‘Tự do hàng hải không phá rối tiến trình bình thường của tàu thuyền ở Biển Đông’
EAF – Tác giả: Raul (Pete) Pedrozo, Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ – Dịch giả: Huỳnh Phan – 27-10-2015
Các phát biểu gần đây cho thấy rằng Hoa Kỳ sẽ sớm tiến hành các hoạt động về tự do hàng hải (freedom of navigation – FON) đối với việc Trung Quốc hình thành các đảo nhân tạo ở Biển Đông. Nhưng có biểu hiện lo lắng quá đáng đang diễn ra hơn mức cần thiết, như cho thấy bài báo gần đây trên East Asia Forum, trong đó Mark Valencia cảnh báo rằng những thách thức đề xuất về FON là ‘thiếu khôn ngoan, và thậm chí nguy hiểm’.
Luôn luôn có những rủi ro liên quan tới việc tiến hành các hoạt động FON. Nhưng cân nhắc tình thế gần đây của cả hai bên, việc không thực hiện FON trong vùng lân cận các đảo nhân tạo của Trung Quốc sẽ gây ra thiệt hại không thể khắc phục được tới tính cơ động hàng hải chiến lược và uy tín của Mỹ ở châu Á Thái Bình Dương.
Valencia nhận xét đúng rằng Trung Quốc tuyên bố chủ quyền đối với tất cả các thể địa ly ở Biển Đông. Nhưng bốn quốc gia khác và Đài Loan bác yêu sách của Bắc Kinh vốn không được Hoa Kỳ hay nước nào khác công nhận. Thiết lập các khu vực biển là một hành động chủ quyền đối với lãnh thổ. Theo luật pháp quốc tế, một nước có thể thiết lập lãnh hải 12 hải lý và chủ quyền của nước đó mở rộng ra cho lãnh hải và vùng trời phía trên khu vực đó. Nếu chủ quyền đối với một thể địa lý không được thiết lập hay được công nhận thì điều đó kéo theo là bất kỳ vùng biển yêu sách nào (Trung Quốc vẫn chưa làm) cho thể địa lí đó là vô hiệu.
Khi các vấn đề chủ quyền chưa giải quyết thì không nước nào (kể cả Trung Quốc) có thể yêu sách các vùng biển xung quanh các thể địa lý này. Trong khi chờ đợi, tất cả các nước (kể cả Hoa Kỳ) có thể đi lại hợp pháp trên biển hoặc trên không trong phạm vi 12 hải lý quanh các thể địa lý đó.
Valencia sau đó đưa ra lời khẳng định đáng ngạc nhiên rằng việc cho tàu chiến chạy vào lãnh hải của các nước khác để ‘thể hiện quyền tự do hàng hải cũng có thể được hiểu như là đe dọa sử dụng vũ lực’ vi phạm Hiến chương Liên Hiệp Quốc và Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS).
Không đúng. Tất cả tàu thuyền (kể cả tàu chiến) được hưởng quyền đi lại vô hại ngang lãnh hải theo Điều 17 của UNCLOS. Tất cả tàu biển đều được hưởng quyền tự do hàng hải vùng biển quốc tế (biển công) và sử dụng biển hợp pháp theo luật quốc tế liên quan đến những quyền tự do này trong vùng đặc quyền kinh tế, miễn là có ‘chú ý thích đáng’ đến quyền và nghĩa vụ của các quốc gia ven biển.
UNCLOS có sự phân biệt giữa ‘đe dọa hoặc sử dụng vũ lực’ và các hoạt động quân sự thường lệ mà không vi phạm điều cấm đoán về ‘xâm lược vũ trang’. Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc và Tòa Công lý quốc tế xác định rằng hoạt động quân sự nào có tính hòa bình và không tạo thành ‘xâm lược vũ trang’ kể cả thu thập tình báo và diễn tập quân sự, thì không bị cấm bởi UNCLOS.
Tiếp đó Valencia khẳng định rằng để duy trì ‘tính trung lập’ của mình trong tranh chấp Biển Đông, Hoa Kỳ cũng phải thách thức yêu sách của các quốc gia khác ở Biển Đông. Nhưng kể từ khi lập ra vào năm 1979, chương trình FON đã thách thức đều đặn yêu sách phi pháp của tất cả các nước. Hoa Kỳ đã thách thức các yêu sách trái luật của Việt Nam, các đồng minh của Mỹ, và dĩ nhiên cả Trung Quốc. Các hoạt động thách thức được tiến hành chống lại kẻ thù tiềm năng và đối thủ cạnh tranh, cũng như các đồng minh, đối tác và các nước khác. Chẳng hạn trong năm tài chính 2014, Hoa Kỳ đã thách thức yêu sách quá đáng của 7 đồng minh, 7 nước đối tác, 3 đối thủ, và 2 nước không liên kết. Valencia có thể thấy nhẹ người khi biết rằng các hoạt động hiện nay của Mỹ ở Biển Đông sẽ thách thức yêu sách quá mức tất cả các nước.
