“Tức nước, vỡ bờ“ – Hồng Trung
Những ngày còn lại của cuối tháng 3-2014, trên khắp ba miền Trung- Nam- Bắc xảy ra hàng loạt những vụ biểu tình với qui mô lớn và xung đột: một bên là người dân, một bên là lực lượng công an, cảnh sát cơ động của nhà nước
– Ngày 27-3-2014: Tại Dương Nội – Hà Đông – Hà Nội
– Ngày 28-3-2014: Tại Phan Rang – Ninh Thuận
– Ngày 29-3-2014: Tại Quỳnh Lưu – Nghệ An
– Ngày 29-3-2014: Tại Vũng Áng – Kỳ anh – Hà Tĩnh
Tất cả các sự kiện trên hầu như không được đăng tải trên các trang báo “lề phải” hay chương trình phát thanh thời sự địa phương trong cả nước. Có lẽ đây là nguồn thông tin được gọi là “nhạy cảm“, có thể ảnh hưởng xấu đến bộ mặt nhà nước CHXHCN Việt Nam và gây bất lợi cho giới cầm quyền CSVN, mặc dù sự vụ đó xảy ra giữa thanh thiên bạch nhật trên con đường huyết mạch quốc lộ số 1A, gây ách tắc giao thông trong nhiều tiếng đồng hồ.
NGUYÊN NHÂN
Thông thường các vụ tranh chiến hay xung đột xảy ra khi quyền lợi vật chất hoặc quyền lợi tinh thần của một trong hai phe bị xâm phạm. Một bên đấu tranh để bảo vệ hay đòi lại những gì đã mất và một bên cố chiếm lấy cho bằng được. Phương diện đấu tranh có thể là khiếu kiện tranh tụng bằng pháp lý, cũng có thể là sự thỏa thuận giữa hai bên như quan hệ mua bán sòng phẳng đề- huề, hoặc là tranh chiến bằng sức mạnh vũ lực.
Những người nông dân, đại đa số có tâm lý “an phận thủ thường“ với những mong ước bình dị là có được cuộc sống bình yên trên mãnh đất quê hương mà tổ tiên họ trải qua bao đời chắt chiu để lại. Dù cuộc sống lam lũ, thu nhập không cao, nhưng họ cũng có cái niềm hạnh phúc riêng với cảnh thú điền viên và hòa mình trong cộng đồng bà con làng xóm thôn quê cùng với tập quán tín ngưỡng, tôn giáo của mình. Chiến tranh đi qua, đã lấy mất của họ rất nhiều về tài sản và con người. Chính vì thế ai ai cũng rất ghét chiến tranh và yêu chuộng hòa bình. Những người dân – họ không dại gì vô cớ chủ động gây hấn xung đột với bất kỳ ai, nhất là gây hấn với chính quyền nhà nước.
Chiến tranh chấm dứt, nông dân là giai tầng cuối cùng chiếm đại đa số thành phần trong xã hội Việt Nam. Họ đáng được nhà nước ưu tiên nhiều mặt, bằng những chính sách an sinh xã hội để thúc đẩy phát triển kinh tế, cân bằng đối trọng với kinh tế thành thị, làm giảm chỉ số phân hóa giàu nghèo giữa nông thôn và thành thị . Nhưng ngược lại, những cái dự án của nhà nước được phong cái danh là “ dự án phát triển kinh tế “, đã tác động bất lợi đến cuộc sống, đảo lộn kế mưu sinh, xâm hại đến lợi ích của cả cộng đồng. Và đây cũng chính là cái điểm nguyên nhân gây nên những vụ tập trung đông người biểu tình chống lại chính quyền nhà nước liên tiếp hàng loạt xảy ra trong những ngày qua, trên khắp nhiều nơi.
NHỮNG DỰ ÁN GÂY MÂU THUẨN
Tại Ninh Thuận, mâu thuẫn giữa người dân và chính quyền liên quan đến dự án khai thác Titan đã tồn tại từ lâu. Chủ khai thác mỏ Titan này là một người phụ nữ Trung Quốc, thông qua công ty TNHH Quang Thuận. Quá trình khai thác sẽ lấy đi hết nguồn nước ngầm và gây ô nhiễm môi trường trên bình diện rộng. Tiếng kêu của nhu cầu cấp thiết cuộc sống người dân không được đáp ứng từ phía giới chức lãnh đạo chính quyền. Mâu thuẫn đến đỉnh điểm và dẫn đến cuộc nổi dậy của người dân kéo về UBND tỉnh áp lực phản đối. Ngày 27-3-2014, chính quyền Ninh Thuận buộc phải ra quyết định chấm dứt việc khai thác Titan, nhưng bắt giam 6 người trong số họ. Sáng ngày 28-3-2014, người dân Ninh Thuận tiếp tục xuống đường biểu tình đòi thả người và chống trả quyết liệt đẩy lùi sự trấn áp của lực lượng công an và Cảnh sát Cơ động.
