Từ chuyện “Quyền trẻ em” nghĩ về chuyện người lớn…
3-3-2018
Ảnh: internet
Người Việt ở Ba Lan có khoảng 40 ngàn, mà đang gia tăng. Mấy lần đã nghe chuyện người Việt ở đây gặp rắc rối trong việc dạy con; hôm qua nghe Ths Tâm lý học Ewa Grabowska, chuyên nghiên cứu về người Việt ở Ba Lan, nói chuyện với cha mẹ trẻ em người Việt về giáo dục con trong gia đình, lại thấy nhiều người vướng vào “Quyền trẻ em”. Nhân đây, thấy có đôi điều đáng suy ngẫm và chia sẻ.
1. Việt Nam vẫn rất tự hào, là nước thứ 2 ký vào Công ước về quyền trẻ em của LHQ, 1989 và năm 1990 QH đã phê chuẩn. Hiện nay các quốc gia có chân trong LHQ đã phê chuẩn Công ước này, trừ nước Mỹ. “Công ước Liên Hiệp quốc về quyền trẻ em là một công ước quốc tế quy định các quyền dân sự, chính trị, kinh tế, xã hội và văn hóa của trẻ em. Các quốc gia phê chuẩn công ước này chịu ràng buộc của các quy định công ước này theo luật quốc tế.”… (WikipediA”). Tuy nhiên ở VN, QH phê chuẩn xong là “xong”, không biết có giám sát gì không? Và Đảng, Chính phủ chắc cũng ít để ý, nên như ta thấy điều kiện trẻ em học hành, chữa bệnh, vui chơi và bị ngược đãi ra sao; trong khi Chính phủ sẵn sàng phê duyệt các dự án xây trụ sở hoàng tráng, tượng đài, nghĩa trang ngàn tỉ và biết bao chuyện tiêu xài lãng phí…
Đặc biệt là trẻ em chưa được giáo dục đầy đủ, rõ ràng về Quyền trẻ em, và xã hội nói chung, những người làm cha mẹ, nói riêng, hầu như chả ai quan tâm đến cái Công ước “khỉ gió” này! Vì thế khi họ sang một nước Dân chủ như Ba Lan mới lắm chuyện.
2. Người Việt sang Ba Lan, nhiều người vẫn đem quan niệm dạy con: “Tao đẻ ra mày, tao vất vả nuôi mày khôn lớn, vậy tao có quyền dạy mày theo cách của tao; người ngoài đừng có xía vô”. Có người còn nói: “Tao biết mày láo thế này thì đừng đẻ ra mày, đừng đem mày sang đây còn hơn”!… Cách dạy con của người Việt là quen áp đặt quan niệm, suy nghĩ, cách hành xử của mình lên con trẻ; nó phục tùng, tuân theo thì được coi là “NGOAN”; nếu nó cãi lại, phản đối, không tuân theo những điều áp đặt vô lý, thì bị khép vào tội “HƯ, MẤT DẠY” và bị trừng phạt bằng chửi mắng, đe dọa, đánh đập, bắt nhốt vào phong tối, cắt Wifi, thu điện thoại, lục cặp sách, phòng ngủ của trẻ, cấm không cho giao lưu với bạn, đe dọa không được nói cho giáo viên và người ngoài biết chuyện… Bao đời nay ở VN, cha mẹ vẫn tự cho mình cái QUYỀN như vậy, chả sao cả, trừ khi bố mẹ đánh con trọng thương, bỏ đói tàn tệ… dư luận xã hội mới lên án và cơ quan pháp luật có thể sờ tới…
Nhưng trẻ ở Ba Lan, từ tuổi Mẫu giáo, Tiểu học đã được tôn trọng nhân cách, đặc biệt là quyền tư do suy nghĩ, tự do biểu đạt, tự do bầy tỏ chính kiến… Đến lớp 3 lớp 4 trẻ đã được giáo dục về Quyền trẻ em. Chúng có ý thức rõ rệt về những quyền của mình, “không ai được xâm phạm”. Cho nên tất cả các cách giáo dục áp đặt của cha mẹ, như nói trên đều bị trẻ em “tố cáo” hết với giáo viên và theo Công ước về Quyền trẻ em thì đó đều là các hình thức BẠO HÀNH trẻ em. Những vi phạm đó, nhẹ thì nhà trường mời lên góp ý (thực ra là cảnh cáo), năng thì bị CA mời lên “làm việc” (coi như có tiền sự), nếu tái phạm nghiêm trọng, cha mẹ có thể bị tước quyền nuôi con, con bị đưa về trại trẻ (có thể theo thời hạn).
Có trường hợp một người cha bị nhà trường mời lên làm việc, vì con tố cáo, bố dùng gậy đe dọa trừng phạt con. Người cha nói, tôi chỉ để cái que để dọa con, chứ chưa đánh nó bao giờ. Nhưng trường kết luận: Đó là hình thức bạo hành tâm lý, khủng bố tinh thần đứa trẻ. Nếu đứa trẻ cảm thấy tiếp tục bị đe dọa, dù dưới hình thức nào, CA có thể mời làm việc.
