Tư lệnh Quân khu Bắc Kinh đột nhiên bị miễn nhiệm, Quân đồn trú có biến?

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tư lệnh Quân khu Bắc Kinh đột nhiên bị miễn nhiệm, Quân đồn trú có biến?
 16/05/20

Trước ngày diễn ra “Lưỡng hội” (2 cuộc họp thường niên của ĐCSTQ), tình hình chính trị ở Trung Nam Hải ngày càng trở nên khó đoán. Không chỉ hàng loạt quan chức trong hệ thống chính trị và pháp luật bị thanh trừng, có vẻ như quân đồn trú ở Bắc Kinh cũng đã xảy ra chuyện. Mấy ngày trước, Vương Xuân Ninh – Tư lệnh Quân khu, Thường ủy Thành ủy Bắc Kinh đã bị miễn nhiệm chức Thường ủy.

Tình hình chính trị ở Trung Nam Hải ngày càng trở nên khó đoán.
Tình hình chính trị ở Trung Nam Hải ngày càng trở nên khó đoán. (Ảnh: Getty Images)

Theo báo cáo từ truyền thông chính thức của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), vào ngày 11/5, Trung ương ĐCSTQ đã phê chuẩn, Trương Phàm Địch – Ủy viên Chính trị Quân đồn trú Bắc Kinh sẽ đảm nhiệm chức Thường ủy, Ủy viên Thành ủy Bắc Kinh. Vương Xuân Ninh – Tư lệnh Quân khu Bắc Kinh sẽ thôi giữ chức Ủy viên, Thường ủy Thành ủy Bắc Kinh.

Trương Phàm Địch là thiếu tướng Lục quân, thời kỳ đầu ông phục vụ trong Quân khu Tế Nam. Ông từng là ủy viên chính trị của Lữ đoàn Phòng không Quân đoàn thứ 54 của Lục quân, ủy viên chính trị của Sư đoàn Mãnh Hổ, Bộ trưởng Bộ Công tác trực tiếp Bộ Tư lệnh Quân khu Tế Nam. Năm 2016, ông giữ chức phó Chính ủy Quân đoàn thứ 26 Lục quân. Vào tháng 12/2019, ông là Ủy viên chính trị Quân đồn trú.

Vương Xuân Ninh đã công tác một thời gian dài tại Quân khu Nam Kinh, ông từng đảm nhiệm chức Bộ trưởng Bộ Trang bị Quân đoàn, Sư trưởng, Tham mưu trưởng Quân đoàn, phó Quân trưởng. Tháng 2/2014, ông đảm nhiệm chức Quân trưởng Quân đoàn thứ 12 Lục quân. Tháng 8/2016, ông đảm nhiệm chức Tư lệnh Quân khu Bắc Kinh, là Ủy viên dự khuyết Trung ương khóa 19 của ĐCSTQ.

Vào tháng 1/2020, Vương Xuân Ninh vừa mới đảm nhận chức Thường ủy Thành ủy Bắc Kinh. Cha của ông – Trung tướng Vương Vĩnh Minh từng đảm nhiệm Phó Chính ủy Quân khu Nam Kinh. Lần này Vương Xuân Ninh bị miễn nhiệm chức Thường ủy Thành ủy Bắc Kinh đã thu hút được sự chú ý của dư luận.

Vào ngày 13/5, Trần Phá Không – Chuyên gia về vấn đề Trung Quốc, trong một chương trình truyền thông đã nói rằng, Quân đồn trú ở thủ đô dường như xảy ra chuyện lớn. Tư lệnh Vương Xuân Ninh mới đảm nhiệm chức Ủy viên, Thường ủy Thành ủy Bắc Kinh được 4 tháng mà nay đã bị thay thế bởi Trương Phàm Địch, việc này dễ làm người ta liên tưởng đến sự việc của Bộ trưởng Tư pháp Phó Chính Hoa.

Sau Tôn Lực Quân, Phó Chính Hoa, người tiếp theo “ngã ngựa” sẽ là ai?
Sau Tôn Lực Quân, hàng loạt quan chức cấp cao của ĐCSTQ cũng bị ‘ngã ngựa’. (Ảnh: TH)

Tôn Lực Quân, thứ trưởng Bộ Công an ĐCSTQ vừa bị ‘ngã ngựa’ thì vào ngày 20/4, Phó Chính Hoa cũng bất ngờ bị bãi nhiệm chức phó Bí thư Ban cán sự Đảng của Bộ Tư pháp, đến ngày 29/4 thì ông bị cách chức Bộ trưởng Tư pháp. Mặc dù ĐCSTQ nói rằng ông đã đến tuổi để từ chức, nhưng ngoại giới cho rằng, sự từ chức nhanh chóng bất thường này thực sự là một dạng biến tướng của ‘ngã ngựa’, và kết cục như thế nào thì vẫn phải quan sát thêm.

Nhiều phương tiện truyền thông đã tiết lộ rằng, Phó Chính Hoa thực sự đã bị Cục An ninh Trung ương bắt giam lỏng vào ngày 28/4. Ngay cả các cựu Ủy viên của Bộ Chính trị và Bí thư của Ủy ban Chính trị Pháp luật cũng đã bị bắt giữ và tịch thu tài sản.