Valencia cũng cảnh báo rằng một hoạt động FON ở gần các đảo nhân tạo của Trung Quốc là ‘nguy hiểm’ và ‘cũng có thể gây phản tác dụng’ nếu tàu và máy bay Trung Quốc đối đầu với các tàu Mỹ tiến hành hoạt động này. Valencia cảnh báo, một cuộc đối đầu như vậy sẽ buộc Hoa Kỳ ‘tiến tới’ và leo thang rủi ro hoặc ‘im lặng’ và lùi bước, ‘điều đó sẽ cho thấy sự yếu kém, làm hỏng danh tiếng và tạo ra nghi ngờ về cam kết của Mỹ với bạn bè và các đồng minh’.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter đã nhiều lần tuyên bố rằng, Hoa Kỳ sẽ cho máy bay và tàu di chuyển và hoạt động bất cứ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép. Chúng tôi sẽ làm điều đó vào những thời điểm và địa điểm theo lựa chọn của chúng tôi, và không có ngoại lệ cho việc đó, kể cả Biển Đông. Ngoại trưởng Carter đã nêu rõ Hoa Kỳ cam kết lâu dài đối với tự do hàng hải. Bây giờ việc Mỹ không thực hành quyền hàng hải và quyền tự do ở Biển Đông chắc chắn sẽ cho thấy sự yếu đuối, làm thiệt hại danh tiếng của Mỹ ở châu Á Thái Bình Dương và làm sống dậy những nghi ngờ về cam kết của chính quyền Mỹ đối với an ninh khu vực.
Ngoài ra, Valencia tin rằng Hoa Kỳ đánh giá thấp ‘nhiệt tình của phong trào dân tộc chủ nghĩa của Trung Quốc’ và rằng việc tiến hành các hoạt động FON có thể dẫn đến một cuộc xung đột vũ trang quốc tế. Là một quốc gia biển, an ninh quốc gia và kinh tế của Mỹ luôn luôn phụ thuộc vào việc sử dụng an toàn và chắc chắn các đại dương trên thế giới. Hoa Kỳ thường đi tới chiến tranh để bảo vệ quyền lợi trên biển của mình. Có lẽ Trung Quốc không đánh giá cao sự nhiệt tình của Hoa Kỳ trong việc bảo vệ quyền chạy tàu khắp các đại dương trên thế giới – một sự tự do vốn có được luật pháp quốc tế bảo đảm cho mọi nước. Cũng còn câu hỏi liệu Trung Quốc có đang chuẩn bị cho xung đột vũ trang hay không. Điều đó sẽ thổi bùng chủ nghĩa dân tộc trong nước, nhưng Trung Quốc sẽ thấy chính mình bị bao vây và cô lập nếu họ dấn vào một động thái liều lĩnh như vậy.
Cuối cùng, Valencia chỉ ra rằng ‘Trung Quốc chưa bao giờ đe dọa tự do hàng hải thương mại’ và rằng Hoa Kỳ có vẻ sẵn sàng mạo hiểm cuộc xung đột qua việc ‘gộp làm một quyền tự do hàng hải thương mại với các quyền của tàu và máy bay quân sự thực hiện thăm dò tình báo khiêu khích’. Valencia lại sai lầm lần nữa. Tất cả tàu thuyền và máy bay được hưởng các quyền và tự do di chuyển được UNCLOS và luật pháp quốc tế bảo đảm cho tất cả các nước. Các quyền tự do hàng hải thương mại và tự do hàng hải quân sự là một và như nhau.
Chương trình FON Mỹ không có tính khiêu khích. Các hoạt động được cố ý hoạch định và thực hiện một cách chuyên nghiệp theo quy định của luật pháp quốc tế, không mời gọi phải chú ý đến mà cũng không cố tình che giấu chúng. Chủ tịch Tập Cận Bình đã tuyên bố rằng hoạt động bồi đắp của Trung Quốc ở Biển Đông không nhằm quân sự hoá các đảo ở đó. Nếu đó là sự thật, Trung Quốc sẽ không có gì để che giấu và sẽ không cảm thấy bị đe dọa bởi sự hiện diện của các tàu chiến không khiêu khích và máy bay do thám đang hưởng quyền tự do của các vùng biển.
Captain Pedrozo là một thành viên Trung tâm nghiên cứu về luật quốc tế Stockton thuộc Cao đẳng Hải chiến và là Phó Tổng Tư vấn cho Bộ Quốc phòng Mỹ. Ông từng là Staff Judge Advocate, Bộ chỉ huy Thái Bình Dương và trợ lý đặc biệt của Thứ trưởng Quốc phòng về chính sách. Các quan điểm trình bày không nhất thiết thể hiện quan điểm của Chính phủ hoặc Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