Tưởng niệm đứa con ưu tú của đất nước vừa trở về với đất mẹ: Giáo sư Vũ Quốc Thúc (1920-2021)
Người xưa có câu Nhân sinh tự cổ thùy vô tử, kiếp con người xưa nay có ai là không chết. Dù thông hiểu qui luật sinh ký tử qui, nhưng được tin Giáo sư Vũ Quốc Thúc ly trần, chúng tôi không nén được nổi bàng hoàng xúc động.
Những tình cảm thân thương mà Giáo sư dành cho cá nhân chúng tôi đã in sâu trong tâm khảm, nay chợt bùng dậy trong lòng khi nhận được hung tin. Năm 1993 chúng tôi viết quyển nghiên cứu lịch sử Việt Nam Thắng và Bại. Khi viết xong, gặp một số đàn anh, chúng tôi mới nhận thức được mình đã liều lĩnh “múa rìu qua mắt thợ” vì hiện nay ở hải ngoại có rất nhiều bậc trưởng thượng, nhất là các chính khách lão thành luôn coi chính trị gắn liền với lịch sử, như cụ Vũ Tài Lục tác giả quyển “Những quy luật Chính trị trong Sử Việt” trong chương mở đầu đã khẳng định: “Không đọc sử, không đủ tư cách nói chuyện Chính trị”.
Do đó trước khi quyển sách ra mắt độc giả, chúng tôi mạo muội gởi bản thảo đến Giáo sư Vũ Quốc Thúc ở Paris, coi đây như bài văn của một học trò trình thầy nhận xét. Trong thời gian này, Giáo sư vì phần tuổi cao, phần vì lượng đường trong máu lên xuống thất thường làm chóng mặt, cần tịnh dưỡng, song Giáo sư vẫn tận tụy với thiên chức của mình: bỏ ra khá nhiều thì giờ để đọc một bài viết cả ngàn trang. Giáo sư đã nhiệt tình viết lời Tựa cho quyển sách.
Bài Tựa của Giáo sư là một vinh dự lớn cho chúng tôi vì đây là một chứng nhân đã sống và tham dự tất cả những giai đoạn lịch sử cận đại của nước nhà mà chúng tôi đã ghi lại trong tác phẩm này. Giáo sư đã tham gia kháng chiến Việt Minh, Công cán ủy viên Phủ thủ tướng Chính phủ Trung ương Quốc gia Lâm thời, Bộ trưởng Quốc gia Giáo dục thời Quốc trưởng Bảo Đại, Thống đốc Ngân hàng Quốc gia Việt Nam, Khoa trưởng Đại học Luật khoa Sàigòn, Cố vấnTT Ngô Đình Diệm, Phó Chủ tịch Hội đồng Kinh tế quốc gia, Quốc Vụ Khanh đặc trách Tái thiết và Phát triển… Sau 1975, giáo sư ở lại Sàigòn, nhờ người bạn đồng khóa Thạc sĩ năm 1952 là Giáo sư Raymond Barre, nay làm thủ tướng Pháp can thiệp với Thủ tướng Phạm Văn Đồng, nên giáo sư được sang Pháp hồi năm 1978. Từ 15 năm qua, ngoài việc giảng dạy ở Đại học Paris XII, giáo sư đã viết quyển Pour Une Paix Durable en Indochine (La verité sur “les guerres d’Indochine) để góp phần với kiều bào ta ở Pháp đấu tranh cho hòa bình, tự do và dân chủ cho quê hương.
Ngoài những đóng góp tích cực cho dân tộc, Giáo sư còn đóng góp cho lịch sử, ghi lại những biến cố lớn của đất nước trong thế kỷ vừa qua mà giáo sư là một chứng nhân của thời đại. Năm 2009 sắp bước vào tuổi 90, giáo sư cho phát hành hồi ký Thời Đại Của Tôi, Cuốn 1: Nhìn lại lịch sử 100 năm qua. Năm sau giáo sư phát hành tiếp Cuốn 2: Đời tôi trải qua các thời biến của lịch sử.
