Tưởng niệm Cố GS Nguyễn văn Bông [10-11-1971 / 10-11-2023]
[Học Viện Quốc Gia Hành Chánh tại số 10 Trần Quốc Toản Sài Gòn]
Cánh Hồng Việt Nam
Tác giả Luân Tâm: Kính viếng Giáo sư Nguyễn Văn Bông – Viện Trưởng Học Viện Quốc Gia Hành Chánh Sài Gòn.
Nguyễn Văn Bông vẫn rạng ngời,
Địa-linh nhân-kiệt bên trời Gò-Công,
Nguyễn Văn Bông ! Nguyễn Văn Bông !
Thầy đi đau đớn, triệu lòng nát tan….
Khóc Thầy: hận hải mang mang!
Trời cao xuống thấp để tang, thương Thầy !
Chính danh, đại nghĩa còn đây
Đêm đêm thức giấc, bóng ai giữa trời ?
Hồn thiêng sông núi đón mời
Nặng lòng tổ quốc, nhớ lời ân sư…
Nhớ thương nét mặt hiền từ
Nhớ thương vầng trán suy tư, thanh bình !
Tháng Tư lửa cháy bốn bề,
Nhà tan cửa nát, não nề bảy lăm ( 1975 )
Quỷ ma sát hại dân lành,
Tượng Thầy: chúng đập tan tành dã man!
Môn sinh: xẻ nghé tan đàn,
Tha hương vẫn nhớ khói nhang giỗ Thầy !
Thực như mơ, thực vội vàng!
Nắng cao vời vợi..nắng tan lỗi lầm…
Nguyễn Văn Bông của Việt Nam
Nguyễn Văn Bông của vô vàn tiếc thương !
Quốc Gia Hành Chánh mở đường
Nghìn năm Cấp Tiến giữ hương mộng đầu
Hợp tan bốn biển năm châu
Nhớ Thầy là nhớ sắc màu Tự Do !
Luân Tâm (cựu sinh viên tốt nghiệp Cao Học QGHC )
Hồng: Một loài chim quý, hiếm, to lớn, có sức bay xa ngàn dặm tượng trưng cho người có uy vũ danh nhân, danh sĩ.
Nguồn:http://dactrung.net/phorum/tm.aspx?m=484843
Giáo Sư NGUYỄN VĂN BÔNG
Tài năng, đức độ và bi kịch (2.4.1929 -10.11.1971)
Nguồn:http://www.quocgiahanhchanh.com/nguyenvanbong.htm
Lịch sử nước Việt Nam mình từ ngày xưa được viết bởi những người làm quan, như lời tựa cuốn Việt Nam Sử Lược của cụ Trần Trọng Kim, trước năm 1945.
Cho tới năm 1975 ngoài Bắc, trong Nam sử cũng được viết bởi “những ông quan” của chế độ! Lịch sử Việt Nam nhìn chung là lịch sử chiến tranh giành độc lập, chống lại sự đô hộ của người Tàu mà nói như ngày nay là cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc. Ðến thời Cận Ðại (1802-1945) và đặc biệt thời Hiện Ðại (1945-1975) chiến tranh giải phóng dân tộc, chống thực dân Pháp, bị mang tánh giai cấp, phải chịu sự lãnh đạo của giai cấp vô sản!
Do vậy cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc biến thành cuộc “nội chiến mang tánh giai cấp” làm cho nội bộ dân tộc chúng ta bị phân hóa, chia rẽ và hận thù giữa trong Nam ngoài Bắc, trong nước và hải ngoại. Phân biệt và hận thù người còn sống đến cả người đã chết, hận thù lịch sử, làm cho hàng triệu người phải bỏ nước ra đi! Lịch sử Việt Nam sau năm 1975 được viết lại một cách triệt để với cái nhìn giai cấp, có người chiến thắng và có người thua. Cho nên:
-Những danh tướng như Lê Văn Duyệt, Nguyễn Huỳnh Ðức, Nguyễn Văn Thoại, Trương Minh Giảng… không được nhắc tới, nếu có chỉ là mượn tên tuổi của họ; để mua vui như lễ hội dân gian hơn là lịch sử, kể cả trường hợp Nguyễn Hữu Cảnh!
1. Tháng Giêng năm 1963, đài phát thanh và báo chí Sài Gòn đồng loạt loan tin: Ông Nguyễn Văn Bông, thạc sĩ Công Pháp Quốc Tế vừa về nước theo lời mời của chánh phủ Việt Nam Cộng Hòa, bấy giờ ông Nguyễn Văn Bông chưa đầy 34 tuổi. Nguyễn Văn Bông sanh ra ở làng quê Kiểng Phước, Vàm Láng, bên bờ Sông Xoài Rạp, nơi đây đã từng chứng kiến bao cuộc tranh hùng giữa quân Tây Sơn với quân Nguyễn Ánh. Làng Kiểng Phước có Ðám Lá Tối Trời, địa danh gắn liền với tên tuổi người anh hùng Trương Công Ðịnh, người mở đầu công cuộc kháng Pháp của Nam Kỳ.
Ðến năm 1945 trường trung học Phan Thanh Giản Cần Thơ đóng cửa, Nguyễn Văn Bông về quê Kiểng Phước, rồi lên Sài Gòn theo gương đàn anh Nguyễn An Ninh, Tạ Thu Thâu, Phan Văn Hùm tìm đường đi Pháp để “quyết làm thế nào cho rạng rỡ tổ tông” như lời Nguyễn Văn Bông thường tâm sự với gia đình hồi còn bé.
Nguyễn Văn Bông là một trường hợp gần nhứt với chúng ta.
Ðến Pháp năm 1949, Nguyễn Văn Bông vừa đi làm vừa học thi lấy bằng tú tài, cử nhơn, tiến sĩ rồi thạc sĩ Công Pháp Quốc tế năm 1962. Ông về nước năm 1963 theo lời mời của chánh phủ Việt Nam Cộng Hòa, trong lúc đó có không ít trí thức học xong xin về Hà Nội.
