài (TC).
(f). Nếu người Việt Nam không chiến đấu cho tổ quốc Việt Nam thì ai sẽ chiến đấu cho tố quốc Việt Nam?
(g). Việc lãnh đạo quốc gia không thể để nằm trong tay những thành phần mà khả năng không tương xứng với trách nhiệm.
Thưa Bà Con,
Đó là Trần Văn Bá.
Đó là một người con Việt đúng nghĩa.
Trần Văn Bá đã hy sinh cho Tổ quốc vào lúc tuổi còn tràn đầy sự sống, 40 tuổi với công danh sự nghiệp vững chắc.
Trần Văn Bá ra đi không vì bịnh hoạn, không vì tai nạn, không vì thất chí, thất tình.
Mà… Trần Văn Bá ra đi vì biết lấy “MÁU” làm phân bón cho QUÊ HƯƠNG!
Tuổi Trẻ Việt Nam phải biết lấy đó làm gương!
ĐỨNG DẬY ĐI!
Ghi chú:
Hoạt động đấu tranh
Sau nhiều năm chuẩn bị, ngày 6 tháng 6 năm 1980 ông âm thầm trở về nước để bí mật tranh đấu với mục đích lật đổ chính quyền Việt Nam và tham gia Mặt trận Thống nhất các Lực lượng Yêu nước Giải phóng Việt Nam do ông Lê Quốc Túy là chủ tịch, ông Mai Văn Hạnh là chủ tịch quốc ngoại, các ông Huỳnh Vĩnh Sanh và Hồ Tấn Khoa làm đồng chủ tịch quốc nội. Ông Trần Văn Bá được cử làm tham mưu và ông Lê Quốc Quân phụ trách lực lượng vũ trang trong nước.
Theo nguyệt san Nhân Bản số tháng 1/01/85 phát hành tại Paris, Lê Quốc Túy xác nhận một số chiến sĩ của Mặt trận Thống nhất các Lực lượng Yêu nước Giải phóng Việt Nam đă bị bắt từ 1980. Một trận đánh lớn đă xảy ra tại Hà Tiên gây thiệt hại cho khoảng 120 cán bộ chính phủ.
Tết 1983, lực lượng an ninh Việt Nam đă bắt được Hồ Tấn Khoa, Vő Văn Nhơn, Nguyễn Ngọc Hòa thuộc tổ chức Hòa giải Quốc tế gần với đạo Cao Đài. Những người bị bắt bị nghi là thông đồng với các ông Túy, Hạnh để “cướp chính quyền” ở một số tỉnh miền tây. Con trai ông Khoa là Hồ Thái Bạch sau đó thay thế cha trong chức vụ đồng chủ tịch.
Có 10 toán người phản kháng của Mặt trận xâm nhập vào trong nước tính từ đầu năm 1981 đến tháng 9 năm 1984. Toán thứ nhất về bằng đường bộ từ tỉnh Trat ở Thái Lan qua Campuchia, khi đến Châu Đốc thì bị bắt. Toán này có nhiệm vụ liên lạc với lực lượng của Hòa Hảo để chiếm đóng vùng Bảy Núi. Toán thứ 10 về bằng đường biển vào đầu tháng 9 năm 1984 gồm 21 người trong đó có Mai Văn Hạnh, Trần Văn Bá. Toán này bị bắt ngay khi mới đổ bộ vào bờ biển tại làng Minh Hải, Cà Mau vào đêm 11 tháng 9 năm 1984.
Tổng cộng, có tất cả 119 người đă bị bắt giam hoặc giết chết.
Ông Lê Quốc Túy đáng lẽ cũng đi cùng toán thứ 10 nhưng vì phải vào nhà thương ở Pháp để mổ gấp nên đã thoát nạn.
Xét xử
Từ ngày 14 đến 18 tháng 12 năm 1984, Tòa án Nhân dân Việt Nam đã mở phiên tòa xét xử ông và những người bị bắt cùng với ông về tội phản quốc tại Nhà hát Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh gồm: Mai Văn Hạnh, Trần Văn Bá, Lê Quốc Quân, Huỳnh Vĩnh Sanh, Hồ Thái Bạch, Trần Nguyên Hùng, Tô Văn Hườn, Hoàng Đình Mỹ, Thạch Sanh, Nguyễn Văn Trạch, Nguyên Bình, Nguyễn Văn Hậu, Nhan Văn Lộc, Lý Vinh, Trần Ngọc Ẩn, Cai Văn Hùng, Đặng Bá Lộc, Thái Văn Dư, Trần Văn Phương, Nguyễn Phi Long, Nguyễn Văn Cầm.
