Tưởng nhớ cụ Trần Văn Văn

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tưởng nhớ cụ Trần Văn Văn

Cụ Trần Văn Văn sanh ngày 2 tháng giêng năm 1908 tại làng Tân Lộc Đông (gọi là cù lao Cát) quận Thốt Nốt, tỉnh Long Xuyên, con của cụ Trần Võ Duy, tri huyện và bà Lý Thị Hóa, trong một gia đình 5 con. Học tiểu học ở Collège Mỹ Tho và trung học ở Lycée Chasseloup Laubat, Saigon. Năm 1926 vì tham gia bãi khóa nhân đám tang cụ Phan Châu Trinh ở Saigon nên bị đuổi học. Cụ thân sanh gởi qua Pháp để tiếp tục thi xong tú tài. Sau đó tốt nghiệp trường Cao Đẳng Thương Mãi (HEC) Paris và đại học Oxford (Anh quốc). Trở về nước năm 1936, làm việc cho hãng Alcan. Đến năm 1938 cùng với kỹ sư Kha Vạng Cân, thành lập hãng đúc thép đầu tiên ở Việt Nam gọi là Fonderie Cân&Văn tọa lạc tại 165 đường Pétrus Ký, Chợ Quán-Saigon, một cơ sở lớn bật nhứt ở Đông Dương. Kha Vạng Cân làm đô trưởng Saigon-Chợ Lớn thời chánh phủ Trần Trọng Kim, sau tập kết ra Bắc làm Bộ trưởng Bộ công nghiệp nhẹ cho Hồ Chí Minh. Năm 1940 thành hôn với cô Bùi Thị Diệm, cựu nữ sanh trường trung học Marie Curie Saigon, con của ông bà Bùi Quang Sửu ở Long Xuyên; cụ Sửu là em của cụ Bùi Quang Chiêu, người sáng lập ra đảng Lập Hiến năm 1919 và bị cộng sản sát hại năm 1945 cùng với 4 người con, ở Chợ Lớn. Cụ Văn và cụ bà có 3 con.

Kháng chiến dành độc lập:
Cụ bước vào chánh trị vì tham gia kháng chiến chống Pháp để dành độc lập cho nước nhà (bản thảo viết tay trả lời phỏng vấn đài tiếng nói Hoa Kỳ, VOA, tháng 9,1966.) Tháng 5 năm 1945 cụ ra Huế làm Đổng Lý Văn Phòng cho bác sĩ Hố Tá Khanh, Bộ trưởng Kinh Tế trong chánh phủ Trần Trọng Kim (Trần Trọng Kim, Một cơn gió bụi). Sau khi chánh phủ Trần Trọng Kim giải tán, cụ trở về Nam tham gia kháng chiến chống Pháp dành độc lập với tư cách ủy viên kinh tế (Ngô Quang Huy, Nhớ bạn xưa.)

Chánh phủ độc lập đầu tiên của Việt Nam: Cụ hồi cư về Saigon tháng 7 năm 1946. Lúc bấy giờ người Pháp đã trở lại Đông Dương, và hứa trao trả độc lập lại cho Việt Nam. Tháng 7 năm 1949 cụ nhận chức Tổng Trưởng Kinh Tế và Kế Hoạch trong chánh phủ độc lập đầu tiên của Việt Nam do Quốc Trưởng Bảo Đại điều khiển. Lúc đó cụ Trần Văn Tuyên, Bộ Trưởng Thông Tin và Tuyên Truyền mang gia đình từ Hà Nội vào cùng ở chung nhà với gia đình cụ ở Saigon, số 198 đường Chasseloup Laubat (sau nầy là Hồng Thập Tự.) Một thời gian sau, cụ cùng với cụ Phan Khắc Sửu lúc bấy giờ là Bộ Trưởng Canh Nông, từ chức để phản đối chánh sách thực dân trá hình của người Pháp không thực tâm trao trả độc lập cho Việt Nam. Cụ tiếp tục cùng một nhóm thân hữu trong đó có các cụ Trần Văn Hương, Phan Khắc Sửu, Hồ Văn Nhựt, Huỳnh Kim Hữu, Ngô Ngọc Đối, Nguyễn Lưu Viên, Nguyễn Ngọc An tranh đấu cho độc lập, tự do và tiến bộ của nước nhà. Cụ liên lạc chặt chẽ với tất cả các nhân vật, đoàn thể, giáo phái,v.v., nhưng không gia nhập một đảng phái hay một tổ chức nào.

