Từ dòng sông Vu Gia – Thu Bồn liên tưởng đến dòng sông Mekong
Dòng sông Mekong
Nguyễn Thế Hùng
Qui luật của tự nhiên tác động trở lại môi trường một khi môi trường bị con người thay đổi thường là giống nhau. vì thế nhằm để làm sáng tỏ những tác hại do con người gây ra cho hạ lưu sông Mekong, nhìn từ góc độ tương tự từ hệ thống sông Vu Gia – Thu Bồn mà tôi có dịp chứng kiến và nghiền ngẫm, được lược ghi và đối chiếu…
Mấy hôm nay đọc báo mạng và nhận được thư từ cũng như trao đổi trực tiếp từ các ông bạn đồng nghiệp thân quen tâm huyết có hiểu biết sâu về sông Mekong lòng tôi chợt đau lên!
Câu hỏi đặt ra trong tôi:
i. Tại sao lúc Tàu Cộng xúc tiến công việc xây dựng các đập thương lưu sông Mekong, nhà chức trách Việt Nam (VN) không lên tiếng phản đối, hoặc đưa ra các điều kiện ràng buộc về pháp lý quốc tế với các con đập này?
ii. Hiện nay đứng trước tình trạng đồng bằng sông Mekong bị xâm nhập mặn nghiêm trọng, việc nhà nước yêu cầu Tàu Cộng thả nước có lợi gì, hại gì?
iii. Về hội thảo quốc tế “Đánh giá tác động các công trình thủy điện trên dòng chính sông Mekong” đã chỉ ra hết các tác động đến của các công trình thủy điện đến đồng bằng sông Mekong chưa?
iv. Tình trạng hiện nay của đồng bằng sông Vu Gia – Thu Bồn có giống gì với đồng bằng sông Mekong?
Với tôi, là chuyên gia ngành thủy lợi thạo về tính toán dòng chảy, không có điều kiện để biết sâu luật quốc tế về nước; nhưng theo tôi, luật pháp quốc tế cũng phải được đặt trên nền tảng logic, hữu lý của nó, cho nên tôi đi đến thử đặt và giải đáp các vấn đề đã nêu như sau:
Với câu hỏi (i): Lúc Tàu Cộng xúc tiến công việc xây dựng các đập thương lưu sông Mekong, nhà chức trách VN không thể không biết? (nếu nói là không biết sẽ dẫn đến nghịch lý là các chuyên gia thuộc Ủy ban Quốc Tế sông Mekong làm cho VN nhiệm vụ của họ là gì, lại không biết à?).
Nếu đã biết mà không phản đối Tàu Cộng, đưa ra trọng tài quốc tế, thì khi người ta đã làm rồi thì đừng có phản đối làm gì! (vì phản đối lúc này trở thành chuyện khôi hài).
Bây giờ giả dụ, VN không thể phản đối vì luật pháp quốc tế không có qui định ràng buộc về điều này, và giả dụ có ràng buộc về các con đập phải luôn luôn đảm bảo cấp cho dòng chảy hạ lưu đập một lưu lượng đảm bảo môi trường (> Qmt); thì lúc đó VN phải tiến hành đo đạc tính toán thủy văn, thủy lực để xác định cho được Qmt là bao nhiêu, cơ chế giám sát Qmt trước khi họ xây dựng các con đập, nếu không sau này, không có cơ sở nào để kiện họ khi họ không thực hiện hay thực hiện không đúng văn bản đã ký kết [6].
Nếu họ cho rằng xây thủy điện, tích nước mùa mưa để xả nước mùa kiệt như vậy giống như lý thuyết trong giáo trình đã dạy cho sinh viên ngành thủy lợi học, thì điệu nước hạ lưu sông Mekong được điều hòa hơn; nhưng đây chỉ là lý thuyết xuông thôi! Vì thực tế có những năm dòng chảy đến hồ không bằng dòng chảy thiết kế, thì thủy điện buộc phải phát gián đoạn [5], để được hiệu suất cao, điện lượng thu được nhiều, do đó hạ lưu sẽ bị thiếu nước ngọt vào thời đoạn không xả nước phát điện này và mặn sẽ xâm nhập lên đồng bằng sông Mekong, có lẽ như tình trạng vừa rồi!
Do đó, nên điều khoảng này cũng phải được cụ thể hóa, nếu luật pháp quốc tế cho phép, nếu không thì sau này khi thủy điện đi vào vận hành cũng sẽ không có cơ sở để kiện họ.