Ðất Gò Công sản sanh ra Quốc Công Phạm Ðăng Hưng, Hào kiệt Lê Quang Liêm có công sáng lập trường Nữ Học Sinh Áo Tím (trường Gia Long sau này), nhà văn Hồ Biểu Chánh người có công khai phá nền văn học quốc ngữ, Giám Mục Việt Nam đầu tiên Nguyễn Bá Tòng, Luật Sư Vương Quang Nhường, Nữ sĩ Manh Manh người mở đầu thơ mới ở Nam Kỳ… đã góp phần hun đúc tinh thần, tạo nghị lực con người Nguyễn Văn Bông lập công lập đức về sau.
Về Gò Công, vào tận ngôi nhà ở làng Kiểng Phước, nơi Nguyễn Văn Bông với người chị Nguyễn Thị Thơm, người em trai Nguyễn Văn Thọ cùng lớn lên với ông bà nội mới thấy hết được cái khởi đầu của Nguyễn Văn Bông là thế nào. Lúc đó ông Nguyễn Hiền Năng, thân sinh ra Nguyễn Văn Bông phải lên tỉnh lỵ Gò Công làm nghề thợ bạc. Gia thế Nguyễn Văn Bông là vậy, trong khi đó hầu hết trí thức xứ Nam Kỳ Lục Tỉnh bấy giờ xuất thân từ gia đình quyền thế. Nguyễn Văn Bông thường tâm sự: “dòng họ không có ai học hành ra gì cả.” Vươn lên thành ông Thạc Sĩ, đâu phải ai cũng làm được như Nguyễn Văn Bông.
2. Những ai may mắn gần gũi với Nguyễn Văn Bông chắc còn nhớ lúc mới về Sài Gòn, còn ở tạm tại một khách sạn nhỏ trên đường Kỳ Ðồng, ông thạc sĩ độc thân, đẹp trai hồn nhiên mặc chiếc áo thun rách 3 lỗ ra tiếp đón bà con bạn bè đến mừng! Nguyễn Văn Bông mộc mạc, thiệt thà, đơn giản, là con người “trước sao, sau vậy”. Rồi ông được mời giảng dạy chánh thức tại Đại Học Luật Khoa Saigon, đến 15 Tháng Mười Một năm 1964 được cử làm Viện trưởng Học Viện Quốc Gia Hành Chánh, Nguyễn Văn Bông vẫn vậy.
Ðối diện với ông trên bộ ghế salon bằng gỗ cũ kỹ tại căn nhà của ông do nhà nước cấp, trước trường Nữ Trung Học Gia Long vào thập niên 70, tôi nói chuyện với ông như người anh em, người đồng hương, người “bạn tri kỷ”, dầu tôi với ông cách biệt tuổi tác và địa vị. Ðó là cái lớn của Nguyễn Văn Bông mà tôi ít tìm thấy nơi những trí thức cũng như chánh khách mà tôi hân hạnh tiếp xúc lúc bấy giờ. Làm Viện trưởng Học Viện Quốc Gia Hành Chánh, nơi đào tạo những con người lãnh đạo đất nước, những ông chủ quận, chủ tỉnh, quan chức cao cấp… nhưng Nguyễn Văn Bông không coi mình là quan chức. Ông trước sau chỉ là người thầy, người anh, người bạn với mọi người kể cả học trò của ông.
Ông Nguyễn Văn Bông từ Pháp về nước lúc tình hình chánh trị ở miền Nam Việt Nam đang trong thời kỳ xáo trộn: 18 trí thức nhóm Tự Do Tiến Bộ bị đàn áp, do ngày 26 Tháng Tư năm 1960 nhóm này cho phổ biến tuyên ngôn yêu cầu chánh phủ cải tổ; Phật Giáo chống lại chánh sách kỳ thị tôn giáo của chính quyền Ngô Ðình Diệm lên cao điểm với vụ tự thiêu của Hòa Thượng Thích Quảng Ðức tại ngã tư Lê Văn Duyệt – Phan Ðình Phùng lúc 11 giữa trưa ngày 11 Tháng Sáu năm 1963…
GS. Nguyễn Văn Bông dầu được chánh quyền mời về, nhưng ông không e dè đăng đàn thuyết trình đề tài “Ðối lập chánh trị trong chế độ dân chủ” ngày 1 Tháng Tám năm 1963, nhân buổi lễ khai giảng năm học, trước cử tọa gồm viện trưởng, khoa trưởng, giáo sư cùng hàng ngàn sinh viên.
Không kể nội dung bài thuyết trình, thái độ của người thầy Nguyễn Văn Bông đã làm cho sinh viên cùng đồng sự của ông nể trọng, kính phục.
Ðó là đức độ kẻ sĩ. Và mấy ai làm được? Ông không chọn thái độ ở ẩn như Phan Văn Trị, từ quan như Vũ Văn Mẫu. Lối xuất sử của Nguyễn Văn Bông làm cho ông trở thành con người nổi trội bấy giờ. Sau Cách Mạng 1 Tháng Mười Một, ông đảm nhận các chức vụ Viện trưởng Học Viện Quốc Gia Hành Chánh, Cố vấn cho Tối Cao Pháp Viện, Ủy viên Hội Ðồng Quản Trị Ngân Hàng Quốc Gia Việt Nam.
Tới lúc này ông Viện Trưởng Nguyễn Văn Bông vẫn thường về quê, tìm món khô “hắc cấy”, món ngon đặc sản Vàm Láng của ông. Nghe ông thích thú kể chuyện con hắc cấy, chuyện làm gỏi da cá đuối mà tưởng chừng đang nói chuyện với lão nông, hay người đánh cá. Cung cách Nguyễn Văn Bông đã thâu hút mọi người và làm mọi người đến với ông. Rồi ông được mời hoạt động, làm chánh trị, bởi anh em thấy ở ông cái đức độ của con người lãnh tụ thật sự, có tấm lòng, có cái Tâm. Ông làm chánh trị như nhà tu hành thiền.