Có thể nói quyển hồi ký Thời Đại Của Tôi của Giáo sư Vũ Quốc Thúc là một hồi ký đặc biệt, khác thường so với những hồi ký của những nhân vật lịch sử cùng thời. Trong hoàn cảnh đau thương của dân tộc, Gs Vũ Quốc Thúc cầu xin Hồng Ân Thiên Chúa giúp ông được xuất ngoại trước là cứu gia đình, sau là tìm cách giải nạn cho đất nước, tấm lòng thành của cựu Quốc Vụ Khanh đặc trách Tái thiết và Phát triển đất nước thời hậu chiến, đã được Đức Mẹ phù hộ, soi sáng, dẫn đường.
Giáo sư gởi tặng chúng tôi Quyển Thời Đại Của Tôi- Cuốn 1 Nhìn lại 100 lịch sử. Đây là cơ hội giúp đồng bào nhiểu được trong hoàn cảnh lịch sử nào mà nhiều triệu người Việt phải xa rời tổ quốc. Dù sống ở quốc ngoại, họ vẫn luôn luôn nặng lòng với quê hương, tiếp tục đấu tranh cho mục tiêu lớn mà dân tộc đang khao khát là dân chủ tự do. Một khi đất nước có dân chủ tự do thực sự, đồng bào ở hải ngoại sẽ mang tiền của và trí tuệ về kiến tạo lại quê hương.
Với 90 tuổi đời và gần suốt cuộc đời phục vụ quốc gia dân tộc, từng giữ những chức vụ cao, Giáo sư Vũ Quốc Thúc có đủ tư thế viết hồi ký ghi lại sự nghiệp của mình như nhiều nhân vật lịch sử cùng thời. Nhưng ông không làm “vì cái tôi đáng ghét”. Vã lại như người xưa đã nói “Vong quốc chi đại phu bất khả khôn trí”, nhưng Giáo sư Vũ Quốc Thúc là “Phục quốc chi chí sĩ” ông phải nói đến cái tôi chỉ vì tấm lòng đối với lịch sử, đối với dân tộc. Đó là cái Tôi của kẻ Sĩ phương Đông. Cầu mong sẽ có nhiều “cái tôi đáng kính” lên tiếng tiếp theo. Sự đóng góp của họ dù ít dù nhiều cũng đều được đồng bào tri ân và ngưỡng mộ.
Cảm kích một bậc trưởng thượng ở tuổi thượng thọ mà còn nặng tình với đất nước, chúng tôi ngỏ ý giới thiệu tác phẩm của giáo sư trong bài viết “Đầu năm mới, ôn lại những trang sử cũ để Định hướng tương lai” (về mối bang giao Việt – Trung 1950-2010) trong Giai phẩm Xuân Canh Dần 2010 Báo Việt Luận ở Úc Châu, Nhựt báo Việt Herald ở California (HK) và Thông Luận ở Paris.
G/s Thúc cho biết sách chưa có bán, chỉ in tạm mấy chục cuốn để kịp phổ biến trước ngày Đại hội Việt kiều ở Hà Nội. Sách do công ty Người Việt ở California phụ trách ấn loát và phát hành. Sách chưa chính thức phát hành ở Hoa Kỳ mà có lời bình phẩm trước, giáo sư sợ nhà phát hành Người Việt sẽ trách là “thiếu fair play”.
Thời Đại Của Tôi, cuốn 1: “Nhìn lại 100 năm lịch sử” sẽ không giúp ích được gì cho dân tộc, nếu không có cuốn 2 ghi lại cuộc đời của tác giả đối với đất nước, người đọc có thể nâỷ sanh ý nghĩ tác giả là một trí thức thiếu tinh thần trách nhiệm. Nếu cuốn I là lịch sử và trong 100 năm qua đã tạo ra biết bao nhân vật lịch sử với sự nghiệp đôi khi phản dân hại nước…thì cuốn 2 là Con người và trách nhiệm đối với lịch sử.
Chúng tôi kỳ vọng, sau khi đọc cuốn 1 về lịch sử, sẽ có nhiều người không còn dửng dưng trước vận nước, đứng bên lề lịch sử. Họ sẽ nói lên những suy tư và cách hành xử của mình, đó là quyền thiêng liêng tự do phát biểu và tự quyết dân tộc. Sự đóng góp của Giáo sư Vũ Quốc Thúc đối với lịch sử là một việc không phải ai cũng làm được. Phải có cái tâm, kèm với lòng nhân và yêu nước.