Công tố viên cho biết ngay từ đầu tháng 1 năm 1981, cơ quan an ninh đã phát hiện một “tổ chức gián điệp” xâm nhập vào Việt Nam.
Trần Văn Bá đã không ký tên nhận tội và bị tuyên án tử hình cùng với Mai Văn Hạnh, Lê Quốc Quân, Huỳnh Vĩnh Sanh, Hồ Thái Bạch; ông cũng không làm đơn xin ân xá.
Trần Văn Bá bị xử tử vào ngày 8 tháng 1 năm 1985.
Tưởng nhớ
Tại Liège, Bỉ, đã có một mộ bia tưởng niệm dành cho ông. Ở Falls Church, Virginia, có một con đường mang tên ông.
Tiến sĩ Lee Edwards, chủ tịch Sáng hội Tượng đài Tưởng niệm Nạn nhân Cộng sản trên thế giới, phát biểu với đài Á Châu Tự Do về trường hợp ông Trần Văn Bá:
“Sau khi tham khảo ý kiến đồng sự, bạn hữu và những người quen trong cộng đồng người Việt ở hải ngoại, Sáng hội nhất trí chọn Trần Văn Bá là trường hợp tiêu biểu của sự tranh đấu đòi tự do để trao tặng huy chương cho ông.”
Thân nhân ông Trần Văn Bá đã được thông báo và được mời đến nhận huy chương Tự do Truman-Reagan trong buổi lễ được tổ chức tại đại sứ quán Hungary ở thủ đô Washington, D.C. vào chiều ngày 15 tháng 11. Hai người khác cũng được trao huy chương Tự do Truman-Reagan 2007 vì thành tích và công lao đóng góp vào tiến trình tự do dân chủ là tiến sĩ Janos Horvarth người Hungary, và dân biểu Hoa Kỳ thuộc Đảng Cộng hòa Dana Rohrabacher.
Tháng Chín 2008, Hội đồng thành phố Paris, Pháp, dự định khánh thành bia tưởng niệm Trần Văn Bá tại 47-49 đại lộ Ivry, quận 13 Paris, nhưng vì áp lực của Nhà nước Việt Nam cùng một số tổ chức, việc này bị bác bỏ theo nghị quyết ngày 16/9/2008 của tỉnh trưởng Vùng Iles-de-France và thị trưởng Paris.
Ngày 7 tháng 1-2021
Mai Thanh Truyết
Trăm bông hồng cho anh hùng Trần Văn Bá
27 Tháng Chín 2008
https://hung-viet.org/a5772/tram-bong-hong-cho-anh-hung-tran-van-ba
Chiều 27 tháng 9 năm nay, trời Paris ấm áp, ánh sáng chan hòa. Anh em chúng tôi, đủ mọi cỡ tuổi, bỏ phòng hội, Place d’Italie, cùng nhau tiến về avenue d’Ivry, mỗi người cầm trong tay một bông hoa, và cùng nhau đặt những bông hoa dủ mầu sắc trên một mảnh đất đáng lẽ là nơi dựng bia tưởng niệm Trần Văn Bá ngày hôm nay. Đường phố tấp nập, mấy đứa trẻ người Hoa đùa nghịch trên vệ đường. Các quán cơm mời gọi với những bát phở nóng hổi, từng chuỗi đuôi dài chờ mua thức ăn. Trong công viên nhiều đôi nam nữ nằm dài trên làn cỏ xanh, Cảnh vật quen thuộc, thân mật, nhưng mỗi người chúng tôi đều có một tâm sự. Trần Văn Bá sống trong nội tâm chúng tôi. Tưởng niệm, vinh danh vị anh hùng đã xuất thân từ hàng ngũ chúng tôi, đã trải qua những năm dằn vặt về đất nước, để rồi trở về quê hương chiến đấu, và bị hành quyết. Hai mươi ba năm đã qua, đời sống ềm đềm tuần tự tiếp nối, nhưng hình ảnh và cuộc đời của Trần Văn Bá vẫn ám ảnh chúng tôi. Anh làm chúng tôi không thể thoả mãn với thân phận con người bất lực trước thời thế. Chúng tôi không thể an phận trong thụ động. Đã chiến đấu với Trần Văn Bá một lần, không ai trong chúng tôi có thế sống bàng quang, vô tư. Khi đặt bông hoa xuống đất, tôi bỗng cảm thấy đau đớn. Anh Bá không còn nữa, vào lúc chúng tôi cần có sự hiện diện của anh.