Chánh quyền Ngô Đình Diệm: Năm 1954 ông Ngô Đình Diệm về nước thụ chức Thủ Tướng, có mời cụ tham chánh nhưng cụ từ chối. Tuy nhiên, vào tháng 7/1954 Cụ tham dự Hội nghị Genève về Việt Nam mà ngoại trưởng Trần Văn Đỗ là đại diện của chánh phủ Ngô Đình Diệm. (hồi ký cụ bà Trần Văn Văn.)
Lúc chánh quyền Ngô Đình Diệm mở chiến dịch tiêu diệt các giáo phái và Bình Xuyên, vì biết cụ là người được tướng Lê Văn Viễn, thường gọi Bảy Viễn, thủ lãnh Bình Xuyên, đặc biệt nể trọng, nên ông cố vấn Ngô Đình Nhu yêu cầu cụ cùng ngồi xe qua tổng hành dinh của Bình Xuyên, Cuối 1959, nhận thấy tình thế ngày càng nguy ngập của Miền Nam trước hiểm họa xâm lăng ngày càng rõ rệt của Cộng Sản Bắc Việt, cụ thiết kế hành động để thúc đẩy chánh quyền Ngô Đình Diệm cải tồ.
Cụ ra ý kiến, rồi cùng cụ Trần Văn Hương và bác sĩ Nguyễn Lưu Viên, ba người thảo ra bản điều trần kêu gọi chánh quyền Ngô Đình Diệm cải tổ.
Cụ phối hợp với ông Phan Thông của Việt Nam Quốc Dân Đảng để tổ chức một cuộc biểu tình lớn ở Saigon, và đi thuyết phục 18 nhân sĩ khác, thuộc mọi khuynh hướng và tiêu biểu cho 3 miền đất nước, từng người một, ký tên vào bản điều trần (xem tuyên ngôn tự do tiến bộ.)
Ngày 26 tháng 4 năm 1960 cụ Phan Khắc Sửu và cụ, mang bản điều trần đưa vào Dinh Độc Lập rồi đến khách sạn Caravelle hợp báo. Cụ đề nghị gọi nhóm 18 nhân sĩ ký vào bản điều trần là nhóm Tự Do Tiến Bộ, gọi tắt là Cấp Tiến, để thành tựu đối lập hợp hiến với chánh quyền ( về sau có một phong trào do 2 Gs Nguyễn Văn Bông và Nguyễn Ngọc Huy sáng lập cũng lấy tên là Cấp Tiến).
Ông cố vấn Ngô Đình Nhu gọi mỉa mai nhóm nầy là nhóm Caravelle, để rêu rao đây là thành phần trưởng giả rất xa lạ với nguyện vọng của quần chúng (Từ đó bản điều trần được biết đến như là bản tuyên ngôn Caravelle. Bản dịch tiếng Anh có đăng trong Vietnam Reader của Bernard Fall, và trong The Pentagon Papers. Về sau có một số người mạo nhận đã sáng lập ra nhóm Caravelle, hay đã ra ý kiến hoặc đã đóng góp vào việc soạn thảo bản điều trần. (Xem Nguyễn Ngọc An, chung quanh vụ Caravelle.) Thừa cơ hội nhóm Nguyễn Chánh Thi, Vưong Văn Đông, Phan Quang Đán, Hoàng Cơ Thuỵ, đảo chánh thất bại ngày 11/11/1960, chánh quyền Ngô Đình Diệm ra lệnh bắt giam một số nhân sĩ trong nhóm Tự Do Tiến Bộ gồm các cụ Trần Văn Văn, Phan Khắc Sửu, Trần Văn Hương, Nguyễn Lưu Viên, Huỳnh Kim Hữu, Tạ Chương Phùng, Trần Văn Đổ, Lê Ngọc Chấn, Nguyễn Tăng Nguyên,Trần Văn Tuyên.
Cụ Trần Văn Văn bị giam giữ từ 12/11/1960 đến 7/4/1961, được thả ra cùng lúc với cụ Trần Văn Hương (Trần Văn Hương, Lao Trung Lãnh Vận).
Tháng 7 năm 1963 một tòa án quân sự đặc biệt do đại tá hải quân Phạm Gia Hẹ chủ tọa chánh án đem 18 nhân sĩ của nhóm Tự Do Tiến Bộ ra xét xử. Trong phiên tòa, công tố viện trưng bằng chứng cụ thể để cho thấy chính ông cố vấn Ngô Đình Nhu đã đích thân tổ chức giám thị và lũng đoạn nội bộ nhóm “Tự Do Tiến Bộ” (hay Caravelle) như thế nào. Báo chí Việt Nam đều có đại diện tham dự phiên tòa cùng một số ký giả ngoại quốc trong đó có 2 ký giả Pháp, François Nivolon của nhật báo Le Figaro và Jean Lacouture của tuần báo Le Nouvel Observateur.
Tòa tuyên án tha bổng tất cả các bị can (Đại tá Hẹ sau tháng 4/75 di tản sang Mỹ và mất ở tiểu bang Florida.)