Với câu hỏi (ii): Hiện nay đứng trước tình trạng đồng bằng sông Mekong bị xâm nhập mặn nghiêm trọng, thiếu nước ngọt, việc nhà nước yêu cầu Tàu Cộng thả nước thì có lợi, hại gì? Câu hỏi này độc giả có thể tham khảo từ bài viết của PGS Lê Anh Tuấn [9]. Trong câu hỏi này, tôi chỉ có một ý thêm là: các cây trồng một khi thừa hoặc thiếu nước đến một mức nào đó, kéo dài quá thời gian cho phép, thì năng suất giảm rất nhiều, coi như đã hỏng. Mặt khác nếu mặn xâm nhập vào kênh rạch mà bà con nông dân lại khai thác nước ngầm quá mức (bơm nước ngọt để dùng), thì nước mặn sẽ xâm nhập vào nước ngầm, nó nằm đó và việc đẩy nó đi rất khăn, thực tế là không thể nào đẩy nó đi được, vì quá tốn kém, nước ngầm mặn sẽ vĩnh viễn nằm ở đó [1,2,7,8]. Điều này tôi đã chứng kiến các resort miền Trung đã khai thác không hợp lý, làm nước mặn xâm nhập vào nước ngầm ven biển (Bình Thuận, Lăng Cô…).
Về câu hỏi thứ (iii): Hội thảo quốc tế “Đánh giá tác động các công trình thủy điện trên dòng chính sông Mekong” vừa rồi đã chỉ ra hết các tác động đến của các công trình thủy điện đến đồng bằng sông Mekong chưa?
Theo tôi, có những tác động tiêu cực chưa được nói tới trong Hội thảo quốc tế này, ví dụ đó là: chưa có đề cập đến thiệt hại do thay đổi bất thường về lưu lượng Q [3,4], động đất [10], do các con đập của Trung Cộng,… gây ra, ví dụ xả lũ vượt tần suất thiết kế, vở đập hay xả những chất ô nhiểm khác do con người gây ra, hay những chất ô nhiểm do bản thân hồ chứa khi tích nước gây nên; một khi tôm cá ăn các thứ này con cá mang trong mình nó các thứ ấy, rồi con người lại ăn tôm cá này thì rõ ràng con người sẽ mang bịnh hoạn. Ngoài ra, khi xây dựng hồ chứa sẽ tiềm ẩn tạo ra môi sinh vô cùng độc hại khác, đó là tạo ra vùng nước đen ở đáy hồ, những kết quả nghiên cứu gần đây cho thấy vùng đáy hồ hình thành một dung tích nước đen (black water) vô cùng nguy hiểm, các thủy sinh vật khi thấy vùng nước đen di chuyển đến, như gặp phải tử thần, và chính nước đen này sẽ tận diệt các loài thủy sản [11].
Câu hỏi (iv): Tình trạng đồng bằng sông Vu Gia – Thu Bồn có giống gì với đồng bằng sông Mekong? Vì tôi am hiểu tình trạng đồng bằng sông Vu Gia – Thu Bồn, và qua sự tương đồng này, tôi hướng độc giả sẽ nhận ra dễ dàng, tìm ra những tác hại do xây dựng chuổi đập trên lưu vực sông Mekong đến đồng bằng sông Cửu Long.
Từ thuở ấu thơ, tôi đã gắn bó với miền Trung, nơi chôn nhau cắt rốn, với những năm tháng tuổi thơ đầy mộng mơ, đã chứng kiến 20 năm cuộc chiến tranh huynh đệ tương tàn thảm khốc, để rồi sau đó trên quê hương này tôi lại tiếp tục thấy người dân mình sống trong cảnh nghèo đói, bệnh tật, và tủi nhục khi chiến tranh đã kết thúc!
Tuổi ấu thơ học địa lý, tôi được biết nước VN có hai bình nguyên lớn là bình nguyên sông Hồng Hà và bình nguyên sông Cửu Long và tôi cũng được biết rằng do con hai con sông này có lưu vực rất lớn, nên tải nhiều phù sa quanh năm, dòng nước của chúng luôn có màu, mang đầy ắp phù sa và phù sa này đã làm cho các bình nguyên màu mở, làm cho nước VN chúng ta không ngừng lớn lên.
Nhưng ngày nay, như tất cả chúng ta đều biết, các bình nguyên này đã và đang biến đổi ngược lại!
