Tư pháp CSVN tiếp tục nhạo báng công lý
SV Nguyễn Anh Tuấn tự thú đã tàng trữ các tài liêụ được cho là tuyên truyền chống nhà nước. Ảnh Bauxite Việt Nam
16/12/2015 – Nguyễn Tường Thụy – Theo FB Nguyễn Tường Thụy
Trong phiên tòa xử Nguyễn Viết Dũng, có một chuyện ít ai để ý. Theo nhà báo Đoan Trang thì ngay từ đầu, luật sư đã công bố một văn bản có chữ ký của 16 thành viên nhóm Vì một Hà Nội xanh, là những người tham gia cuộc tuần hành sáng chủ nhật 12/4/2015 quanh Hồ Gươm. Những người này tình nguyện đứng ra làm nhân chứng. Tất cả đều khẳng định Nguyễn Viết Dũng đã tham gia tuần hành một cách ôn hòa và lịch sự, không có bất kỳ một lời nói, thái độ hay hành vi gây rối nào.
Tuy nhiên, tòa không hề đếm xỉa đến tình tiết này và cũng không cho những người này vào tòa làm nhân chứng.
Đơn kiến nghị của nhóm Vì một Hà Nội xanh. Ảnh fb Doan Trang
Điều kỳ lạ hơn là trong số đó có hai người thừa nhận đã tổ chức cuộc tuần hành ngày 12/4/2015 nhưng cũng bị tòa lờ đi luôn. Họ đang xét xử vụ án gây rối trật tự công cộng, quy kết Nguyễn Viết Dũng là đối tượng kêu gọi, lôi kéo người khác tuần hành, tự nhiên có kẻ đứng ra nhận vai trò tổ chức cuộc tuần hành đó. Lẽ thường, Tòa phải chộp ngay lấy vì đây là một tình tiết mới. Lẽ thường, cảnh sát phải bắt ngay hai người này, vụ án sẽ xoay sang một hướng khác. Thế nhưng sự “thú tội” ấy Tòa lại không chấp nhận. Như vụ ông Nguyễn Thanh Chấn, có kẻ thú tội là thủ phạm thì ông Chấn mới được tha.
Điều tưởng như kỳ quặc ấy, với nền tư pháp Việt Nam lại là điều dễ hiểu: không phải họ lập ra phiên tòa để tranh tụng xem Nguyễn Việt Dũng có gây rối trật tự công cộng không, có tổ chức cầm đầu không và ở mức nào mà đơn giản là vì họ muốn bỏ tù Nguyễn Viết Dũng.
Như vụ Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ, ông bị quy kết là tuyên truyền chống nhà nước thể hiện ở một loạt bài viết, thế nhưng khi sinh viên Nguyễn Anh Tuấn tự thú mình đang tàng trữ các bài viết được coi là chống nhà nước của Tiến sĩ Hà Vũ và đòi được bắt nhưng Viện kiếm sát tối cao lại lờ đi. Vấn đề ở đây cũng vậy: họ cần bỏ tù CHHV vì đã làm cho họ khó chịu chứ chưa hẳn là xem xét việc viết ra bài viết ấy có phải là tuyên truyền chống nhà nước hay không.
Mục tiêu bỏ tù Nguyễn Viết Dũng bằng được còn thể hiện ở cách thức tổ chức và điều khiển phiên tòa. Chủ tọa phiên tòa liên tục cảnh cáo luật sư Lê Văn Luân chỉ vì ông có các “lỗi”:
– Yêu cầu bác sỹ thẩm định, xem xét tại chỗ sức khỏe của Nguyễn Viết Dũng phải công khai chứ không thể báo kín với chủ tọa.
– Nói chủ tọa công khai không đầy đủ lời khai của các nhân chứng mà chỉ dừng lại ở việc “mặc áo đen”, nếu thế thì ở đây (trong phiên tòa) nhiều người cũng bị tội.
– Đưa ra các bức ảnh chứng minh Nguyễn Viết Dũng đã tham gia tuần hành như thế nào để bác bỏ lời khai của những nhân chứng buộc tội.
