Tương lai nào chờ Đinh La Thăng?

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tương lai nào chờ Đinh La Thăng?
Ông Đinh La Thăng khi còn làm Chủ tịch HĐTV PVN năm 2010
Ông Đinh La Thăng khi còn làm Chủ tịch HĐTV PVN năm 2010
Ngày 8/12/2017 cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam Phó trưởng ban Kinh tế Trung ương Đinh La Thăng, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị với cáo buộc tội cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng khi ông còn là Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.

Tội gì?

Một nhà quan sát chính trị Việt Nam nói với Đài Á Châu Tự Do rằng tương lai án phạt mà ông Đinh La Thăng phải chịu phụ thuộc vào hai điểm trong quyết định truy tố ông Thăng là tội cố ý làm trái quy định nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng và điều tra về tham nhũng.

Từ Hà Nội, Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp, nhà quan sát chính trị thuộc Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS) ở Singapore nhận định.

Hà Hoàng Hợp: Nếu chỉ dính đến tội cố ý làm trái thì không bị xử tù quá 20 năm theo luật hình sự Việt Nam vào năm 2009. Còn theo luật hình sự năm 2015 sẽ có hiệu lực vào ngày 1/1/2018 thì cái bộ luật ấy không còn tội cố ý làm trái. Nhưng bắt vào thời điểm bây giờ là ngày 8/12, thì dù có điều tra bao lâu đi chăng nữa thì họ vẫn  phải xử theo tội này (làm trái quy định) vì luật vẫn có hiệu lực. Thế nhưng trong thông báo tạm giam có hai cụm từ họ giấu đi ở đằng sau là tham ô và nhận hối lộ thì cả hai tội này có khung án cao nhất là tử hình. 

Theo Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp, trong thông báo khởi tố bắt tạm giam ông Thăng, tội danh được nhấn mạnh chính là tội làm trái quy định nhà nước.

Theo quyết định được thông báo hôm 8/12, ngoài tội cố ý làm trái, ông Đinh La Thăng còn bị điều tra trong vụ án tham nhũng ở Tổng công ty xây lắp dầu khí (PVC) gây thiệt hại gần 3,300 tỷ đồng. Đây là một trong số những vụ án tham nhũng được nói đến nhiều nhất trong năm 2017 liên quan đến ông Trịnh Xuân Thanh, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị PVC, nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Hậu Giang.

Tội danh của ông Thăng được nêu ra trong kết luận bao gồm gây thất thoát 800 tỷ đồng khi góp vốn vào ngân hàng Đại Dương, một trong 12 vụ đại án được xét xử trong năm qua, và chịu trách nhiệm là người đứng đầu khi để xảy ra những sai sót tại PVC.

Trước khi ông Thăng bị bắt, Thường vụ Quốc hội Việt Nam đã bỏ phiếu thông qua nghị quyết đình chỉ tư cách đại biểu Quốc hội đối với ông Thăng, có nghĩa là tước bỏ quyền miễn trừ truy tố đối với ông.

Cùng lúc với bị việc bị bắt giam và truy tố, ông Thăng cũng bị đình chỉ sinh hoạt đảng.

Ông Thăng là trường hợp ủy viên trung ương đảng, nguyên ủy viên Bộ Chính trị đầu tiên bị bắt giam và truy tố về tội kinh tế. Theo Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp, các trường hợp ủy viên trung ương và Bộ Chính trị trước đó bị kỷ luật không giống như trường hợp của ông Thăng và chủ yếu liên quan đến các vụ án an ninh chính trị và tư tưởng.

Bước cuối cùng

Việc truy tố và bắt giam ông Đinh La Thăng vào lúc này có thể không phải là quá ngạc nhiên đối với những người theo dõi tình hình chính trị Việt Nam thời gian qua.

Vào tháng 5 năm nay, tại Hội nghị trung ương 5, trên 90% ủy viên trung ương đã bỏ phiếu thi hành kỷ luật ông Đinh La Thăng bằng hình thức cảnh cáo và cho thôi giữ chức ủy viên Bộ Chính trị khóa 12.