Qui luật của tự nhiên tác động trở lại môi trường một khi môi trường bị con người thay đổi thường là giống nhau; vì thế nhằm để làm sáng tỏ những tác hại do con người gây ra cho hạ lưu sông Mekong, nhìn từ góc độ tương tự từ hệ thống sông Vu Gia – Thu Bồn, mà tôi có dịp chứng kiến và nghiền ngẫm, được lượt ghi và đối chiếu ở Bảng 1.
Bảng 1: Đối chiếu tình trạng xảy ra ở hạ lưu sông Vu Gia – Thu Bồn để nhận dạng về khả năng xảy ra ở hạ lưu sông Mekong:
Hạ lưu sông Vu Gia – Thu Bồn | Hạ lưu sông Mekong (đồng bằng sông Cửu Long) |
Xói lở bờ biển Hội An rất nghiêm trọng (do mất cân bằng phù sa từ thượng nguồn, do xây dựng hồ đầu nguồn, khai thác cát lòng sông, ven bờ biển, xây dựng cơ sở hạ tầng,…) | Xói lở nghiêm trọng bán đảo cà Mau do mất cân bằng phù sa (do xây dựng hồ đầu nguồn sông Mekong tại Trung Cọng, Thái lan, Lào,…), do khai thác cát lòng sông, xây dựng cơ sở hạ tầng,…) |
Xâm nhập mặn mùa kiệt, do tàn phá rừng đầu nguồn, thủy điện phát điện gián đoạn, chuyển nước sang lưu vực khác (hồ Dakmi 4 chuyển nước từ lưu vực sông Vu Gia qua sông Thu Bồn làm cho Tp Đà Nẵng thiếu nước. | Xâm nhập mặn mùa kiệt, do tàn phá rừng đầu nguồn, thủy điện phát điện gián đoạn; do hồ chứa chuyển nước sang lưu vực khác? |
Xây dựng hạ lưu không bền vững gây ra ngập lụt cục bộ, mất đi những khu đa dạng sinh học: lấp khu trũng đa dạng sinh học Hòa Xuân, để xây phố phường, tương lai làm cho khu này và các khu khác (thượng lưu cầu Tiên Sơn sẽ ngập lụt cục bô) | Xây dựng đê bao tràn lan? cản trở dòng chảy lũ vào đồng, mất phù sa bổ sung hàng năm, tăng mực nước lũ ngoài sông, tạo điều kiện để côn trùng, chuột nẩy nở, phèn mặn xâm nhập? |
Thu hẹp cửa sông Hàn, lấn những khu trũng mà thiên nhiên ưu đãi để chứa phù sa sông Hàn, làm cho tương lai bùn cát sẽ bồi lắng cảng Tiên Sa cũng như bồi lắng cửa sông Hàn nhanh hơn, làm mực nước lũ Tp Đà Nẵng sẽ dâng cao lên đáng kể, gây ngập lụt Tp Đà Nẵng trong tương lai | Khai thác, xây dựng các công trình ở các cửa sông, không hợp lý? mặc dầu có đánh giá tác động môi trường nhưng chưa đầy đủ hoặc không đúng? |
Tp Đà Nẵng có thế đất tự nhiên như sông, suối, đồi gò (sông phú Lộc) rất đẹp, nay qui hoạch, sang bằng làm mất đi vẻ đẹp trời cho. Núi thì đào bới hết chân núi, giống như cô gái cụt chân phải thế chân gỗ mất vẻ đẹp tự nhiên. | Điều này các chuyên gia địa phương sông Mekong sẽ phân tích, đánh giá, tôi chỉ nêu vấn đề tương đồng, có nghĩa là thế nào cũng có sai phạm trong vấn đề này. |
Lời kết:
Trên đây tôi mới thử đánh giá những tác hại đến môi trường mà chúng ta sinh sống do chính quyền VN gây ra cũng như do việc xây dựng hay vận hành không chú ý đến hài hòa đến vùng hạ lưu sông Mekong do Tàu Cộng (chủ yếu) gây ra, trong đó có sự vô tình hay cố ý tiếp tay của chính quyền VN.
Câu hỏi đặt ra là làm thế nào để tránh các sự việc không tốt (nói chung) xảy ra cho đất nước trong tương lai? Làm thế nào để các việc lớn của đất nước có sự phản biện chu đáo của các nhà khoa học giỏi, giàu kinh nghiệm và trung thực? làm thế nào một công trình hay một chính sách đưa ra được phản biện một cách khoa học và trung thực nhất?