Đôi dòng cảm nghĩ là tâm tình riêng để chia xẻ với việc làm của tác giả, không ngờ Giáo sư lại có ý dùng những cảm nghĩ đó để mở đầu Cuốn 2. Tôi rất hãnh diện nhưng lại lo âu. Tác giả ví như cây đại thụ còn mình một kẻ vô danh, chỉ nhờ cơ may làm công tác nghiên cứu nên được biết ít nhiều về lịch sử cuộc chiến đau thương của dân tộc.
Với sự hiểu biết của một người lính được quân đội phân công theo dõi cuộc đấu tranh vì lý tưởng dân chủ tự do của dân tộc, chúng tôi không dám bình luận sách của vị thầy mà chỉ muốn nói lên nhận xét chân thành: tác giả Vũ Quốc Thúc, một người của thế hệ trước đã hành xử đúng đường. Còn tác giả khi đọc đôi dòng cảm nghĩ của một độc giả, có lẽ cụ vui mừng nhận thấy thế hệ kế tiếp không đi lạc hướng. Chúng tôi nghĩ đó là lý do Giáo sư Vũ Quốc Thúc dùng những cảm nghĩ của chúng tôi để mở đầu Hồi ký cuốn 2, chỉ vì kỳ vọng: mong mỏi các thế hệ trẻ tiếp nối sứ mạng lịch sử, dấn thân vì chính nghĩa dân tộc. Chỉ có thế thôi.
Kính xin quý độc giả đừng để ý đến cá nhân người viết lời mở đầu. Điều hãnh diện là Kẻ Sĩ Thời Đại viết về Thời Đại của dân tộc, và kẻ Sĩ đó đã góp phần cho lịch sử trong cuốn 2: Đời tôi trải qua các thời biến của lịch sử. Chúng ta cùng nhau đọc để suy tư và xử sự sao cho phải đạo của con dân trước thảm họa của đất nước: “Quốc gia hưng vong thất phu hữu trách”.
Năm 2009, sau khi quyết định trở lại Đông Nam Á, tạo thế cân bằng với Trung Cộng, ổn định khu vực biển Đông nhằm phát triển sự hợp tác kinh tế giữa các thế lực lớn ở Đông Á, bao gồm cả Ấn, Nhật , Úc và Nga… Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ tổ chức một buổi hội thảo trong hai ngày 29 và 30/9/2010 về “Kinh nghiệm của Mỹ tại Đông Nam Á 1946-1975” (The American Experience in Southeast Asia, 1946-1975). Đề tài chính tập trung vào chiến tranh Việt Nam trong giai đoạn 1961-1973, nhằm giúp Bộ Ngoại giao nghiên cứu trở lại chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ ở Đông Nam Á trong quá khứ. Theo bà Ngoại trưởng Hillary Clinton, những nét chủ yếu của bài học Việt Nam trong thời kỳ đó tiếp tục giúp bà định hướng các quyết định của Mỹ.
Tham dự cuộc hội thảo có đại diện của Hà Nội, cùng nhiều sử gia, học giả và viên chức ngoại giao cao cấp của Hoa Kỳ trong thời chiến tranh Việt Nam như cựu Thứ trưởng Richard Holbrooke. Ông đã tham gia ngành ngoại giao từ thời TT Johnson với nhiệm sở đầu tiên là Tòa Đại sứ Mỹ ở Sàigòn và đang giữ chức vụ Đại sứ Đặc biệt của Mỹ ở Pakistan và Afghanistan. Sự tham dự của ông Holbrooke cho thấy chính quyền Obama có ý dùng bài học Việt Nam để giải quyết cuộc chiến ở Afghanistan. Rất tiếc, ông đột ngột qua đời vì bịnh tim vào ngày 14/12/2010 trong niềm thương tiếc của nhân dân và chính giới Mỹ cũng như nhiều nước yêu chuộng hòa bình và công lý trên thế giới. Ngoài ra trong các diễn giả được mời có Henry Kissinger, một người từng đảm nhận hai chức vụ quan trọng cùng một lúc. Ông vừa là Cố vấn Hội đồng An ninh Quốc gia của TT Nixon, vừa là Bộ trưởng Ngoại giao -cố vấn tổng thống về đối ngoại để giải quyết cuộc chiến Việt Nam. Hoa Kỳ bại ở Việt Nam nhưng thắng trong chiến tranh lạnh.