3. Và bi kịch…
Trên đường từ Học viện Quốc gia Hành chánh ở đường Trần Quốc Toản về nhà ở đường Phan Thanh Giản, khi xe tới ngã tư Cao Thắng -Phan Thanh Giản, ông bị kẻ khủng bố ném chất nổ sát hại! Bấy giờ là 12 giờ trưa Ngày 10 Tháng Mười Một năm 1971.
Cô Út Lê Thị Thu Vân Người quê Gò Công, thành hôn với ông Nguyễn Văn Bông tới lúc này được 8 năm, có với nhau hai con 8 tuổi và 5 tuổi!!! Ông Nguyễn Văn Bông ra đi, nói theo tạp chí Newsweek bấy giờ: giới luật pháp quốc tế mất đi một nhơn tài, lịch sử Việt Nam đi vào khúc quanh!
Cái chết của ông Nguyễn Văn Bông, Giáo sư Viện trưởng Học Viện Quốc Gia Hành Chánh, lãnh tụ của Phong Trào Quốc Gia Cấp Tiến, cũng như cái chết của Tạ Thu Thâu, Phan Văn Hùm, Trần Văn Văn tới lúc phải được bạch hóa trước công chúng.
Nguyễn Văn Bông, ông sanh ra nơi đất địa linh, ở đó có Trương Công Ðịnh hy sinh vì đại nghĩa; ông sống trên đường Phan Thanh Giản, tên của người Kinh Lược Sứ lấy cái chết cho ba quân được sống, ông nằm xuống trên đường Cao Thắng, tên của người chiến sĩ trí thức yêu nước…
Nguyễn Văn Bông nằm xuống như một người chiến sĩ hy sinh ngoài mặt trận, xứng đáng được vinh danh. Nguyễn Văn Bông với những gì ở ông đã làm ông trở nên con người tựu nghĩa. Nếu Phan Thanh Giản, Trương Vĩnh Ký với tài năng và sự nghiệp trở thành bi kịch của cuộc đời thì trường hợp Nguyễn Văn Bông, tài năng và đức độ là bi kịch!!!
Little Saigon, 10/11/2006
(Viết nhân ngày giỗ GS Nguyễn Văn Bông)
Trần Văn Chi
Đối Lập Chính Trị
“GS. Nguyễn Văn Bông dầu được chánh quyền mời về, nhưng ông không e dè đăng đàn thuyết trình đề tài “Ðối lập chánh trị trong chế độ dân chủ” ngày 1 Tháng Tám năm 1963, nhân buổi lễ khai giảng năm học, trước cử tọa gồm viện trưởng, khoa trưởng, giáo sư cùng hàng ngàn sinh viên.”…(Trích bài phát biểu của GS Trần Văn Chi nhân ngày giỗ GS Nguyễn Văn Bông Little Saigon, 10/11/2006)
Cụ Phan khi ở Pháp đã khuyên Nguyễn tất Thành là đừng theo thuyết CS, vì thuyết ấy còn mơ hồ, và chưa được thực tế kiểm nghiệm. Thành cho là cụ Phan thủ cựu, lạc hậu. Cụ Phan đã gọi Thành là “tử mã lộc thạch” nghĩa là ngựa non háu đá.
I – Định Nghĩa Và Các Quan Niệm Về Đối Lập
Nói đến Dân Chủ là chúng ta nghĩ ngay đến vấn đề đối lập, mà đối lập là gì? Và được quan niệm như thế nào?
A – Định Nghĩa
Chúng ta đã dùng nhiều danh từ đối lập. Mà đối lập là gì? Thế nào là đối lập? Đứng về phương diện lịch sử mà suy xét, đối lập phát sinh ở sự thực hành chính trị và liên quan đến lịch trình biến chuyển của chế độ Đại Nghị. Nói đến đối lập tức là nói đến cái gì ở ngoài đa số, ngoài chính phủ. Đối lập là khía cạnh nghị viện của vấn đề. Ý niệm đối lập cần phải được phân tích rõ ràng hơn nữa để phân biệt nó với những hiện tượng tương tự. Đối lập có ba đặc điểm: Một sự bất đồng về chánh trị, có tánh cách tập thể và có tính cách hợp pháp.
1. Trước nhất, đối lập phải là một sự bất đồng về chánh trị. Hiện tượng đối lập chỉ có, khi nào những kẻ chống đối có thể tổng hợp lại tất cả những vấn đề được đặt ra, đưa những vấn đề ấy lên một mực độ đại cương và phán đoán theo một tiêu chuẩn chính trị. Có thể có một số đông người dân chận đường chận xá để phản đối một chính sách của chính phủ, có thể có một số đông sinh viên, một đoàn thể văn hóa hay tôn giáo biểu tình đòi hỏi những cái gì. Đành rằng những sự kiện ấy có thể có hậu quả chính trị, nhưng đó không phải là đối lập. Đó chỉ là một sự khước từ, kháng cự hay phản đối. Hiện tượng đối lập chỉ có, khi nào sự khước từ ấy, sự kháng cự ấy, sự phản đối ấy được chính trị hóa.
2. Là một sự bất đồng về chính kiến. Đối lập phải có tính cách tập thể. Trong bất cứ lúc nào, luôn luôn có những người bất đồng chính kiến với chính quyền. Có thể có một thiểu số đông anh em, thỉnh thoảng họp nhau, rồi trong lúc trà dư tửu hậu, bàn quốc sự, có một thái độ chống đối đường lối, chủ trương của chính phủ. Đó là những kẻ chống đối, những cá nhân đối lập. Và những kẻ chống đối ấy có thể có trong chính thể Độc Tài, Cộng Sản. Đó không phải là đối lập.