Phòng hội quận 13 được thiết kế ánh điện và phát âm, với 200 ghế ngồi, rất thuận tiện cho ngày tuởng niệm Trần Văn Bá. Có quan khách của quận, có nhà văn Olivier Todd. Người Việt ở vùng Paris đổ về. Ban tổ chức đeo ở cánh tay một vòng tròn màu Cộng Hoà. Nét mặt phấn khởi. Trong mấy tiếng đồng hồ, chúng tôi đã nghe bao giọng hát thôi thúc, lôi cuốn. Bài Hồn Vọng Phu dìu dặt, tha thiết, hòa nhịp với những điệu múa của các võ sĩ. Bài Ghé bến Sài Gòn nhắc lại thủ đô yêu dấu, một ngày kia sẽ tìm lại cái danh dự của mình. Bài Tưởng niệm anh hùng Việt Mỹ nhắc lại những chiến công hiển hách và lòng tri ân của tổ quốc. Tiếng đàn tranh dộn dàng, bản hợp ca hấp dẫn của các ca sĩ áo vàng, áo hồng, áo xanh, tất cả trang trọng trong tinh thần cộng đồng. Trần Văn Bá là mối liên lạc giữa chúng tôi. Bao nhiêu bộ mặt lạ lẫm mà như đã gần gụi nhau từ lâu rồi. Thêm vào điệu nhạc còn có các sách vỡ. Đinh Lâm Thanh với nhiều tác phẩm (Một đời xót xa, Cánh cửa đã khép, Đổi đời, Tình mua cuối chợ, Bến nước đục). Hoài Việt với tập thơ Chút tình cho Huế. Mạnh Bích không thiếu đề tài : Gió cuốn mây bay, Giòng sông trầm lặng, Lá rụng.
Chung quanh phòng hội có tranh ảnh, xem mà cảm động. Ngay cuối tháng tư 1975, đoàn sinh viên VN ở Paris đã tiễn đưa Miền Nam tự do trong một đám tang trên đường phố quận 5. Mấy tháng sau, vào ngày tết 1976, bầu khí đã thay đổi hẳn. Từ đây là khởi đầu cuộc chiến đấu mới : Chúng tôi còn sống đây. Tự do, nhân quyền, có thể được phục hồi nếu ta sẵn sàng trả giá. Mấy câu tuyền bố của Trần Văn Bá, mặc y phục cổ truyền, vào dịp tết sinh viên tại phòng Mutualité năm đó đánh dấu một cuộc đời. Chân dung của vị anh hùng hiện diện sáng ngời trong phòng hội. Đôi mắt đen thắm, đôi môi mềm mại, cái trán rộng lớn chiếm cả khuôn mặt. Tư tưởng nào đã trở đi trở lại trong bộ óc của anh Bá trong 10 năm đen tối 1975-1985 của quê hương? Đây là một bộ óc lý luận, và thực tiễn, biết chịu đựng trong im lặng, và biết hành động trong âm thầm. Từ ngày anh lấy quyết định về nước cho tới khi im lìm lên đường, làm sao ta biết được? Nhưng nhìn cái trán căng thẳng, nhẵn nhụi, và sau trán là bộ óc phân tách, chọn lựa, ta đặt ra nhiều câu hỏi. Lý do nào đã hướng dẫn cuộc chiến đấu của anh? Vì nhớ lại Sa Đéc nơi anh đã chào đời, vì không quên thời niên thiếu hăng say ở Đà Lạt, hay vì liên đới với quân lực cộng hòa ? Anh Bá có máu anh hùng, có tâm hồn quả cảm, cuộc đời dấn thân của anh ra ngoài các lý luận của một người trí thức bình thường. Khuôn mặt gợi cho ta một vài ý tưởng như vậy. Thà chết chẳng thà thụ động nhìn cảnh đời đau xót! Có lúc nào anh Bá nghĩ là anh sẽ hy sinh rất sớm như một số chiến sĩ cảm tử? Nhưng chết về thể xác thôi, hồn anh, đời sống của anh, tất cả những nơi anh đã đặt chân tới, tất cả những cuộc gặp gỡ với bạn hữu, ở Pháp, ở Âu Châu, mọi việc ngày nay mang một màu sắc quyến luyến, sống động hơn lúc náo hết.
