Từ Singapore, Nghĩ Đến Việt Nam
Nguyễn Hưng Quốc – Theo facebook Nguyễn Hưng Quốc – 25/03/2015
Tôi đến Singapore chỉ có mấy lần. Lần nào cũng chỉ ở có vài ba ngày. Tuy nhiên, với tôi, như vậy là đủ. Với những thành công kỳ diệu về phương diện kinh tế và xã hội, Singapore phức tạp đủ để các nhà nghiên cứu bỏ ra một thời gian dài, năm mười năm, thậm chí, cả đời để khảo sát. Nhưng với diện tích chỉ có gần 700 cây số vuông, gần bằng một nửa diện tích thành phố Đà Nẵng, Singapore lại quá nhỏ cho các du khách. Chỉ mấy ngày, tôi đi gần hết các thắng cảnh ở Singapore. Phải nói một cách thành thực: tôi rất thích. Thích và phục. Mà không phục sao được? Là một trong 20 quốc gia nhỏ nhất, có mật độ dân số cao thứ nhì trên thế giới (chỉ sau Monaco), mà, chỉ trong vòng mấy chục năm sau khi độc lập (1965), Singapore đã vươn lên hàng cường quốc về kinh tế trên thế giới, vượt qua hẳn các quốc gia đất rộng người đông và giàu tài nguyên thiên nhiên ở chung quanh, kể cả Việt Nam. Singapore chiếm nhiều kỷ lục trên thế giới. Đó là một trong những quốc gia sạch nhất, có môi trường làm ăn buôn bán tốt nhất, có ngọn thác nhân tạo cao nhất (30 mét), có vườn chim có nhiều chim nhất thế giới (Jurong Bird Park), có phi trường trong nhiều năm được xếp hạng cao nhất thế giới (Changi), có hải cảng thuộc loại tấp nập nhất thế giới, có trường đại học được xếp vào hạng ưu tú nhất thế giới, v.v… Đến Singapore, chúng ta dễ thấy nó khác hẳn với hầu hết các quốc gia Á châu khác: Ở đây mọi vật đều gọn gàng, ngăn nắp, sạch sẽ; mọi công việc đều được tiến hành một cách hợp lý và trong trật tự. Ấn tượng ấy có thể thấy ngay được từ khi bước chân ra khỏi máy bay: Tất cả các thủ tục giấy tờ nhập cảnh, từ việc trình hộ chiếu đến việc nhận hành lý đều nhanh chóng. Ở đâu cũng thấy sạch như lau. Các nhà vệ sinh công cộng, ngay ở những chỗ khuất vắng hoặc đông đúc người qua kẻ lại, đều sạch sẽ và thơm tho. Với một đất nước như vậy, phục là phải. Nhưng tại sao ở trên, tôi phải nhấn mạnh “Phải nói một cách thành thực”? Bởi vì, tôi biết, không phải ai cũng đồng ý như vậy. Và không phải lúc nào tôi cũng thành thực như vậy. Ví dụ, những lúc tôi nói chuyện với bạn bè người Úc của mình. Trong lúc nói chuyện phiếm, hễ nghe nhắc đến Singapore là bạn bè Úc của tôi lại lên tiếng chê bai thậm tệ! “Trời! Cái nước gì mà chán! Mọi thứ cứ máy móc, vô hồn, vô cảm. Ngay các thanh sắt chắn dọc xa lộ cũng không được quyền là sắt; người ta cứ phải trồng hoa hay dây leo cho nó phủ lên trên. Trên các chiếc cầu lộ thiên, băng qua các đường đi cũng vậy; cũng có dây leo phủ trùm lên. Đất nước gì mà cứ như thời trung cổ. Cái gì cũng phạt. Ném chiếc khăn giấy xuống đất: Phạt. Vất mẩu tàn thuốc lá xuống đất: Phạt. Vất bã kẹo cao su xuống đường: Phạt. Đi nhà vệ sinh công cộng, không dội nước: Cũng phạt! Trời! Sống ở đó chẳng khác gì ở tù!” Đại khái các luận điểm của họ như vậy. Nghe họ nói hăng đến độ tôi đành im lặng. Tôi biết họ đều là những người yêu thích Á châu; một số là những nhà nghiên cứu Á châu học xuất sắc. Tuy nhiên, cách nhìn của họ có cái gì thiên lệch. Hình như với họ, chỉ có các quốc gia Tây phương mới nên đô thị hoá và cơ giới hoá. Còn các quốc gia Á châu thì, để bảo vệ bản sắc truyền thống của mình, nên có cái gì xô bồ, lộn xộn, nhếch nhác và bẩn thỉu. Có như thế mới đẹp và quyến rũ chăng? Trong số những người chê bai Singapore và khen ngợi Việt Nam, có một số là sinh viên hoặc cựu sinh viên của tôi. Có lần tôi tò mò hỏi họ: Điều gì họ thích nhất ở Việt Nam? Thật bất ngờ, câu trả lời tôi nghe được từ khá nhiều người, đặc biệt là sinh viên nam: Ỉa đồng! Họ kể, trong các chuyến du lịch nào đó về Việt Nam, lên tận các tỉnh miền núi hay miền quê, khi đau bụng, tìm nhà vệ sinh không ra, họ bèn, theo lời chỉ dẫn của người địa phương, ra ngoài đồng vắng xổ bầu tâm sự! Tôi đọc cho họ nghe câu tục ngữ “Nhất quận công, nhì ỉa đồng” và câu ca dao: “Thứ nhất là đỗ thám hoa / Thứ nhì cưới vợ, thứ ba ỉa đồng”. Và cười. Nhưng ngượng chín người. Chẳng thà tôi làm dân của một nước bị chê bai là máy móc như Singapore còn hơn làm dân một nước người ngoại quốc thích đến đó chỉ vì được… ỉa đồng!
Nguyễn Hưng Quốc là nhà phê bình văn học, nguyên chủ bút tạp chí Việt (1998-2001) và đồng chủ bút tờ báo mạng Tiền Vệ (http://tienve.org). Hiện là chủ nhiệm Ban Việt Học tại trường Đại Học Victoria, Úc. Đã xuất bản trên mười cuốn sách về văn học Việt.