Sự trở lại Đông Nam Á của Hoa Kỳ trong thời điểm hiện nay, tác động lớn đến vận mạng dân tộc. Hoa Kỳ đã có cuộc hội thảo để rút tỉa kinh nghiệm. Người Việt chúng ta cũng nên tìm hiểu Hoa Kỳ can dự vào cuộc chiến Việt Nam như thế nào? Và tìm cách kết thúc chiến tranh ra sao?
Qua hồi ký Thời Đại Của Tôi, từ năm 1960, Giáo sư Vũ Quốc Thúc không còn tham chính, chỉ lo đào tạo nhân tài phục vụ đất nước. Nhưng khi Hà Nội phát động cuộc chiến giải phóng Miền Nam, Giáo sư Vũ Quốc Thúc dù được đào luyện ở Pháp, song do đức độ và uy tín, ông được Tổng Thống Ngô Đình Diệm cử cầm đầu phái đoàn Việt Nam Cộng Hoà để thương thảo với phái đoàn Mỹ do Tiến sĩ Staley -học giả Đại học Stanford, phụ trách, khi TT Kennedy bắt đầu viện trợ giúp Việt Nam Cộng Hòa chống cộng sản hồi năm 1961. Năm năm sau, khi TT Johnson đã đưa quân vào Miền Nam trực tiếp chiến đấu với quân cộng sản Bắc Việt, Giáo sư Vũ Quốc Thúc hợp tác với các chuyên viên Hoa Kỳ do một người bạn thân của TT Johnson là David E. Lilienthal cầm đầu để phác họa kế hoạch hậu chiến cho Việt Nam.
Bối cảnh ra đời của Bản Phúc trình Staley/Vũ Quốc Thúc Do tình thế đòi hỏi, sau hiệp định Genève 1954, Thế giới Tự do đã chia ảnh hưởng với khối Cộng sản trên phân nửa lãnh thổ Việt Nam theo tinh thần hòa giải các cuộc xung đột thế giới. Tháng 9/1960, ông Hồ Chí Minh triệu tập Đại hội Đảng Cộng sản lần thứ III, đề ra hai nhiệm vụ chiến lược: tiến hành Cách mạng Xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc và Giải phóng miền Nam để thống nhất nước nhà. Hai nhiệm vụ trên, theo Hà Nội là để “thiết thực góp phần tăng cường phe xã hội chủ nghĩa thế giới”.
Sau Hiệp định Genève 1954, hai miền Nam Bắc Việt Nam được xem là tiền đồn quan trọng của hai thế giới đối nghịch. Hành động công khai đòi giải phóng Miền Nam để bành trướng chủ nghĩa Cộng sản của giới lãnh đạo Bắc Việt, buộc Hoa Kỳ vì những lời cam kết, phải can thiệp để bảo vệ miền Nam tự do, bảo vệ hòa bình ở Đông Nam Á.
Hoa Kỳ không thể phá vỡ nguyên trạng hòa bình, mở các cuộc tấn công miền Bắc để tiêu diệt trung tâm phát động chiến tranh. Hoa Kỳ chỉ có thể viện trợ quân sự và gởi cố vấn giúp Việt Nam Cộng Hoà đương đầu với chiến tranh du kích của Cộng sản. Nhưng Hoa Kỳ có một điểm yếu là nhân dân Mỹ không đủ nhẫn nại để theo đuổi cuộc chiến chống Cộng lâu dài tại Việt Nam được khối Cộng sản yểm trợ để lấn chiếm Thế giới Tự do. Yếu điểm này được tướng Võ Nguyên Giáp, Bộ trưởng Quốc phòng Chính phủ Hà Nội trình bày như sau: “Kẻ thù phải kéo dài chiến tranh để thắng, nhưng họ không có những tài nguyên tâm lý và chính trị để chiến đấu lâu dài”.