Có trường hợp, bố mẹ vừa giơ tay định đánh, con cầm điện thoại, bảo gọi CA, thế là bố mẹ “xẹp” luôn!
Tất nhiên, tự do quá trớn cũng có đôi điều không hay, nhưng rõ ràng, trẻ càng được tôn trọng, được tự do phát triển, trải nghiệm cả những sai lầm, càng giúp trẻ trưởng thành, biết làm chủ bản thân một cách có trách nhiệm. Cả xã hội Ba lan thật an lành, đời sống học đường thân thiện, hồn nhiên, ít khi có bạo lực…
3. Nhưng vấn đề muốn nói ở đây là:
– Chính quyền Việt Nam không đẻ ra Dân, không nuôi Dân (ngược lại Chính quyền là do Dân “đẻ ra”, Dân nuôi – Dân không được quyền “đẻ” thì đó là con ngoài giá thú, mà vẫn phải nuôi), nhưng cái chính quyền ấy lại coi mình hơn cả bố mẹ Dân. Cấm Dân được đòi quyền Tự do, Dân chủ, Nhân quyền, cấm đọc “Chính trị bình dân”…; Cấm tự do tư tưởng, tự do biểu đạt, tự do phản biện; tự do hội họp bạn bè, vu khống người có ý kiến khác là “phản động”, “thế lực thù đich”, bôi nhọ, đe dọa, bao vậy, cấm đoán, cắt điện, bắt bớ, khủng bố tinh thần, đánh đập, bỏ tù, đầy đọa, cấm người này không được về quê hương; bắt người khác trục xuất khỏi gia đình, đất nước của mình…Chính quyền tự cho mình quyền sinh, quyền sát với Dân, gấp mấy lần bố mẹ nghiên ngập, vô văn hóa bạo hành con cái!
– Tại sao người dân cam chịu nhẫn nhục như vậy? Vì không chịu học hỏi để hiểu biết, giác ngộ về quyền sống, quyền làm người, quyền tư do, dân chủ sống xứng đáng là công dân của một nước độc lập. Không giác ngộ thì cũng không đủ dũng khí đấu tranh cho lẽ phải, cho quyền sống của mình. Nếu những đứa trẻ không hiểu Quyền của trẻ em và không “MẤT DẠY” tố cáo những sai trái của bố mẹ, thì chúng cứ nhẫn nhục mà chịu đựng. Cha mẹ chúng cứ ung dung tự mãn có “con NGOAN”… đâu phải cảm “tự cải tạo mình để tồn tại”?
Nhưng quan trọng hơn, đó là vì có nhà trường và CA giám sát việc thực thi Luật về quyền trẻ em; họ là nơi lắng nghe, tiếp nhận các tố cáo và có quyền trừng phạt những người vi phạm Quyền trẻ em. Nếu những lời tố cáo chẳng có ai nghe, hoặc tệ hơn CA và Giáo viên lại về hùa với bố mẹ, mật báo lại cho bố mẹ để trừng phạt đứa tố cáo, thì công lý sẽ đảo điên, các mối quan hệ trẻ em – gia đình – nhà trường – CA… sẽ rối loạn. Hệ lụy là văn hóa, đạo đức, kỷ cương, niềm tin xã hội sẽ tan rã!
Nhưng quan trọng hơn, đó là vì có nhà trường và CA giám sát việc thực thi Luật về quyền trẻ em; họ là nơi lắng nghe, tiếp nhận các tố cáo và có quyền trừng phạt những người vi phạm Quyền trẻ em. Nếu những lời tố cáo chẳng có ai nghe, hoặc tệ hơn CA và Giáo viên lại về hùa với bố mẹ, mật báo lại cho bố mẹ để trừng phạt đứa tố cáo, thì công lý sẽ đảo điên, các mối quan hệ trẻ em – gia đình – nhà trường – CA… sẽ rối loạn. Hệ lụy là văn hóa, đạo đức, kỷ cương, niềm tin xã hội sẽ tan rã!
– Từ chuyện Quyền trẻ em nêu trên có thể suy ra tình cảnh Dân ta bị o ép nhường nào, khi phải một mình đối diện với một chính quyền mà mọi lực lượng Lập pháp, Hành pháp, Tư pháp, Tuyên truyền, báo chí, đoàn thể đều về hùa với nhau, quy về một mối. Cứ nhìn vào người Dân xã Đồng Tâm thì rõ, mọi lực lượng ăn lương của dân, đều đứng về phía chính quyền Hà Nội, cô lập người dân dám đấu tranh, tố cáo bọn tham nhũng. Cả Hệ thống chính trị của Trung ương và Hà Nội, giờ đây đồng loạt, coi như không nghe, không thấy, không biết có “chuyện Đồng Tâm”!
Vậy đó, nhìn vào chuyện trẻ con lại hiểu rõ hơn chuyện người lớn, chỉ cần lắng nghe, thành thật suy nghĩ một chút.