Từ “thiên đường sao chép” đến nơi vượt mặt cả thung lũng Siliconvề sáng tạo
Từ “thiên đường sao chép” đến nơi vượt mặt cả thung lũng Siliconvề sáng tạo, Thâm Quyến đã làm nên kỳ tích đáng ngạc nhiên như thế này!
Thứ 7, 22/04/2017, 02:00 PM
Các công ty của vùng đồng bằng châu Giang luôn đi đầu cả nước về sáng tạo và đã tiến được những bước lớn trên chuỗi giá trị. Nếu như trước đây phải dựa hoàn toàn vào công nghệ và linh kiện nhập khẩu, hiện nay họ đã bắt đầu có những sáng tạo và phương pháp của riêng mình.
- Hết thời lao động giá rẻ, “công xưởng thế giới” tiến hóa lên “Trung Quốc 2.0”
- Chỉ chiếm chưa đến 1% diện tích và 5% dân số Trung Quốc nhưng khu vực này tạo ra hơn 10% GDP và 1/4 tổng kim ngạch xuất khẩu
- Làm sao chỉ trong 40 năm từ những làng chài nghèo, Quảng Châu, Thâm Quyến… biến thành siêu đô thị lớn nhất thế giới, GDP lớn hơn cả Hà Lan?
Trong một cuối tuần gần đây, hàng trăm luật sư và nhà nghiên cứu đã tụ họp tại một khách sạn ở Thâm Quyến (Trung Quốc) để tham dự hội thảo mang tên “Cải tiến, tích hợp và trật tự”. Hội thảo này được đồng tổ chức bởi các trường luật trực thuộc ĐH Peking, Oxford và Stanford.
Những hội thảo về luật có thể khô khan, đặc biệt là ở Trung Quốc. Và 1 học giả Bắc Kinh cũng nhấn mạnh rằng “trật tự là thứ rất quan trọng”. Nhưng một trong những diễn giả người Trung Quốc đã khiến hội thảo trở nên sinh động và gây ngạc nhiên cho nhiều người với bài phát biểu bảo vệ sự sáng tạo gây xáo trộn. Xu Youjun, phó Chủ tịch của 1 cơ quan tư vấn cho Chính phủ phụ trách địa bàn Thâm Quyến, nói rằng thành phố này thành công không chỉ là nhờ các chính sách phát triển Đảng Cộng sản Trung Quốc, nhờ Chính phủ mà môt phần rất lớn là nhờ chính sách cho phép “đi xa hơn, vượt lên trên nền kinh tế đã được hoạch định sẵn”.
Thâm Quyến có cơ chế rất linh hoạt về vấn đề hợp đồng lao động, không phân biệt giữa lao động nhập cư và lao động địa phương. “Con người là nguồn lực tốt nhất giúp chúng tôi tăng trưởng”, ông Xu kết luận. Quan điểm trái ngược của Bắc Kinh về cơ chế cấp hộ khẩu và tuyển dụng công chức giúp giải thích làm cách nào mà các doanh nhân đột phá đã có thể biến Thâm Quyến thành một trong những thành phố sáng tạo nhất thế giới.
Từ năm 1980 đến 2016, GDP thực của thâm quyến tăng trưởng tới 22% mỗi năm và hiện đã đạt 2.000 tỷ nhân dân tệ (tương đương 290 tỷ USD). Quận Nam Sơn là “nhà” của 125 doanh nghiệp niêm yết với tổng giá trị vốn hóa gần 400 tỷ USD. Người dân của quận này có mức thu nhập bình quân đầu người cao hơn Hồng Kông.
Không giống như Bắc Kinh là nơi đóng đô của nhiều trường đại học top đầu, Thâm Quyến chỉ có một vài viện đào tạo không mấy nổi tiếng, nhưng các sinh viên mới tốt nghiệp lại đổ xô tới đây tìm kiếm cơ hội việc làm.
Thâm Quyến dành ra khoảng hơn 4% GDP cho hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D), gấp đôi so với mức trung bình cả nước. Ở Nam Sơn con số lên tới 6%. Nguồn tiền đến từ các doanh nghiệp tư nhân chứ không phải từ ngân sách. Các công ty ở Thâm Quyến thậm chí đăng ký bằng sáng chế quốc tế nhiều hơn cả Pháp hoặc Anh.
Câu chuyện thành công của Thâm Quyến đến từ những nhà lãnh đạo dũng cảm và có tầm nhìn xa trông rộng. Nếu như cố lãnh đạo Đặng Tiểu Bình vẫn luôn được ngợi ca vì đã mở cửa nền kinh tế, các nhà lãnh đạo thế hệ sau tự hào về những khoản đầu tư cho cơ sở hạ tầng cho phép tăng trưởng bứt phá.