Đối lập chỉ có khi nào sự bất đồng chính kiến ấy có tính cách tập thể, khi nào nó là kết quả biểu hiện một sự hành động có tổ chức của những kẻ chống đối. Nói đến sự hành động có tổ chức là nghĩ ngay đến chính đảng. Chỉ có đối lập khi nào có một chính đảng đối lập.
3. Là một sự bất đồng về chính kiến có tính cách tập thể, đối lập phải hợp pháp nữa. Có thể vì một lý do gì mà một đoàn thể phải dùng võ lực chống lại chính quyền. Có thể vì một lý do gì mà một chính đảng phải hoạt động âm thầm trong bóng tối. Những hành động ấy, đành rằng nó có tính cách tập thể và kết quả của một sự bất đồng chính kiến, không được xem là đối lập. Những hành động ấy chỉ được xem là những cuộc âm mưu phiến loạn hay kháng chiến, nó không còn là đối lập nữa. Vì đối lập chỉ hoạt động trong vòng pháp luật.
B – Các Quan Niệm Về Đối Lập
Một khi đã ý thức được danh từ “đối lập” và nhận định tầm quan trọng của nó trong cuộc sinh hoạt chính trị, vấn đề then chốt được đặt ra là xác định vị trí của đối lập trong các chính thể. Nếu tinh túy của dân chủ là lòng độ lượng, khoan dung và tự do chính trị, thì lẽ tất nhiên lòng độ lượng, khoan dung và tự do chính trị ấy được thể hiện trên bình diện chính trị, qua những quyền của đối lập và sự hiện diện của đối lập chỉ là kết quả của sự thừa nhận tự do chính trị. Đối lập chỉ có giá trị và hiệu quả trong một chế độ mà triết học chính trị là Dân Chủ Tự Do. Vì đối lập dựa trên tinh thần khoan dung, trên sự chính đáng của bất đồng chính kiến. Vì thừa nhận tính cách tương đối của chân lý chính trị.
Một quan niệm đối lập như thế, dựa trên Chủ Nghĩa Tự Do, Chính Thể Độc Tài không thể chấp nhận được. Trong chính thể này, chính quyền là tất cả, còn đối lập chẳng những vô ích mà còn nguy hiểm nữa. Vô ích vì những nhà độc tài luôn cho rằng ý thức hệ của mình là bất di bất dịch và vai trò của cơ quan công quyền không phải tìm lấy một ý chí đi sát với nguyện vọng của quốc gia mà trái lại chỉ có nhiệm vụ áp dụng mệnh lệnh của chính đảng nắm quyền lãnh đạo. Chẳng những vô ích, đối lập còn nguy hiểm nữa. Nguy hiểm cho sự thực hiện nguyện vọng của quần chúng, vì hành động của đối lập phân ly quần chúng. Bởi thế, đối lập cần phải được thanh trừng và những cái mà người ta gọi là Dân Chủ, quyền tự do công cộng, những lợi khí mà đối lập dùng để hoạt động, lợi khí ấy cần phải được cấm nhặt.
Bị khước từ bởi những chính thể Độc Tài, đối lập chỉ được thừa nhận trong chính thể Dân Chủ, chẳng những trên bình diện triết lý chính trị, đối lập còn được chứng minh qua khía cạnh cuộc điều hành thực tiễn của định chế. Chính sự hiện diện của đối lập phản ảnh tính cách chân chính của ý chí quốc gia. Trong những chế độ mệnh danh là “nhất tề – nhất trí”, trong những chế độ mà người ta chỉ nghe 99 phần trăm, đành rằng không phải không thể có được, nhưng sự vắng mặt của đối lập làm cho người ta lắm lúc phải hoài nghi. Chỉ trên bình diện thực tại, vai trò của đối lập chứng tỏ rằng, mặc dù bị loại ngoài hệ thống chính quyền, đối lập cần có mặt và phát biểu.
Một quan niệm quá ư rộng rãi về Dân Chủ, lẽ tất nhiên – dựa trên một sự đối lập chân thành, xây dựng. Nhưng ý niệm đối lập ngày nay quá biến chuyển. Một hiện tượng mới đã xảy ra, một đối lập, không phải trong chính thể, mà chống chính thể Dân Chủ, một sự đối lập hoàn toàn phủ nhận nguyên tắc Dân Chủ, một sự đối lập về ý thức hệ. Tất cả vấn đề là thử hỏi, trước một sự đối lập như thế, thái độ của chính thể Dân Chủ phải như thế nào. Một vấn đề hết sức phức tạp, tế nhị và trên bình diện quốc tế, những giải pháp bảo vệ chính thể Dân chủ tùy thuộc hoàn cảnh thực tại chính trị của mỗi nước.
Dù sao, để trở lại vấn đề đối lập trong chính thể Dân Chủ, không ai có thể chối cãi tính cách chính đáng của sự hiện diện của đối lập. Nhưng đối lập, chẳng những phải có mặt mà còn phải có thể phát biểu nữa. Mà đối lập phát biểu để làm gì và hành động của đối lập sẽ có tác dụng gì trong guồng máy chính trị quốc gia? Và theo thủ tục nào, dưới hình thức nào, với những bảo đảm nào, đối lập có thể mạnh dạn và thành thực phát biểu ý kiến?
Đó là hai vấn đề cực kỳ quan trọng, vấn đề vai trò của đối lập và vấn đề qui chế của đối lập, hai vấn đề căn bản mà chính thể Dân chủ cần phải giải quyết một cách phân minh để ổn định cuộc sinh hoạt chính trị và để đối lập làm tròn sứ mạng của nó.
