Tự ứng cử Quốc hội: ‘niềm hy vọng cho VN’
Theo BBC – 26 tháng 2 2016
Đã và đang xuất hiện một phong trào tự ứng cử bởi các ứng viên độc lập vào Quốc hội và Hội đồng Nhân dân các cấp trên toàn quốc ở Việt Nam.
Nếu trong số này có người trúng cử, thì ‘phép thử’ này không chỉ có ý nghĩa với cá nhân các ứng viên, mà còn là một ‘niềm khích lệ’ để những cuộc bầu cử sau ‘tốt hơn nữa’, theo ý kiến của khách mời tham dự Bàn tròn Thứ Năm của BBC, PGS. TS. Hoàng Ngọc Giao, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách, Pháp luật và Phát triển.
Các ứng cử viên tự do này nếu không có điều kiện tiếp xúc với nhiều cử tri, thì họ có thể nên vận động và tiếp xúc qua mạng, đó là lời khuyên và ‘nhắn nhủ’ của cựu Đại biểu Quốc hội, Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Việt Nam.
Dự đoán về kết quả đắc cử của các ứng viên tự do tự ứng cử, Giáo sư Thuyết nói với BBC:
“Tôi chắc rằng trong số các vị tự ứng cử lần này, trong số đông, thì thế nào cũng sẽ có người trúng cử, chứ hoàn toàn không có ai thì tôi cũng không tin.”
Quý vị cũng có thể theo dõi toàn văn cuộc tọa đàm trên kênh Youtube của BBC Việt ngữ hôm 25/2/2016 với chủ đề Phong trào Tự Ứng cử và Quốc hội ở Việt Nam tại địa chỉ sau đây: http://youtu.be/socMFYAIzI8
Con số ngoài Đảng
Về tác động của phong trào tự ứng cử đối với bầu cử Quốc hội và Hội đồng Nhân dân các cấp ở Việt nam, PGS. TS. Hoàng Ngọc Giao nhận xét:
“Trước hết chúng ta cần phải nhìn vào cái hạn mức sẽ được bầu, những người ngoài Đảng là 50 người, như vậy phần lớn những người tự ứng cử theo tôi biết là những người ngoài Đảng. Đấy là việc thứ nhất.
“Cái thứ hai là việc tự ứng cử như vậy, và con số là 50, nếu như may mắn đạt được con số là 50, thì tôi tin rằng tác động đối với xã hội sẽ rất là tốt và khí thế hồ hởi được tiếp tục
“Và nếu như một trong số những người tự ứng cử mà họ trúng cử, thì cái gọi là phép thử của họ đang muốn nói, nó có giá trị, ý nghĩa không chỉ đối với cá nhân họ, mà đối với tất cả những người xung quanh và nó trở thành một niềm khích lệ, để những cuộc bầu cử sau người ta phát huy tốt hơn nữa.
Tôi chắc rằng trong số các vị tự ứng cử lần này, trong số đông, thì thế nào cũng sẽ có người trúng cử, chứ hoàn toàn không có ai thì tôi cũng không tin – GS. Nguyễn Minh Thuyết
“Tuy nhiên, nó cũng có mặt trái của nó. Nếu con số 50 đó mà không được đến 50 mà chỉ 2-3 hoặc dưới mười, thì tôi e rằng không khí hồ hởi hiện nay của chúng ta, nó sẽ trở lại thành một không khí thất vọng và dường như phép thử đó đã được kiểm chứng rằng là ‘nói như vậy, nhưng không hẳn lại là như vậy’,” ông Hoàng Ngọc Giao nói với BBC.
‘Tôi cũng không tin’
Cựu Đại biểu Quốc hội Nguyễn Minh Thuyết bình luận thêm về con số trên, đồng thời chia sẻ về điều mà ông dự đoán và tin tưởng về hiệu quả của việc tự ứng cử, ông nói:
“Theo tôi hiểu, con số 50 là tỷ lệ những người ngoài Đảng, gồm cả những người do Đảng giới thiệu là ngoài Đảng thì mới đạt được con số ấy, nhưng mà có lúc đạt được, có lúc không đạt được.
“Tôi chắc rằng chúng ta cũng phải có sự hy vọng, nhưng tôi cũng muốn có một lời gửi gắm với các vị tự ứng cử, là theo tôi mình không có nhiều điều kiện tiếp xúc với nhiều cử tri như là Phó Giáo sư Hoàng Ngọc Giao đã nói, thì mình có thể tiếp xúc, có thể vận động bầu cử qua mạng.
“Bây giờ các bạn trẻ đọc mạng nhiều lắm và đấy cũng là một con đường rất tốt.”
Về khả năng trúng cử của những người tự ứng cử là ứng viên tự do trong kỳ bầu cử 2016, cựu Đại biểu Quốc hội Việt Nam nói thêm:
“Khả năng trúng cử ngay trong kỳ bầu cử tới của rất nhiều người tự ứng cử thì cũng khó, mặc dù tôi nghĩ rằng chúng ta vẫn còn thời gian để làm cho đông đảo cử tri người ta hiểu về mình và người ta ủng hộ mình.
“Nhưng mà tôi chắc rằng trong số các vị tự ứng cử lần này, trong số đông, thì thế nào cũng sẽ có người trúng cử, chứ hoàn toàn không có ai thì tôi cũng không tin,” Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết nói với Bàn tròn của BBC.
‘Tín hiệu tích cực’
Về việc phong trào tự ứng cử của công dân sẽ tác động thế nào tới bầu cử Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp ở Việt Nam, bà Nguyễn Thúy Hạnh, sinh năm 1963, nguyên chuyên viên phụ trách đối ngoại của một công ty lớn ở Việt Nam, ứng viên tự do trong kỳ bầu cử năm nay, nói với BBC:
Rất lạ là tất cả những người bạn của tôi mà ngày xưa không bao giờ quan tâm đến những vấn đề này, và gia đình, họ hàng, những người bạn thân đến những người bạn ở xa đều ủng hộ tôi và rất vui mừng – Bà Nguyễn Thúy Hạnh, ứng cử viên tự do
“Tôi thấy là từ khi tôi tuyên bố ứng cử đến giờ, tôi thấy có tín hiệu rất đáng mừng từ phía nhân dân, cụ thể là những người bạn tôi, những người sống quanh tôi, những người hàng xóm, hoặc là gia đình, chị em, họ hàng của tôi, thì trước kia họ thấy vấn đề này rất lạ lẫm và thậm chí còn sợ sệt nữa.
“Nhưng mà từ khi tôi tuyên bố là sẽ tham gia ứng cử, tôi rất ngạc nhiên, trước khi tôi tham gia thì tôi không hỏi ý kiến ai cả, bởi vì nghĩ là nếu có hỏi thì mọi người cũng sẽ phản đối thôi.
“Nhưng rất lạ là tất cả những người bạn của tôi mà ngày xưa không bao giờ quan tâm đến những vấn đề này, và gia đình, họ hàng, những người bạn thân đến những người bạn ở xa đều ủng hộ tôi và rất vui mừng, thậm chí lại còn khích lệ tôi nữa.
“Điều đấy cho thấy là đã có những tín hiệu thay đổi rất tích cực ở trong nhận thức của mọi người về vấn đề này, ” bà Hạnh, người mà Chương trình Hành động có hai mảng chính là bảo vệ chủ quyền đất nước và bảo vệ quyền lợi của phụ nữ, nói với BBC.
Mời quý vị theo dõi toàn bộ cuộc Tọa đàm Bàn tròn của BBC Việt ngữ về chủ đề tự ứng cử và bầu cử Quốc hội Việt Nam tại đây.