Trong cuốn sách mới có tựa đề “Học từ Thâm Quyến”, các tác giả Mary Ann O’Donnell, Winnie Wong và Jonathan Bach cho rằng nhiều bước đột phá mà thành phố này đạt được kể từ khi mở cửa năm 1980 có xuất phát điểm rất thấp.
Ví dụ, những nhà cải cách mạnh dạn thực hiện những thương vụ đầu tư với các công ty không đến từ đại lục dù có thể đó là quyết định vượt cấp. Họ cũng chủ động xây dựng khung pháp lý cần thiết để bảo vệ các doanh nghiệp nước ngoài. Qua thời gian, những cải cách dù nhỏ dần bén rễ và phát triển thành nhiều cách làm việc hiệu quả hơn. Khi những quyết định táo bạo chứng tỏ được sự đúng đắn, chính quyền thành phố dần nhận được sự tín nhiệm của cấp trung ương. Và cách tốt nhất để tìm hiểu về sức sáng tạo của Thâm Quyến là soi xét qua con mắt của các doanh nghiệp tư nhân.
Nếu bạn cho rằng người Trung Quốc chỉ giỏi sao chép và không thể sáng tạo, hãy suy nghĩ lại. Theo 1 nghiên cứu được trích dẫn rộng rãi nhưng được công bố từ đầu thập kỷ này, giá trị thặng dư được tăng thêm cho những chiếc iPod được lắp ráp ở đại lục (gần một nửa được lắp ráp ở đây) chỉ chiếm chưa đến 5%. Tuy nhiên, một báo cáo mới đây được Ủy ban châu Âu và ĐH Sussex của Anh thực hiện cho thấy ví dụ này đã lạc hậu. Theo tính toán, trung bình giá trị thặng dư mà Trung Quốc tăng thêm cho các hàng hóa nước này xuất đi đã tăng lên mức 76% (của EU là 87%). World Bank cũng có kết luận tương tự.
Các công ty của vùng đồng bằng châu Giang luôn đi đầu cả nước về sáng tạo và đã tiến được những bước lớn trên chuỗi giá trị. Nếu như trước đây phải dựa hoàn toàn vào công nghệ và linh kiện nhập khẩu, hiện nay họ đã bắt đầu có những sáng tạo và phương pháp của riêng mình. Cả các doanh nghiệp nước ngoài cũng sử dụng những công cụ này. Thâm Quyến trở thành điểm đến hấp dẫn thu hút nhiều doanh nhân muốn tìm ra cách làm mới. Thậm chí nhiều tập đoàn đa quốc gia “cài cắm” chi nhánh ở đây để có thể bắt kịp những xu hướng mới nhất.
Làm tốt hơn
Foxconn, công ty Đài Loan có 1 triệu công nhân, nổi tiếng nhất vì dây chuyền lắp ráp iPhone. Tuy nhiên, thực tế là họ nắm trong tay rất nhiều bằng sáng chế quốc tế trong nhiều lĩnh vực đa dạng, từ cơ điện đến máy tính hay công nghệ audio-video. Cơ sở ở Thâm Quyến đang được mở rộng để hỗ trợ tốt nhất cho trung tâm R&D mới của Apple. Liên doanh giữa Foxconn và tập đoàn Sharp của Nhật Bản đang đầu tư 8,8 tỷ USD vào Quảng Châu để sản xuất màn hình LCD công nghệ mới. Foxconn cũng đang phát triển robot công nghiệp ở Thâm Quyến.
Viện nghiên cứu gene Bắc Kinh (BGI) đã chuyển tới Thâm Quyến để tìm đến cơ chế linh hoạt hơn. Cách đây 7 năm, viện này từng được tạp chí khoa học Nature đánh giá là “siêu cường về DNA) sau khi mua nhiều máy móc phân tích gene đến nỗi nó sở hữu hơn một nửa tổng số máy trên toàn thế giới.
Mindray, công ty có doanh thu đạt 1 tỷ USD trên toàn cầu, đang phát triển nhiều công nghệ mới về phòng kỹ thuật số và robot phẫu thuật. Những nhà nghiên cứu ở thung lũng Silicon không chỉ truyền kinh nghiệm cho những đồng nghiệp ở Thâm Quyến mà còn có thể học hỏi từ họ. Chủ tịch của Mindray, Cheng Minghe, nhận định phương Tây thực hiện được những nghiên cứu có chất lượng cao nhưng mất quá nhiều thời gian, trong khi người Trung Quốc nhanh hơn về tốc độ phát triển kỹ năng mới.
Số tiền Huawei chi cho hoạt động R&D nhiều hơn so với Apple. Huawei nổi tiếng nhất với vai trò buôn thiết bị viễn thông, nhưng giờ điện thoại thông minh và công nghệ điện toán đám mây của họ cũng được ưa chuộng. Năm 2016, công ty đạt doanh thu 520 tỷ USD, tăng trưởng 32% so với năm trước. 15% doanh thu và 82.000 trong số 180.000 nhân viên sẽ được đầu tư cho R&D.