Tháng 4/ 1960, 18 nhân sĩ miền Nam nổi tiếnggởi một bản Tuyên ngôn kêu gọi TT Ngô Đình Diệm “gấp rút thay đổi chính sách để cứu vãn tình thế, bảo vệ chế độ Cộng hòa và bảo vệ sống còn của quốc gia”. Năm sau, Hoa Kỳ gởi phái đoàn Staley sang Sàigòn thảo luận với phái đoàn Việt Nam do Giáo sư Vũ Quốc Thúc cầm đầu để tìm những biện pháp về quân sự, chính trị và kinh tế nhằm ngăn chận Cộng sản thôn tín miền Nam tự do. Có ba đề mục chính trong cuộc thương thảo:
1. Đề mục thứ nhất là sự hợp tác quân sự. Kế hoạch này được giao cho Thiếu tướng Nguyễn Khánh, Tham mưu Trưởng Quân đội Việt Nam Cộng Hoà bàn thảo với một đại tá Hoa Kỳ tên Clark. Giáo sư Thúc không đích thân tham dự những cuốc tiếp xúc này, nên không biết rõ chi tiết. Chỉ biết sau đó chính quyền Kennedy chấp nhận gởi 100 cố vấn quân sự đến Miền Nam tăng cường con số 685 người thuộc phái bộ Cố vấn Quân sự (MAAG) đã có mặt tại Sàigòn từ năm 1954. Sau đó số cố vấn Mỹ đến Sàigòn gia tăng dần đến 16 ngàn vào cuối năm 1963. Điều này cho thấy lúc đầu Hoa Kỳ không chủ trương đưa quân chiến đấu sang Việt Nam;
2. Đề mục thứ hai là viện trợ kinh tế, thảo luận về hối suất của đồng bạc Việt Nam đối với đôla Mỹ. Từ lúc thành lập Ngân hàng Quốc gia Việt Nam năm 1955, đồng bạc Việt Nam theo hối suất chính thức 35 đồng Việt Nam ngang giá 1 đô la Mỹ. Do tình trạng thị trường biến đổi, hối suất thực sự dần dần xa vời hối suất chính thức. Đến mùa Xuân 1961 khi có cuộc thương thảo với phái đoàn Staley, trên thị trường tự do 1 đô la Mỹ đổi được 60 đồng Việt Nam. Hậu quả của sự chênh lệch này là những thương gia được cấp giấy phép nhập khẩu hàng hóa trong khuôn khổ viện trợ Mỹ đương nhiên được lời, mỗi đôla hàng nhập khầu là 25VN$. Tình trạng này dọn đường cho sự hối mại quyền thế, tham nhũng, chợ đen…Phần chính phủ Hoa Kỳ, họ đặt điều kiện là chỉ tăng thêm viện trợ để thực thi chiến lược chống Cộng, nếu chính quyền Việt Nam Cộng Hoà định lại hối suất đồng VN$ so với đồng US$ trên cơ sở: 1US$ = 60VN$. Hai bên đã đạt được sự đồng thuận mau chóng về vấn đề này vì hối suất 1 US$ = 60VN$ là đúng với hối suất trên thị trường.
Đề mục gây bất đồng giữa hai bên là chính sách Ấp Chiến Lược. Đây là những vấn đề liên can đến các lĩnh vực tình báo và vận động quần chúng, do đó những đại diện của Cơ quan Trung ương Tình báo Hoa Kỳ tháp tùng Tiến sĩ Staley đã có những cuộc tiếp xúc riêng với Cơ quam Tình báo Việt Nam. Đích thân bào đệ TT Ngô Đình Diệm là ông Ngô Đình Nhu đích thân theo dõi những cuộc tiếp xúc này.
Tại các nước nông nghiệp đang phát triển “nông dân là biển nước nuôi cá du kích” nên vấn đề chủ yếu, theo Walt W. Rostow – phụ tá TT Kennedy về an ninh quốc gia, là phải tranh thủ người nông dân, tách họ khỏi sự kiểm soát của cộng sản, mở cho họ thấy những triển vọng tốt đẹp hơn về tương lai. TT Ngô Đình Diệm rất chú ý đến chiến lược đã được ông Robert Thompson áp dụng thành công ở Mã Lai, là tổ chức và trang bị các thôn dân về mọi mặt để họ tự vệ. Đó là chính sách Ấp Chiến Lược với mục đích chính là biến các xã thành những pháo đài nhỏ khiến du kích và cán bộ Cộng sản không thể lọt vào. Trong lý thuyết việc này có vẻ khả thi ở Mã Lai, nhưng thực tế sự thi hành ở Việt Nam đã gặp rất nhiều khó khăn.