Làm thế nào để sự phát triển ngắn hạn, phù hợp với phát triển trung hạn và dài hạn?
Câu trả lời thật đơn giản là: chính quyền này là của ai? Nếu của nhân dân ư? Thì tại sao người dân không quyết định được những vấn đề hệ trọng đối với đất nước?
Như vậy, chỉ có thể một chính quyền thực sự của dân, phải do mọi người dân bầu ra, để thực thi mọi đường lối chính sách sao cho có lợi nhất cho đất nước, tức là cho người dân, thì những sự việc như trên sẽ không xảy ra hoặc hãn hữu xảy ra nhưng sẽ có sự điều chỉnh, sửa sai kịp thời.
Đó cũng là nguyên tắc kế thừa để phát triển, vì xã hội dân chủ là đỉnh cao của loài người hiện nay, bất kỳ một thể chế nào mà không rộng mở cửa, kế thừa tinh hoa của nhân loại để phát triển, thì không thể tham gia cuộc đua toàn cầu hiện nay được, sẽ làm suy yếu nội lực của quốc gia, dân tộc đó; sớm muộn gì cũng bị đào thải, và sẽ bị lịch sử dân tộc đó nguyền rủa đời đời.
Đà Nẵng, 18/03/2016
N.T.H.
Tác giả gửi BVN
Hình 1: Strong “rotten egg” smell and Black water during WQ Survey 14-15 July 12 (Nguồn: Technical note –Dr. Nguyen T. T. 2015 )
Tài liệu tham khảo:
[1] Jacob Bear and Arnold Verruijt. “Modeling Groundwater Flow and Pollution”. D. Reidel Publishing Company, (1979).
[2] Jacob Bear et al. “Seawater Intrusion in Coastal Aquifers-Concepts, Methods and Practices”. Kluwer Academic Publishers, (1999).
[3] T. V. Nam, T. V. Quang, Nguyễn Thế Hùng & nnc, “Xây dựng mô hình thủy văn – thủy lực phục vụ phát triển Tp Đà Nẵng”, USAID 2013
[4] Tô Thúy Nga, Nguyễn Thế Hùng, “Một phương pháp tiếp cận bài toán vận hành hồ chứa phòng lũ theo thời gian thực trên sông Vu Gia – Thu Bồn thời kỳ mùa lũ”; Tạp chí Thủy Lợi & Môi Trường, Trường Đại học Thủy Lợi, số 42(9), 2013, pp33-39.
[5] Lê Hùng, Nguyễn Thế Hùng (2011), “Phương pháp xây dựng qui trình vận hành điều tiết hồ chứa và giải pháp áp dụng vào trong vận hành thực tế”, Tạp chí KH&CN Đại học Đà Nẵng 4 [45], pp. 56-64.
[6] Nguyễn Thế Hùng, Nguyễn Hữu Thiêm (2012), “Ứng dụng mô hình Mike11 dự báo thử nghiệm xâm nhập mặn hạ lưu sông Vu Gia”, Kỷ yếu Hội nghị Khoa học Đại học Đà Nẵng lần thứ V.
[7] Trần Văn Minh, Nguyễn Thế Hùng (2004), “Mô hình toán học tổng quát hai chiều ngang về xâm nhập mặn ở vùng nước ngầm ven biển”, Tạp chí Nông nghiệp và phát triển Nông thôn, pp. 154-161.
[8] Trần Văn Minh, Nguyễn Thế Hùng (2004), “Nghiên cứu mô hình toán tổng quát hai chiều ngang về xâm nhập mặn phục vụ quy hoạch quản lý khai thác nước ngầm ở vùng ven biển”, Tạp chí Nông nghiệp và phát triển Nông thôn, pp. 187-190.
[9] Lê Anh Tuấn, Hạn, mặn ở ĐBSCL: Có nên trông chờ vào thuỷ điện TQ? http://mobile.thesaigontimes.vn/tinbaichitiet/143651
[10] Phan Hoàng Nam, Nguyễn Thế Hùng, “Mô phỏng số tương tác giữa đập và hồ chứa dưới tác dụng của tải trọng động đất”, Hội nghị Cơ học toàn quốc lần thứ IX, Hà Nội, 8-9/12/2012
[11] Technical note –Dr. Nguyen T. T. (2015)
– Watwer quality deterioration of nam Ngum reservoirs;
– An impact of mining discharge into reservoir