Từ vụ ‘trảm’ tướng Việt nhìn tới vụ giảm 60 tướng Anh

Cac Bai Khac

No sub-categories

Từ vụ ‘trảm’ tướng Việt nhìn tới vụ giảm 60 tướng Anh

VOA Blog – Nguyễn Hùng

Tướng quân đội chụp hình cùng các lãnh đão một thời của Việt Nam: Trương Tấn Sang, Nguyễn Phú Trọng, Nguyễn Tấn Dũng.

Việt Nam vừa tuyên bố kỷ luật hai tướng quân đội gồm Thượng tướng Phương Minh Hoà, nguyên Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị và nguyên Tư lệnh Quân chủng Phòng không – Không quân và Trung tướng Nguyễn Văn Thanh, nguyên bí thứ đảng uỷ và nguyên Chính uỷ trong cùng quân chủng vì các sai phạm liên quan tới đất đai. Trong cùng giai đoạn, hai tướng công an thậm chí còn bị xử lý nặng hơn với việc giáng cấp bậc hàm.
Tướng Hoà bị Uỷ ban Kiểm tra Trung ương buộc tội “trực tiếp ký một số văn bản sử dụng đất vào mục đích kinh tế, liên doanh, liên kết không đúng quy định” theo báo Pháp Luật thành phố Hồ Chí Minh.
Tướng Thanh bị cho là đã “xét duyệt danh sách hưởng chính sách nhà ở, đất ở của quân đội, trong đó có một số trường hợp không đúng đối tượng theo quy định”.
Các sai phạm này xảy ra trong giai đoạn 2010-2015 khi mà số tướng lĩnh trong quân đội Việt Nam lên tới gần 500 so với con số chưa tới 40 của năm 1975, như một đại tá công an viết trên BBC.
Chỉ riêng trong nhiệm kỳ chủ tịch nước của mình từ 2011-2016, ông Trương Tấn Sang đã thăng hàm tướng cho gần 140 đại tá quân đội và cho hơn 90 đại tá công an. Đó là chưa kể số khoảng 70 sĩ quan cấp thiếu tướng, trung tướng và thượng tướng được thăng hàm trong cùng giai đoạn.
Đây cũng chính là giai đoạn mà tại Anh, nước được xem là có quân đội mạnh trên Việt Nam hơn 10 bậc trong bảng xếp hạng quân đội các nước, bắt đầu giảm số tướng trong quân đội.
Kết quả là tới cuối năm 2017, số tướng trong quân đội Anh chỉ còn 85 so với con số 141 của năm năm về trước theo Tổng tham mưu trưởng Tướng Sir Nick Carter.
Truyền thông Anh cũng đưa ra con số khoảng 300 tướng của Hoa Kỳ, nước có quân số lớn gấp năm lần quân đội Anh để chứng minh cho tính chính đáng của việc giảm 40% số người hưởng lương có thể tới mức trên 100,000 bảng Anh trong mấy năm qua.
Lực lượng bộ binh Anh cũng giảm mạnh theo kế hoạch 10 năm tới 2020 và giờ chỉ còn trên 80.000 lính so với trên 100.000 hồi năm 2010. Ngân sách của quân đội Anh thực tế đã giảm chừng 18% trong giai đoạn 2010-2015 và chỉ tăng lại trong hai năm gần đây.
Anh từng gửi quân cùng lúc tới cả Iraq và Afghanistan nhưng những thay đổi căn bản nhằm đối phó với mức tăng tối thiểu cho ngân sách trên 50 tỷ đô mỗi năm sẽ khiến cho quân đội Anh chỉ còn là quân đội “một trận”, theo các chuyên gia. Điều này có nghĩa là Anh chỉ còn khả năng tham gia một cuộc chiến một và nếu mắc sai lầm trong cuộc chiến đó sẽ khó còn cơ hội sửa chữa.
Mặc dù ngân sách không tăng đáng kể, Anh hiện vẫn đứng thứ năm về chi tiêu quốc phòng sau Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nga và Arab Saudi.
Quân đội Anh hàng năm đều ra báo cáo hàng trăm trang nêu rõ các khoản chi tiêu và lương bổng của các quan chức cao cấp trong quân đội. Theo báo cáo cho năm tài khoá 2016-2017, bộ trưởng quốc phòng hưởng lương trên 67.000 bảng, không tăng so với năm tài khoá trước đó trong khi số tiền ngân sách đóng vào quỹ hưu của ông này giảm xuống còn 18.000 bản so với mức 27.000 bảng của năm tài khoá trước. Mức lương trung bình ở London là gần 40,000 bảng.
Cũng theo báo cáo mới nhất, số người hưởng lương công chức cao cấp bậc 1, vốn có thang bậc lương từ 64.000-117.800, giảm 40 người xuống còn 210. Anh không có chế độ lính nghĩa vụ như Việt Nam và họ tuyển dụng lính như các công ty tuyển nhân viên. Theo một báo cáo của Hạ viện Anh, hơn nửa quân chính quy của Anh có tuổi đời dưới 30 và 10% trong số quân chính quy là nữ.