Từ Âu sang Á đồng loạt bác bỏ “đường chín đoạn” của Trung Quốc
Thứ Sáu, 04/12/2020 – Trong năm nay, Anh, Pháp và Đức nằm trong số ít nhất chín nước đã đưa ra tuyên bố phản đối những yêu sách bất hợp pháp của Bắc Kinh tại biển Đông trước quan ngại với chủ nghĩa bành trướng của Bắc Kinh trên biển.
Trung Quốc tuyên bố có “quyền lịch sử” đối với những vùng nước nằm trong cái gọi là “đường chín đoạn”, bao trọn gần như toàn bộ biển Đông. Trong tháng Chín, ba nước châu Âu, vốn không có bất cứ liên quan gì về tranh chấp lãnh thổ với Bắc Kinh, đã gửi công hàm chung tới Liên Hợp Quốc bác bỏ ý đồ này.
Các nước viết, những yêu sách của Bắc Kinh “không tuân thủ luật pháp quốc tế và các điều khoản của UN (Công ước về luật Biển),” nhấn mạnh rằng “không có cơ sở pháp lý nào cho các quốc gia lục địa coi các quần đảo hoặc các đặc trưng biển như một tồn tại của tổng thể.”
“Tất cả các khiếu nại hàng hải tại biển Đông cần được thực hiện và được giải quyết một cách hoà bình phù hợp với các nguyên tắc và quy tắc của UNCLOS,” tuyên bố nêu rõ.
Năm 2016, một toà án quốc tế tại Hague đã tuyên bố rằng “đường chín đoạn” thiếu cơ sở pháp lý, nhưng Trung Quốc từ chối chấp thuận phán quyết. Giữa tháng 9, Bắc Kinh đã bác bỏ tuyên bố của ba quốc gia châu Âu, khẳng định rằng “chủ quyền lãnh thổ, quyền và lợi ích trên biển của họ ở biển Đông đã được thiết lập trong quá trình lịch sử lâu dài.”
Các nước châu Âu từ lâu đã lưỡng lự về việc đưa ra lập trường mạnh mẽ đối với vấn đề biển Đông do quan hệ của họ với Trung Quốc cũng như sự xa cách địa lý với vùng biển. Nhưng gần đây, châu Âu đã bất ngờ gia tăng áp lực để đối phó với sự thiếu minh bạch của Trung Quốc liên quan đến dịch virus corona, cũng như Luật An ninh quốc gia bao trùm Hồng Kông.
Liên minh châu Âu đã đề nghị Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tuân thủ luật quốc tế tại biển Đông trong Hội nghị thượng đỉnh hồi tháng Chín.
Trong số 9 quốc gia gửi tuyên bố bác bỏ các yêu sách của Trung Quốc với Liên Hợp Quốc, Philippines, Việt Nam và Malaysia đều có những yêu sách cạnh tranh với Trung Quốc tại biển Đông và nằm trong số những quốc gia đầu tiên thực hiện việc này.
Trong tháng 5, Indonesia đã gửi một công hàm tương tự. Trong khi hai bên đồng ý rằng vùng nước của Indonesia nằm ngoài đường chín đoạn, hiện vẫn còn tồn tại một vài vùng chồng lấn giữa tuyên bố của Trung Quốc và vùng kinh tế đặc quyền của Indonesia cạnh quần đảo Natuna.
Úc và Mỹ – hai nước không có tranh chấp lãnh thổ nào với Bắc Kinh tại biển Đông, cũng đã gửi công hàm phản đối. Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Mike Pompeo nói hồi tháng Bảy rằng những yêu sách của Trung Quốc “hoàn toàn trái pháp luật.” Một tuần sau đó, Úc tuyên bố đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc tại Biển Đông là “không có cơ sở pháp lý” và “không có giá trị”.
Hồi chuông cảnh báo ngày càng lớn từ Âu tới Á đối với Trung Quốc có thể cản trở sáng kiến xây dựng cơ sở hạ tầng quốc tế Vành đai và Con đường của nước này. Sự phản đối mạnh mẽ từ các nước không có quan hệ tranh chấp trên biển với Trung Quốc đã khuyến khích tất cả các bên đòi hỏi chủ quyền ở Biển Đông cần có những hành động và yêu sách quyết liệt hơn với Trung Quốc để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình theo luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển.
Ngân Hà T/h