Vào thời gian vụ án PVC được đưa ra cùng với việc Trịnh Xuân Thanh bỏ trốn sang Đức và sau đau đó bị bắt về Việt Nam hồi tháng 8 năm nay, đã có nhiều đồn đoán về khả năng ông Thăng, nguyên là cấp trên của ông Thanh ở dầu khí sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Blogger Osin Huy đức, người đã có nhiều bài viết về Đinh La Thăng trên facebook cá nhân được nhiều người theo dõi hồi tháng 9 viết rằng: “Nếu các cơ quan pháp luật muốn làm tới nơi thì quy mô của vụ án không chỉ xảy ra ở PVC mà là ở PVN, vấn đề không phải là Thuận hay Thanh mà là Thăng”

Vũ Đức Thuận nguyên là Tổng Giám Đốc PVC, người cùng bị khởi tố với Trịnh Xuân Thanh và 3 lãnh đạo chủ chốt khác của công ty vì tội tham nhũng hồi tháng 9 năm ngoái. Tính cho đến lúc này đã có tới hơn 20 lãnh đạo thuộc ngành dầu khí bị khởi tố vì liên quan đến các cáo buộc về tham nhũng.

Cùng ngày khi ông Thăng bị bắt, Cơ quan An ninh Điều tra, bộ Công an cũng đã ra quyết định khởi tố bị can đối với ông Nguyễn Quốc Khánh, nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên, nguyên bí thư đảng ủy PVN về tội cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý gây hậu quả nghiêm trọng.

Khoảng 2 tuần trước khi ông Thăng bị bắt, tại Hà Nội, Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng đã họp và xác định sẽ sớm giải quyết vụ án ở PVC trong thời gian tới, mà cụ là xét xử Trịnh Xuân Thanh vào tháng 1 năm 2018.

Điều đáng chú ý là sau khi bị kỷ luật cảnh cáo và mất chức, ông Thăng được điều về làm Phó trưởng ban kinh tế trung ương làm dư luận thắc mắc tại sao ông Thăng vẫn chưa bị điều tra khởi tố. Tại sao đến lúc này cơ quan công an mới khởi tố và bắt tạm giam ông Thăng? Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp nhận định.

Hà Hoàng Hợp: người ta làm lâu thế là vì có nhiều nguyên nhân, vì họ phải cân nhắc các mối quan hệ bên trong nội bộ, chủ yếu là họ tìm đủ các bằng chứng để dẫn đến vụ bắt bớ này. Điều này nói lên rằng hệ thống tư pháp Việt Nam đã cân nhắc một cách khá thận trọng mọi thứ thế nhưng cũng cần phải nói là hệ thống tư pháp của Việt nam cũng như tất cả các hệ khác đều nằm dưới sự lãnh đạo tuyệt đối của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Theo tiến sĩ Hà Hoàng Hợp chính vì lý do đảng lãnh đạo tuyệt đối mà thông báo kỷ luật của ông Thăng không nhấn mạnh về vấn đề tham nhũng mà chỉ tập trung vào tội cố ý làm trái. Ông cũng nhận định có nhiều khả năng sau Thăng sẽ còn một số những lãnh đạo cao cấp khác có thể bị bắt.

Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban chỉ đạo chống tham nhũng trung ương là người đã phát động chiến dịch chống tham nhũng rầm rộ từ hồi giữa năm ngoái. Ông cũng nói đến sự mất lòng tin của người dân vào đảng vì vấn đề tham nhũng. Tuy nhiên theo Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp việc bắt một quan chức cấp cao trong đảng như ông Thăng trong một vụ án tham nhũng không có nghĩa đảng sẽ lấy lại được niềm tin vì niềm tin đã mất thì có lấy lại cũng rất khó và phải lấy lại bằng cách khác.

Việt Hà

(RFA)