Tuổi thọ nhân loại có thể đã chạm đỉnh ?

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tuổi thọ nhân loại có thể đã chạm đỉnh ?

RFI

Minh Anh
Đăng ngày 06-10-2016
media
Bà Jeanne Calment, người Pháp, qua đời năm 1997, thọ 122 tuổi.wikimédia

Tuổi thọ con người đã được cải thiện nhiều trong suốt thế kỷ XX, nhưng có lẽ đã chạm ngưỡng, theo như một nghiên cứu khoa học được công bố trên tạp chí khoa học Nature của Anh ngày hôm qua, 05/10/2016.

Qua khảo sát tuổi thọ tối đa tại 40 quốc gia, nhóm nghiên cứu người Mỹ, do ông Jan Vijg hướng dẫn, nghĩ rằng : « Các kết quả nghiên cứu gợi ý cho thấy tuổi thọ tối đa của loài người là cố định và lệ thuộc nhiều vào những ràng buộc tự nhiên. » 

Đây không phải là lần đầu tiên các nhà khoa học quan tâm đến chủ đề này. Năm 2014, một nghiên cứu của Pháp đã chỉ ra mức trần tuổi thọ ở những vận động viên chuyên nghiệp cũng như ở những người được gọi là « siêu trăm tuổi » (tức trên 110 tuổi). Tuy nhiên cho đến giờ, chưa có một ai bằng hay vượt qua kỷ lục do một người Pháp nắm giữ là bà Jeanne Calment, qua đời năm 1997 thọ 122 tuổi.

Nghiên cứu những người « siêu trăm tuổi » sống tại 4 quốc gia Pháp, Nhật Bản, Anh quốc và Hoa Kỳ, các nhà khoa học Mỹ đã khám phá là tuổi đời tối đa ở thời điểm mất đã tăng vọt trong giai đoạn 1970-1990 trước khi chạm ngưỡng vào năm 1995.

Sau cột mốc đó, tuổi đời tối đa bắt đầu giảm nhẹ dần, theo trình tự 0,38 tuổi/ năm trong giai đoạn 1995-2006. Theo giải thích của ông Brandon Milholland, một tác giả trong nhóm nghiên cứu với AFP, « những vị cao niên chết trong độ tuổi 115 và chúng tôi dự đoán điều này sẽ phải thay đổi trong một tương lai có thể đoán trước được ».

Ông cũng không loại trừ khả năng một ai đó có thể sống thọ hơn nhưng cơ may một người sống đến 125 tuổi là hầu như không tồn tại với xác suất là chưa tới 1/10.000.Bên cạnh đó, các nhà khoa học đánh giá cao việc cải thiện các điều kiện y tế, giúp hạn chế tỷ lệ tử vong ở trẻ nhỏ và làm tăng số người có tuổi thọ trung bình trên mức 70 tuổi.

Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu nhìn nhận là kết quả của họ chỉ là một sự « gợi ý, là tuổi đời nhân loại có một giới hạn tự nhiên nhưng chưa thể chứng thực được ». Từ kết quả này, ông Jan Vijg, trưởng nhóm nghiên cứu cho rằng : « Nhiều tiến bộ mới trong công cuộc chống lại các bệnh nhiễm khuẩn và mãn tính rất có thể sẽ giúp kéo dài tuổi thọ trung bình nhưng chưa hẳn là tuổi đời tối đa. »

Để kéo dài tuổi thọ con người vượt trên ngưỡng 125 tuổi, có lẽ sẽ phải cần đến các « tiến bộ trị liệu » có khả năng « làm chủ nhiều bộ gien khác nhau, những bộ gien dường như quyết định đến tuổi đời con người ». Do đó, nhà khoa học Milholland cho rằng « với tư cách là một nhà khoa học, bổn phận của chúng tôi là nói lên sự thật, cho dù điều không dễ chịu chút nào ». Theo ông, những người đang trong quá trình tìm kiếm một sự bất tử « sẽ tiếp tục đặt niềm tin của họ vào công nghệ chứ không phải là những khám phá » để vượt qua các ngưỡng hiện nay.