II- Vai Trò Của Đối Lập
Trong chính thể Dân Chủ thật sự, hiện diện của đối lập là một điều hết sức chính đáng. Chính đáng vì thừa nhận đối lập tức là thừa nhận tự do chính trị. Chẳng những chính đáng, đối lập lại còn cần thiết nữa. Cần thiết cho phẩm tính, đối lập còn cần thiết cho sự hiện hữu của chính quyền nữa. Trong cuộc sinh hoạt chính trị ổn định, đa số ở đâu ra, chính quyền hiện tại ở đâu ra, nếu không phải là sự kết tinh của sự tranh chấp với đối lập? Trên khía cạnh này, đối lập đóng vai trò căn bản, vai trò hợp tác với chính quyền, đó là hai khía cạnh của vai trò đối lập.
A – Vai Trò, Hạn Chế Và Kiểm Soát Chính Quyền
1- Hạn chế và kiểm soát chính quyền. Đó là một trong những hoạt động cốt yếu của đối lập ở bất cứ lúc nào trong cuộc sinh hoạt chính trị. Trước hết, ở giai đoạn tuyển cử đối lập có mặt, có thể phát biểu ý kiến, đối lập có quyền phủ nhận làm cho chính quyền bỏ bớt thái độ cứng rắn, những chương trình mỵ dân, những hứa hẹn hão huyền. Đối lập chận đứng lại những tư tưởng hẹp hòi, những quan điểm thiển cận, tư tưởng và quan điểm không phải của một chính phủ quốc gia mà hoàn toàn lệ thuộc vào mệnh lệnh của đảng phái.
2- Đối lập bảo đảm tính cách đích xác công khai của những quyết định của nhà nước. Thật vậy, khi mà chúng ta nói đến ý chí của toàn dân, ý chí của quốc gia, cần phải nhận định rằng đó chỉ là ý chí của đa số. Ý chí của đa số là ý chí của quốc gia, cái phương trình ấy chỉ có giá trị khi nào quyết định của đa số được chấp thuận trong một bầu không khí cởi mở, sáng tỏ và tự do. Chính đối lập bảo đảm tính cách đích xác của quyết định của đa số và bắt buộc đa số nắm chính quyền phải tham dự một cuộc tranh luận công khai. Vẫn biết rằng, trong chế độ Tổng Thống hay trong chế độ Đại Nghị mà chính phủ có đa số ở Quốc Hội, đối lập không thể ngăn cản chính quyền hành động theo ý của họ. Nhưng, tự do chỉ trích, đối lập bắt buộc địch thủ phải tiết lộ dự định của họ, những lý do của một quyết định của họ. Và như thế, đối lập bảo đảm rằng, khi một biện pháp hay chính sách được chấp thuận, những lý lẽ chống đối hay bênh vực biện pháp, chính sách ấy, đều được công khai đưa ra dư luận. Vai trò hạn chế và kiểm soát chính quyền, đối lập đảm đương một cách thiết thực hơn nữa trên diễn đàn Quốc Hội.
3 – Với phương tiện nào đối lập đóng vai trò của nó trên bình diện nghị viện? Đành rằng cơ cấu chính phủ nước này không giống nước kia, nhưng trong bất cứ chính thể Dân Chủ nào, người ta cũng tìm thấy từng ấy phương tiện cho phép đối lập phát biểu công khai ý kiến của họ. Trong những lúc bàn cãi và biểu quyết ngân sách quốc gia, sự hiện hữu của đối lập bắt buộc chính quyền bỏ hẳn chương trình mỵ dân, thái độ cứng rắn, và nhứt là chính quyền hết sức dè dặt khi bắt buộc toàn dân phải hy sinh quá độ. Cuộc đối thoại giữa chính phủ và quốc hội – chung qui giữa chính quyền và đối lập – qua những cuộc tranh luận, những câu hỏi, những cuộc tiếp xúc với ủy ban hay giữa phiên họp công khai là những dịp mà các vị Dân Biểu đối lập nói lên những lạm dụng của cơ quan hành chánh, hay nhận được – qua cuộc trình bày của các vị Bộ Trưởng – tin tức về một vấn đề nhất định hay câu trả lời đích xác. Vai trò hạn chế và kiểm soát chính quyền được biểu hiện một cách thiết thực nữa qua nguyên tắc trách nhiệm chính trị. Chúng ta biết rằng trong chế độ Đại Nghị, chính phủ bắt buộc phải từ chức khi đa số ở Quốc Hội biểu quyết chống chính phủ. Yếu điểm này sẽ là một ảo mộng nếu không có một đối lập thực sự.
Vậy qua từng giai đoạn của sự khởi thảo chương trình và trong hành động hàng ngày, chính quyền luôn luôn để ý đến lập trường của đối lập, tự kiểm soát lấy mình và trong việc ấn định kế hoạch quốc gia, lắm lúc phải nhận lấy chủ trương của đối lập. Thái độ này không nhằm làm vui lòng đối lập mà cho toàn dân, vì để ý đến lập trường của đối lập trong việc xác định đường lối chính trị, chính quyền hướng về nguyện vọng của quốc gia.
4 – Hạn chế và kiểm soát chính quyền. Vai trò tối quan trọng này, không phải đối lập luôn luôn đảm đương với tất cả hiệu quả thật sự. Không, vấn đề không phải ở chỗ đó. Vấn đề là ở khía cạnh tâm lý của toàn dân. Vấn đề là mỗi công dân có thể chắc chắn rằng, ngoài Quốc Hội hay trên diễn đàn Quốc Hội, có những người đại diện có thể phát biểu ý kiến của mình, không phải theo đường lối của chính quyền mà khác hẳn chính quyền. Và dù rằng ý kiến không được chấp thuận đi nữa, họ có cảm giác rằng sự kiện ấy do nơi quyền lợi tối cao của quốc gia, chứ không phải vì tính thị hiếu nhất thời, chuyên chế. Cần phải nhận định rằng, đối lập không những là tượng trưng cho một khuynh hướng chính trị, đối lập còn có giá trị tự bản chất nó nữa. Vì chỉ có đối lập và bởi đối lập mà việc kiểm soát của toàn dân mới có tính cách chân thành và hiệu lực trong một chế độ thương nghị, không những hạn chế, kiểm soát chính quyền, đối lập còn cộng tác với chính quyền nữa.