Tại Vũng Áng – Hà Tĩnh, khoảng ba đến bốn ngàn người dân trương biểu ngữ, dựng lều biểu tình phản đối việc cưỡng chế cho một dự án mà theo họ là cưỡng chế đã vi phạm pháp luật hiện hành và xem nhẹ quyền lợi thiết thực của người dân. Từ những uất ức dồn nén trong lòng khi nhà cầm quyền có thói quen sử dụng bạo lực, người dân nơi đây đã đoàn kết, đồng tâm hiệp lực chống trả quyết liệt khiến chính quyền phải rút lui
Hàng ngàn người dân Quỳnh Lưu -Nghệ An, đổ ra đường ngăn cản các phương tiện máy móc đang chuẩn bị triển khai giải tỏa hành lang quốc lộ 1A. Lý do ngăn cản là sự đền bù của nhà nước không thỏa đáng, không công bằng, gây thiệt hại phần nhiều về phía dân. Vì thế, trước sức ép của chính quyền, lực lượng đông đảo của công an, họ bất chấp và liên thủ đấu tranh đòi sự công bằng.
Tại Dương Nội – Hà Nội, bà con nhân dân nơi đây cũng rất bức xúc, phẩn nộ trước hành động cưỡng chế ngang ngược, trái luật của chính quyền địa phương, lấy đất của nhân dân giao lại cho đơn vị tư nhân xây dựng. Họ đã trả giá cho sự quyết tâm bảo vệ đất bằng cả máu và giam cầm. Tối ngày 28-3-2014, bà con nhân dân kéo đến trụ sở công an Hà Đông,yêu cầu thả hai người trong số họ đang bị công an bắt cóc và giam giữ
Thiết nghĩ, những dự án phát triển kinh tế cho một đất nước cũng là điều cần nên có trong kế sách nhà nước, nhưng trước khi giới chức lãnh đạo đặt bút phê duyệt, phải cần nghĩ đến lợi ích thiết thực trước mắt của người dân bản địa, lợi ích quốc dân và đặt lợi ích đó lên trên lợi ích nhóm và lợi ích của nhà đầu tư doanh nghiệp. Với chế độ đất đai “sở hữu thuộc sở hữu toàn dân“, mà quyền quản lý lại thuộc về các quan chức vùng miền, địa phương, trên thực tế này là thời cơ các nhóm quan chức tham nhũng. Những dự án nhân danh là “phát triển kinh tế, qui hoạch đô thị” các quan tham được quyền tha hồ thu hồi đất, định giá đất, đền bù rẻ mạt theo ý muốn của họ. Đối với người dân, đây là hành động ngang ngược, tráo trở với công dân trong thời buổi gọi là ổn định hòa bình. Mảnh đất do mình tạo lập hợp pháp hoặc từ cha ông để lại bỗng nhiên bị tước đoạt thu hồi, được đền bù với giá rẻ mạt không đủ bằng 50% giá trị đích thực thì làm sao người dân không vác đơn đi khiếu kiện hành chính. Mà khiếu kiện hành chính là tranh chấp với chính quyền, là kẻ “vừa đá bóng, vừa thổi còi“, thì làm sao phần thắng thuộc về họ. Mất nhà, mất đất thường kéo theo là mất việc, thất nghiệp, bần cùng. Số đông những người đi khiếu kiện lên cấp nhà nước lang thang khắp chốn đô thành Sài Gòn, Hà Nội, liên kết lại thành hiệp hội dân oan để khiếu kiện tập thể. Đó cũng là là biện pháp đấu tranh bất đắc dĩ để bảo vệ cho sự sống còn của họ một cách có hữu hiệu. Họ đi tới đâu cũng có bóng dáng công an. mật vụ mang còng 8 và dùi cui điện theo dõi. Những tội danh hình sự :”Gây rối trật tự công cộng”, “chống người thi hành công vụ, kích động xúi giục….” luôn luôn rập rình trên đầu họ.
“Tức nước, vỡ bờ“ – Kịch bản được trích trong tác phẩm Tắt Đèn của Ngô Tất Tố đã được tái hiện lại trong những ngày vừa qua tại Ninh Thuận, Nghệ An, Hà Tĩnh và Hà Nội. Một khi những người dân hiền hòa chất phác bị lâm vào bước đường cùn và không còn tin tưởng vào công lý trong nền pháp quyền XHCN của Đảng CSVN thiết lập. Họ chứng kiến những “ Chị Dậu “ dân oan đi khiếu kiện chính quyền bằng giấy tờ pháp lý vừa tốn công, tốn sức mà chẳng đem lại kết quả gì. Vì thế, họ liên kết lại thành nhiều Chị Dậu đứng lên đấu tranh tự phát, chống trả lại cái thói cường quyền hung bạo của những tên cai lệ, lý trưởng CS thời đại @. Đó cũng là một phương cách đấu tranh bất đắc dĩ khi ho không còn cách nào để bảo vệ những gì thuộc về mình.
“Nơi nào có áp bức, nơi đó có đấu tranh“. Câu nói của ông tổ ngành CS, đó cũng là chân lý thực tiễn và câu nói cũng tương đồng theo định luật III vật lý học của New- Tơn. “ Khi ta tác động hoặc nén đè lên một vật một lực, thì ta sẽ bị đáp trả lại một lực từ vật ấy có cùng độ lớn “
Trong văn học Viêt Nam ngày nay thường lên án các quan lại,lý trưởng, cai lệ thời xưa và cổ vũ cho tinh thần đấu tranh của Chị Dậu. Theo dòng văn học hiện thực phê phán , thì chúng ta cũng có quyền lên án, các quan chức của chính quyền CS thời nay và cổ vũ ủng hộ tinh thần đấu tranh của các các đồng bào Ninh Thuận, Vũng Áng, Nghệ An và Dương Nội vừa qua.
Viết từ Gia Lai (VN) ngày 2-4-2014
Hồng Trung (ĐVDVN)
Nguồn: www.dangvidan.net