Nói tới Trần Văn Bá ngày nay là nhắc lại tâm sự và định mệnh của một thế hệ, là nêu lên sứ mệnh của một nước VN mới, Việt Nam hải ngoại. Anh Bá là một vinh dự cho hải ngoại, nhưng cũng là một lời thôi thúc. Anh nhắc cho chúng ta nơi nào là trọng tâm của cuộc phục hồi tự do và danh dự, đâu là lời nói suông, đâu là hành động đích thực. Anh Bá không cho phép chúng ta lẩn tránh, anh đòi chúng ta những hành động cụ thể, là vì ta phải trả giá cho tự do. Là vi mỗi thế hệ phải công hiến cho tổ quốc một số anh hùng, một số hy sinh. Phải có những làn sóng mênh mông để đảo lộn được trật tự ta muốn phá. Tức là động đến những lý tưởng cao cả, những cuộc vươn lên của tuổi trẻ.
Bên một góc phòng, có sự hiện diện tâm bia Trần Văn Bá. Một tảng đồng màu xám, hai bên sườn lộ ra ánh sáng của chất đồng. Lấy tay đặt trên tấm bia mới cảm thấy sự cứng rắn và bên bỉ của sự vật, tượng trưng cho lòng nhớ ơn lâu dài của người Việt hải ngoại. Hai tấm bảng nhắc lại lời tuyên bố bất hủ năm 1976, và cuộc đời của anh Bá. Quận 13 đã cho phép dựng bia, nhưng chính phủ Pháp tức là bộ ngoại giao, bị Hà Nội gây áp lực, đã lấy lập trường ngược lại. Vô lý quá. Nước Pháp đâu có trong hoàn cảnh phải nhượng bộ trong một vấn đề hoàn toàn thuộc nội bộ của mình, như Olivier Todd trình bầy như vậy. Nhưng tấm bia còn đứng đó, sớm muộn rồi nó sẽ có chỗ đứng xứng đáng. Trong khi chờ đợi, chính nhờ sự can thiệp của chính quyền Hà Nội mà dư luận Pháp để ý tới tấm bia. Trong bài diễn văn hùng hồn, Trần Văn Tòng cho nhận xét là chế độ CS không hề thay đổi. Năm 1985, nhiều chính khách Pháp đã can thiệp để anh Bá không bị hành quyết, Hà Nội bất chấp dư luận Pháp. Vài chục năm sau, chính quyền vẫn giữ chính sách hành hung. Trần Văn Bá là kẻ thù cần phải tiêu diệt dến cùng, cho đến khi anh bị tiêu tán trong trí nhớ của người đồng hương. Nhưng đâu có được. Trần Văn Bá sống trong tâm trí chúng tôi. Đi xa hơn nữa, Trần Văn Tòng kêu gọi mọi cộng đồng người Việt Tự do trên thế giới dựng bia Trần Văn Bá. Đề nghị này với thời gian sẽ lan rộng tới quý bạn. Các bạn bên Hoa Kỳ và Úc Châu hãy dựng bia, cho anh Bá của chúng ta có dịp nhắc nhở lại ý nguyện tự do muôn thủa của dân tộc, cho anh Bá sống với chúng ta trong cuộc chiến đấu kiên cường ở hải ngoại. Cho lớp trẻ lớn lên ở ngoại quốc biết đến danh tiếng của vị anh hùng thời đại. Lớp trẻ phải nuôi dưỡng tinh thần bất khuất, vì công cuộc phục hưng tự do cho dân tộc cần sự đóng góp những người như Trần Văn Bá. Đó là một sực thực hiển nhiên, nhưng nó chỉ có nghĩa với những tâm hồn cao thượng, những ý chí phi thường. Hãy sống như anh Bá, đề làm sáng danh cho người nước Nam cho đến muôn đời.
Trăm bông hồng cho Trần Văn Bá. Anh em chúng tôi ở Paris nhận một hân hạnh to lớn quá. Bằng một vài cử chỉ tượng trưng vậy thôi. Chúng tôi đặt mọi hy vọng vào tương lai. Sống là kháng cự. Bao lâu chế độ đảng trị còn dó, Trần Văn Bá không thể an nghĩ được, chúng ta cũng không thể an phận được. Giữa anh Bá, các chiến sĩ cộng hoà và chúng ta, có lời thề ước đó.
Paris ngày 27 /9/2008
Đinh Vinh Phúc
Từ FB Nguoi Linh Gia