B – Vai Trò Cộng Tác Với Chính Quyền
Cho rằng đối lập cộng tác với chính quyền, đó là một khẳng định có hơi mâu thuẫn. Tuy nhiên chính đó là khía cạnh tích cực của vai trò đối lập. Và chúng ta có thể quả quyết rằng cái lợi của chính quyền là dung túng đối lập.
1 – Qua những cuộc tranh luận trong một bầu không khí cởi mở, những ý tưởng khích động tinh thần, những định kiến bớt phần cứng rắn, những ý kiến được chọn lọc và uy quyền sáng tỏ. Bất cứ một chính quyền nào cũng có khuynh hướng tự giam mình trong tình trạng cô đơn, chỉ nghe lời của đồng chí và lấy quyết định phù hợp với ảo vọng hoang đường qua những nhận xét riêng biệt của mình về thời cuộc. Đối lập có mặt, nhắc lại cho đoàn thể ở chính quyền tính cách phức tạp của thực tại chính trị, đem lại những màu sắc chính trị và đôi khi phản kháng lại những truyền tin báo cáo đơn phương của chính phủ. Qua những hành vi tích cực ấy, chính quyền thâu lượm được những dấu hiệu quý giá về tình trạng tinh thần của dư luận. Chẳng những trong lãnh vực thông tin, vai trò cộng tác với chính quyền của đối lập nổi bật lên nữa qua khía cạnh nghị viện.
2 – Tất cả những công việc thuộc về thiết lập chương trình nghị sự, về những vấn đề cần phải được thảo luận, những dự án ưu tiên, những cuộc tiếp xúc v.v…, tóm lại, vấn đề liên hệ đến việc tổ chức công tác của Quốc Hội, sự thỏa thuận giữa đối lập và chính quyền là điều kiện cốt yếu của một tình trạng chính trị ổn định. Và lịch sử đã chứng minh rằng, trong những trường hợp đặc biệt, trong những tình trạng khẩn cấp, tối cần, trong những trường hợp mà sinh tồn của quốc gia được đặt ra, trong những trường hợp ấy, lịch sử đã chứng minh rằng đối lập từ khước độc lập và lắm lúc lại ủng hộ chính quyền để bảo vệ uy thế của chính quyền lúc phải đương đầu với mọi cuộc ngoại xâm.
3 –Hướng dẫn chính quyền tham gia vào cuộc điều hành công tác Quốc Hội, một sự đối lập có tổ chức, có hệ thống đóng một vai trò cực kỳ quan trọng là chủ trương một chính sách để thay thế cho chính sách chính quyền. Cần phải nhấn mạnh đặc điểm này. Trong những xứ mà tình trạng chính trị chưa ổn định, trong những xứ mà đối lập vắng mặt, người ta luôn luôn lo ngại cho tương lai chính trị quốc gia. Ai sẽ thay thế nhà lãnh tụ hôm nay? Viễn tượng những cuộc cách mạng đẫm máu, những cuộc chính biến, viễn tượng những gián đoạn chính trị đầy hậu quả làm cho cuộc sinh hoạt chính trị kém phần tích cực. Đối lập, trong chính thể Dân Chủ, cho phép Quốc Gia xoay chiều, đổi hướng trong khung cảnh của định chế và không tổn thương đến sự liên tục của cuộc sinh hoạt chính trị. Đối lập là chính phủ của ngày mai, đối lập tượng trưng sự tin tưởng vào định chế quốc gia, đối lập duy trì sự liên tục của chính quyền.
Một sự đối lập hữu hiệu là một lực lượng tích cực. Cần phải nhận định rằng đối lập không phải là lực lượng luôn luôn chống đối chính quyền. Đối lập và chính quyền là hai yếu tố căn bản của thế quân bình chính trị trong chính thể Dân Chủ.
Hạn chế và kiểm soát chính quyền, cộng tác với chính quyền, một khi đã hiểu như thế, vai trò của đối lập, vấn đề được đặt ra bây giờ là thử hỏi trong điều kiện nào đối lập có thể làm tròn sứ mạng của nó trong một bầu không khí khoan dung, khi mà một số quyền hạn của đối lập được xem là bất khả xâm phạm và đồng thời đối lập thông suốt nhiệm vụ của mình. Kê khai những quyền hạn ấy, ấn định nghĩa vụ của đối lập, tức là bàn đến vấn đề quy chế của đối lập.
III – Quy Chế Của Đối Lập
Vấn đề ấn định quy chế của đối lập tùy thuộc mỗi quan niệm riêng về đối lập. Nếu đối lập chỉ được xem là một quyền đối lập, nó chỉ là hậu quả tất nhiên của thể chế chính trị Dân Chủ Tự Do. Đối lập tức là có quyền xử dụng tất cả những tự do hợp pháp. Trái lại, nếu đối lập được đưa lên hàng một chức vụ rất cần thiết cũng như chính quyền, nếu đối lập được xem không phải là một việc bất đắc dĩ, mà là một liều thuốc kích thích chính quyền, thì theo quan niệm này, quy chế chẳng những bảo đảm tự do của đối lập mà còn chú ý tới công hiệu của nó nữa. Tổ chức đối lập, định chế hóa đối lập đó là quan niệm thứ hai của đối lập.
Nhưng dù có được định chế hóa hay không, đối lập để có thể đảm đương vai trò chủ yếu của nó, phải là một đối lập tự do và xây dựng. Nói đến đối lập tự do là phải nghĩ ngay đến quyền hạn của nó; nói đến đối lập xây dựng là nghĩ đến ngay nghĩa vụ của nó.