Chế độ quân nhân: Ngày 1/11/1963 một nhóm quân nhân do tướng Dương Văn Minh cầm đầu, đảo chánh. Tổng Thống Ngô Đình Diệm và ông Cố vấn Ngô Đình Nhu bị sát hại. Trong thời kỳ vô cùng hổn độn kế tiếp, Cụ Trần Văn Văn tận lực xây dựng các cơ cấu và thể chế dân chủ cơ bản để ổn định đời sống chánh trị ở miền Nam, và tái lập một chánh quyền dân sự, trong các cương vị sau đây :
– Chủ tịch Hội đồng Nhân sĩ từ 1/1964 đến 4/1964. Hội đồng nầy bị Tướng Nguyễn Khánh giải tán sau một trò gọi là “chỉnh lý”.
– Tổng thư ký Thượng Hội Đồng Quốc Gia từ 23/9/1964 đến 19/12/1964, cơ quan có nhiệm vụ soạn thảo một hiến chương và chỉ định một Quốc Trưởng trong khi chờ đợi tổ chức bầu cử. Tướng Nguyễn Khánh giải tán Thượng Hội Đồng và cô lập cụ lên Kontum 3 tuần.
– Chủ tịch Hội đồng Dân Quân từ 5/7/1966 đến 26/9/1966.
Cụ ứng cử vào Quốc Hội Lập Hiến, chủ trương một chánh quyền dân sự mạnh, chống cộng dứt khoát, phi tôn giáo, dựa trên một nhà nước dân chủ, công minh, tôn trọng dân quyền và mọi tín ngưỡng, chấm dứt nạn quân nhân và giáo hội thao túng chánh trường, để có thể đối phó lại một cách hữu hiệu với hiểm họa cộng sản Bắc Việt xâm lăng. (xem hồi ký cụ bà Trần Văn Văn). Cụ đắc cử dân biểu vào cuối tháng 9/1966.
Trả lời các ký giả ngoại quốc, cụ xác nhận sẽ ra ứng cử Tổng Thống vào năm 1967.

Cộng sản Hà Nội: Ngày 7 tháng 12 năm 1966 trên đường đi vào Quốc Hội, lúc 9g5 sáng, cụ bị ám sát tại góc đường Phan Kế Bính – Phan Đình Phùng.
Có nhiều giã thuyết và tin đồn về âm mưu ám sát nầy. Đài phát thanh Hà Nội lúc đó cực lực phủ nhận mọi trách nhiệm và tuyên bố «mặc dù khác chính kiến, mặc dù không đồng quan điểm chính trị với ông Trần Văn Văn nhưng chúng ta không bao giờ can dự vào việc ám sát ông Văn»
Báo Công An thành phố Hồ Chí Minh số đề ngày 30 tháng 4, 1988, và Báo Lao Động số đề ngày 26 tháng 4, 2006 đăng bài xác nhận ám sát cụ là «chiến công của đội Biệt động Sàigòn» của Cộng sản, với lý do là “nếu để cụ đắc cử Tổng Thống, vì Cụ đã được Mỹ quyết định ủng hộ, thì sẽ rất tai hại cho cách mạng” nghĩa là cho công cuộc xâm chiếm miền Nam của Cộng sản Hà Nội. Tuy nhiên cả 2 bài báo gồm nhiều sai lầm rất thô thiển về một số sự kiện, chứng tỏ đưọc lấy nguồn, không từ hồ sơ của nhà nước cộng sản, nhưng từ những tin tức hành lang và được viết theo lối sách động tâm lý chiến.

Cho những người dốc lòng tạo dựng lại Việt Nam: Cụ được mai táng ở nghĩa trang Mạc Đỉnh Chi, Saigon (đám tang cụ Trần Văn Văn) và sau được cải táng ở cù lao Cát, Thốt Nốt, Long Xuyên năm 1983. Trên phần mộ của cụ ở nghĩa trang Mạc Đỉnh Chi có khắc 2 câu điếu của cụ Đỗ Phong Thuần : “Lo việc cho dân Hiến Pháp sắp thành trên đất Việt,
Bỏ mình vì Nước tinh thần còn sống giữa trời Nam.” Trong mọi hoạt động – trên đường thực nghiệp cũng như trong chánh trường – cụ luôn luôn được thúc đẩy bởi một ý nguyện : làm công dân của một nước Việt Nam độc lập, tự do, tân tiến, phú cường.
Để thực hiện ý nguyện đó, cụ hành động rất thẳng thắng và thiết thực, minh bạch và khẳng khái (thơ tay của cụ Nguyễn Thành Vinh, lãnh tụ Việt Nam Quốc Dân Đảng):
– Tham gia kháng chiến dành độc lập;
– Nhứt trí đối kháng lại mọi chế độ áp bức, độc tài, độc đoán;
– Xây dựng các thể chế và cơ chế nền tảng cho một nhà nước dân chủ, hiện đại, công minh;
– Kiến thiết một nền kinh tế thị trường vững mạnh, hiệu dụng, tân tiến; – Phát huy một tinh thần tiến bộ, cởi mở, tự tin, để đón nhận và quán triết cái hay, cái đẹp của các nền văn minh lớn, nhưng đồng thời bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc và luôn luôn gìn giữ cái tâm hồn Việt Nam, đúng theo lời nhắn nhủ của cụ Phan Bội Châu : “Người Nam quyết giữ hồn Nam Việt,
bóp dẹp mà ta vẫn lại tròn.”

Nguồn : Trang Web Tự Do Tiến Bộ  Trần Văn Bá

https://ongvove.wordpress.com/2020/12/06/tuong-nho-cu-tran-van-van/