Hãng đã xây dựng được 1 mạng lưới sáng tạo toàn cầu – điều mà trước đây chỉ có các tập đoàn đa quốc gia phương Tây có thể làm. Huawei có gần 30 trung tâm R&D trên toàn thế giới, bệnh cạnh nhiều chương trình hợp tác với các đại học và công ty hàng đầu thế giới.
Cùng với Ericsson của Thụy Điển, hãng đi đầu trong công nghệ di động 5G. Hệ thống internet-of-thing của Huawei tạo ra cách mới rẻ hơn và tiết kiệm năng lượng hơn để kết nối máy móc với “đám mây” đã được công nhận đạt chuẩn quốc tế.
Theo nhận định của David Li, người đứng đầu Open Innovation Lab ở Thâm Quyến, từ chỗ sao chép, các công ty Trung Quốc đã phát triển được 1 hệ sinh thái hùng mạnh gồm các nhà máy và nhà cung ứng học hỏi rất nhanh và hợp tác hiệu quả với nhau. “Bất kỳ ai cũng có thể mang theo 1 ý tưởng mới mẻ đến Thâm Quyến, kiểm nghiệm nó, biến nó trở thành hiện thực và tung ra thị trường với chi phí rất hợp lý. Khác với thung lũng Silicon, Thâm Quyến luôn mang đến những giải pháp không hề đắt đỏ cho việc nhân rộng các mô hình trong nhiều lĩnh vực, từ y tế đến tài chính ngân hàng.
Trong quá khứ, do ảnh hưởng của văn hóa truyền thống, các thương vụ làm ăn thường diễn ra chậm chạp và nhiều khi là bên bàn nhậu. Tuy nhiên, giờ đây mọi thứ đều được tiến hành nhanh chóng với WeChat, ứng dụng tích hợp cả công cụ nhắn tin và thanh toán với hơn 800 triệu người dùng. Chỉ cần chat nhóm trên WeChat, không cần đến cả điện thoại hay gặp mặt trực tiếp. Đứng sau WeChat là tập đoàn công nghệ Tencent cũng có trụ sở ở Thâm Quyến. Trụ sở mới của Tencent nhìn rất hiện đại và có màu xanh mát mắt nằm ở quận Nam Sơn, trên tòa nhà cao tầng nhìn xuống khu vực bên dưới mang đậm dáng vẻ hiện đại với nhiều quán café phong cách mới và có nhiều trụ sở của các startup.
Thay đổi tương lai
Thâm Quyến đã trở thành “thủ đô” của các doanh nhân phần cứng. Navi Cohen là đồng sáng lập của Revols, 1 startup đến từ Canada có tham vọng phát triển những chiếc tai nghe giá rẻ có thể tùy chỉnh phù hợp với mỗi người dùng cụ thể. Sau khi huy động được 1 số tiền lớn thông qua site gọi vốn Kickstarter, Cohen đã cố gắng phát triển sản phẩm ở Montreal nhưng phát hiện ra rằng mọi thứ đều quá chậm chạp và đắt đỏ. Cuối cùng anh chuyển đến Thâm Quyến và hoàn toàn hài lòng với quyết định này.
Một startup đầy tiềm năng khác vừa mới chuyển đến Thâm Quyến là công ty Wazer đến từ nước Mỹ. Thông thường, 1 máy cắt kim loại có giá tối thiểu là 100.000 USD, nhưng ở Thâm Quyến, Wazer có thể làm ra loại máy chỉ có giá khoảng 5.000 USD. Chiếc máy này được dự báo sẽ gây ra 1 cú sốc trên thị trường khi ra mắt vào cuối năm nay.
Revols và Wazer là 2 trong số nhiều startup đã làm việc với Hux, một công ty chuyên về “tăng tốc” phần cứng có trụ sở ở Huaqiangbei, chợ điện tử lớn nhất thế giới. Benjamin Joffe, một đối tác của Hax, thừa nhận rằng về phần cứng thì thung lũng Silicon chậm chân hơn so với Thâm Quyến tới 6-7 năm. Trong số đối tác của Hax có nhiều tập đoàn đa quốc gia hàng đầu thế giới, từ Johnson & Johnson đến Michelin.
Không có nơi nào xuất sắc hơn Thâm Quyến trong việc phủ nhận quan điểm đã lỗi thời về một Trung Quốc “chuyên sao chép”. Và những thành công này sẽ tiếp tục trở thành lực đẩy quan trọng tiếp thêm sức mạnh cho vùng đồng bằng Châu Giang nâng cao năng lực cạnh tranh.
Thu Hương
Theo Trí thức trẻ/Economist