Ở miền Nam Việt Nam, các làng xã thường trải dọc theo những thủy lộ, người dân sống tản mác, nay ban đêm phải tạm xa những kho đụn, vườn trại, cây cối, trâu bò của mình để vào sống ở một nơi gần như là một trại tập trung dưới sự kiểm soát của quân đội. Vì thế dân quê bất mãn. sau phúc trình Staley/Vũ Quốc Thúc, Chính phủ Việt Nam Cộng Hoà tiến hành kế hoạch xây dựng Ấp chiến lược như là một quốc sách. Song song với việc xây dựng Ấp Chiến Lược, chính phủ xây dựng các Khu Trù Mật. Có lẽ nhà cầm quyền nhận thấy chữ ấp gợi ý là cư dân sẽ phải gom lại trong một xóm ấp nhỏ, như một trại tập trung. Và dân quê đã chống đối mạnh mẽ. Nay nhà cầm quyền phải tìm cách bảo vệ cả một vùng rộng lớn, thành một khu trù phú đông người.
TT Ngô Đình Diệm có ý định mang dân ở những vùng đông người lên Cao nguyên lập những khu trù mật ở đây. Giáo sư Vũ Quốc Thúc phản bác ý định này, vì ở Cao nguyên nhiều nơi ta tưởng là đất hoang, nhưng phong tục của đồng bào sắc tộc là “làm rẩy”. Họ đốt rừng trồng lúa một vài năm, sau đó họ kéo đi nơi khác, đợi 4,5 năm khi đất đã lấy lại màu mỡ, họ mới trở lại để làm mùa. Đối với họ không phải là đất bỏ hoang, họ vẫn coi đó là đất thuộc quyền sở hữu của họ. Chúng ta phải cẩn thận kẻo gây xung đột với đồng bào Thượng. Đừng quên Cộng sản đang lợi dụng đồng bào sắc tộc,lập ra Mặt trận Dân tộc Thiểu số chống Áp Bức tức FULRO (Front Uni de Lutte des Races Opprimées)
Kế hoạch mà chuyên viên Việt Mỹ đề nghị trong phúc trình Staley/Vũ Quốc Thúc là phải tổ chức những làng hiện hữu thành những Ấp chiến lược. Những Ấp chiến lược, có nơi làm được, có nơi không làm được, chính quyền phải tùy theo điều kiện của mỗi làng, mỗi địa phương để giúp họ tự vệ chống du kích cộng sản. Nếu chỉ chú trọng về hình thức, và dùng quyền lực gom dân sống trong những Ấp chiến lược được bao quanh bằng hàng rào dây thép gai và bãi mìn, thì không thể tranh thủ được lòng dân.
Còn lập những khu trù mật trên cao nguyên là tạo thêm vấn đề chớ không có lợi chi hết. Những ý kiến phản bác của Giáo sư Vũ Quốc Thúc khiến “Ông cụ (tức TT Ngô Đình Diệm) rất bực mình”, do đó ông Nguyễn Đình Thuần -Bộ trưởng Phủ Tổng thống đã nói với Giáo sư Vũ Quốc Thúc “Hiện nay có một cơ hội tôi thấy đối với anh có lẽ tốt lắm là Hoa Kỳ yêu cầu Việt Nam đề nghị một người để được cấp học bổng Eisenhower. Nếu sang Hoa Kỳ, anh vẫn giữ lương giáo sư, lại được học bổng tu nghiệp và có cơ hội gặp nhiều nhân vật quyền thế ở Hoa Kỳ”.
Giáo sư Ngô Quốc Thúc nhận thấy chính phủ Ngô Đình Diệm muốn đẩy ông ra khỏi Việt Nam để ông khỏi chống đối việc thành lập những Ấp Chiến Lược và Khu Trù Mật. Ông Ngô Đình Diệm vẫn muốn bịt miệng những tiếng nói trung thực. Cuối năm 1961 Giáo sư Vũ Quốc Thúc được cử làm Hội viên của Hội đồng Kinh tế Quốc gia, phỏng theo kiểu mẫu Thượng viện Hoa Kỳ. Chủ tịch đương nhiên là Phó Tổng thống (Nguyễn Ngọc Thơ) còn Giáo sư Vũ Quốc Thúc được các Hội viên bầu làm Phó Chủ tịch.
(Còn tiếp)
LÊ QUẾ LÂM