Trần Phá Không nói rằng, Phó Chính Hoa đã 65 tuổi và chính quyền cho phép ông ta lặng lẽ rời đi với lý do tới tuổi nghỉ hưu, nhưng Vương Xuân Ninh chỉ mới 57 tuổi nên không thể dùng ‘nghỉ hưu’ để đẩy ông đi được. Nói cụ thể hơn thì là Tập Cận Bình nghi ngờ ông ta, nói nặng hơn một chút, Vương Xuân Ninh là Tư lệnh Quân khu Bắc Kinh, nắm trong tay binh quyền, phải chăng cũng tham gia vào cuộc đảo chính và có liên quan đến Tôn Lực Quân, Phó Chính Hoa, vấn đề này rất đáng quan tâm.

Ngay lúc Thường ủy Quân trang Bắc Kinh bị điều chỉnh, Tập Cận Bình bất ngờ rời Bắc Kinh. Trần Phá Không nói: “Đây là tình huống tương tự như ngày 19/4. Sau khi thông báo Tôn Lực Quân bị bắt vào ngày 19/4, ngày thứ 2 liền phát hiện Tập Cận Bình xuất hiện ở Thiểm Tây. Nói cách khác, vào ngày 19/4, Tập Cận Bình rời Bắc Kinh trước, rồi sau đó tuyên bố Tôn Lực Quân ngã ngựa, là để ngăn chặn đồng đảng của Tôn Lực Quân hoặc các bộ phận khác tạo phản và gây bạo loạn”.

Trần Phá Không cho rằng, chuyến đi khảo sát của Tập Cận Bình đến Sơn Tây cũng là cùng mục đích: “Vương Xuân Ninh mất chức Thường ủy Thành ủy Bắc Kinh là do một kênh tin tức nhỏ thông báo. Tập Cận Bình rời khỏi Bắc Kinh thì đại khái cũng là để đề phòng, xem xem Quân đồn trú có phản ứng gì không, dùng kế sách an toàn”.

Vương Xuân Ninh được điều chuyển làm Tư lệnh Quân khu Bắc Kinh vào năm 2016.
Vương Xuân Ninh được điều chuyển làm Tư lệnh Quân khu Bắc Kinh vào năm 2016. (Ảnh qua Wechat)

Trần Phá Không nói, sau khi Vương Xuân Ninh được điều chuyển làm Tư lệnh Quân khu Bắc Kinh vào năm 2016, ngoại giới nghĩ rằng ông là người của Tập Cận Bình, nhưng bây giờ có vẻ như không phải vậy. Trên thực tế, kể từ khi Tập Cận Bình lên nắm quyền, Quân đồn trú Bắc Kinh đã thay người 3 lần, đổi 3 Ủy viên chính trị, Tư lệnh Quân khu cũng được đổi 3 lần.

Trần Phá Không phân tích rằng, Tập Cận Bình bố trí đầu tiên là Cục An ninh Trung ương, đóng quân tại Trung Nam Hải, nhưng Cục trưởng và Phó cục trưởng Cục An ninh Trung ương liên tục thay đổi. Tiếp theo là Quân đồn trú, bố trí trong và ngoài Bắc Kinh để chịu trách nhiệm về an ninh chung của chính quyền Trung ương. Có 30.000 người trong Quân đồn trú bao gồm một sư đoàn và hai trung đoàn, lực lượng còn mạnh hơn cả Cục An ninh Trung ương.

Phía bên ngoài là Quân khu Bắc Kinh, sau được đổi thành Chiến khu Trung bộ. Chính ủy và Tư lệnh cũng đều là thân tín của Tập Cận Bình. Chiến khu Tây bộ ở bên ngoài cũng nằm dưới sự kiểm soát của Tập Cận Bình. Tập Cận Bình đã thiết lập tầng tầng phòng vệ. Lực lượng cảnh sát vũ trang cũng là người của Tập Cận Bình. Cục An ninh Trung ương và Sở Mật vụ của Bộ Công an, chịu trách nhiệm bảo vệ và giám sát các nhà lãnh đạo cấp cao, cũng đều là do thân tín của Tập Cận Bình kiểm soát.

Từ quan điểm và trình độ kỹ thuật này mà nói, Tập Cận Bình có thể bất ngờ bắt bất kỳ nhà lãnh đạo cấp cao nào của ĐCSTQ và tùy ý điều động quyền lực.

Trần Phá Không nói rằng, mặc dù Tập Cận Bình bố trí phòng vệ 3 lớp cả trong lẫn ngoài, nhưng ông vẫn không yên lòng. Động thái đối với Vương Xuân Ninh đã thể hiện rõ điều này. Vương Xuân Ninh có thể sẽ theo hình thức của Phó Chính Hoa, trước tiên là mất chức vụ Thường ủy, sau đó chức vụ Tư lệnh của ông có thể rất nhanh sẽ bị thay thế.

Ngoài Tôn Lực Quân, Phó Chính Hoa, Vương Xuân Ninh và những người khác, có tin nói rằng, Mạnh Kiến Trụ – cấp trên của Tôn Lực Quân cũng đã bị bắt.

Theo NTDTV