A – Một Trong Những Quyền Hạn Của Đối Lập
1 -Là quyền không thể bị tiêu diệt. Vì đối lập luôn luôn là một chướng ngại, chính quyền hay có khuynh hướng thừa một cơ hội nào đó, tẩy trừ phần tử rối loạn ấy đi. Vẫn biết rằng, có những lúc, những giờ phút nguy nan, đối lập hoặc tự mình, hoặc thỏa thuận với chính quyền, ngưng hẳn những phê bình hay chỉ trích. Nhưng đó chỉ là im hơi, lặng tiếng; chớ quyền sinh tồn vẫn là quyền tối cao của đối lập. Tiêu diệt đối lập tức là dọn đường cho Chủ Nghĩa Độc Tài. Đối thoại trở thành độc thoại.
2 – Quyền thứ hai của đối lập là quyền phát biểu. Và quyền phát biểu này được thể hiện bởi những cái mà người ta gọi là tự do công cộng. Số phận của đối lập sẽ ra sao nếu đối lập không tự do có ý kiến khác hẳn ý kiến chính quyền, và tự do phát biểu ý kiến ấy trên báo chí và sách vở? Nếu đối lập không được tự do hội họp? Chỉ có đối lập thật sự trong một chế độ mà các tự do này được ấn định và chế tài một cách hợp lý.
Chúng ta có nói rằng thừa nhận đối lập tức là thừa nhận tính cách tương đối của chân lý chánh trị Dân Chủ. Tính cách tương đối này được thể hiện qua sự tự do tuyển cử. Tự do tuyển cử tức là tự do trình ứng cử viên, tự do cổ động và nhất là sự bảo đảm tính cách chân thành của kết quả cuộc bầu cử.
Trên bình diện đại nghị, đối lập cần phải được đặc biệt bảo vệ. Trường hợp Dân Biểu đối lập bị bắt bớ hay tống giam không phải là những trường hợp hiếm có. Vì thế mà quyền bất khả xâm phạm của Dân Biểu là một thực tại.
Những quyền hạn mà chúng tôi đã sơ lược kê khai không phải chỉ dành riêng cho đối lập. Đó là quyền bảo vệ tất cả công dân trong chính thể Dân Chủ. Nhưng phải thành thật mà nhận định rằng tự do phát biểu, tự do tuyển cử, quyền bất khả xâm phạm v.v… là những điều kiện quí giá cho đối lập luôn luôn bị chính quyền đe dọa.
Đó là điều kiện tối thiểu. Một quan niệm cấp tiến đã đi đến chỗ định chế hóa đối lập. Đối lập trở thành một thực thể có hiến tính. Đó là trường hợp của Anh Quốc vậy.
Ở nước Anh, đối lập có một tước vị chính thức “đối lập của Nữ Hoàng”. Và đối lập của Nữ Hoàng có cả chính phủ riêng của họ, một nội các bóng trong Hạ Nghị Viện. Vị lãnh tụ đối lập của Nữ Hoàng là một nhân vật cao cấp đầy uy thế, luôn luôn được mời đến cùng vị Thủ Tướng tham dự những buổi lễ chính thức và luôn luôn được tham khảo ý kiến về những vấn đề chính trị trọng đại. Và xin nhắc lại một điều rất lý thú là “nhà nước lại phải trả lương cho vị lãnh tụ đối lập”.
Nhưng dù sao, định chế hóa hay không, quyền sinh tồn và những điều kiện thuận tiện để tự do phát biểu, chỉ có ý nghĩa khi nào đối lập tin tưởng có quyền nắm lấy chính quyền. Chính sự bình đẳng trong vận hội ấy làm cho cuộc sinh hoạt chính trị thêm phần phấn khởi.
Đối lập có vài quyền hạn để đảm đương vai trò của nó. Nhưng đối lập không phải chỉ có quyền. Một số nghĩa vụ hạn chế hoạt động của đối lập, nghĩa vụ nhằm mục tiêu tôn trọng tinh thần Dân Chủ.
B – Những Nghĩa Vụ Của Đối Lập
Một trong những nghĩa vụ của đối lập là thừa nhận quy luật đa số. Những ai quan tâm đến cuộc bầu cử đều rõ rằng có thể xảy ra trường hợp mà vị Tổng Thống đắc cử hay một chính đảng chiếm đa số ở Quốc Hội trong lúc phiếu của mình lại kém địch thủ thất bại. Nhưng đó chỉ là hậu quả kỹ thuật của luật tuyển cử. Và công lý là một chuyện, mà hợp pháp là một chuyện khác nữa. Trường chính trị là một cuộc tranh đấu công nhận quy luật đa số, tức là thẳng thắn tham gia cuộc đấu tranh bởi đó là luật lệ của nguyên tắc dân chủ.
Nghĩa vụ thứ hai của đối lập là hoạt động một cách ôn hòa xây dựng và có tinh thần trách nhiệm. Những chỉ trích vớ vẩn, những vu khống không có căn bản chính trị của những kẻ tự cho là chính khách, những phê bình chỉ đem lại hoài nghi và bất mãn, đó là những tệ đoan của sự đối lập không xứng đáng với danh hiệu của nó. Vì đâu lại có một hiện tượng bất thường như thế? Ngoài tham vọng cá nhân, hiện tượng này phát sinh từ một hệ thống chính đảng nhất định và liên quan đến khía cạnh ý thức hệ của một vài chính đảng.