Cuối cùng thì chủ tọa Trần Thị Thúy Hồng lộng hành đuổi luật sư Luân cho dễ xử. Ba luật sư còn lại: Võ An Đôn, Trần Thu Nam, Nguyễn Khả Thành đã đồng loạt bỏ ra ngoài để phản đối và vì biết rằng có cãi cho thân chủ của họ cũng chỉ vô ích vì án đã được định đoạt từ trước.
Một phiên tòa không chấp nhận nhân chứng gỡ tội, không có luật sư gỡ tội, bị cáo kêu không đủ sức khỏe xin hoãn xử, ấy thế mà vẫn tiếp tục diễn ra và kết án được. Thật là trơ trẽn và bôi bác hết chỗ nói.
Nghe nói thẩm phán Trần Thị Thuý Hồng được vinh danh “người tốt, việc tốt” tiêu biểu năm 2012 của Hà Nội. Thẩm phán này từng chủ tọa phiên toà vụ Vũ trường New Century năm 2009, tuyên chủ vũ trường này được miễn trách nhiệm hình sự.
Vâng, nền tư pháp của Việt Nam vốn là như vậy. Truy tố hay không, kết án ở mức nào lại còn tùy thích. Cáo trạng thì gần như sao nguyên kết luận điều tra, bản án lại gần như sao nguyên cáo trạng. Thế mà cũng bày đặt ra công an, kiểm sát, tòa án. Sống trong xã hội Việt Nam đầy những bất an, chẳng biết đằng nào mà lần. Có những vụ án rất kỳ quặc: Người đi tù vì bảo HS, TS của Việt Nam, người đi tù vì quay phim người thi hành công vụ, người đi tù vì mặc áo giống Quân lực Việt Nam Cộng hòa, người đi tù vì 2 xe dàn hàng 3, người đi tù vì cho mượn máy ảnh, người đi tù vì cứu người bị tai nạn… thậm chí có người đi tù đơn giản là tòa thích thế.
Vậy mà cũng mở ra phiên xét xử, nào Hội đồng xét xử, nào công tố, nào luật sư bào chữa… ra vẻ khách quan, thận trọng ra vẻ để đảm bảo đúng người đúng tội, không bỏ lọt tội phạm. Tất cả chỉ là trò diễn. Vậy mà mới trước đó hai ngày, ông Nguyễn Sơn, Phó Chánh án TANDTC nói sẽ có sự tăng cường phối hợp giữa Tòa án và luật sư để hoạt động bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân đạt hiệu quả tốt nhất.
Những người tham gia xét xử Nguyễn Viết Dũng đều biết rõ hành vi của em không phải là gây rối trật tự công cộng. Ai cũng biết rõ những người bảo vệ cây xanh ngày 12/4/2015 tuần hành trong trật tự. Việc vận động người này người khác xuống đường không phải là hành vi phạm pháp vì quyền biểu tình đã được Hiến pháp qui định. Chẳng thế mà hai người tự nhận đã tổ chức cuộc tuần hành đến “tự thú” thì Hội đồng xét xử lờ đi. Cả một hệ thống tư pháp: công an, tòa án, viện kiểm sát toa rập để kết án Nguyễn Viết Dũng 15 tháng tù giam. Có lẽ đây chưa phải là đỉnh điểm về việc kết án tùy tiện.
Tôi không hiểu những kẻ nhân danh pháp luật, ngồi vào ghế hội đồng xét xử, công tố và cả cơ quan điều tra CA Hoàn Kiếm nghĩ gì, có cắn rứt lương tâm không khi họ đồng tình làm một việc trái với đạo lý.
Bảo là cũng vì đồng lương ư? Đồng lương cũng là quan trọng. Nhưng danh dự con người sự thanh thản trong lương tâm còn quan trọng hơn gấp vạn lần. Nếu làm thẩm phán, kiểm sát viên, công an mà buộc phải làm những việc thất đức thì nên bỏ nghề đi. Hình như họ không hiểu về luật nhân quả.
Không biết khi hấp hối, họ có ân hận gì không.
Vẫn còn cơ hội cho họ sửa chữa sai lầm vì chắn chắn Nguyễn Viết Dũng và gia đình sẽ kháng cáo.
15/12/2015 NTT
– See more at: https://www.danluan.org/tin-tuc/20151215/tu-phap-viet-nam-tiep-tuc-nhao-bang-cong-ly#sthash.Lv9cWsrO.dpuf