Trong một xứ, một hệ thống đa đảng là một thực tại chính trị, khi mà không một chính đảng nào chiếm đa số hay ưu thế trên sân khấu chính trị. Chính phủ luôn luôn là một chính phủ liên hiệp. Mà liên hiệp tức là tập hợp những khuynh hướng mâu thuẫn, dung hòa những chính sách tương phản. Chính cái viễn tượng không bao giờ tự mình chiếm được hoàn toàn quyền và thực hiện những chương trình hứa hẹn làm cho chính đảng thiếu ý thức xây dựng và tinh thần trách nhiệm. Tính cách rời rạc và chia rẽ của đối lập, chỉ biết phá hoại biến đổi hẳn mối tương quan truyền thống giữa đa số và thiểu số. Đối lập không còn là đối lập ngoài và chống chính phủ, đối lập ở đây là đối lập trong chính phủ.
Chẳng những thế, khía cạnh ý thức của một vài chính đảng là nguyên do thứ nhì của sự thiếu tinh thần xây dựng. Đối lập chỉ có nghĩa trong một khung cảnh chính trị nhất định. Nếu chúng ta đồng ý về một nguyên tắc căn bản, nếu chúng ta thừa nhận chủ quyền nhân dân, nguyên tắc phân quyền, tự do chính trị, nếu chúng ta tôn trọng nhân vị, sự độc lập của Thẩm Phán hay quyền tự do phát biểu, thì cuộc tranh chấp chính trị chỉ nằm trên lãnh vực thực tiễn qua những nguyên tắc thứ yếu. Trái lại, nếu đối lập nhằm chống lại, không phải một khuynh hướng chính trị hay một chính sách nhất định, mà chính cả nền tảng của xã hội, nghĩa là chống cả chính thể, thì khẳng định rằng đối lập là chính phủ tương lai không còn giá trị nữa. Vì đặc tính của đối lập về ý thức hệ là chiếm chính quyền để rồi thủ tiêu quyền đối lập.
Trong một tình trạng như thế, trước tình trạng mà đối lập không thi hành nghĩa vụ của nó, những quyền hạn không còn lý do tồn tại nữa. Và “Chính Thể Dân Chủ” cần phải có những biện pháp thích nghi để đối phó. Sa thải những phần tử bất chính trong hành chính, bắt buộc đối lập phải có một chương trình và có năng lực nắm chính quyền trước khi lật đổ chính phủ, sửa đổi luật bầu cử, đặt ngoài vòng pháp luật những chính đảng quá khích, đó là một vài ví dụ cụ thể về biện pháp được áp dụng để bảo vệ Chính Thể Dân Chủ.
IV – Đối Lập Trong Các Quốc Gia Chậm Tiến
Phác họa như thế, vai trò và “qui chế đối lập” trong “chính thể dân chủ” qua sự biến chuyển của ý niệm trong xã hội cận đại, chúng ta không khỏi tự nhủ rằng đó là lý tưởng. Và tự hỏi rằng lý tưởng ấy có phù hợp với những quốc gia trên đường phát triển, với hiện tình những nước vừa thu hồi độc lập.
Thực tại chính trị cho chúng ta biết rằng, đối lập nếu không hoàn toàn vắng mặt, thì chỉ được dung túng một phần nào, một phần nhỏ nào, trong những nước mới này, những nước mệnh danh là Dân Chủ và đồng thời cũng được xem là những chính thể không độc tài. Tại sao lại có một sự kiện oái oăm như thế?
Lý do thứ nhất mà người ta đưa ra là sự đe dọa trầm trọng của độc tài Cộng Sản. Những nước mới này, là những nước bị nạn Cộng Sản đe dọa và có nước đang chiến đấu một mất một còn với Cộng Sản. Dung túng đối lập tức là cho Cộng Sản cơ hội núp sau lá cờ đối lập để phá hoại nền dân chủ. Đối lập Cộng sản là đối lập về ý thức hệ, và chúng ta biết rằng đối lập về ý thức hệ là đối lập chống chính thể Dân Chủ.
Lý do thứ hai là trình độ giáo dục của quần chúng. Người ta cho rằng dân chúng chưa có một trình độ giáo dục về chính trị khá đầy đủ để cho có thể xử dụng một cách hoàn hảo những quyền tự do công cộng. Và như thế, đối lập chỉ có hại vì nó sẽ là bức bình phong của những tham vọng cá nhân của những kẻ không cơ sở chính trị chỉ dựa trên cuộc chính đồ sinh hoạt. Hơn nữa, thì giờ gấp rút, nâng cao mực sống của toàn dân là một việc tối cần, lúc kiến quốc không phải lúc bàn cãi, phê bình hay chỉ trích.
Những lý do mà chúng ta vừa nêu ra rất là chính đáng. Nhưng chính đáng không có nghĩa là phải chấp nhận. Trong lĩnh vực chính trị và xã hội, sự hoàn hảo của một định chế chính trị là kết quả của kinh nghiệm. Làm sao hy vọng một nhận thức khá cao của quần chúng, nếu hôm nay không có học tập hướng về Dân Chủ? Không phải nhất thiết áp dụng tất cả những gì đã có hay đang có ở Tây Phương. Thực tại chính trị xã hội văn hóa của mỗi nước là yếu tố căn bản. Nhưng điều kiện tối thiểu phải có để đối lập được phép khởi đầu và phát triển.
Vả lại, vì thiếu đối lập mà Cộng Sản và những phần tử phản Dân Chủ làm mất chính nghĩa đối lập và lợi dụng khai thác những bất mãn, than phiền của quần chúng.
Vậy để tránh mọi sự ngộ nhận giữa chính quyền và nhân dân, để cho trạng thái tinh thần khủng hoảng của dư luận được thể hiện một cách ôn hòa, để cho phần tử phiến loạn hết cơ hội lợi dụng tuyên truyền và khai thác, vấn đề đối lập tự do và xây dựng cần phải được đặt ra. Và như thế không những trong những nước tiên tiến, mà chính ngay trong những tân quốc gia, công cuộc kiến quốc và cứu quốc, công cuộc xây dựng nền Dân Chủ phải là kết tinh của hoạt động song phương giữa chính quyền và đối lập.
Giáo Sư Nguyễn Văn Bông